Người Việt ở Mỹ đặt kỳ vọng vào Biden
Người Việt ở Mỹ cho rằng Biden có nhiều thuận lợi khi nhậm chức, nhưng cũng đối mặt những thách thức lớn như Covid-19 và hàn gắn nước Mỹ.
“Cuối cùng thì ngày này cũng đến và tôi rất mong chờ lễ nhậm chức năm nay bởi hình thức tổ chức khác hẳn mọi lần”, Huy Phạm, một người gốc Việt 30 tuổi ở bang California, một nhiếp ảnh gia và kinh doanh tự do, nói với VnExpress về việc Biden nhậm chức tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. “Khâu chuẩn bị rất đẹp và chuyên nghiệp”.
Joe Biden phát biểu chia tay tại New Castle, Delaware, hôm 19/1. Ảnh: AP .
Ngay sau khi Biden được xướng tên là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, anh Huy đã email cho ban tổ chức lễ nhậm chức để đăng ký vé tham dự sự kiện. Tuy nhiên, anh nhận được thư trả lời rằng họ sẽ không phát vé cho công chúng như mọi năm do lo ngại Covid-19, nhưng vẫn gửi vé làm kỷ niệm cho người đã đăng ký.
Như nhiều người dân Mỹ khác, anh Huy trông chờ rất nhiều vào nhiệm kỳ tổng thống của Biden sau 4 năm nước Mỹ trải qua nhiều rối ren, hỗn loạn dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
” Đại dịch Covid-19 sẽ là thách thức lớn nhất, sau đó là khôi phục kinh tế . Hai thách thức tuy hai mà một”, anh nói. “Tuy nhiên, Biden có thuận lợi là bộ máy hành pháp và lập pháp đa số là thành viên đảng Dân chủ nên dễ đạt được sự đồng thuận cao, đồng thời vaccine Covid-19 đã ra đời trong lúc dầu sôi lửa bỏng”.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 24 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 400.000 người tử vong. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 19/1 đã kêu gọi Tổng thống đắc cử Biden tạo ra thay đổi sau phản ứng chậm chạp với đại dịch của chính quyền Trump. Với việc các quốc gia giàu có ký được nhiều hợp đồng vaccine Covid-19 hơn đáng kể so với những nước nghèo, Borrell cho rằng Mỹ phải giành lại vị thế của mình như là “một động cơ của thế giới” và ra tay giúp đỡ.
Derek Phạm, một nhà báo gốc Việt, đồng tình rằng việc giải quyết đại dịch Covid-19 là một thất bại khiến Trump bộc lộ rõ nhiều điểm yếu, thậm chí cho thấy ông không có đủ tố chất của một nhà lãnh đạo khi đất nước gặp nguy biến.
“Cũng vì thế mà Biden có thêm cơ hội chiến thắng cuộc bầu cử 2020. Do đó ông ấy sẽ phải chứng minh được năng lực của mình trong cuộc chiến với đại dịch để đưa đất nước trở lại bình thường”, anh nói. “Chính quyền của Biden cần nỗ lực kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian sớm nhất có thể, thúc đẩy và hỗ trợ nhiều nơi trên thế giới có vaccine để cùng khống chế dịch bệnh, lấy lại vị thế của cường quốc trong mắt người Mỹ và bạn bè thế giới”.
Giới chức y tế cảnh báo Mỹ sắp “đối mặt những tuần đen tối ở phía trước” khi số người thiệt mạng vì Covid-19 sẽ chạm ngưỡng 500.000 vào giữa tháng hai. Tổng thống đắc cử Biden từng nhiều lần tuyên bố ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức là giải quyết đại dịch. Ông cam kết phân phối 100 triệu liều vaccine Covid-19 đủ cho 50 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tại Nhà Trắng.
Alex Nguyễn, ở bang Washington, rất hoan nghênh nhóm nhậm chức của Biden về ý tưởng cắm 200.000 lá cờ Mỹ tại Công viên Quốc gia National Mall thay cho việc mời hàng nghìn người tới dự lễ nhậm chức để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
“Tôi thấy ý tưởng này thiết thực và rất cảm động. Một số đồng nghiệp người Mỹ của tôi cũng rất ủng hộ ý tưởng này”, anh nói. “Một trong những kỳ vọng của tôi với chính quyền mới là đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân”.
Hiện nằm trong diện chưa có thẻ xanh, anh cũng quan tâm đến chính sách cải cách nhập cư của Biden.
Mỹ có 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ. Biden dự kiến công bố dự luật nhập cư Dreamers sau khi nhậm chức ngày 20/1, vạch ra lộ trình 8 năm để giúp họ có thể trở thành công dân. Dự luật là bước đi để ông thực hiện cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử đối với cử tri Latinh và các cộng đồng nhập cư khác sau 4 năm Trump áp dụng các chính sách hạn chế nhập cư và trục xuất hàng loạt người di cư trái phép.
” Việc giải quyết tình trạng nhân thân cho những người đã ở Mỹ nhiều năm nhưng chưa được công nhận công dân là thiết yếu . Họ hiện bị hạn chế nhiều mặt và cũng không đóng thuế được”, Alex nói. “Tuy nhiên, Biden cũng phải làm sao để bảo vệ được biên giới, tránh tình trạng hỗn loạn và các nguy cơ về an ninh do làn sóng nhập cư trái phép”.
Joe Biden và phu nhân tưởng niệm các nạn nhân Covid-19 tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington hôm 19/1. Ảnh: AP .
Alex cho rằng thực tế, với nhiều thách thức lớn mà nước Mỹ đang đối mặt như hiện nay sau khi Trump ra đi, anh không đặt tiêu chí quá cao cho tân tổng thống, đặc biệt trong vấn đề hòa giải và đoàn kết nước Mỹ.
