Người Việt tại New Zealand, Romania biểu tình phản đối Trung Quốc
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, sinh viên Việt Nam tại thành phố Auckland của New Zealand và Hội người Việt Nam tại Romania đã tổ chức biểu tình ôn hòa phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam.
Ngày 18/5/2014, đoàn biểu tình của sinh viên Việt Nam đang học tập tại Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand đã diễu hành dọc theo phố Queen, con phố lớn nhất và sầm uất nhất của thành phố.
Người Việt trên khắp thế giới đều có những hoạt động phản đối giàn khoan trái phép của Trung Quốc
Họ giương cao các biểu bằng tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh với những nội dung như: đòi Trung quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chấm dứt mọi hoạt động khiêu khích ở vùng biển Đông Nam Á, tôn trọng Luật biển quốc tế, ủng hộ Chính phủ Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải…
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho hay, chiều ngày 18/5/2014, tại thủ đô Bucharest, Hội người Việt Nam tại Romania đã tổ chức mít-tinh phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đông đảo bà con kiều bào, lưu học sinh đang làm ăn, công tác và học tập tại Romania đã tham dự.
Tại buổi mít-tinh, bà con cộng đồng đã được nghe thông tin về diễn biến vụ việc và xem những hình ảnh thực thế về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam; những hành động khiêu khích của phía Trung quốc nhằm cố tình cản trở các lực lượng chức năng của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trong vùng biển của mình.
Video đang HOT
Cộng đồng người Việt Nam tại Romania đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ lập trường đúng đắn, kiên quyết của Đảng và Nhà nước đối với những hành động ngang ngược, vi phạm luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc. Bà con cộng đồng và lưu học sinh Việt Nam cũng đã phát biểu, lên án hành động sai trái của phía Trung Quốc và nhấn mạnh những hành động ở Biển Đông của phía Trung quốc trong những ngày liên tiếp vừa qua là sự vi phạm nghiệm trọng luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 (DOC) và là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Kết thúc buổi mít-tinh, Hội người Việt Nam tại Romania đã ra tuyên bố phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển Việt Nam. Bà con Việt kiều cũng nguyện luôn hướng về Tổ quốc, chung sức đồng lòng cùng nhân dân cả nước và toàn thể bà con cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới làm hết sức mình, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Nam Hằng
Theo Dantri
Vụ giàn khoan Trung Quốc: Thanh niên, du học sinh Việt tác động tới công chúng Mỹ
Khi biển Đông dậy sóng trước vụ giàn khoan Trung Quốc thì những người Việt trẻ ở nửa kia bán cầu đã ngay lập tức có những việc làm thiết thực. Họ ra thông cáo, share link, biểu tình, để góp phần làm cho xã hội và chính giới Mỹ biết những gì chính phủ Trung Quốc đang làm ở biển Đông.
Tại Washington DC, chiều 18.5, cuộc biểu tình của du học sinh Việt Nam từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đến khu vực Nhà trắng đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách - Ảnh: Linh Khổng
Có lẽ chưa lúc nào những người Việt ở nước ngoài lại hướng về Tổ quốc một cách đồng lòng và tập trung đến thế. Ngay khi những thông tin về vụ giàn khoan Trung Quốc tiến vào đặt hạ ở vùng biển Việt Nam thì trang mạng xã hội Facebook của cộng đồng du học sinh đã đỏ rực màu cờ.
Một cuộc họp online qua Skype đã được triệu tập giữa các thành viên chủ chốt của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ (Association of Vietnamese Students and Professionals in the United States - AVSPUS). Các thành viên đại diện từ New York, Washington DC đến Florida, Michigan, Texas... mỗi người một ý tưởng đã ngay lập tức hoàn thành kế hoạch tổng thể với những hành động cụ thể.
Chỉ 2 hôm sau, ngày 13.5, một thông cáo đặc biệt thể hiện sự đồng lòng của cộng đồng hơn 16.000 thanh niên, du học sinh Việt Nam ở Mỹ phản đối Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế do Chủ tịch AVSPUS, anh Huỳnh Thế Du, ký đã được công bố trên trang web chính thức của Hội (www.sinhvienusa.org).
