Người Triều Tiên được xem gì trên truyền hình
Mọi tin tức, dù nhỏ nhặt, miễn là nội dung ca ngợi lãnh đạo, đều có thể được xuất hiện trong mục tin nổi bật phát sóng hàng ngày trên kênh truyền hình quốc gia Triều Tiên.
Đoạn phim trong một chương trình của kênh KCTV ghi lại cảnh các nữ quân nhân gào khóc tại tang lễ của Chủ tịch Kim Jong-il. Ảnh: AFP
Một cụ bà sống ở vùng nông thông Triều Tiên được người cháu nội làm việc trên thành phố mua tặng chiếc ti vi mới. Đối với bà, chiếc hộp gỗ này thật sự đáng kinh ngạc. Bà có thể nghe nhạc và xem người ta đi lại, làm việc trên màn hình. Bà thậm chí còn được tới thăm Bình Nhưỡng mà không cần giấy phép từ các cơ quan chức năng nhờ du lịch qua màn ảnh nhỏ.
Trong một thời gian ngắn, chiếc hộp gỗ của bà trở thành kỳ quan nổi bật đối với dân làng. Nhưng tiếng tăm ấy không kéo dài được lâu. Mọi người bắt đầu mất dần sự ham thích dành cho nó bởi nội dung trong đó thường xuyên lặp lại.
Điều gì đã xảy ra? Sau khi cân nhắc, bà cụ quyết định viết thư gửi người cháu. “Cháu trai yêu quý, chúng ta đã xem hết những thứ trong chiếc ti vi mà cháu tặng. Vậy nên, hãy mua một cái khác và gửi về cho chúng ta nhé”, bà nêu nguyện vọng của mình trong thư.
Đây là một mẩu truyện cười mà chủ tịch Ủy ban Phát thanh Truyền hình Trung ương Triều Tiên kể trong cuộc họp cùng các đồng nghiệp vào năm 1994. Theo ông, ngay cả những chiến dịch tuyên truyền của đảng cũng cần bổ sung sự thú vị để phát huy hiệu quả tối đa, Guardian dẫn lời ông Jang Jin-sung, một nhà hoạt động bỏ trốn khỏi Triều Tiên, cựu nhân viên thuộc cơ quan tuyên truyền của nước này, cho hay.
Video đang HOT
Nhưng những gợi ý về một cuộc đại tu bộ máy tuyên truyền của nhà nước Triều Tiên được nêu ra đã không thể trở thành hiện thực. Chưa đầy một tuần sau, Chủ tịch Triều Tiên lúc bấy giờ là ông Kim Jong-il công bố hướng đi mới cho các chương trình truyền hình. Bởi gương mặt các vệ sĩ riêng bị phơi bày trên bản tin nhà nước, ông Kim ra lệnh cho kênh truyền hinh trung ương Triều Tiên KCTV phải thay thế 80% nội dung đang phát sóng bằng những chương trình ca nhạc nhằm đánh lạc hướng kẻ thù.
KCTV bỗng chốc trở thành một kênh giải trí đặc biệt. Trong một nỗ lực nhằm xây dựng nét độc đáo riêng, các nhà sản xuất phải phát triển thêm những chương trình mới như: Khám phá Âm nhạc, Thử thách Âm nhạc, Nhạc và Thơ, Tìm hiểu Nhạc Cổ điển…
Bản tin hàng ngày
Người dẫn chương trình trong một bản tin thời sự của kênh KCTV. Ảnh chụp màn hình
KCTV hiện tại bắt đầu lên sóng thường nhật lúc 15h với các báo cáo về hoạt động trong ngày của lãnh đạo. Bản tin phát vào ba khung giờ chính: 17h, 20h, 22h và không dài quá 20 phút. Xen kẽ là những bộ phim truyền hình hay phim tài liệu được phát lại.
Trong một chương trình tin tức của đài KCTV được đăng tải gần đây trên Youtube, người dẫn chương trình khởi động bằng cách điểm lại các bài viết trên báo chí thế giới viết về ngày sinh nhật của cố Chủ tịch Kim Jong-il. Miễn là có nội dung ca ngợi lãnh đạo, tất cả đều trở thành tin nổi bật,Guardian bình luận.
Người dẫn chương trình sau đó tiếp tục với những chỉ trích gay gắt nhằm vào Hàn Quốc đồng thời cung cấp nhận định về điều gì đã xảy ra với các quốc gia thân thiện như Iran. Chương trình dành 8 phút cuối cùng trong tổng số 18 phút thời lượng để đọc tin từ trang báo nhà nước Rodong Sinmun.
Một số bản tin ngày nay còn được phát sóng trên định dạng có độ phân giải cao, tuy nhiên bất chấp những cải tiến về mặt kỹ thuật, thông điệp truyền tải vẫn không thay đổi.
Giải trí tuyên truyền
“Tất cả những bộ phim truyền hình hay chương trình phát thanh đều phải do cơ quan nhà nước cấp cao nhất phê duyệt, ngay cả khi mới đang trong giai đoạn lên kế hoạch”, Jang Jin-sung, cựu biên kịch của kênh KCTV, cho biết trong một video do Viện Hợp nhất Giáo dục Hàn Quốc phát hành.
Những bộ phim của Triều Tiên thường truyền tải các giá trị phổ biến như: lòng trung thành đối với lãnh đạo, nhận thức chung về nền kinh tế hay tư tưởng chấn hưng quốc gia, ông Jang nói thêm.
Jwawoomyong (Câu khẩu hiệu), một bộ phim truyền hình mới lên sóng trên kênh KCTV , cũng bao hàm tất cả những giá trị trên. Trong một tập phim, ngươi cha suy sụp hoàn toàn vì khiến cả quốc gia thất vọng sau khi một công trình ông chịu trách nhiệm xây dựng bị đổ sập. Tuy nhiên, ông đã hồi phục, lấy lại tinh thần khi nhớ đến những ký ức về sự cống hiến, lòng sùng kính vô hạn mà mình dành cho đất nước.
Định hướng tư tưởng và tuyên truyền luôn là hai mục tiêu chủ đạo trong các chương trình giải trí ở Triều Tiên. Điển hình có thể kể đến “Một ngày thao luyện”, bộ phim được phát sóng tuần trước, kể lại câu chuyện về một người lính trẻ dám phá vỡ các quy định trong quân đội để tìm cách đạt được hiệu quả chiến đấu cao hơn.
Hành động của anh khiến các binh sĩ khác thuộc trung đội vô cùng vất vả. Trong một cảnh phim, anh cố tình làm hỏng súng của đồng đội ngay trước buổi tập luyện để đảm bảo chắc chắn rằng họ luôn kiểm tra trang bị bất kể thời gian, địa điểm.
Khi vị trung đội trưởng trẻ tuổi này bị thương trên chiến trường, anh đã lấy lại sức mạnh nhờ nhìn thấy hình ảnh của lãnh đạo Triều Tiên trên trang nhất tờ Rodong Sinmun.
Hiện nay, những chương trình ca nhạc của Bình Nhưỡng cũng có cùng mục đích giáo dục tư tưởng người dân. Đa phần các ca khúc đều mang đậm tính chất tuyên truyền.
Trong một chương trình âm nhạc tương tác, người tham gia còn được yêu cầu kể lại trước máy quay việc mình đã được truyền cảm hứng như thế nào khi nghe những giai điệu trong các bài hát cổ động.
Vũ Hoàng
Theo Guardian