Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch: Đội quân thầm lặng
Đều đặn mỗi ngày từ 8 giờ sáng đến chiều tối, 56 sinh viên tình nguyện của Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM miệt mài hỗ trợ phòng chống dịch. Họ phải đối mặt với việc lây nhiễm bất cứ lúc nào.
Nhóm sinh viên làm việc miệt mài từ sáng đến tối để hỗ trợ tốt nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh
Quên trưa, quên tối
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những sinh viên (SV) ngành y tế công cộng và y tế dự phòng đã tự nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Gần 1 tháng qua, họ làm việc nhiều lúc quên trưa, quên tối chỉ mong có thể góp sức trẻ vào công tác chống dịch của thành phố.
Mỗi khi tụi mình nghĩ về ngoài kia có rất nhiều người thầm lặng đang ra sức để chống lại dịch Covid-19 thì tụi mình luôn tự nhủ bản thân cần phải cố gắng nhiều hơn nữa
Nguyễn Thanh Sơn (sinh viên ngành y tế công cộng)
Công việc hằng ngày của các SV này là hỗ trợ thống kê số liệu, làm báo cáo định kỳ, báo cáo ngày, báo cáo tuần hay báo cáo đột xuất, tiếp nhận và xử lý các thông tin qua đường dây nóng, theo dõi các đối tượng tiếp xúc gần với các ca nhiễm ở TP.HCM, theo dõi các thông tin và cập nhật chuyến bay, hỗ trợ thu thập thông tin, điều tra dịch tễ và nhập liệu cũng như cập nhật kết quả xét nghiệm của các ca nghi nhiễm, tiếp xúc gần với ca nhiễm tại 24 trung tâm y tế quận, huyện và 14 khu cách ly trên địa bàn thành phố.
Cứ 8 giờ sáng mỗi ngày, họ đến HCDC và chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 3 – 4 thành viên và phụ trách một nhiệm vụ khác nhau.
Theo Đỗ Thị Hà (SV ngành y tế công cộng), công việc phần lớn đều liên quan đến thống kê nên đòi hỏi sự kiên nhẫn vì thông tin cần phải chính xác. Những số liệu và thông tin này sẽ giúp các cơ quan quản lý kiểm soát dịch bệnh, đồng thời cũng là cơ sở để đưa đến người dân những thông tin chính xác, đầy đủ và nhanh chóng.
Còn Nguyễn Thanh Sơn (SV ngành y tế công cộng) chia sẻ: “Mặc dù tụi mình không phải trực tiếp ra thực địa, nhưng phụ trách nhập liệu tờ khai y tế của các chuyến bay có người dương tính với vi rút mà công việc cũng khá nguy hiểm vì những giấy tờ này được lấy từ những người mang mầm bệnh”.
“Mỗi khi tụi mình nghĩ về ngoài kia đang có rất nhiều người đặt niềm tin vào ngành y tế, có rất nhiều người thầm lặng đang ra sức để chống lại dịch Covid-19 thì tụi mình luôn tự nhủ bản thân cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tụi mình quyết tâm sẽ làm việc này cho đến khi công bố hết dịch”, Sơn nói đầy tâm huyết.
Lê Thanh Truyền (phải) cùng các bạn trong đội hình thực hiện tốt nhiệm vụ
Video đang HOT
Những tình huống khó đỡ
Trần Nguyễn Giang Hương (SV ngành bác sĩ y học dự phòng) phụ trách đường dây nóng, kể: “Thoạt nghe qua việc trực đường dây nóng khá đơn giản nhưng có rất nhiều vấn đề. Người dân đang rất quan tâm về những thông tin liên quan đến dịch bệnh, nỗi lo lắng của người dân thì muôn hình vạn trạng. Nên thật sự cũng rất vất vả vì đường dây nóng chưa bao giờ hết “nóng”, tụi mình phải hỗ trợ liên tục từ sáng tới tối, thậm chí không có giờ nghỉ trưa”.
Nhắc về các tình huống khi tiếp nhận đường dây nóng, Sơn hài hước: “Ngoài những câu hỏi về cách phòng chống, hay nên làm gì khi có triệu chứng, biểu hiện bệnh…, còn lại hầu hết các câu hỏi đều… khó đỡ. Có nhiều người còn tưởng đây là đại lý bán vé máy bay, người ta gọi hỏi đây có phải bán vé máy bay không? Còn nhiều tình huống trớ trêu là người ta gọi báo ở gần nhà có tụ tập đông người sao không thấy ai xử lý hết vậy, có người hỏi chỗ nào cung cấp thực phẩm giá sỉ nữa…”.
Hương trăn trở: “Mình luôn suy nghĩ làm sao nhận được càng nhiều thông tin và phản hồi từ người dân càng tốt. Mình luôn lo nếu lỡ có một thông tin quý giá nào đó có ích về một ca nghi ngờ nhiễm bệnh trong cộng đồng, hoặc người dân vì quá nhiều nguồn tin mà hành động sai, đường dây nóng không kịp phản hồi, thì sẽ gây ra hậu quả lớn đến như thế nào”.
