Người trẻ ngày càng lệ thuộc vào smartphone?: Những cái kết bất ngờ…
Vì thói quen lệ thuộc vào smartphone nên một số người trẻ răm rắp nghe theo những tư vấn, hướng dẫn về cách chăm sóc sức khỏe mà chẳng màng đến hệ lụy có thể xảy ra.
Chỉ vì lạm dụng smartphone…
Một tối tháng 9, nhóm công nhân của Công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, TP.HCM, tổ chức đá bóng. Đỗ Mạnh Thương (26 tuổi) không may gặp chấn thương dẫn đến chân bị bầm tím, đau đớn. Có người khuyên nên nhanh chóng chở Thương đến Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức để kiểm tra. Có người lại đưa ra ý kiến nên kiếm điện thoại và “hãy tra Google!” để tìm cách xử lý vết bầm cho Thương.
Kết quả hiện ra trên smartphone khi tìm kiếm nội dung xử lý vết bầm là đường dẫn đến một video trên TikTok. Trong đó, “bác sĩ TikToker” hướng dẫn hãy chườm đá trực tiếp lên chỗ bầm. Cả nhóm lục tục làm theo; và không lâu sau, vùng da bầm tím có dấu hiệu bị bỏng lạnh, Thương liên tục kêu đau.
“Bác sĩ nói tôi bị bỏng lạnh là do chườm đá trực tiếp lên da. Cách xử lý này là không đúng, cần phải lót miếng vải mỏng giữa da và đá. Hóa ra video trên TikTok bày bậy”, Thương kể.
Nhiều người trẻ ngày càng lệ thuộc vào smartphone Nguyên Trương
Đặng Thành Đạt (27 tuổi), làm việc ở nhà hàng tiệc Bạch Kim, Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết cách đây không lâu, một đồng nghiệp gặp sự cố khi bị mảnh kính vỡ đâm vào chân.
“Mình biết cách xử lý tình huống này là cần đưa đồng nghiệp đi cơ sở y tế. Vậy nhưng chẳng hiểu sao, có lẽ là do thói quen “cái gì không biết hoặc còn lưỡng lự thì hỏi Google” nên tìm kiếm và làm theo. Lúc đó, mình không tin chính bản thân mà chỉ tin một bài hướng dẫn trên mạng. Mình lập tức rút mảnh kính ra khỏi chân người bạn. Máu chảy ra rất nhiều. Hoảng quá, mình vội vàng chở bạn vào trạm y tế gần đó”, Đạt kể.
Video đang HOT
Đạt tiếp tục nói: “Bác sĩ trách mình tại sao lại rút mảnh kính ra khỏi vết thương. Điều đó chỉ làm vết thương trở nên nghiêm trọng và dẫn đến tình trạng mất nhiều máu. Và cách xử lý đúng phải là nhanh chóng đưa đi cơ sở y tế”. Rồi chàng trai này tự trách bản thân: “Giữa 2 phương án, dù biết cách đúng nhưng mình chọn làm theo cách sai chỉ vì… lạm dụng smartphone”.
Anh Trần Vũ Mạnh (35 tuổi), làm việc ở Công ty CP bao bì nhựa Hoàng Gia, H.Bình Chánh, TP.HCM, nói vui: “Vì xem TikTok mỗi ngày quá 180 phút mà có lần tôi… suýt hại bạn thân”.
Theo đó, bạn của anh Mạnh bị ngất xỉu. Dù quýnh quáng nhưng do thói quen hay xem những video hướng dẫn phòng, chữa bệnh trên TikTok nên anh chàng này vội tìm kiếm “cách xử trí người bị ngất xỉu”. “Bác sĩ TikToker” bày cách cần nâng cao đầu người ngất xỉu và cho uống nước bò húc nên anh Mạnh làm theo.
“Có vài người mắng tôi vì làm như thế (nâng cao đầu – PV) là sai, dễ dẫn đến việc giảm máu lên não và làm cơ thể mất nước. Phải để người bệnh nằm đầu bằng, nâng hai chân lên, nới rộng quần áo… Kể từ đó, tôi xóa luôn TikTok”, anh Mạnh kể lại.
Chia sẻ với phóng viên, rất nhiều người trẻ không ngại cho biết đã từng… tự hại bản thân chỉ vì lệ thuộc vào smartphone. Thậm chí có người “ôm hận” vì lời khuyên của các “bác sĩ TikToker”, “chuyên gia YouTuber”.
