Nguy cơ bong bóng trái phiếu bất động sản
Nhà đầu tư nên chọn mặt gửi vàng vào trái phiếu của những doanh nghiệp uy tín, có năng lực. trái phiếu sau phát hành cần phải được niêm yết trên thị trường chứng khoán mới minh bạch thông tin.
Để huy động vốn, ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đua nhau phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhằm thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo cơ quan quản lý cũng như chính bản thân chủ đầu tư phải kiểm soát, dự phòng những rủi ro từ thị trường, nếu không bong bóng trái phiếu sẽ xuất hiện.
Đua nhau phát hành trái phiếu
Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho thấy chỉ trong sáu tháng đầu năm 2020, các DN trong lĩnh vực BĐS phát hành 45.590 tỉ đồng trái phiếu, tương đương khoảng 2 tỉ USD. Trong khi cả năm 2019, khối DN BĐS huy động tổng cộng cũng chỉ 57.000 tỉ đồng bằng trái phiếu.
Đáng chú ý, các DN địa ốc còn thực hiện chu kỳ phát hành trái phiếu với tốc độ vừa nhanh vừa dày. Lãi suất bình quân trái phiếu DN phát hành sơ cấp hiện dao động 10,1%-11,2%/năm với kỳ hạn tăng dần từ 12 tháng đến năm năm. Nhiều DN còn đặt ra mức lãi suất lên tới 14%-15%.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam đã thực hiện tới 60 đợt phát hành với lượng vốn huy động hơn 2.900 tỉ đồng.
Hay như Công ty Saigon Glory (công ty con của Tập đoàn Bitexco) cũng huy động thêm 1.000 tỉ đồng kỳ hạn 36 tháng trong tháng 7. Kênh đầu tư hưởng lợi tức cố định theo các kỳ hạn khác nhau, lợi tức trái phiếu thực hưởng lên tới 11%/năm. Trước đó, DN này đã huy động thành công 3.000 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm.
Công ty CP Kita Invest cũng huy động hơn 100 tỉ đồng trong tháng 7, nâng tổng giá trị phát hành lên 2.300 tỉ đồng trong bảy tháng đầu năm nay.
Một số DN BĐS còn đưa ra trái phiếu với lãi suất hấp dẫn như Công ty cổ phần BĐS Hưng Lộc Phát phát hành 100 tỉ đồng, kỳ hạn 1,5 năm với lãi suất 12%/năm. Công ty cổ phần BCG Land huy động 350 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn một năm, lãi suất 12%/năm.
Lãi suất cao nhất trong nhóm trái phiếu BĐS phải nhắc đến Tập đoàn Apec. Tập đoàn này vừa thông qua phương án phát hành 30 triệu trái phiếu với lãi suất lên tới 18%, kỳ hạn năm năm cho nửa cuối năm 2020. Tổng giá trị phát hành dự kiến khoảng 3.000 tỉ đồng.
Nhà đầu tư vào trái phiếu nên chọn mặt gửi vàng, lựa chọn doanh nghiệp uy tín, năng lực, có báo cáo tài chính minh bạch. Ảnh minh họa: QUANG HUY
Video đang HOT
Coi chừng vỡ trận
Kinh nghiệm nhiều năm đầu tư trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Minh Tiến (quận 3, TP.HCM) cho biết lãi suất của trái phiếu BĐS đang được nhà đầu tư đánh giá cao, đầy hấp dẫn khi cao hơn hai lần so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, ông Tiến cũng e ngại tốc độ tăng trưởng quá nhanh của thị trường trái phiếu vì lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. “Tôi chỉ đầu tư vừa phải, chọn những chủ đầu tư uy tín, có năng lực, đặc biệt chọn những DN có báo cáo tài chính minh bạch” – ông Tiến chia sẻ.
Theo đánh giá của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, thị trường trái phiếu BĐS đang đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng sau khoảng thời gian dài tăng trưởng nóng và xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường. Nếu thị trường trái phiếu BĐS không có động thái kiểm soát tốt có thể sẽ dẫn tới vỡ bong bóng.Kịch bản này sẽ lặp lại bức tranh cách đây gần 10 năm khi bong bóng trái phiếu BĐS vỡ sau một giai đoạn ngắn tăng trưởng nóng.
Phân tích về nguy cơ này, ông Hiếu chỉ ra nguyên nhân thứ nhất là thị trường trái phiếu BĐS tăng trưởng nóng trong thời gian ngắn, chu kỳ phát hành trái phiếu với tốc độ vừa nhanh vừa dày. Thứ hai, DN phát hành trái phiếu BĐS với lãi suất cao gần gấp đôi lãi suất tiết kiệm.