“Thử thách này là quá khó. Một nửa nước Mỹ vẫn bầu cho Trump. Mỗi bên có lợi ích và lý tưởng riêng. Tôi chỉ kỳ vọng Biden và nội các sẽ có những chính sách có lợi cho toàn thể người dân Mỹ, dù là ủng hộ hay phản đối ông”, anh nói.
Cả nhà báo Derek Phạm và ông Lữ Tạ, một người gốc Việt đã định cư gần 40 năm ở Mỹ, đều đồng tình rằng Biden sẽ mất ít nhất hai năm, tức nửa nhiệm kỳ, để lấy được niềm tin của người dân Mỹ và giúp họ đoàn kết hơn .
Ông Tạ nhận định sức ảnh hưởng của Trump hiện còn rất lớn và chỉ có thể phai nhạt một khi ông bị truy tố và kết tội.
“Sự cực hữu quá đà của Trump đã gây ảnh hưởng đến trái tim dân chủ của người Mỹ. Nước Mỹ từng trải qua nhiều giông bão, nhưng nhờ thể chế và nhất là con người, nước Mỹ luôn tiến tới mạnh hơn. Lần giông bão này do chủ nghĩa Trump gây ra, may mắn nhờ nội lực dân chủ, nước Mỹ còn tồn tại, là ngọn hải đăng tự do, tuy lu mờ một chút, nhưng chưa ai thay thế được. Tôi hy vọng Biden sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình, lo cho dân thường bị bỏ rơi thì nhiều người sẽ thay đổi quan điểm về ông”.
Mộc Miên, ở bang California, tỏ ra thận trọng hơn khi nghĩ đến 4 năm tới dưới chính quyền của Biden.
“Tôi tin Biden sẽ đưa nước Mỹ ổn định trở lại và phát triển. Mọi bước đi của Biden phải cực kỳ cẩn trọng nếu không sẽ là sự thất bại lớn nhất trong cuộc đời ông”, Miên nói. “Tuy nhiên, những vấn đề sâu trong nội tại vẫn sẽ còn đó và cần nhiều thời gian để giải quyết, có thể phải chờ sau 4 năm nữa. Tôi mong chờ khi đó được thấy phó tổng thống Mike Pence ra tranh cử, một người điềm tĩnh, nói những gì đáng nói, làm những gì cần làm”.
Biden bật khóc khi tạm biệt quê hương
Biden khóc trong bài phát biểu tạm biệt bang Delaware, khi ông gửi lời cảm ơn người dân quê hương và tưởng nhớ về con trai quá cố Beau.
"Xin thứ lỗi vì sự xúc động này, nhưng khi tôi qua đời, Delaware sẽ khắc sâu trong tim tôi, cũng như trái tim của tất cả. Chúng tôi yêu tất cả các bạn. Mọi người đã ở đó vì chúng tôi bất kể thuận lợi hay khó khăn, không bao giờ quay lưng. Tôi vô cùng tự hào vì là một người con của Delaware", Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phát biểu trong sự kiện tạm biệt tại thành phố Wilmington, bang Delaware, hôm 19/1, trước khi khởi hành đến thủ đô Washington.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden khóc trong bài phát biểu tạm biệt tại thành phố Wilmington, bang Delaware, hôm 19/1. Video: Independent .
"Tôi thậm chí càng tự hào khi được đứng tại đây, thực hiện điều này ở nơi mang tên Thiếu tá Beau Biden. Thưa quý vị, tôi chỉ có một điều hối tiếc là Beau không ở đây, bởi chúng ta nên đề cử người đó làm tổng thống", Biden cho biết trong khi tiếp tục khóc. Nơi ông phát biểu là Trung tâm Dự bị Lực lượng Vũ Trang Thiếu tá Joseph R. (Beau) Biden III, được đặt theo tên người con trai từng làm tổng chưởng lý Delaware của Biden, qua đời năm 2015 vì ung thư não.
Trước đó trong bài phát biểu, Tổng thống đắc cử cũng nghẹn ngào khi hồi tưởng lại hành trình kéo dài hàng thập kỷ từ Delaware đến Nhà Trắng. "Điều này khá xúc động đối với tôi. Đây là vấn đề mang tính cá nhân sâu sắc khi hành trình đến Washington của chúng tôi bắt đầu từ nơi này", Biden nói.
Biden rời Delaware đến Washington cùng vợ Jill Biden. Họ sẽ nghỉ tại Nhà Blair, nhà khách dành cho lãnh đạo các nước và những khách mời quan trọng khác nằm đối diện Nhà Trắng. Theo một nguồn tin am hiểu vấn đề, bài phát biểu nhậm chức của Biden vào trưa 20/1 sẽ kéo dài 20-30 phút.
Biden đã mời Chuck Schumer và Mitch McConnell, lãnh đạo phe Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện, cùng một số lãnh đạo quốc hội khác đến một buổi lễ nhà thờ vào ngày 20/1, trước lễ nhậm chức. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố không tham dự buổi lễ, mà dự kiến đến lễ chia tay các lực lượng vũ trang tại căn cứ không quân Andrews sáng 20/1, trước khi lên máy bay về Florida.
Biden sẽ truyền thông điệp gì trong diễn văn nhậm chức? Khi phát biểu nhậm chức ngày 20/1, Biden được dự đoán sẽ truyền thông điệp đoàn kết dân tộc, song nó không được phép là lời kêu gọi sáo rỗng. Đồi Capitol, nơi Tổng thống đắc cử Mỹ sắp đưa ra bài diễn văn, hai tuần trước chứng kiến một vụ bạo loạn chưa từng có, nơi đám đông ủng hộ Tổng thống...