Chỉ nên tin “bác sĩ thật”
Bác sĩ Trần Duy Quang, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết trên TikTok hay YouTube có những nhà sáng tạo nội dung tự xưng là “bác sĩ”.
“Những người này hướng dẫn nhiều cách để phòng, chữa bệnh. Ngạc nhiên là người xem cũng tin vào những video nói thao thao bất tuyệt không hề dựa vào cơ sở khoa học”, bác sĩ Quang nói.
“Chẳng hạn có trường hợp bệnh nhân bị huyết áp cao nhưng không đi khám định kỳ mà dùng chung đơn thuốc của người khác. Tôi hỏi lý do vì sao lại không đi khám bệnh. Người này trả lời do con trai xem trên mạng, được… “bác sĩ YouTuber” hay “bác sĩ TikToker” nào đó bày là có thể xin toa của bệnh nhân khác về mua uống và tự điều trị tại nhà. Đây là cách sai lầm, nguy hiểm đến tính mạng vì mỗi bệnh nhân có những chỉ số huyết áp khác nhau, được chỉ định phương pháp điều trị khác nhau”, bác sĩ Quang chia sẻ.
Bác sĩ Huỳnh Anh Tuấn, Phòng khám đa khoa Duy Khang (TP.HCM), cho rằng: “Không thể phủ nhận một thực tế là nhiều người, trong đó có giới trẻ quá lạm dụng smartphone. Thắc mắc bất kỳ điều gì cũng nhờ smartphone để tìm câu trả lời. Với những tình huống đơn giản trong cuộc sống, “cái giá phải trả” có thể rẻ. Nhưng với những vấn đề liên quan đến sức khỏe, không thể tin răm rắp vào những kết quả từ YouTube, Google, TikTok, Facebook… hiển thị trên smartphone. Vì nếu tin vào những “bác sĩ mạng xã hội” có thể sẽ gặp “bác sĩ thật” ngoài đời”.
Bác sĩ Tuấn kể một trường hợp nam thanh niên 28 tuổi đi tập gym và nghe lời “chuyên gia TikToker” đã ăn bột protein khô nhằm giúp việc tập luyện tốt hơn, cơ tăng nhanh hơn.
“Nhưng đó là cách sai lầm dẫn đến hệ lụy cực kỳ nguy hiểm. Lạm dụng việc ăn bột protein khô có thể khiến tim gặp vấn đề cũng như bị những chứng bệnh về hô hấp”, bác sĩ Tuấn nói.
Theo bác sĩ Tuấn, khi gặp bất kỳ vấn đề gì liên quan đến sức khỏe, điều cần làm là hãy đến các cơ sở y tế và chỉ tin “bác sĩ thật”. “Chứ đừng vì thói quen lệ thuộc vào smartphone mà dẫn đến trường hợp rước họa vào thân”, bác sĩ Tuấn khuyên. (còn tiếp)
Người thân quen bỗng trở nên xa lạ...
Trong mọi mối quan hệ, nếu "xa mặt" rất dễ "cách lòng". Khi cách xa về địa lý dễ dẫn đến tình cảm phai nhạt. Thế nhưng, vẫn có những cách để duy trì tình cảm bền chặt mà người trẻ đã và đang áp dụng...
Gặp mặt trực tuyến là cách để người trẻ duy trì mối quan hệ khi ở xa THẢO PHƯƠNG
Trần Thị Mỹ Linh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: "Mình và bạn thân học chung lớp và chơi với nhau từ bậc THCS. Tuy nhiên khi lên đại học, bạn học ở TP.Đà Nẵng còn mình vào TP.HCM. Do đó, mỗi năm chỉ gặp nhau được khoảng 2, 3 lần, đứa nào cũng bận học nên không gọi điện cho nhau thường xuyên. Lâu dần mình nhận ra tình bạn bắt đầu xa cách. Mỗi đứa một nơi nên khi có dịp gặp nhau cũng không biết nói gì. Đúng là xa mặt cách lòng".
Không chỉ Linh mà đó cũng là câu chuyện chung của nhiều người trẻ. "Trước kia khi còn làm việc ở văn phòng mình chơi rất thân với một chị đồng nghiệp cũ. Rồi từ ngày mình nghỉ việc và chuyển sang làm nhân viên tự do thì hai chị em không còn gặp nhau thường xuyên. Mỗi khi có dịp gặp lại chỉ nói được vài câu là cả hai chăm chú... sử dụng điện thoại chứ chẳng còn quan tâm, thân thiết. Cảm giác rất xa lạ", Vũ Thị Hồng Thanh (25 tuổi), ở trọ trên đường Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ.
