‘Người vợ ba’ ngừng chiếu – có gì ngoài cảnh nóng 18+?
Dịu dàng, nữ tính và đậm chất thơ, đó là những gì khán giả có thể thốt lên sau khi thưởng thức trọn vẹn bộ phim ‘ Người vợ ba’ của nữ đạo diễn Ash Mayfair.
*** Lưu ý bài viết có tiết lộ nội dung, độc giả cân nhắc trước khi đọc
Những ngày gần đây, sự ra mắt của bộ phim nghệ thuật Người vợ ba của đạo diễn Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) đã gây ra một cuộc tranh cãi kịch liệt về việc để nữ chính 13 tuổi diễn cảnh nóng trong phim. Trước những ồn ào của dư luận, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Cục Điện ảnh kiểm tra quy trình cấp phép phát hành bộ phim này. Đồng thời, Nhà sản xuất bộ phim cũng chủ động xin rút phim khỏi các cụm rạp để những ồn ào, tranh cãi không đi xa hơn.
Ngay từ đầu, nhà sản xuất bộ phim đã xác định phim làm ra để đi tranh giải chứ không nhằm mục đích thương mại nên không quá đặt nặng vấn đề doanh thu. Trước khi về Việt Nam, trong một năm qua phim đã được ‘chu du’ 28 nước và mang về 9 giải thưởng quốc tế, Giải phim châu Á xuất sắc nhất LHP Quốc tế Toronto, Đạo diễn trẻ xuất sắc nhất danh cho Ash Mayfair tại Liên hoan phim quốc tế Chicago, Phim có đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Cairo,… Các nhà phê bình uy tín và báo chí quốc tế cũng dành rất nhiều lời khen có cánh cho bộ phim này.
Việc một bộ phim nghệ thuật dán nhãn C18 được công chiếu ở Việt Nam là một sự kiện đầy bất ngờ và đáng được mong đợi. Tuy nhiên điều mà ê kíp sản xuất không thể lường trước khi phát hành ở Việt Nam, đó là làm dấy lên một cuộc tranh cãi dữ dội.
Tạm bỏ qua những lùm xùm liên quan đến cảnh nóng của nữ chính 13 tuổi, Người vợ ba có điều gì đáng xem?
Xem trailer Người vợ ba
Người vợ ba lấy bối cảnh Việt Nam ở thế kể 19 và dựa trên những sự kiện có thật xảy ra ở một vùng nông thôn miền Bắc. Phim kể về Mây ( Nguyễn Phương Trà My), một cô bé 14 tuổi được gả làm vợ ba cho một phú hộ giàu có tên Hùng ( Lê Vũ Long), đã có hai người vợ là Hà (Trần Nữ Yên Khê) và Xuân ( Maya).
Tại đây, Mây phải học cách trở thành một người phụ nữ thực sự, phải mang thai, sinh nở đau đớn khi vẫn còn ở độ tuổi thiếu nữ. Ở gia đình chồng, Mây thân thiết nhất với Xuân và có tình cảm đặc biệt với người vợ hai này.
Một câu chuyện dịu dàng, nữ tính và đậm chất thơ
Người vợ ba có một cốt truyện rõ ràng với nhiều biến cố, tình tiết nhưng lại được kể bằng thứ ngôn ngữ đậm chất thơ. Đó là một câu chuyện được kể bằng hình ảnh, tiết chế ngôn từ, không lạm dụng thoại trong việc kể chuyện. Dường như mỗi cảnh phim đều có sự chắt lọc, tính toán cẩn thận, mang tính ẩn dụ cao.
Mở đầu bộ phim là hình ảnh Mây ngồi trên thuyền hoa về nhà chồng. Chiếc thuyền trôi lơ đãng như bắt đầu từ một điểm mơ hồ nào đó trong lịch sử, mang đến một câu chuyện mênh mang, không đầu không cuối. Ngồi chính giữa chiếc thuyền ấy là một gương mặt còn non như nụ hoa mới hé, như búp trên cành. Cảnh núi đá hai bên sông dập dềnh theo điểm nhìn của nhân vật.
Hình ảnh Mây đưa bàn tay khua nhẹ mặt nước gợi sự liên tưởng rất mạnh đến phận người nước chảy bèo trôi, lênh đênh chìm nổi giữa dòng như những câu ca dao về ‘thân em’. ‘Thân em như thể cánh bèo/ Ngược xuôi xuôi ngược theo chiều nước trôi’.
Mây ngồi trên thuyền về nhà chồng.
