Người Trung Quốc dè dặt chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ
Thu nhập giảm cùng những biện pháp cách biệt cộng đồng đã khiến người tiêu dùng không có nhu cầu mua sắm, khoe khoang.
Zhang Liang, một cư dân Bắc Kinh đã mong chờ kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động trong một thời gian dài. Sau khi làm việc tại nhà 3 tháng do các công ty đóng cửa văn phòng vì Covid-19, Zhang đang khao khát được nghỉ ngơi.
Zhang, nhà phân tích kinh doanh 45 tuổi làm việc ở một công ty đa quốc gia, cho biết anh cảm thấy căng thẳng từ những tin tức tiêu cực liên tục, sự thiếu liên lạc với bạn bè đồng nghiệp và phải vừa làm việc ở nhà vừa trông con do trường mẫu giáo đóng cửa. Trong khi kỳ nghỉ lễ từ 1/5 đến 5/5 là cơ hội để nhiều người bù đắp thời gian xa nhà, Zhang không có kế hoạch hay kỳ vọng lớn.
“Sau một tháng làm việc tại nhà, tôi tưởng tượng rằng mình có kỳ nghỉ ở bãi biển. Sau đó, tôi chỉ muốn một bữa lẩu tại nhà hàng hoặc đi nhậu tại quán bar”, anh nói. “Tuy nhiên khi thời gian trôi qua, tôi càng cảm thấy ít có nhu cầu đi ra ngoài, tiêu tiền hoặc làm bất cứ việc gì. Trong kỳ nghỉ, tôi sẽ chỉ làm nhiệm vụ của một người bố, đưa bọn trẻ ra công viên và sau đó nằm vật xuống giường, không muốn nghĩ ngợi gì cả”.
Trung Quốc đang hy vọng người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu trong kỳ nghỉ ngày Quốc tế Lao động kéo dài bắt đầu vào 1/5. Ảnh: EPA-EFE.
Kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày đầu tháng 5 là dịp để giới chức hy vọng sẽ giải phóng sức mua của người dân trong một nền kinh tế đã giảm 6,8% GDP trong quý I/2020 – lần tăng trưởng âm đầu tiên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong ba thập kỷ. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng không nên kỳ vọng quá nhiều vào sự phục hồi mạnh mẽ trở lại của nhu cầu người tiêu dùng.
Năm nay, Trung Quốc đã kéo dài đến 5 ngày trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao Động để tăng mức tiêu thụ. Trong bối cảnh Covid-19 đã lắng xuống trên khắp đất nước, nhiều chính quyền địa phương mở lại công viên, sân vận động, công bố kế hoạch phát voucher sử dụng trong các trung tâm mua sắm. Bộ Thương mại cũng thông báo sẽ có một lễ hội mua sắm trực tuyến từ 28/4 đến 10/5 để giúp hồi sinh ngành bán lẻ đang bị ảnh hưởng nặng.
Hu Xingdou, một nhà kinh tế chính trị tự do, cho biết Trung Quốc có thể mong đợi sự gia tăng các khoản chi tiêu của người dân trong kỳ nghỉ, nhưng nó có thể không kéo dài. “Sẽ có một số hồi phục về mức tiêu thụ, nhưng tôi nghi ngờ các biện pháp (thúc đẩy mua sắm) sẽ có hiệu quả. Người dân đã sống trong môi trường tằn tiện trong nhiều tháng, những hoạt động của họ được theo dõi và việc đi lại bị hạn chế. Với sự căng thẳng tâm lý của nhiều người, khi chính phủ cố gắng cân bằng giữa hồi phục kinh tế và duy trì các biện pháp giãn cách cộng đồng để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, sự phục hồi trong tiêu dùng sẽ bị hạn chế”, ông Hu nói.
Trong kỳ nghỉ Quốc tế Lao động năm ngoái, khách du lịch đã thực hiện 195 triệu chuyến đi tại Trung Quốc và doanh thu du lịch của đất nước này đã tăng 16% so với một năm trước đó lên 117,67 tỷ nhân dân tệ (17,5 tỷ USD). Doanh thu phòng vé điện ảnh trong giai đoạn này tăng vọt lên hơn 1,5 tỷ nhân dân tệ – từ khoảng 990 triệu nhân dân tệ năm 2018.