Nguy cơ bong bóng trái phiếu có thể xảy ra vì xuất hiện dấu hiệu bất thường như DN phải đảo nợ. Nhiều DN đang phải đảo nợ khi không thể thanh khoản cho trái chủ. Điển hình như một công ty BĐS tại TP.HCM vừa phát hành trái phiếu đúng thời điểm trái phiếu cũ đến kỳ trả nợ. Đây là hình thức đảo nợ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Ngoài ra, theo ông Hiếu, thị trường BĐS đang bất định, DN làm ăn khó. Nguy cơ vỡ bong bóng sẽ dễ xảy ra bất cứ lúc nào khi tốc độ phát hành trái phiếu thời gian vừa qua quá nhanh trong khi thị trường khó khăn, dự án mới khan hiếm, lợi nhuận của DN địa ốc giảm. “Cần soi kỹ tài chính, năng lực của DN mà mình đầu tư. Xem dự án DN đó đã và đang triển khai, thông tin phải minh bạch” – ông Hiếu nói.
Khi DN không thể trả lãi suất như cam kết cho khách hàng thì nhà đầu tư chịu thiệt nhiều nhất. Vì thế, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng trái phiếu không phải là sân chơi của nhà đầu tư cá nhân. Nguyên nhân là do trái phiếu DN thường huy động trong thời gian dài 2-5 năm nên khó có thể rút vốn khi cần.
Nhà nước cần có hành lang pháp lý rõ ràng và cơ chế giám sát trong thị trường này. “Nhà nước chỉ cần quy định các ngân hàng thương mại không được thế chấp tài sản bằng trái phiếu để kiểm soát việc các ngân hàng thương mại tham gia thị trường này theo đường vòng” – ông Hiển nói.
Siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Nghị định số 81/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018 về phát hành trái phiếu DN chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2020.
Theo nghị định này, bắt buộc DN phát hành trái phiếu phải cách nhau tối thiểu sáu tháng, tương ứng mỗi DN chỉ có thể phát hành 1-2 đợt/năm. Dù DN có thể tách nhiều lần phát hành trong mỗi đợt nhưng quy định mới cũng yêu cầu mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin.
Những quy định mới sẽ chấm dứt thực trạng tồn tại lâu nay của thị trường trái phiếu DN là DN không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Tại thời điểm này, việc siết lại thị trường trái phiếu trong năm nay và năm tới là cần thiết và hợp lý. Nghị định số 81/2020 sẽ góp phần bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia mua trái phiếu DN, đồng thời loại bỏ DN làm ăn theo kiểu chụp giật. Chuyên gia tài chính NGUYỄN TRÍ HIẾU
Cẩn trọng trái phiếu doanh nghiệp lãi cao
Trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao đang là kênh đầu tư mới, thu hút nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn dịch Covid-19 nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh, lãi suất gửi tiết kiệm giảm, chứng khoán kém sôi động, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã chọn trái phiếu doanh nghiệp (DN) để hưởng lãi suất cao. Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư - nhất là nhà đầu tư cá nhân - mới nên mua trái phiếu, không mua chỉ vì lãi suất cao.
Vượt khả năng thẩm định của cá nhân
Có khoảng 500 triệu đồng tiền nhàn rỗi, chị Minh Vy (ngụ quận 1, TP HCM) thường gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm. Hồi đầu năm, lãi suất tiền gửi tại một ngân hàng (NH) cổ phần quy mô vừa nơi chị hay giao dịch khoảng 8,2%/năm nhưng hiện nay, biểu lãi suất mới nhất chỉ còn 6,6%/năm lãi cuối kỳ. Lãi suất tiền gửi cũng có xu hướng giảm tiếp ở nhiều NH thương mại.
"Tôi thấy một số DN đang phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động vốn với lãi suất khá cao, 10%-11,5%/năm, nên tính tìm hiểu" - chị Minh Vy nói.
Phát hành trái phiếu đang là kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo nhiều chuyên gia, mua trái phiếu DN để hưởng lãi suất cao đang trở thành một kênh đầu tư mới trên thị trường trong thời gian gần đây. Ghi nhận từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 7-2020, hàng loạt DN tiếp tục công bố kết quả phát hành trái phiếu DN riêng lẻ để huy động vốn tương đương hàng ngàn tỉ đồng, với mức lãi suất phổ biến từ 10%-11,5%/năm.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va vừa huy động thành công 500 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu DN với lãi suất cho kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm, các kỳ tiếp theo lãi suất linh động nhưng cũng không thấp hơn 11%/năm.
Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam cũng vừa phát hành trái phiếu DN theo phương thức riêng lẻ để huy động 500 tỉ đồng, với lãi suất cố định 10,5%/năm. Công ty TNHH Saigon Glory thông báo đã huy động được 1.000 tỉ đồng qua kênh trái phiếu DN với lãi suất năm thứ nhất kể từ ngày phát hành là 11%/năm. Công ty CP Bất động sản Mỹ cũng đã huy động xong 50 tỉ đồng qua phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất 10,2%/năm cho nhà đầu tư cá nhân...
Báo cáo tháng 7-2020, cập nhật nhanh về tác động của kênh trái phiếu DN đến lãi suất tiền gửi của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy tổng lượng trái phiếu DN phát hành trong nửa đầu năm 2020 ước tính ở mức 159.000 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỉ đồng trái phiếu DN trên sơ cấp, tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm ngoái.
Đáng chú ý, các DN bất động sản tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua. Trong khi đó, các công ty chứng khoán, NH thương mại cũng đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu DN cho nhà đầu tư cá nhân. Theo SSI, hiện chưa có đơn vị trung gian độc lập định hạng các trái phiếu DN, việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của nhà đầu tư cá nhân.
Nhiều rủi ro
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank Kim Eng, nhận định hiện tổng giá trị trái phiếu DN lưu hành đang hướng tới con số 800.000 tỉ đồng, trong đó hơn một nửa trái phiếu DN do các NH nắm giữ. Phần còn lại do các tổ chức phi tín dụng và cá nhân nắm giữ, tỉ lệ này đã tăng hơn 150% trong năm ngoái và tiếp tục tăng khoảng 25% trong nửa đầu năm nay...
Những con số trên phản ánh đây là một kênh đầu tư mới cho các nhà đầu tư cá nhân, bên cạnh kênh truyền thống như vàng, chứng khoán, bất động sản nhờ lãi suất cao trong bối cảnh lãi suất NH và lãi suất trái phiếu Chính phủ ngày càng giảm.
Về lý do nhóm DN phát hành trái phiếu có lãi suất cao tập trung vào nhóm DN bất động sản, ông Phan Dũng Khánh giải thích do bất động sản đang bị các NH hạn chế cho vay. Thực tế, nhiều công ty phát hành trái phiếu với quy mô gấp hàng chục, hàng trăm lần vốn chủ sở hữu hay vốn điều lệ. Như năm 2019, Công ty CP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng tại TP HCM đã phát hành thành công hơn 1.400 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, với lãi suất kỷ lục 20%/năm dù DN này chỉ mới thành lập từ cuối năm 2016 với số vốn điều lệ vỏn vẹn 5 tỉ đồng.
Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục cảnh báo rủi ro khi các công ty chứng khoán, NH thương mại đang có dấu hiệu chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không chuyên mua trái phiếu DN bằng mọi giá. Đặc biệt, sau khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17-6 đã cấm đối với nhà đầu tư không chuyên mua bán trái phiếu DN phát hành riêng lẻ từ đầu năm 2021. Theo Bộ Tài chính, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu DN phát hành gặp khó khăn.
Tại Nghị định số 81/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu DN vừa được Chính phủ ban hành, nhiều quy định theo hướng siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu DN.
Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh, nhìn nhận với các quy định tại Nghị định 81, Chính phủ đang khuyến khích nhà đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức tham gia mua trái phiếu DN. Bởi nhà đầu tư chuyên nghiệp có khả năng thẩm định về tiềm năng của trái phiếu DN trước khi mua, trong khi không ít nhà đầu tư cá nhân thiếu cả dữ liệu, thông tin lẫn kinh nghiệm, khả năng phân tích tiềm lực của DN.
"Nhiều nhà đầu tư cá nhân chọn mua trái phiếu DN vì lãi suất cao nhưng nếu công ty phát hành hoạt động kém hiệu quả, yếu về tiềm lực tài chính, thậm chí phá sản, khi đó nhà đầu tư mất vốn" - TS Huỳnh Trung Minh nói.
Chuyên gia Phan Dũng Khánh khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân cần yêu cầu DN hoặc tổ chức phân phối cung cấp thông tin để đánh giá tình hình DN, hiệu quả của các dự án, khả năng trả nợ, năng lực ban lãnh đạo... Sau đó là chính sách cho sản phẩm trái phiếu như cam kết mua lại trước hạn (nếu có), các mức phí phải chịu. Cần lưu ý trong một số trường hợp, mức phí bán lại trái phiếu trước hạn có thể ăn mòn hết phần chênh lệch của lãi suất.
Không chào mời phân phối trái phiếu bằng mọi giá
Bộ Tài chính khuyến nghị các tổ chức phân phối trái phiếu không chào mời phân phối trái phiếu bằng mọi giá cho nhà đầu tư. Tổ chức phân phối có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư về tình hình tài chính của DN phát hành, mục đích phát hành, tài sản bảo đảm, đặc điểm, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết, nghĩa vụ của DN phát hành và tổ chức phân phối.
Doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu trước giờ "G", chấp nhận lãi suất cao hơn Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp tháng 8 vẫn ở mức cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng có xu hướng chấp nhận lãi suất cao hơn so với tháng 7. Ảnh minh họa. Tháng 8 vẫn sôi động Trong tháng 08/2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành ra thị trường đạt 40.399 tỷ đồng, tăng 0,7%...