Nguồn thu duy nhất còn sót lại cho nền kinh tế Gaza
Vòng xoáy bạo lực mới nhất giữa Israel và lực lượng Phong trào Hồi giáo Hamas đã hoàn toàn phá huỷ nền kinh tế Dải Gaza.
Cảnh đổ nát sau các cuộc oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza, ngày 22/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Dẫn lời các chuyên gia, đài truyền hình CNBC ngày 23/11 đưa tin tình hình leo thang hiện tại của cuộc xung đột, bắt đầu vào ngày 7/10, đã tước đi nguồn thu nhập chính của vùng lãnh thổ Gaza – khả năng tiếp cận thị trường lao động của Israel.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, trong tháng qua, khoảng 182.000 người Gaza, chiếm 61% lực lượng lao động, đã mất việc làm. Với tỷ lệ thất nghiệp của khu vực này thuộc hàng cao nhất thế giới với hơn 40% ngay cả trước khi xảy ra xung đột, con số này đồng nghĩa với việc gần như toàn bộ dân số Gaza không có việc làm.
“Nền kinh tế của Gaza phụ thuộc 100% vào hai nguồn thu: viện trợ nước ngoài và tiếp cận thị trường lao động của Israel. Nguồn thu sau hiện giờ đã biến mất và có khi là biến mất vĩnh viễn. Nguồn thu duy nhất còn lại là viện trợ nước ngoài”, Marko Papic, chiến lược gia tại tập đoàn tư vấn Clocktower Group, trả lời phỏng vấn đài CNBC.
Theo Liên hợp quốc, trước ngày 7/10, 80% người dân Gaza sống dựa vào viện trợ quốc tế. Vòng xoáy bạo lực leo thang đang diễn ra đã khiến gần 15.000 người Palestine thiệt mạng và khoảng 1,5 triệu người phải di dời.
Video đang HOT
Trong 15 năm qua, kể từ khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa trên không, trên bộ và trên biển đối với vùng đất này sau khi phong trào Hamas giành được quyền kiểm soát, nền kinh tế của Gaza gần như trì trệ.
Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Palestine cảnh báo Palestine sẽ chỉ có thể hồi sinh nền kinh tế trừ khi có sự hỗ trợ từ bên ngoài.
“Điều cần thiết là một số hình thức thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột phải được thực hiện. Và trong thỏa thuận, một số quốc gia Arab vùng Vịnh và Saudi Arab có thể sẽ đứng ra gánh chịu phần lớn chi phí tái thiết cho Gaza trong tương lai”, chuyên gia Papic nhận định.
Bloomberg: Mỹ có thể triển khai lính gìn giữ hòa bình ở Gaza
Mỹ và các đồng minh của Israel được cho là đang thảo luận về khả năng triển khai lực lượng quốc tế tại vùng lãnh thổ Gaza của Palestine.
Người dân Palestine tìm kiếm người gặp nạn tại một tòa nhà bị trúng không kích ngày 31/10. Ảnh: AP
Hãng Bloomberg trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết giới chức Mỹ và Israel đang cân nhắc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế cho Gaza nếu Israel xóa sổ phong trào Hồi giáo Hamas. Trong đó, có khả năng quân đội Mỹ sẽ tham gia lực lượng trên.
Những ngày gần đây, khi Israel tăng cường tấn công sâu hơn vào Dải Gaza, Washington và Tel Aviv đã nghiên cứu các phương án cho tương lai của vùng đất này, trong đó có một số thỏa thuận gìn giữ hòa bình khác nhau.
"Một phương án là trao quyền giám sát tạm thời Gaza cho các quốc gia trong khu vực, được quân đội từ Mỹ, Anh, Đức và Pháp hậu thuẫn. Lý tưởng nhất là bao gồm đại diện từ các quốc gia Arab như Saudi Arabia hoặc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất", Bloomberg đưa tin.
Mặc dù nhiều quan chức nhấn mạnh rằng các đàm phán vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng trong những bình luận gần đây với các nhà lập pháp, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken lại ám chỉ việc Washington tham gia sâu vào kế hoạch này.
"Chúng ta không thể đảo ngược tình trạng hiện tại khi Hamas đang điều hành Gaza. Chúng tôi cũng không thể để Israel điều hành hoặc kiểm soát Gaza", Ngoại trưởng Mỹ phát biểu tại phiên điều trần tại Thượng viện ngày 31/10. Có nhiều khả năng khác nhau mà chúng tôi cùng các quốc gia khác đang xem xét rất kỹ lưỡng".
Mặc dù ông Blinken không nêu chi tiết về những kế hoạch trên, nhưng nguồn tin của Bloomberg cho rằng trong đó sẽ tính đến việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình theo mô hình hiệp ước hòa bình năm 1979 giữa Israel và Ai Cập. Khi đó, Lực lượng đa quốc gia và quan sát viên (MFO) đã giám sát các khu vực của Bán đảo Sinai. Một quan chức cho biết,chính phủ Israel tin rằng ý tưởng đó đáng được cân nhắc.
Theo một phương án khác, Liên hợp quốc sẽ được trao "quyền quản lý tạm thời" đối với Gaza, mặc dù phía Israel coi kế hoạch là không thực tế.
Khi công bố chiến dịch trên bộ của Israel tại Gaza, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cho biết nước này đang tìm cách tiêu diệt Hamas và tạo ra một chế độ an ninh mới. Ông nhấn mạnh rằng Israel không nên chịu trách nhiệm về cuộc sống thường ngày ở Dải Gaza, ám chỉ rằng nước này sẽ tìm cách giao quyền quản lý cho bên thứ ba.
Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang do dự về vấn đề điều quân, dù chỉ là một đội quân nhỏ, do không muốn đặt quân đội Mỹ vào tình thế nguy hiểm. Và nhà lãnh đạo này vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Mặc dù Nhà Trắng đã thảo luận về vấn đề cần thiết phải thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền sau khi chấm dứt xung đột, nhưng vấn đề làm thế nào để đạt được mục tiêu đó hầu như không được đề cập trong các cuộc thảo luận giữa các quan chức Mỹ.
Đợt bùng phát bạo lực mới nhất ở Gaza nổ ra sau vụ tấn công xuyên biên giới của phong trào Hamas vào ngày 7/10, khiến khoảng 1.400 người Israel, hầu hết là dân thường, thiệt mạng. Suốt nhiều tuần qua, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã không ngừng không kích vào dải đất chật hẹp này, khiến hơn 8.000 người thiệt mạng.
Ngày 29/10, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố chiến dịch tấn công trả đũa Hamas của Israel đã bước sang giai đoạn thứ hai, đánh dấu bằng việc binh sĩ và xe tăng Israel tiến sâu vào Gaza. Chiến dịch này được dự kiến kéo dài nhiều tháng.
Người đứng đầu nội các Israel nói thêm rằng cuộc chiến sẽ "kéo dài và khó khăn, và chúng tôi đã sẵn sàng. Đây là cuộc Chiến tranh giành độc lập thứ hai của chúng ta. Chúng ta sẽ chiến đấu để bảo vệ quê hương. Chúng ta sẽ chiến đấu và sẽ không rút lui".
Xung đột Hamas-Israel: Đức kêu gọi Israel không bỏ lỡ cơ hội hòa bình với thế giới Arab Ngày 10/11, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kêu gọi Israel không bỏ lỡ "cơ hội lịch sử" để đạt được hòa bình với các quốc gia Arab, trong bối cảnh xung đột leo thang giữa nước này và Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại cuộc họp báo ở Yerevan, Armenia, ngày 3/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN...