Người trẻ ngày càng kết hôn muộn
Không chỉ nam giới, mà ngày càng có nhiều nữ giới ngấp nghé 30, trên 30 tuổi quá ưu tiên cho việc phát triển bản thân, không đặt nặng chuyện hôn nhân.
Các bạn gái trẻ cùng nhau đi du lịch – Ảnh: DUY TÍN
Khi chia sẻ về câu chuyện hôn nhân, các bạn nữ trẻ thường có chung trải nghiệm.
Độc lập và độc thân
“Tôi thích mẫu người chững chạc, công việc ổn định. Không gặp được người khiến mình rung động, hòa hợp thì thà độc thân chứ kết hôn làm gì, vừa khổ mình vừa khổ người khác. Tôi quan niệm nếu là đúng người thì tự nhiên sẽ có khao khát muốn kết hôn, muốn sinh con. Tôi không nghĩ là sẽ độc thân suốt đời, nhưng việc gặp được người mình có thể chung sống cả đời không phải tìm là được. Nhiều khi tới 40 tuổi hay hơn mới tìm được người mà mình muốn sống cả đời”. Đó là suy nghĩ của Tú Ngân (28 tuổi), đang làm quản lý ở một trung tâm Anh ngữ.
Ở tuổi 30, Thanh Hương đang làm trong lĩnh vực truyền thông, có công việc thu nhập trên dưới 20 triệu đồng, ở một mình trong căn chung cư nhỏ.
“Lúc cấp 2, cấp 3 cũng hay nghĩ sau này ra trường lúc 22 tuổi thì 24 tuổi lấy chồng, hai năm sau sinh con. Bạn bè ngồi nói chuyện với nhau thì mấy đứa con gái hay vẽ trong đầu những dự định như vậy. Nhưng khi ra trường, bươn chải công việc rồi bắt đầu thay đổi”, Hương chia sẻ.
“Tôi nghĩ người trẻ kết hôn muộn ngày càng nhiều, đặc biệt là phụ nữ độc thân ngày càng nhiều, lý do là phụ nữ ngày càng độc lập, có thể kiếm tiền, có công việc, các mối quan hệ, bạn bè, gia đình…”, Hương nói. Ưu tiên hiện tại của Hương vẫn là phát triển bản thân.
Áp lực của người trẻ
Là nam giới, Nguyễn Thanh Tuấn (32 tuổi) vẫn đang tập trung cho việc phát triển công việc kinh doanh.
Video đang HOT
“Ưu tiên hiện tại vẫn là phát triển bản thân, nếu có một ai đó tâm đầu ý hợp thì mình sẽ nghĩ tới chuyện lâu dài. Chắc vạn sự tùy duyên, nhưng không phải ưu tiên số một là kết hôn và sinh con”, anh chia sẻ.
Phần lớn những bạn trẻ ngoại tỉnh như Tuấn đều đặt mục tiêu ổn định về sự nghiệp, về tài chính rồi mới sẵn sàng tính đến việc kết hôn, lo cho gia đình.
“Một nguyên nhân khác nữa là kết hôn là sự ràng buộc, không chỉ ràng buộc giữa hai người mà ràng buộc các mối quan hệ nội ngoại. Sẽ nhiều thứ phải lo hơn, do đó cũng thêm gánh nặng, giảm sự tự tin khi đi đến kết hôn. Đặc biệt với cuộc sống ở thành thị đắt đỏ thì sự nghiệp và kinh tế chi phối rất nhiều đến việc kết hôn và sinh con. Để con cái có những bước đệm vững chắc về học hành và sức khỏe thì khả năng tài chính đóng vai trò rất quan trọng”, anh chia sẻ. Tâm lý của Tuấn rất phổ biến ở nam giới độ tuổi kết hôn.
Đỗ Minh Lâm (32 tuổi) và bạn gái quen nhau đã 6 năm nhưng vẫn chần chừ kết hôn. Cả hai cùng làm nhân viên ở một công ty, thuê nhà trọ ở thành phố.
“Muốn kết hôn thì ít nhất cũng phải ổn định kinh tế. Hai đứa xác định khi nào muốn có con, nuôi được con thì mới kết hôn. Chưa tính đến chuyện chỗ ở, có thể ở thuê vài năm nhưng để nuôi một đứa trẻ ở thành phố không phải dễ dàng nếu muốn con được học hành trong môi trường tốt”, anh bày tỏ lo lắng.
Ổn định tài chính xong liệu có lỡ làng?
Mục tiêu độc lập, ổn định tài chính không chỉ gây áp lực đến nam giới mà còn phổ biến ở cả nữ giới.
“Càng trưởng thành càng đối diện với nhiều áp lực về kinh tế, gia đình và sự kỳ vọng của bản thân. Dù vẫn có cơ hội gặp gỡ nhiều người do tính chất công việc, do các loại ứng dụng, nhưng giới trẻ thường ngại bước ra khỏi vùng an toàn” – Trần Quỳnh Mai, 28 tuổi, ở TP.HCM, cho biết.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp phụ nữ khi đã ổn định tài chính, độc lập về mọi thứ thì tuổi đã lớn, ngày càng khó tìm được ý trung nhân phù hợp với mình hơn.
Nhiều chính sách khuyến khích
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định số 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030″, trong đó có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân sớm kết hôn, sinh con.
Cần ổn định tài chính, tâm lý để kết hôn trước tuổi 30
Nhiều bạn trẻ cho rằng họ chỉ cưới và sinh con khi mọi thứ đã sẵn sàng.