Đối diện với nàng dâu còn non trẻ, thơ ngây và đơn độc một mình là cả gia tộc nhà chồng đang chờ đón nàng, những mặt người nghiêm nghị, những bộ lễ phục trang trọng, già trẻ lớn bé đủ cả ba thế hệ. Mây cũng phải trải qua những nghi thức để trở thành đàn bà như bao người vợ khác, đó là đêm tân hôn, là thiên chức mang thai và sinh nở.
Ngay đêm động phòng của Mây, hình ảnh những con tằm ăn rỗi xuất hiện mang đầy ẩn ý. Song hành với cuộc đời của Mây là vòng đời của những con tằm, từ khi ăn lá dâu, nhả tơ làm kén, bị luộc chín trong nước sôi để thu về những sợi tơ tằm óng ả. Hình ảnh những con tằm dễ khiến người xem liên tưởng đến câu ca dao: ‘Thương thay thân phận con tằm/ Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ’.
Trong phim, hình ảnh con ngài (hóa thân của con nhộng tằm) chỉ xuất hiện duy nhất một lần, đó là con ngài đậu trên khuôn mặt của người thiếu nữ đã chết, là vợ của Sơn (con trai của ông Hùng và bà cả Hà). Phải chăng người phụ nữ chỉ thật sự được giải thoát khi họ chết đi?
Khuôn mặt ngây ngô của Mây trong đám cưới của chính mình.
Những cơn sóng ngầm dưới mặt hồ yên ả
Ở gia đình chồng, Mây lặng lẽ quan sát và biết cả những sự thật kinh thiên động địa. Cô biết người vợ hai có gian dâm với con trai của chồng với vợ cả. Mây biết nhưng che giấu vì cô có tình cảm phức tạp với Xuân, thứ tình cảm đó còn vượt xa cả tình chị em.
Mây nhìn thấu cả quá khứ, hiện tại và tương lai của mình, từ khi cô đặt chân lên chiếc thuyền ấy, cô đã không có đường lui. Như người vợ mới cưới của Sơn phải chết oan uổng vì không được chồng yêu thương, bố mẹ lại hắt hủi như ‘bát nước đổ đi’. Phụ nữ đã xuất giá chỉ có hai con đường, một là an phận, hai là bạc phận.
Mây an hưởng cuộc sống làm dâu nhàn tản.
Mây nhìn thấy quá khứ của mình qua hình ảnh những con gái của Xuân. Chúng được nuôi dạy từ nhỏ để làm tròn bổn phận làm vợ của một người chồng mà chúng còn chưa biết mặt.
Mây nhìn thấy tương lai của mình qua hình ảnh hai người vợ trước. Xuân vẫn đang ở tuổi căng tràn sức sống nhưng thiếu thốn tình cảm của chồng nên đã dẫn đến việc gian dâm. Hà luôn tỏ ra mực thước, nghiêm nghị và chỉ cảm nhận được chuyện gối chăn khi có những cảm xúc mãnh liệt. Một vài năm nữa Mây cũng sẽ như Xuân, như Hà thôi.
Mây còn nhìn thấy cả tương lai của mình nếu trót phạm sai lầm, như hình ảnh người hầu gái phải cạo đầu đi tu vì chửa hoang, trong khi người đàn ông, tác giả của đứa bé chỉ phải chịu phạt mấy chục roi và vẫn được tiếp tục công việc của mình.
Những bé gái tượng trưng cho quá khứ của Mây.
Hiện tại của Mây.
Hình ảnh vợ cả và vợ hai chính là tương lai của Mây.
Người vợ ba kể về cảnh chồng chung, vợ lớn, vợ bé nhưng hoàn toàn không có những mâu thuẫn gay gắt hay những màn tranh giành địa vị, quyền lực, mưu hại lẫn nhau. Sự ghen ghét, đố kỵ giữa những người vợ, nếu có cũng như những cơn sóng ngầm bên dưới mặt hồ yên ả, lăn tăn.
Nó chưa đủ để biến thành hành động mà chỉ dừng lại ở ánh mắt hay những câu bóng gió xa xôi, đủ tiết chế để những người vợ sống một cuộc sống ‘chị chị em em’, dù đôi khi bằng mặt chẳng bằng lòng.
Đêm đêm bên ngọn đèn, ba chị em rỉ tai nhau chuyện chăn gối.
Xuân có lẽ là người khôn ngoan nhất trong số ba chị em vì cô sống rất an phận. Khi sinh được đứa con gái thứ ba, cô không cầu ngày cầu đêm để có con trai nữa. Cô và ba đứa con gái cũng không hề đòi hỏi tình yêu và sự quan tâm từ người chồng, người cha của mình. Cô mặc nhiên chấp nhận số phận.
