Người Việt Nam háo hức ngắm “trăng máu”
Chiều 8/10, người dân đam mê thiên văn đổ xô tìm đến các địa điểm không gian thoáng đãng để đón xem nguyệt thực toàn phần, mặt trăng chuyển sang màu đỏ.
Tại Hà Nội:
Chiều tối ngày 8/10, thời tiết Hà Nội mát mẻ, trời trong tạo điều kiện thuận lợi để quan sát nguyệt thực toàn phần, một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú.
Nguyệt thực toàn phần bắt đầu khoảng 18h30 , sau đó mặt trăng đi ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn, chuyển dần về màu sắc bình thường lúc 19h34.
Ngay từ sớm, những người đam mê thiên văn hay có những người tò mò muốn được xem Trăng máu đã chuẩn bị máy ảnh đặt sẵn trên cầu Long Biên,Hà Nội để chụp lại khoảnh khắc mặt trăng nhuốm đỏ
Tại khu vực Mỹ Đình, nhóm thiên văn nghiệp dư Hà Nội đặt 4 ống kính quan sát, thu hút đông đảo bạn trẻ đến chiêm ngưỡng hiện tượng “trăng máu”
Tò mò ngắm nhìn hiện tượng thiên nhiên hiếm có
Chăm chú dõi theo từng khoảnh khắc nguyệt thực
Một số bạn trẻ sử dụng ống nhòm tầm xa để quan sát
Em Bùi Minh Quân, 6 tuổi say sưa ngắm nhìn mặt trăng chuyển dần từ tối sang sáng
Nhiều bạn trẻ tranh thủ ghi lại khoảnh khắc nguyệt thực
Video đang HOT
Bạn Vũ Thế Hoàng, thành viên hội thiên văn nghiệp dư giải thích hiện tượng nguyệt thưc toàn phần cho các bạn trẻ
Bức ảnh trăng máu được chụp tại tòa nhà cao thứ hai TP. Hà Nội (ảnh chụp lúc 18h30 tối 8/10)
Nhiều bạn trẻ ngắm nhìn nguyệt thực từ cầu vượt bộ Dịch Vọng
Rất đông bạn trẻ rủ nhau lên cầu Long Biên chờ đợi giây phút nhìn mặt trăng đỏ
Phải 18h30 mặt trăng mới xuất hiện
Dù mặt trăng xuất hiện không như mong muốn nhưng mọi người vẫn vui, ghi lại khoảnh khắc này
TPHCM, Đà Nẵng: Người yêu thiên văn đón “mặt trăng máu”… hụt
TPHCM: Theo ghi nhận của PV, ngay từ trước 18h, các cá nhân, câu lạc bộ, nhóm thiên văn học tại TP.HCM đã tập trung khá đông đủ ở khu vực cầu Khánh Hội (Q.1, TP.HCM).
Tại đây, các bạn trẻ yêu thiên văn đã mang tới loạt kính viễn vọng “khủng” do mình tự chế tạo. Bên cạnh đó, hàng loạt “súng khủng” khác có vật kính rộng và độ phóng đại khoảng 100 trăm lần cũng được bày binh bố trận trước thời điểm mặt trăng nhô lên khỏi đường chân trời.
Tuy nhiên, tính đến hơn 18h30, đúng ra mặt trăng đã xuất hiện nhưng vì mây khá dầy nên chưa thể quan sát được ánh trăng. Song tất cả vẫn mang hi vọng và nhẫn nại chờ đợi bầu trời sẽ trở nên quang hơn.
Đến khoảng 19h, khi mặt trăng đã thật sự lên cao thì mây càng dầy hơn. Mặc dù 20h34 mới kết thúc hiện tượng “mặt trăng đỏ” nhưng ngay lúc này, tất cả gần như phải chấp nhận buổi quan sát thiên văn đã thất bại.
Những nhà yêu thiên văn đầu tiên xuất hiện trên cầu Khánh Hội.
“Súng ống” của bạn Nguyễn Nam Tùng, thành viên câu lạc bộ Khoa học sáng tạo – Trường THPT Lê Hồng Phong, có vật kính 60mm, khả năng phóng đại lên tới 72 lần.
Bày binh bố trận và kiểm tra “súng” để đón “mặt trăng đỏ”.
Anh Đặng Tuấn Duy, chủ nhiệm câu lạc bộ thiên văn học HAAC đang sử dụng phần mềm mô phỏng để kiểm tra vị trí của mặt trăng theo thời gian thực.
Không chỉ các bạn nam mà sự kiện này còn thu hút đông đảo các bạn nữ tham gia.
Kính thiên văn sẵn sàng chờ “mặt trăng đỏ”.
Dọn “súng” ra về.
Các bạn trẻ yêu thiên văn cùng chụp ảnh lưu niệm với nhau.
Đà Nẵng: thời tiết trời mây dày đặc đã khiến cho người Đà Nẵng bỏ lỡ cơ hội được ngắm hiện tượng “trăng máu” hiếm có.