Nhưng năm nay, các rạp chiếu phim vẫn đóng cửa ở hầu hết thành phố tại Trung Quốc. Việc đi lại qua biên giới các tỉnh không được khuyến khích. Nhân viên ở các trung tâm mua sắm và siêu thị vẫn liên tục đo thân nhiệt khách hàng, trong khi các nhà hàng phải sắp xếp lại bàn và ghế để đảm bảo khách giữ khoảng cách an toàn.
Li Tingya, nhà tâm lý học ở Thượng Hải đã tình nguyện tư vấn cho mọi người kể từ khi Covid-19 bùng phát vào tháng 1, cho biết người dân vẫn đang trong quá trình trở lại cuộc sống bình thường. “Một số người không muốn ra ngoài vì sợ rằng họ có thể gặp một người mang virus mà không có triệu chứng. Một số người chỉ cảm thấy không muốn nói hoặc làm bất cứ điều gì sau khi sống một mình trong một thời gian dài”, Li nói. “Sẽ mất thời gian để họ bắt đầu lại từ đầu”.
Trung Quốc là thị trường bán lẻ sôi động nhất nhì hành tinh nhờ sức mua mạnh mẽ của người dân. Năm 2019, chi tiêu tiêu dùng chiếm 58% tăng trưởng GDP ở Trung Quốc. Ảnh: MarketWatch.
Trước khi Covid-19 bùng phát, người Trung Quốc là một trong những người tiêu dùng mua sắm nhiều nhất, họ bỏ tiền cho bất động sản, du thuyền, đồ trang sức và các chuyến du lịch đắt đỏ khắp thế giới, nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Yu Lingna, nhà tâm lý học Trung Quốc có trụ sở tại Tokyo, cho biết các biện pháp giãn cách cộng đồng để ngăn chặn đại dịch dường như đã khiến sức tiêu dùng bị đình trệ. “Trước đây, tâm lý bắt kịp xu hướng, dẫn đầu thời trang và tâm lý thích khoe khoang với mọi người là một yếu tố quan trọng đằng sau sự chi tiêu ngông cuồng của người tiêu dùng Trung Quốc”, ông Yu nói. “Nhưng sự giãn cách xã hội sẽ làm suy yếu động lực này trong một thời gian ngắn”.
Nhưng Trung Quốc khó có thể theo chân Nhật Bản trong việc trở thành một xã hội ít nhu cầu, nơi mà sự không chắc chắn về tương lai sẽ ngăn chặn sức tiêu dùng dài hạn. Theo các nhà tâm lý học, sự thôi thúc chi tiêu có thể trở lại Trung Quốc sau một hoặc hai năm, sau khi mọi người trút bỏ được tâm lý suy sụp và sự giãn cách xã hội phía sau họ.
Xếp hàng để được kiểm tra nhiệt độ trước khi vào một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP.
Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế tỏ ra ít lạc quan. Khi đại dịch xảy ra, doanh số bán lẻ ở Trung Quốc giảm 18,9% trong quý I. Thu nhập bình quân đầu người giảm 3,9% trong ba tháng đầu năm, nhấn mạnh xu hướng ảm đạm về tăng trưởng tiêu dùng cá nhân. “Thường thì những mặt hàng như thực phẩm, quần áo và giáo dục ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng giảm thu nhập và do đó có khả năng phục hồi nhanh hơn. Những ngành khác như du lịch, viễn thông và hàng hóa lâu bền, có thể mất nhiều thời gian hơn”, Julia Wang, chuyên gia kinh tế cao cấp của HSBC, viết trong một ghi chú hồi đầu tháng này.
Zhang, nhà phân tích kinh doanh, cho biết ông đang đàm phán giảm lương với người giúp việc gia đình sau khi nghe đồn đoán rằng công ty của ông và vợ ông đều có khả năng sớm tuyên bố ngừng hoạt động. “Tôi không có tâm trạng để nghĩ về mua sắm. Đây là thời gian rất hỗn loạn”, Zhang nói.
Nhân viên y tế TQ trả giá đắt trong cuộc chiến với virus corona
Các chuyên gia nhận định các bác sĩ, y tá Trung Quốc ra tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh khi không được cung cấp đẩy đủ thiết bị bảo hộ cũng như thông tin về virus corona.
