Người Việt thay đổi nhu cầu du lịch thế nào 2 năm qua?
Vì Covid-19, người Việt mong muốn du lịch bền vững, với các điểm đến không đông đúc, các hoạt động thân thiện môi trường như đi bộ, xe đạp…
Du lịch bền vững có thể hiểu là du lịch mang đến nguồn lợi cho môi trường tự nhiên và cộng đồng dân cư, để duy trì hoạt động lâu dài mà không gây ảnh hưởng xấu. Hay nói cách khác, du lịch bền vững thân thiện với môi trường tự nhiên, gắn liền với văn hóa xã hội (bảo tồn di sản, bản sắc văn hóa địa phương…) và đem lại kinh tế cho cộng đồng (tạo việc làm, mang đến thu nhập cho người địa phương…)
Theo báo cáo thường niên về Du lịch Bền vững của Booking.com vừa công bố, 97% du khách Việt tham gia khảo sát cho rằng loại hình du lịch này rất quan trọng, và 79% lựa chọn hành động ngay để bảo vệ thế hệ tương lai. Vì thế, du khách cho rằng đại dịch thúc đẩy họ muốn đi du lịch theo cách bền vững hơn, trong đó giảm rác thải tổng hợp (88%), giảm mức tiêu thụ năng lượng như tắt điều hòa không khí và đèn khi ra khỏi phòng (86%), sử dụng loại hình giao thông thân thiện với môi trường như đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng thay vì taxi hay thuê xe (81%).
Du lịch bền vững được tạo từ 3 hợp phần hay còn gọi là 3 chân: Thân thiện môi trường, gần gũi về xã hội và văn hóa, có đóng góp kinh tế cho cộng đồng địa phương. Trên ảnh là Azerai Cần Thơ với những gốc cây cổ thụ được bảo vệ trong suốt quá trình xây dựng.
Tôn trọng cộng đồng địa phương cũng là mối quan tâm của du khách Việt Nam trong cuộc thăm dò mới này. Họ muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa của nơi mà họ đi du lịch. 93% người tham gia khảo sát tin rằng việc nâng cao nhận thức về văn hóa cũng như việc bảo tồn di sản là quan trọng. Thêm vào đó, du khách Việt Nam sẽ chấp nhận tránh các điểm đến và nơi tham quan phổ biến (64%), để đảm bảo không gây thêm áp lực lên những chỗ đã quá đông đúc, đồng thời góp phần phân tán những lợi ích tốt đẹp của du lịch đến các địa điểm và cộng đồng có ít khách hơn.
Cũng theo khảo sát, trong 12 tháng vừa qua, có 52% du khách có những hành động như tắt máy lạnh trong phòng nghỉ khi đi ra ngoài, 52% mang theo chai nước riêng có thể tái sử dụng thay vì mua nước đóng chai khi du lịch, và44% tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương. Hơn một nửa người tham gia khảo sát chia sẻ họ cảm thấy khó chịu nếu chỗ nghỉ không có các tiện nghi hỗ trợ tái chế. 100% người du khách cho biết trong năm tới họ mong muốn lưu trú tại những nơi cam kết với du lịch bền vững.
Trước đó nhân ngày “Môi trường thế giới” 5/6, nền tảng du lịch kỹ thuật số Agoda cũng công bố khảo sát Xu hướng Du lịch bền vững. Trong đó hầu hết người Việt Nam tham gia khảo sát cho biết lo ngại về tình trạng quá tải du lịch, phá rừng làm du lịch.
Video đang HOT
Ngoài ra, ngày càng nhiều người Việt hy vọng các khách sạn và điểm lưu trú bắt đầu chuyển sang sử dụng nước và các nguồn năng lượng tái tạo cũng như giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần. Với vai trò là du khách, xu hướng hiện tại của họ là ưu tiên hơn cho những điểm tham quan nguyên sơ, ít người biết đến.
Thác Tà Puồng ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là một trong những điểm đến còn nguyên sơ.
Về các hành động góp phần giúp du lịch bền vững, du khách Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm làm sạch có thành phần tự nhiên (40%), bảo tồn động vật (38%), sử dụng nguồn năng lượng có thể tái tạo (36%). Ngoài ra, họ cũng quan tâm đến các giải pháp như cung cấp nhiều lựa chọn du lịch thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần tại các điểm lưu trú hoặc trên máy bay, trao thưởng bằng hiện kim cho những nhà cung cấp điểm lưu trú thực hiện tốt việc tiết kiệm năng lượng.
Cũng theo khảo sát, du lịch bền vững cũng gia tăng tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan, sau dịch Covid-19. Các giải pháp được họ lựa chọn nhiều nhất là giảm thiểu rác thải trong suốt thời gian du lịch, tắt đèn và máy lạnh khi rời khỏi phòng và luôn tìm và ưu tiên những nơi lưu trú “xanh”.
Du khách Việt ngày càng yêu di sản và văn hóa bản địa
Theo một khảo sát mới đây, 84% người Việt muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa của điểm đến. Phần lớn du khách tin rằng nhận thức về bảo tồn di sản và văn hóa bản địa đóng vai trò quan trọng.
Du lịch bền vững là xu hướng toàn cầu
Một công bố mới đây của Booking.com cho thấy, đại dịch Covid-19 đã gián tiếp thúc đẩy các loại hình du lịch bền vững, góp phần nâng cao nhận thức của du khách về bảo tồn văn hóa, di sản cho các thế hệ mai sau. Không riêng ở Việt Nam, du khách toàn cầu ngày càng ủng hộ những hành động bảo vệ thiên nhiên và cộng đồng địa phương.