Xuân cũng có những khoảnh khắc bùng cháy khát khao thể xác và biết tìm cách thỏa mãn chính mình, nhưng cô biết ‘vui có chừng, dừng đúng lúc’ để đổi lại sự bình yên cho các con. Xuân hết mực quan tâm, săn sóc cho Mây, cô yêu Mây như yêu một đứa con gái vì rõ ràng Mây cũng chỉ xêm xêm tuổi con gái của cô thôi.
Xuân săn sóc Mây như một đứa con gái.
Giữa Mây và Xuân cũng có một thứ tình cảm phức tạp.
Hà và Mây cũng có lúc ghen ăn tức ở với nhau nhưng khi Hà sảy thai, Mây tự cảm thấy mình tội lỗi vì đã từng nảy sinh tham vọng làm bà chủ. Dù biết Mây có thể đe dọa vị trí của mình nếu sinh được con trai nhưng khi Mây sinh khó, chính Hà đã ra tay cứu hai mẹ con Mây. Khuôn mặt của Hà chưa bao giờ rạng rỡ đến thế, khi ôm đứa bé còn đỏ hỏn trong lòng.
Phụ nữ làm phim về phụ nữ bằng tất cả sự yêu thương và thấu hiểu
Sống trong sự thiếu thốn tình cảm từ người chồng, chỉ có những người phụ nữ tự thương lấy nhau, tự săn sóc, bao bọc cho nhau. Cái nhân văn của bộ phim nằm ở chỗ ấy, không hề có đấu đá, tranh giành dù ‘kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng’. Có lẽ bộ phim được thực hiện bởi một đạo diễn nữ nên cái nhìn cũng tràn đầy yêu thương, thấu hiểu và nữ tính hơn chăng?
Tuy nhiên, trong bộ phim này không chỉ là phụ nữ mà cả đàn ông cũng là nạn nhân của ý thức hệ. Hùng những tưởng là người đàn ông trịch thượng, gia trưởng trong gia đình nhưng không biết trên đầu đã mọc bao nhiêu cái sừng. Sơn – con trai của Hùng, đường đường là thân nam nhi mà cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.
Rồi Sơn không chấp nhận hôn nhân sắp đặt, cậu phản kháng nhưng sự chống cự yếu ớt đó lại dẫn đến một bi kịch khác, đó là cái chết oan uổng và đầy tuyệt vọng của người vợ mới cưới.
Cuộc sống nhàn tản của ba mệnh phụ phu nhân.
Bộ phim như kể một câu chuyện không đầu không cuối về vòng lặp của số phận, về vòng xoay sinh tử. Khi có một sinh linh ra đời là một ai đó phải chết đi. Hà cho con bò già ăn lá ngón để nó ra đi thanh thản rồi sau đó đứa con trong bụng mợ cũng ra đi khi chưa thành hình.
Ngày Mây chuyển dạ sinh con cũng là ngày người vợ mới cưới của Sơn tự tử. Trên khuôn mặt của xác chết ấy là một con ngài được thoát xác tự do. Bản thân Mây cũng như từ cõi chết trở về khi trải qua một lần sinh khó. Vào tang lễ của vợ Sơn, Mây một mình bế con ra giữa cánh đồng, tay mân mê một cành lá ngón.
Mâu thuẫn phim cũng không hề đẩy lên mức cao trào, kịch tính mà luôn luôn tiết chế ở một nhịp điệu vừa phải. Người phụ nữ cũng không chỉ có bế tắc và tuyệt vọng, hình ảnh Nhàn (con gái mợ Xuân) cắt tóc và nở một nụ cười ở cuối phim là hình ảnh tràn đầy hy vọng.
Liệu Mây có cho con ăn lá ngón?
Xem Người vợ ba, khán giả như lạc vào một thế giới xa xăm, diệu vợi từ quá khứ vọng về. Đó là một gia đình danh gia vọng tộc nằm nép mình bên những dãy núi đá, khi màn đêm buông xuống là cả một không gian yên ắng đến tịch mịch, chỉ nghe tiếng côn trùng sâu bọ, chỉ thấy ánh sáng mờ mờ của những ngọn đèn dầu hiu hắt.
Bên những ngọn đèn canh khuya, ba người vợ chụm đầu lại rỉ tai nhau về kinh nghiệm phòng the, làm sao để thỏa mãn. Từ bối cảnh đến trang phục đều thiên gam màu lạnh, trầm hoặc trung tính, không quá rực rỡ, tạo nên một màu phim nền nã, hoài cổ.