Nấu cơm ăn thật no để đi hỗ trợ chống dịch
Mặc dù làm việc từ sáng đến tận tối và không nghỉ ngày nào dù thứ bảy hay chủ nhật, nhưng các SV này vẫn làm với tinh thần tình nguyện và hoàn toàn không được hỗ trợ gì. Về ăn uống, họ cũng phải tự lo.
Câu chuyện của chàng trai mồ côi Lê Thanh Truyền (SV ngành bác sĩ y học dự phòng), tự đi làm thêm nuôi bản thân ăn học và cả cậu em trai bị bệnh trầm cảm, nhưng vẫn tự nguyện tham gia vào đội hình và làm miệt mài từ sáng đến tối, cũng chứng minh được tinh thần quyết tâm của những SV ngành y khi mong muốn cùng góp sức vào công tác phòng chống dịch bệnh.
“Mình vất vả quen rồi nên cũng không sao. Mà thực ra mình có gạo ở quê mang vào hồi đầu năm, nên sáng mình nấu cơm ăn no rồi đi, chiều về cũng vậy, trưa thì đặt cơm chung với bạn, mấy ngày nay bên Đoàn khoa y có hỗ trợ phần ăn trưa nên cũng đỡ, mình cũng bớt phải lo”, Truyền kể.
Dù hoàn cảnh rất đặc biệt, nhưng Truyền rất năng nổ trong các công tác thiện nguyện. Trong đội hình lần này, Truyền đảm nhận nhiệm vụ quản lý và điều phối hoạt động tất cả 56 SV tại trung tâm.
“Áp lực lớn nhất của mình là việc phải báo cáo ngày trước 11 giờ, đòi hỏi phải chính xác, nhanh chóng và đúng tiến độ. Lúc đầu em khá bối rối với khối lượng công việc nhiều như thế, 3 – 4 ngày đầu đi hỗ trợ về đến nhà là phải thức khuya để tự mình hệ thống và sắp xếp lại quy trình, cách triển khai, phân chia nhiệm vụ và điều phối công việc giữa 56 bạn và 15 anh chị của khoa sao cho được nhịp nhàng, trôi chảy”, Truyền kể.
Vì làm quản lý chung, nên sáng Truyền phải đến sớm hơn để điều phối công việc, chiều thì ở lại về sau để thống kê và họp với HCDC để rút kinh nghiệm về những sai sót, bất cập trong ngày, sắp xếp, chuẩn bị công việc triển khai cho hôm sau. Chính vì thế, hôm nào Truyền về đến nhà cũng đã khuya.
“Sau mỗi ngày, nhìn thấy các anh chị ở trung tâm cười vui, có lẽ vì có tụi em mà công việc ở đây được san sẻ hơn, các anh chị có nhiều thời gian tập trung cho những ca bệnh khó hơn hay những nhiệm vụ quan trọng hơn, chỉ thế thôi là tụi em cũng có động lực để cố gắng nhiều hơn. Để có những lúc chúng em có thể chia nhau cái bánh, ly cà phê, hộp sữa… để tan đi cái đói, cái buồn ngủ mà làm việc tiếp”, Truyền bày tỏ.
Nữ Vương
Nhóm sinh viên ĐH Y tế Công cộng tình nguyện tham gia chống dịch
Nhóm sinh viên ĐH Y tế Công cộng (Hà Nội) nhận được nhiều lời khen ngợi khi nhanh chóng tham gia hỗ trợ công tác kiểm soát dịch của Bộ Y tế.
Thứ 7 tuần trước (14/3), Đinh Thị Thu Trang, sinh viên năm 2 khoa Y tế công cộng, ĐH Y tế Công cộng (Hà Nội) và một số bạn học nhận được thông báo gấp của nhà trường, cần huy động lực lượng sinh viên tình nguyện hỗ trợ kiểm soát dịch thực hiện theo yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.
Dù chưa rõ công việc cụ thể cần làm và đang trong ngày nghỉ, Thu Trang và nhiều sinh viên khác vẫn hăng hái đăng ký tham gia hoạt động và nhanh chóng thu xếp đến Bộ Y tế.
Dù chỉ là những cô cậu sinh viên năm 2, năm 3, Thu Trang và các bạn đều hiểu đây không chỉ là cơ hội giúp đỡ cộng đồng mà còn có thể học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong học tập và công việc sau này.
Nhóm sinh viên ĐH Y tế Công cộng tham gia công tác tình nguyện theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19.
Háo hức và lo lắng
Ban đầu, Thu Trang và 22 bạn khác được chọn để tham gia công tác hỗ trợ.