Nhóm bạn trẻ yêu thiên văn Đà Nẵng háo hức chụp hình lưu niệm trước giờ hiện tượng “trăng máu” xảy ra.
Tuy nhiên, mặt trăng không thể lộ rõ do thời tiết mây mù dày đặc….
…đã khiến các bạn trẻ vô cùng tiếc nuối.
Mặt trăng lộ rõ nhất lúc 19h00 rồi lại bị mây mù che khuất.
Theo Khampha
Tối nay, có thể quan sát "trăng máu" từ Việt Nam
Tối nay (8/10), Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát nguyệt thực toàn phần. Hiện tượng này xảy ra cũng là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ rõ và đẹp nhất.
17h25 có thể xem được hiện tượng "trăng máu"
Anh Đặng Tuấn Duy, Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC) cho biết, theo tính toán của NASA, trừ châu Âu, châu Phi và một phần nhỏ khu vực châu Á không quan sát được nguyệt thực toàn phần, còn lại các khu vực khác đều có thể quan sát được, rõ nhất là phía tây Bắc Mỹ, Australia và phía đông Châu Á.
Hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra năm 2011 (Ảnh: HAAC)
Tại Việt Nam, nguyệt thực nửa tối (penumbral eclipse) bắt đầu từ 15h15 ngày 8/10 khi trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái đất, nhưng nguyệt thực nửa tối sẽ rất khó nhận biết vì Mặt trăng chỉ tối hơn bình thường một chút.
"Nguyệt thực toàn phần bắt đầu lúc 17h25 và toàn bộ Mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Hiện tượng này đạt cực đại vào lúc 17h54, cũng là lúc Mặt trăng nhuốm màu đỏ rõ ràng nhất. Cũng vì vậy hiện tượng này còn gọi là "trăng máu", anh Duy nói.
Anh Duy cho biết thêm, người xem có thể quan sát nguyệt thực toàn phần đến 18h24 phút, sau đó Mặt trăng sẽ đi ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn, chuyển dần về màu sắc bình thường lúc 19h34 phút.
Theo anh Duy, vào tháng 12/2011, nguyệt thực toàn phần cũng xảy ra vào buổi tối và người dân đã có thể quan sát được chọn vẹn hiện tượng này. Riêng năm 2014, đây là lần thứ 2 nguyệt thực toàn phần xảy ra trong năm. Lần trước diễn ra ngày 14-15/5 nhưng Việt Nam không quan sát được.
"Theo quan sát thời tiết, tôi thấy ở miền Bắc có thể quan sát rõ hiện tượng "trăng máu". Còn ở khu vực miền Trung và Sài Gòn, trời đang khá nhiều mây nên khó có thể quan sát rõ được hiện tượng này. Người dân ở nơi trời trong, vùng chân trời trống thì có thể dễ dàng quan sát được nguyệt thực toàn phần", anh Duy chia sẻ.
Người dân tìm nơi thoáng, nhìn hướng Đông xem "trăng máu"
Anh Nguyễn Đức Phường, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, ngay từ gần tối người dân phải chuẩn bị tìm nơi thoáng đãng, nhìn về phía Đông mặt trăng mọc để xem hiện tượng nguyệt thực toàn phần.
Để quan sát "trăng máu", ngay từ gần tối người dân phải tìm nơi thoáng đãng, nhìn về phía Đông (Ảnh: HAAC)
"Khi hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra, Mặt trăng ở khá thấp so với đường chân trời. Do đó, người dân phải chọn nơi thoáng đãng, hoặc lên tầng thượng của nhà cao tầng quan sát. Nếu muốn nhìn rõ hơn hiện tượng "trăng máu" thì người dân phải ra ngoại thành Hà Nội, tìm đến những vùng đất thông thoáng, không có vật cản hướng phía chân trời", anh Phường nói.
Theo anh Phường, ngoài địa điểm quan sát là những vùng đất trống, tòa nhà cao tầng, người dân có thể tổ chức thành nhóm quan sát tại hai địa điểm là cổng sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, quận Cầu Giấy; Trung tâm thương mại Savico Megamall, quận Long Biên.
"Người dân hoàn toàn có thể quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần bằng mắt thường. Tuy nhiên, để nó đẹp hơn thì người dân có thể sử dụng thêm những chiếc kính thiên văn phổ thông", anh Phường nói.
Anh Phường giải thích thêm, hiện tượng nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi mà Mặt trời, Trái đất, Mặt trăng gần như nằm trên một đường thẳng. Khi ba thiên thể này xếp trên cùng một đường thẳng, thì bóng của Trái đất sẽ bao trùm lên Mặt trăng (tức là Mặt trăng nó sẽ đi qua bóng Trái đất).
Nếu Mặt trăng bị bao phủ bởi một phần bóng của Trái đất thì gọi nguyệt thực một phần. Còn nếu Mặt trăng bị bao phủ hoàn toàn bởi bóng của Trái đất thì gọi là hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Trước khi hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra thì người dân có thể quan sát được hiện tượng nguyệt thực một phần.
Theo Khampha