Hơn 1.700 nhân viên y tế đã nhiễm virus corona chủng mới, nhiều trường hợp nhiễm virus trong những tuần đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn thiết bị y tế bảo hộ và nhà chức trách Trung Quốc không nhận thức đầy đủ khả năng virus lây từ người sang người.
Giới chuyên gia cảnh báo các bác sĩ, y tá làm việc tại tuyến đầu đang phải trả "cái giá quá cao" trong quốc chiến nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đồng thời cho biết số nhân viên y tế nhiễm bệnh cao làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo tại bệnh viện.
Nhân viên y tế nhiễm virus nhiều hơn dịch SARS
Hôm 14/2, chính phủ Trung Quốc xác nhận 1.716 nhân viên y tế đã nhiễm Covid-19. Đây là con số cao hơn nhiều lần so với đại dịch SARS năm 2002-2003.
Zeng Yixin, Phó giám đốc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho biết số nhân viên y tế nhiễm bệnh chiếm khoảng 3,8% người nhiễm virus corona tại quốc gia này. Trong đó, thành phố Vũ Hán, tâm điểm dịch bệnh, có 1.102 ca nhiễm trong tổng số 1.502 ca của toàn tỉnh Hồ Bắc.
Tới hiện tại, 6 nhân viên y tế đã tử vong vì virus corona, trong đó có bác sĩ nổi tiếng Lý Văn Lượng, 1 trong 8 người từng bị cảnh sát bắt giữ vì công bố sự bùng phát của virus.
Các bác sĩ, y tá tại Vũ Hán thiếu hụt thiết bị bảo hộ y tế trong thời gian đầu virus bùng phát. Ảnh: SCMP.
So sánh với đại dịch SARS, số y tá, bác sĩ nhiễm virus trong đại dịch Covid-19 hiện đã cao hơn.
Trong thời kỳ bùng phát dịch SARS, nhà chức trách Trung Quốc đại lục công bố có 963 nhân viên y tế nhiễm virus, trong tổng số 5.309 ca nhiễm bệnh. Trong khi đó, Hong Kong xác nhận 386 nhân viên y tế nhiễm virus trong tổng số 1.755 bệnh nhân của dịch SARS.
Đối với dịch viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS), virus lây cho 415 nhân viên y tế, trong tổng số 2.223 ca nhiễm bệnh tính từ tháng 9/2012 tới tháng 6/2018.
"Kẻ thù trong bóng tối"
Cai Haodong, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Ditan ở Bắc Kinh, cho biết số ca nhiễm virus corona trong dịch Covid-19 cao hơn so với dịch SARS là bởi người nhiễm virus hầu như không có triệu chứng bệnh trong những ngày đầu lây nhiễm.
"Kẻ thù (virus corona) ở trong bóng tối. Nhận thức của các bác sĩ đối với các bệnh không lây nhiễm là không cao. Họ có thể đã hạ thấp cảnh giác khi bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng", bà Cai nói.
Một trong các nguyên nhân khiến lượng lớn y, bác sĩ nhiệm virus được các chuyên gia nhận định là bởi họ bị đưa ra tuyến đầu chăm sóc bệnh nhân mà không có thiết bị y tế bảo hộ, quan trọng nhất là quần áo và khẩu trang.
"Bác sĩ ở Vũ Hán không có các thiết bị bảo hộ cần thiết khi phải chiến đấu ở tuyến đầu. Cái giá phả trả là quá đắt", bà Cai nói.
Lượng lớn nhân viên y tế nhiễm bệnh cũng được đánh giá là mối đe dọa, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ lây nhiễm chéo virus tại các bệnh viện, nơi vốn tồn tại nhiều nguy cơ dịch bệnh khác.
"Khi bác sĩ nhiễm bệnh, họ có thể lây cho các bênh nhân và tạo ra sự lây nhiễm chéo. Đó là lý do Mỹ yêu cầu các bac sĩ phải tiêm vaccine cúm để bảo đảm họ không truyền virus sang các bệnh nhân", bà Cai cho biết.