Phần âm nhạc của Tôn Thất An nỉ non, réo rắt buồn mênh mang, mơ hồ. Để đến khi bộ phim kết thúc, những dòng credit xuất hiện trên màn hình, khán giả dường như vẫn chưa dứt khỏi mạch cảm xúc.
Gam màu pastel vô cùng sang trọng và thanh lịch của bộ phim.
Người vợ ba được công chiếu chính thức tại Việt Nam từ ngày 17/05 tại tất cả các cụm rạp, phim được dán nhãn C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi). Tuy nhiên theo cập nhật mới nhất tối ngày 20/5, nhà sản xuất bộ phim đã chính thức rút phim khỏi các cụm rạp và ngừng chiếu để tránh những luồng thông tin tiêu cực làm ảnh hưởng đến cuộc sống của diễn viên Trà My. Đây là điều đáng tiếc với nhiều khán giả chưa có dịp thưởng thức bộ phim này.
Theo baodatviet.vn
'Vợ Ba': Khi những định kiến xưa cũ được che lấp bằng nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt
Được công chiếu trên thị trường điện ảnh quốc tế và dành nhiều giải thưởng cao quý tại các liên hoan phim mang tầm cỡ thế giới, Vợ Ba của nữ đạo diễn tài năng Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) gây ấn tượng bởi góc nhìn đầy chất thơ qua câu chuyện về những người phụ nữ dưới xã hội phong kiến.
Là dự án được đầu tư kỹ lưỡng với quá trình sản xuất kéo dài 5 năm, Vợ còn được biết đến với cái tên gây bão nền điện ảnh quốc tế năm 2018 - The Third Wife nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía công chúng khi chính thức công chiếu tại Việt Nam. Song xây dựng bối cảnh thuộc thế kỉ 19 tại một làng quê miền Bắc, bộ phim đưa khán giả trở lại thời kì xã hội phong kiến với những khuôn mẫu hà khắc để làm nổi bật lên góc khuất thầm lặng trong tâm hồn những người phụ nữ truyền thống.
Thuộc thể loại tâm lý, những thước phim nghệ thuật của Vợ Ba là câu chuyện dựa trên nhiều sự kiện có thật, xoay quanh cuộc sống bình dị mà đầy sóng gió trong cái nhìn định kiến ở xã hội cũ. Để rồi, ghép nối câu chuyện và đưa vào một bố cục hoàn chỉnh, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh lồng ghép những quy phạm cổ hủ trong cuộc đời của người con gái tên Mây ( Nguyễn Phương Trà My). Bởi ngỡ rằng may mắn khi được gả vào một gia đình giàu, song luật lệ bất công với cơ chế đa thê khiến Mây trở thành người vợ ba ở độ tuổi cập kê. Để rồi chính cái ngày bước chân vào nhà chồng, nét mặt hồn nhiên của cô thiếu nữ thuần khiết ngày nào cũng theo đó mà sầu tư vì bao gánh nặng.
Nguyễn Phương Trà My trong vào vai Mây với gương mặt ngây thơ, toát lên vẻ thuần khiết
Bởi trước Mây, ông Hùng ( Lê Vũ Long) sớm đã yên bề gia thất tới hai lần. Kể về những người phụ nữ sống cảnh chồng chung, bà Hà ( Trần Nữ Yên Khê) và mợ Xuân ( Mai Thu Hường) được xây dựng từ ngoại hình đến tính cách đều toát lên cái vẻ điềm đạm mà đoan trang, mang lại cảm giác tuy an phận nhưng lại ẩn chứa những vọng dục cá nhân. Dù vậy, điều làm nên điểm sáng cho cốt truyện tưởng chừng như quen thuộc này là sự biến tấu về mặt cảm xúc bên trong mỗi người phụ nữ chung một tấm chồng. Bởi không tồn tại sự ganh ghét, đấu đá, cuộc sống của cả ba hiện lên như một bản nhạc du dương, nhẹ nhàng và sâu lắng.
Mang tiếng sống kiếp chồng chung nhưng ba người vợ của ông Hùng lại hòa thuận hơn cả
Hiểu và thông cảm cho thân phận của nhau, bà Hà và mợ Xuân ý thức được cuộc hôn nhân sắp xếp của mình thực chất chỉ để phục vụ cho cái định kiến khắt khe "trọng nam khinh nữ". Chính vì lẽ đó, nhìn thấy Mây với dáng người nhỏ nhắn, đâu đó trong họ tồn tại một niềm thương cảm khi nhớ lại quá khứ của bản thân. Để rồi chăm sóc và yêu thương Mây không chỉ có bà Hà và mợ Xuân mà còn là Liên ( Lâm Thanh Mỹ), Nhàn ( Mai Cát Vi) và Bồ Câu ( Tăng Khánh An). Tất cả cùng nhau kiến tạo nên nếp sống dung dị, hài hòa mà bình yên dưới một mái nhà.