"Đến nơi, bọn mình mới biết công việc là hỗ trợ triển khai hoạt động xác định những người phơi nhiễm Covid-19 trong cộng đồng theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Lúc ấy vừa hào hứng, vừa lo lắng không biết mình có thể hoàn thành tốt công việc không", Thu Trang nói với Zing.vn.
Nhóm bạn nhanh chóng được các nhân viên tại đây hướng dẫn việc cần làm. Công việc chủ yếu của Trang và các bạn là gọi điện thoại liên lạc tới các hành khách đi trên chuyến bay có người nhiễm Covid-19, thông báo, hướng dẫn tự cách ly ban đầu và liên hệ với cơ quan y tế địa phương để tiến hành kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
Nhóm sinh viên nhanh chóng làm quen với công việc.
Công việc có phần mới mẻ nhưng cũng không quá lạ lẫm với nhóm bạn vì nằm trong nội dung học trên lớp, nay được thực hành ngay trong chính đợt dịch.
"Lúc nghe phổ biến xong bọn mình khá lo. Khi liên hệ, bọn mình tự nhủ phải cẩn trọng lời nói vì dù sao cũng đang làm công tác hỗ trợ Bộ Y tế, lời nói có thể mang tính ảnh hưởng và đại diện cho đơn vị và các cơ quan liên quan", Thu Trang kể.
Sau khi được hướng dẫn, nhóm của Trang nhanh chóng tiến hành công việc. Sau khoảng 2 tiếng đầu có sự giám sát của nhân viên có kinh nghiệm, các bạn nhanh chóng làm quen và tự làm việc dưới sự hỗ trợ của nhóm trưởng.
Ngày đầu tiên làm việc, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, nhóm sinh viên đã giúp hoàn thành việc hỗ trợ thông tin về chuyến bay có gần 200 khách. Sau đó, các bạn được bố trí phòng làm việc riêng tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế cùng nhiều phòng ban khác.
"Hôm đầu tiên làm việc xong bọn mình ở lại họp để nhận xét ưu khuyết điểm của nhau, rút kinh nghiệm để hôm sau làm việc được nhanh và hiệu quả nhất. Trong công tác chống dịch bệnh như thế này, chỉ cần mỗi hoạt động nhanh hơn 1 giây thôi cũng đủ giảm thiểu nguy cơ lớn cho cộng đồng", Thu Trang cho hay.
Vinh dự, tự hào vì được góp sức
Vì ĐH Y tế Công cộng vẫn cho sinh viên đi học bình thường, từ 16/3, nhóm của Thu Trang phân ca làm việc theo lịch học, ai rảnh khi nào đến làm việc khi đó, không để ảnh hưởng đến việc học tập. Số thành viên cũng được cắt giảm xuống còn 14 người.
"Bọn mình được hỗ trợ các suất ăn chính khi làm tình nguyện tại đây, đồ ăn vặt, nước uống cũng luôn đầy đủ để tiếp sức. Bên cạnh đó, dù chỉ ngồi trong phòng làm việc, mỗi người đều được phát khẩu trang, nước rửa tay liên tục để đảm bảo an toàn. Các chú, các bác lãnh đạo cũng thường tới động viên, khích lệ bọn mình nữa", nữ sinh viên quê Phú Thọ nói.
Đây là kỷ niệm đáng nhớ với nhóm sinh viên ĐH Y tế Công cộng.
Đối với Trang và nhóm tình nguyện, việc được tham gia góp sức vào công tác phòng chống dịch của quốc gia là cơ hội để học hỏi, áp dụng các kiến thức được học vào thực tế cũng như tích lũy kinh nghiệm khi đi làm sau này.
"Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với mình sau dịp này là được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, được gặp nhiều lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Bên cạnh đó, mình hiểu được những vất vả của nhân viên y tế mùa dịch, củng cố niềm tin vào ngành học đã chọn, hy vọng sau này có thể cống hiến nhiều hơn", Thu Trang bày tỏ.
Tối 18/3, Việt Nam ghi nhận thêm 8 ca mắc mới Covid-19, là hành khách trên các chuyến bay mới về nước. Kế hoạch hoàn thành công việc trước 21/3 của nhóm Thu Trang dự kiến phải kéo dài thêm.
Cứ mỗi khi có ca dương tính virus corona mới là quá trình làm việc với mỗi chuyến bay của nhóm bạn lại bắt đầu từ đầu.
"Bọn mình sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Hy vọng Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch Covid-19 sớm nhất có thể", nữ sinh bày tỏ.
Theo Zing
[Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19]: Viết đơn tình nguyện đi chống dịch Hàng trăm sinh viên đã viết đơn tình nguyện đi chống dịch Covid-19. Họ đã không quản ngày đêm, vượt mọi khó khăn tham gia vào tuyến đầu cùng giúp các y bác sĩ tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Bình chống dịch. Sinh viên Trần Văn Ngọc (ngồi) làm việc ở khu cách ly - Nhật Nam 50...