Trong Báo cáo thường niên về Du lịch bền vững của Booking.com phát hành năm 2016, thống kê cho thấy chỉ 62% du khách có ý định lưu trú tại một khách sạn bền vững ít nhất một lần trong năm tới. Con số này đã tăng lên 81% trong năm 2021, mặc dù hoạt động du lịch vẫn bị tạm dừng tại nhiều nơi.
Năm 2021, theo kết quả khảo sát 29.000 du khách trên 30 quốc gia bao gồm Việt Nam, 100% du khách Việt mong muốn tìm đến các điểm dịch vụ, lưu trú cam kết về du lịch bền vững trong năm tới. 97% du khách Việt cho rằng du lịch bền vững là rất quan trọng và 88% cho biết đại dịch đã khiến họ muốn đi du lịch một cách bền vững hơn trong tương lai.
Du lịch cộng đồng cùng nông dân trên hồ sông Đà, Hòa Bình. Nguồn: Đà Bắc CBT
Tôn trọng cộng đồng địa phương cũng là mối quan tâm hàng đầu của khách du lịch trong thời gian tới. Rất nhiều người cho rằng du khách cần được cung cấp nhiều hơn các thông tin về hệ sinh thái, di sản, văn hóa cũng như cách hành xử phù hợp với cộng đồng bản địa. Tại Việt Nam, 84% du khách muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa của nơi mà họ đi du lịch, 93% tin rằng việc nâng cao nhận thức về văn hóa cũng như việc bảo tồn di sản là quan trọng. Hơn 86% du khách Việt Nam muốn giảm rác thải nhựa và giảm mức tiêu thụ năng lượng trong kỳ nghỉ của mình.
Thêm vào đó, nhiều du khách Việt Nam sẽ chấp nhận tránh các điểm đến và nơi tham quan phổ biến để không gây thêm áp lực lên những chỗ đã quá đông đúc. Điều góp phần chia sẻ những lợi ích tốt đẹp của du lịch đến các địa điểm và cộng đồng có ít khách ghé đến hơn. 88% du khách muốn những nguồn thu mà ngành du lịch mang lại sẽ được phân bố đồng đều tới mọi tầng lớp xã hội.
Hoạt động du lịch tại Đà Bắc (Hòa Bình) có sự tham gia và chia sẻ lợi ích của hầu hết thành viên trong cộng đồng địa phương.
Từ nhận thức tới hành động
Cùng với nhận thức được nâng cao, những hành vi du lịch bền vững ngày càng được du khách lưu tâm và thực hiện nhiều hơn trong chuyến đi của mình. Theo thống kê, trong chuyến đi du lịch, vấn đề du khách lo lắng nhất là lượng rác thải quá nhiều, đặc biệt là loại đồ nhựa dùng một lần. Những nỗi băn khoăn khác là về sự quá tải tại các điểm tham quan, nguy cơ đe dọa môi trường tự nhiên và động vật hoang dã và sự phát thải khí CO2.
Du khách Việt ngày càng có trách nhiệm đối với hành vi du lịch của mình và mong muốn tạo ra những tác động tích cực. Phần đông du khách Việt Nam cho biết, họ thường tắt máy lạnh/lò sưởi trong phòng nghỉ khi đi ra ngoài, mang theo chai nước riêng có thể tái sử dụng thay vì mua nước đóng chai, giảm phung phí thức ăn và sẵn lòng tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương.
Đáng chú ý, người Việt Nam là một trong những du khách tích cực nhất trong việc mua sắm, ủng hộ cộng đồng khi đi du lịch. 59% du khách Việt cho biết họ sẵn lòng mua đồ ở các cửa hàng nhỏ để thúc đẩy kinh tế địa phương; đây là tỷ lệ cao thứ 3 thế giới chỉ xếp sau Argentina (62%) và Mexico (61%).
Du khách làm lồng đèn tại Hội An bằng những chất liệu thân thiện môi trường.
Trước xu hướng mạnh mẽ này, các khu lưu trú và điểm đến tại Việt Nam cần thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững nếu không muốn bị "mất điểm" với du khách. Có tới 55% du khách Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ thấy khó chịu vì chỗ nghỉ không thực hành du lịch bền vững, ví dụ không có các thiết bị hỗ trợ tái chế.
Với du khách quốc tế, 92% số người được hỏi cho biết họ "có nhiều khả năng sẽ chọn một khách sạn có áp dụng chính sách phát triển bền vững" và 82% nghĩ rằng công ty lữ hành nên cung cấp nhiều lựa chọn bền vững hơn. Khá đông du khách muốn sử dụng loại hình giao thông thân thiện với môi trường hơn như đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng thay vì taxi hay thuê xe.
Bà Marianne Gybels, Giám đốc về Phát triển bền vững của Booking.com cho rằng, khi những thay đổi nhỏ như giảm thiểu số lượng đồ nhựa dùng một lần hoặc chuyển sang bóng đèn LED tiết kiệm điện được nhân lên với hàng triệu du khách và cơ sở lưu trú khắp thế giới, sự cộng hưởng sẽ tạo ra những tác động rất to lớn và tích cực. "Du lịch là động lực tốt, nhưng cần phải thực hiện đúng cách nhằm đảm bảo chúng ta bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai"./.
Khám phá vẻ đẹp Hồ Trúc Bạch mê mẩn lòng người giữa lòng Hà Nội Hồ Trúc Bạch là một phần của Hồ Tây, nhưng lại trái với Hồ Tây mang vẻ đẹp nhộn nhịp đông đúc thì Hồ Trúc Bạch lại mang vẻ đẹp dịu dàng thơ mộng và yên bình đến lạ. Hà Nội một thủ đô của ngàn năm văn hiến, với vẻ đẹp cổ kính của ba mươi sáu phố phường, cùng những cảnh...