Song chỉ đến khi Mây hoàn thành một nửa trọng trách mà cô được giao phó - mang thai đứa con đầu lòng thì cũng là lúc sự bất an ùa về. Hiện hữu trong tâm trí những dòng suy nghĩ miên man thành nỗi ám ảnh, Mây lo sợ nếu sinh linh sắp chào đời không phải là một bé trai, liệu số phận của cô sẽ như mợ Xuân - một người vợ không danh chính ngôn thuận? Để rồi qua đây, không chỉ là sự kì vọng từ gia đình, bản thân những người phụ nữ lúc bấy giờ cũng vì mặc cảm cá nhân mà vô hình trung bị cuốn vào hệ tư tưởng cổ hủ.
Nếu bà Hà (Trần Nữ Yên Khê) là người vợ cả sắc sảo thì..
Nối tiếp mạch phim bên cạnh câu chuyện của Mây, khán giả thêm phần tiếc thương cho mối tình ngang trái giữa mợ Xuân và cậu cả. Bởi bất chấp những chuẩn mực mà đánh mất phẩm hạnh, xúc cảm nồng cháy trong họ phản ánh phần nào vẻ gai góc cùng bao vết cắt được gây ra từ sự an bài của số phận. Để rồi sai lầm nối tiếp sai lầm khi tình yêu không được đền đáp là bi kịch cho người thứ ba, cuộc hôn nhân sắp đặt của cậu cả vô tình gây ra cái chết thương tâm cho một thiếu nữ ở tuổi trăng tròn. Nhận lại bao đắng cay khi bị chối bỏ ngay đêm tân hôn, dù đúng dù sai lỗi lầm từ bao giờ thuộc về người phụ nữ trong cái xã hội tàn khốc ấy.
sự hiện diện của mợ Xuân (Mai Thu Hường) lại tinh tế mà kín đáo đến lạ thường
Song hiện hữu ở góc nhỏ tâm hồn, người vợ lẽ ấy tồn tại sâu thẳm những niềm đau
Cuối cùng lựa chọn cái chết như một sự giải thoát, gương mặt thanh tú nhưng vô hồn, hình ảnh tân nương trẻ lặng lẽ nằm trong quan tài lạnh lẽo gây ám ảnh mà khơi dậy bao nỗi xót thương. Bởi nếu ngày ấy không vì ánh nhìn của người đời rồi bị gia đình chối bỏ, có lẽ vận mệnh của cô thiếu nữ tràn đầy nhựa sống kia sẽ không kết thúc trong sự tủi hổ.
Tang thương bao trùm ngôi nhà của ông Hùng chỉ vài ngày sau lễ thành hôn
Song cùng với đó, không chỉ phản ánh thực trạng xã hội Việt Nam thế kỷ 19, Vợ Ba được coi là tác phẩm điện ảnh đầu tiên đề cập đến tình yêu đồng giới - câu chuyện tưởng chừng như phi thực tế ở thời kỳ này. Nhẹ nhàng trao cho mợ Xuân cái nhìn trìu mến ngay trong ngày cưới, nụ cười ngây thơ nhưng chan chứa yêu thương của Mây mang lại cảm giác ngại ngùng tuổi mới lớn ở một thiếu nữ biết rung động lần đầu. Thêm vào đó, bằng việc sử dụng ngôn ngữ điện ảnh, Vợ Ba giúp khán giả lắng đọng cảm xúc bởi những thước phim không thoại được đan xen bằng tiếng sáo chiều vi vu hay những hình ảnh ẩn dụ tinh tế đậm chất thơ.
Là câu chuyện của quá khứ nhưng còn đọng lại tàn dư trong thực tại, Vợ Batừ đó lan tỏa những thông điệp ý nghĩa mà sâu sắc qua hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ cũ. Bởi thoát khỏi thói đời bất công, người phụ nữ từ bao giờ dần vượt lên cái bóng của bao khuôn khổ mà sống thật với cảm xúc cá nhân.
Vợ Ba hiện đang được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc kể từ ngày 17/05/2019.
Theo saostar
'Người vợ ba': An phận và phản kháng, con đường nào cho thân phận đàn bà trong xã hội phong kiến Không chỉ đơn thuần là một tác phẩm điện ảnh, Người Vợ Ba còn là một bức tranh tả thực về kiếp đời của những người sinh ra mang thân phận đàn bà. Người Vợ Ba - bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh lấy bối cảnh miền bắc Việt Nam cuối thế kỷ 19 khi chế độ...