Tiếp đó, hàng ngàn trang Facebook của các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam ở Mỹ đã liên tục chia sẻ liên kết các bài báo trên kênh truyền thông quốc tế nổi tiếng như CNN, BBC, The New York Times... phản ánh việc Trung Quốc đặt hạ giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam. Mỗi du học sinh đều có rất nhiều người bạn Mỹ, và mỗi người đã biến trang cá nhân của mình thành một phương tiện truyền thông đại chúng để nâng cao nhận thức cho bạn bè quốc tế về vấn đề căng thẳng trên biển Đông.
Mặc dù đang bận thi nhưng Tô Diệu Liên, Phú Nguyễn, Minh Hiển, Phượng Đoàn, Cường Tăng, Mai Phan, ... đã nỗ lực kết nối các thành viên trong Quỹ nghiên cứu Biển Đông, các luật sư, chuyên gia khắp nơi trên thế giới để soạn bức thư ngắn gọn, súc tích gửi tới Tổng thống Barack Obama, Phó tổng thống Joe Binden, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đề nghị các nhà lãnh đạo nước Mỹ quan tâm đến vấn đề bảo đảm an ninh và hòa bình trên biển Đông (bức thư do Chủ tịch AVSPUS đại diện cộng đồng thanh niên, sinh viên Việt Nam ở Mỹ ký tên).
Hai chiến dịch vận động chữ ký trên mạng cũng được triển khai rầm rộ, một thư kiến nghị được gửi trên www.change.orgvà một thư được đưa lên trang web của Nhà Trắng với cùng mục tiêu thu hút sự chú ý của cộng đồng dư luận Mỹ, nhằm yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.
Nói về các hoạt động của cộng đồng thanh niên, du học sinh ở Mỹ hướng về Tổ quốc theo cách rất chuyên nghiệp, anh Huỳnh Thế Du, Chủ tịch AVSPUS, phân tích: "Trước tiên phải nói rằng, khi đất nước bị đe doạ thì đại bộ phận người dân đều hướng về Tổ quốc với những hành động thiết thực. Điều này lại càng đúng với Việt Nam, đất nước thường xuyên bị đe doạ, thôn tính trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Đối với Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam ở Mỹ, chúng tôi có hai yếu tố để có thể triển khai nhiều việc đồng thời. Thứ nhất, Hội có rất nhiều người có khả năng, nếu không muốn nói là hầu hết. Ai cũng có thể làm rất nhiều việc, kể cả những việc khó. Thứ hai, chúng tôi làm việc theo mô hình phi tập trung, mỗi người mỗi nhóm đều có tính tự chủ cao. Kết quả nhiều việc đã được triển khai thành công. Chúng tôi có công thức, đó là lòng yêu nước hướng về Tổ quốc, cộng với cách làm khoa học, sẽ thúc đẩy những hành động thiết thực ý nghĩa để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".
Từ việc làm trên cộng đồng mạng, những người Việt trẻ, cả du học sinh lẫn Việt kiều đã cùng nhau tham gia biểu tình hòa bình phản đối Trung Quốc, ít nhất 3 cuộc biểu tình đã được thực hiện ở California, New York và thủ đô Washington DC.
Đây là cảm nhận của Vi Thanh Nga, một bạn sinh viên 23 tuổi đang học Đại học Drexel tại Philadelphia sau lần đi biểu tình hòa bình ở DC: "Không ngủ được vì nghĩ đến cuộc biểu tình lần đầu tiên trong đời hôm nay. Bố mẹ bảo con tránh xa chính trị ra, đừng tham gia hội này hội nọ dính đến chính trị hay vấn đề nhạy cảm. Nhưng đi rồi mới thấy mình thoát khỏi cái vỏ ốc bàng quan nghĩ cho mình, nghĩ rằng còn lâu mới đến lượt mình, hay có bớt một người như mình cũng chả ảnh hưởng đến ai. Cái trải nghiệm, cảm giác thật quý giá. Cùng đoàn người đi trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc, biết là chủ nhật hiếm có ma nào bên trong, vẫn hừng hực hát bài "Nối vòng tay lớn" và hô to "WE WANT PEACE" ("Chúng tôi muốn hòa bình").
"Khi sang khu Nhà Trắng mình thấy những vẻ mặt, phản ứng cũng như sự hiếu kỳ của những người khách đến thăm và người dân xung quanh. Một số người Mỹ nói rằng "I agree" - "Tôi đồng ý [Trung Quốc phải tránh xa lãnh hải Việt Nam]", hoặc "Ồ, tôi biết đến sự việc này" và bắt đầu giảng giải cho nhau tình hình. Chỉ cần tăng nhận thức, cũng làm nên sự khác biệt lớn, và mình thấy vui vì đã góp một phần rất nhỏ".