Trong khi đó, giáo sư Joseph Lau Tak Fai, chuyên gia y tế từ đại học Hong Kong, đánh giá hơn 1.500 ca nhiễm virus đối với nhân viên y tế là con số lớn. Chuyên gia này cũng có chung nhận định về việc bệnh nhân không cho thấy triệu chứng, dẫn tới các bác sĩ không biết bản thân đã nhiễm bệnh, trong giai đoạn đầu khi virus bùng phát.
"Sau đó, dù đã nắm được nguy cơ lây trực tiếp giữa người và người, các nhân viên y tế vẫn bị đẩy ra tiền tuyến dù không có đủ các thiết bị bảo hộ", ông Lau nói.
Bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: SCMP.
Chuyên gia Hong Kong cho rằng nguy cơ y tế đối với các bác sĩ, y tá thậm chí còn lớn hơn do tình trạng quá tải bệnh nhân tại các cơ sở y tế của Trung Quốc.
Đối với Hong Kong, ông Lau cho rằng sẽ không lặp lại thảm họa trong dịch SARS, hay sự hỗn loạn tại Vũ Hán, do đặc khu này đã chuẩn bị phương án đối phó, đồng thời Hong Kong không có số người nhiễm virus lớn.
Nguy cơ lây nhiễm chéo tại bệnh viện là vấn đề đáng quan ngại mà Tổ chức Y tế thế giới đã lên tiếng xác nhận. "Vấn đề quan trọng sống còn trong các cơ sở y tế đó là nhân viên y tế phải có khả năng tự bảo vệ mình khỏi bệnh truyền nhiễm. Tình trạng nhiễm bệnh tại bệnh viện là mối lo ngại chung cho tất cả quốc gia đang đối phó với Covid-19".
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã công bố số y tá, bác sĩ nhiễm bệnh, giới chuyên gia cho rằng chưa có đủ cơ sở để đánh giá về quy mô lây nhiễm chéo do các y tá, bác sĩ nhiễm virus.
Nhân viên y tế tại một khu cách ly ở Vũ Hán hôm 13/2. Ảnh: AP.
Huang Chaolin, Phó giám đốc bệnh viện Jinyintan, Vũ Hán, người đã xuất bản một bài nghiên cứu về các triệu chứng của Covid-19, bắt đầu có những biểu hiện nhiễm virus đầu tiên ngày 17/1. Ông này được xác nhận dương tính với virus corona 5 ngày sau đó.
Trong bài phỏng vấn với China Newsweek, ông Huang cho biết ông nhiều khả năng nhiễm bệnh từ 2 bệnh nhân không có các triệu chứng khi gặp nhau vào ngày 10/1.
Ban đầu, Huang cho rằng bản thân chỉ bị cảm lạnh và tiếp tục làm việc tại bệnh viện. Bác sĩ này thậm chí chủ trì tiếp đón đoàn chuyên gia từ Bắc Kinh và tổ chức họp báo ngày 19/1.
Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, chính quyền Trung Quốc đang tìm cách nâng cao tinh thần của nhân viên y tế tại tuyến đầu, bằng cách tôn vinh họ như những anh hùng, đồng thời hứa hẹn những khoản tiền thưởng và nhiều hình thức vinh danh khác.
Những nỗ lực cổ vũ giới y, bác sĩ càng tăng lên sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người từng bị cảnh sát Vũ Hán bắt giữ vì đưa ra thông tin về sự bùng phát của virus. Trước đó, cái chết của bác sĩ Lý đã gây phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc, đồng thời được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần của các bác sĩ, y tá tuyến đầu.
Bị từ chối qua trạm kiểm dịch, người phụ nữ trèo qua lan can cầu
Người phụ nữ không đeo khẩu trang đã trèo qua lan can cầu, sau khi bị từ chối đi qua trạm kiểm tra thân nhiệt. Cảnh sát đã tìm cách đưa người này trở về nhà an toàn.
Theo news.zing.vn
Bắc Kinh yêu cầu cách ly 2 tuần với người từ quê trở về thành phố Nhà chức trách Bắc Kinh yêu cầu người trở về thành phố làm việc phải tự cách ly 14 ngày, đồng thời thông báo trước về hành trình, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Theo New York Times, truyền thông Trung Quốc hôm 14/2 xác nhận nhà chức trách thủ đô Bắc Kinh đã ra lệnh yêu cầu tất cả người...