Bên cạnh các mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp thì trong tình yêu hay người thân cũng... xa mặt cách lòng. Nguyễn Quang Huy, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, kể: "Mình đi học xa, chỉ thường gọi điện thoại cho ba mẹ. Mình chưa từng gọi điện hỏi thăm họ hàng nên dịp tết về quê gặp mặt những người bà con cảm giác rất ngại ngùng".
Để xa mặt nhưng không cách lòng
Để không phải xa mặt cách lòng, những cách hiệu quả mà người trẻ hay áp dụng như: thường xuyên liên lạc, trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, tranh thủ gặp nhau ở những dịp đặc biệt...
Sau hơn 1 năm học ở TP.HCM, Nguyễn Thị Yến Quyên, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã quyết định sang Hàn Quốc du học. Dù vậy, cô nàng này vẫn giữ được mối quan hệ rất tốt với các bạn trong phòng ký túc xá cũ.
"Mình vẫn giữ liên lạc với các bạn bằng cách thường xuyên gọi điện video để hỏi thăm nhau. Mình kể cho các bạn nghe về cuộc sống ở đây, nhắc lại những kỷ niệm khi còn ở chung với nhau. Nhờ vậy, cảm giác vẫn thân thuộc như ngày trước chứ không hề xa lạ. Mình dự định cuối năm nay sẽ về thăm nhà và có một chuyến đi chơi với những người bạn cũ", Quyên chia sẻ.
Thường xuyên nhắn tin hỏi thăm là cách để Cúc duy trì mối quan hệ bền chặt với cô giáo cũ THẢO PHƯƠNG
Còn với Huỳnh Thị Thanh Cúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, mặc dù đã vào thành phố học được 3 năm nhưng vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với cô giáo cũ. "Mình rất quý cô nên thường xuyên nhắn tin trò chuyện, hỏi thăm. Rồi mỗi lần có dịp về quê (ở tỉnh Bình Thuận) là lại ghé thăm cô. Nếu về trúng dịp 20.11 hay sinh nhật, mình cũng có những món quà nhỏ tặng cô. Dù không đáng là bao nhưng đó là tấm lòng và sự quan tâm của mình dành cho cô", Cúc kể.
Còn trong tình yêu, làm thế nào để cả 2 không cảm thấy xa cách về địa lý? Nguyễn Thị Phương Thảo, du học sinh Trường Nhật ngữ First Study ở Osaka (Nhật Bản) và bạn trai yêu xa gần 2 năm nay. Nhưng như chia sẻ của Thảo thì tình yêu của họ vẫn hạnh phúc. Thảo kể: "Mình đi du học từ năm 2022 còn anh ấy ở Việt Nam. Khoảng cách địa lý đã khiến tụi mình không ít lần cãi vã, giận hờn. Nhưng sau đó thay vì giận dỗi, tụi mình trò chuyện, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Và khi có vấn đề sẽ kể nhau nghe rồi giải quyết ngay lúc đó".
Thạc sĩ tâm lý Bùi Vĩnh Nghi, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng chia sẻ rằng việc xây dựng và phát triển một mối quan hệ dựa trên nền tảng sự thấu hiểu và chia sẻ. Mà cách tốt nhất là những cuộc gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp.
Tuy nhiên, nếu rơi vào hoàn cảnh phải "xa mặt", để hạn chế "cách lòng", thì thạc sĩ Nghi đưa ra lời khuyên: "Cần có những khoảng thời gian chất lượng dành cho nhau. Đó là những cuộc gặp gỡ trực tuyến hoặc các cuộc trò chuyện với sự lắng nghe sâu sắc. Bên cạnh đó là những lời động viên chia sẻ đến từ sự chân thành. Mặc dù không có điều kiện để ở gần nhau nhưng vẫn có nhiều cách để chúng ta kết nối và duy trì mối quan hệ. Chỉ cần chúng ta xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa của mối quan hệ đó thì sẽ luôn có cách để dành sự ưu tiên cho bất kể ai".
Người trẻ làm nhiều việc để cải thiện thu nhập Trong thời buổi kinh tế khó khăn, chứng kiến các công ty sa thải, giảm giờ làm, người trẻ đã chọn làm thêm nhiều công việc để trang trải cuộc sống, đảm bảo tài chính ổn định. Làm 12 tiếng đồng hồ một ngày Chị Đ.N.B (29 tuổi, ngụ hẻm 150 Nguyễn Trãi, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) là nhân viên ngành nhà...