Rất nhiều bạn trẻ yêu nhau, nhưng ngại kết hôn sớm - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Chỉ kết hôn khi mọi thứ sẵn sàng
Là nhân viên marketing cho một tập đoàn truyền thông lớn, Cao Hoàng Như (25 tuổi, người Huế) cho biết bản thân cô cũng khá đồng tình với khuyến khích nên kết hôn trước 30 tuổi.
Và dù dự định vào năm 2022 sẽ kết hôn, khi 27 tuổi, Như chia sẻ thêm: "Đó là một mục tiêu, nhưng tôi nghĩ chỉ nên kết hôn khi thực sự sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân. Việc kết hôn trước 30 tuổi đối với nữ giới là cần thiết, vì trong độ tuổi này việc sinh đẻ mới thực sự tốt nhất".
Để thực hiện được mục tiêu đó, Như cho biết cô đang phấn đấu rất nhiều để có thể ổn định về tài chính, tâm lý và kỹ năng.
Với Trần Quang Trung (28 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ Q.1, TP.HCM), thu nhập chỉ xấp xỉ 8 triệu đồng/tháng khiến anh chưa dám nghĩ đến chuyện kết hôn. Tuy nhiên, Trung chia sẻ bản thân anh cũng đang lập kế hoạch cưới hỏi trong vài năm tới.
Là đàn ông, trụ cột gia đình nên mình nghĩ phải chuẩn bị nhiều thứ thì hôn nhân mới bền vững được. Dù khó nhưng bản thân nghĩ mình sẽ chỉ kết hôn khi công việc, tiền bạc, tâm lý cũng như việc sẵn sàng cho việc muốn gắn bó với một ai đó. Không cố định phải trước 30 tuổi, với mình có thể trước 35.
Trần Quang Trung, 28 tuổi
Trung chia sẻ thêm rằng việc có một đứa con ngay sau khi kết hôn sẽ làm cho tình yêu, hôn nhân thêm mối gắn kết, trách nhiệm hơn.
Được vui chơi, du lịch cùng nhóm bạn là cách mà nhiều bạn trẻ "hưởng thụ" cuộc sống độc thân vui vẻ - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Sống một mình vui mà!
Chẳng đặt kế hoạch khi nào sẽ kết hôn, cô gái 27 tuổi Đinh Thị Khánh Ly (chủ một tiệm áo quần thời trang tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nói rằng cuộc sống một mình đang rất thoải mái. Đã ổn định về công việc, tài chính, Ly cho rằng thứ hiện tại cô đang vướng bận đó là tâm lý.
Được làm việc theo sở thích, chơi đùa cùng bạn bè, vô tư bay nhảy. Đó là cuộc sống đầy màu sắc, niềm vui mà hiện mình đang sống, đúng hơn là hưởng thụ. Mình sợ rằng hôn nhân khiến bản thân không còn nhiều thời gian để tập trung vào công việc, hay đơn giản là không đủ thoải mái để vui cùng bạn bè như trước.
Đinh Thị Khánh Ly, 27 tuổi
Dù gia đình đã hối thúc, với Lý Ngọc Ly (29 tuổi, ngụ Q.Tân Phú), cuộc sống độc thân đang mang nhiều lợi thế hơn cho một người theo đuổi công việc thiết kế đồ họa như cô.
Ly chia sẻ rằng được đắm mình vào công việc, sáng tác không giới hạn, rồi tận hưởng thành quả lao động bằng những chuyến du lịch đang mang lại cho cô nhiều cảm xúc hơn.
"Nếu việc sinh con trước tuổi 35 là bắt buộc, vài năm nữa tôi vẫn có thể sinh con. Còn nếu việc đó không quá cần thiết, ta cũng có thể bỏ qua. Sống trọn đời mình, cùng công việc, du lịch, vui chơi... mới là điều cần thiết hơn cả. Về già có sống một mình cũng đâu sao" - Lý Ngọc Ly chia sẻ.
Lấy chồng khi tuổi 29, chị Nguyễn Thị Trâm (năm nay 39 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) chia sẻ, việc sinh con thứ hai trước tuổi 35 thực sự đang mang lại cho chị nhiều thuận lợi hơn. Gia đình yên ổn trước tuổi 40 giúp chị có nhiều thời gian, điều kiện hơn để tiếp tục học lên, nâng cao trình độ.
"Phải mất hơn 7 năm tìm hiểu, chúng tôi mới đi đến kết hôn. Sở dĩ lâu như vậy vì với tôi, yêu là một chuyện, còn chúng ta về sống chung với đại gia đình nhà chồng, nhà vợ lại là chuyện khác. Tuổi trẻ cho chúng ta thực hiện cùng lúc nhiều mục tiêu hơn, nên việc kết hôn, sinh con, tạo dựng sự nghiệp lẫn tiến thân ở lúc trẻ đều vẫn có thể thực hiện được" - chị Trâm chia sẻ.
Nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều nữ sinh... đã lấy chồng Khoảng 30 học sinh Trường THCS Quảng Hòa (tỉnh Đắk Nông) chưa đến lớp. Trong số này, 20 học sinh không liên lạc được, nhiều em đã lấy chồng, lấy vợ và "chưa biết có đến trường nữa không". Bắt đầu tuần học thứ hai sau thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19, trường THCS Quảng Hòa (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G'Long,...