Những việc làm ý nghĩa ấy đã làm thay đổi nhận thức của mỗi người Việt trẻ và góp phần thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu. Những ngày cả nước sục sôi thì tinh thần và tài năng của người con nước Việt xa xứ cũng được phát huy đúng lúc, đúng chỗ - hàng ngàn người Việt trẻ ở ngoài Việt Nam đang truyền thông điệp tới chính giới Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế.
Bản dich Thư của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam gửi Tổng thống Barack Obama TRUNG QUỐC HẠ ĐẶT GIÀN KHOAN DẦU KHÍ HẢI DƯƠNG-981 TRONG KHU VỰC ĐẶC QUYỀN KINH TẾ CỦA VIỆT NAM Ngày 14 tháng 5 năm 2014 Thưa Ngài Tổng thống, Chúng tôi, đại diện của các thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Mỹ, xin gửi lời chào trân trọng nhất tới Ngài và gia đình. Như Ngài đã biết, trong suốt những năm qua, Trung Quốc đã sử dụng đường chín đoạn vô căn cứ để khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển mà người Việt chúng tôi gọi là Biển Đông. Đường chín đoạn này không hề có bất kỳ cơ sở pháp lý nào theo nhận định của tất cả các chuyên gia trên thế giới. Tuy vậy, Trung Quốc đã phớt lờ luật pháp quốc tế và cộng đồng thế giới và đã sử dụng đường chín đoạn này để uy hiếp các nước nhỏ trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Tình hình nguy hiểm hiện nay bắt đầu vào ngày 2 tháng 5 năm 2014, khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với một đội có 80 tàu, gồm cả quân sự, tấn công các tàu tuần tra của Việt Nam đang làm việc trong khu vực. Toàn thể nhân dân Việt Nam rất phẫn nộ và lo lắng về tình hình hình này. Chính phủ Việt Nam đã hết sức kiềm chế để tránh xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, như Ngài có thể hình dung, tình thế rất mong manh mà một lỗi nhỏ từ bất kỳ ai cũng có thể gây ra chiến tranh. Với hành vi ức hiếp này của Trung Quốc, một ngày nào đó chiến tranh sẽ nổ ra giữa Trung Quốc và một quốc gia trong khu vực. Thế giới cần hòa bình tại Biển Đông, và Hoa Kỳ có lợi ích to lớn về tự do hàng hải trên Biển Đông. Chúng tôi tin rằng hòa bình trên Biển Đông sẽ có khả năng sống sót lớn hơn nếu Tổng thống Hoa Kỳ cân nhắc vấn đề Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động khiêu khích và gây hấn. Chúng tôi, những người sinh viên và thanh niên Việt Nam tại Hoa Kỳ, xin kêu gọi Tổng Thống Hoa Kỳ: 1. Bày tỏ quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn trong việc phản đối các hành vi khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông, và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS), và Tuyên bố ASEAN về ứng xử của các bên trên Biển Đông; 2. Yêu cầu chính phủ Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan HD-981 và các tàu khác khỏi Biển Đông và sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp; và 3. Sử dụng sức mạnh toàn cầu và uy tín đạo đức của Hoa Kỳ để yêu cầu các bên liên quan, các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc và Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) tích cực hơn trong việc yêu cầu Trung Quốc ngừng tất cả các hành vi gây hấn và khiêu khích. Xin cảm ơn Ngài Tổng thống rất nhiều vì sự lưu tâm của Ngài. Thế giới trông đợi vào Hoa Kỳ cho hòa bình và thịnh vượng. Giới trẻ Việt Nam, những người đang chiếm tới hơn một nửa dân số gồm 94 triệu người của chúng tôi, trông đợi Tổng thống Hoa Kỳ góp phần giúp giữ gìn hòa bình cho thế giới và hòa bình cho Việt Nam. Chúng tôi cầu nguyện cho hòa bình, tự do, và công lý trên khắp nước Mỹ và thế giới. Chúng tôi xin chúc Ngài và gia đình sức khỏe và hạnh phúc. Trân trọng,
Theo TNO
Tâm thư của sinh viên Việt Nam gửi Chính phủ Trung Quốc Ngày 15.5, cộng đồng sinh viên Việt Nam đang học tập, làm việc và sinh sống tại Thái Lan gửi bức tâm thư tới Chính phủ Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam. Bức thư viết: "Chúng tôi là những người Việt đang học tập, làm...