Người tình nguyện tiêm thử vắc xin phòng Covid-19: “Bố mẹ tự hào về tôi”
Là một trong những người đầu tiên tham gia thử nghiệm, anh Haydon vừa trải qua đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 lần đầu. Anh háo hức chờ tới mũi tiêm thứ hai dù biết có những nguy cơ không lường trước.
Anh Ian Haydon, chuyên gia truyền thông của Đại học Washington, là một trong 45 người đầu tiên tham gia vào đợt thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 ở Seattle (Mỹ). Sáng 8/4, anh được tiêm mũi đầu tiên vào vai trái. Haydon cảm thấy hoàn toàn bình thường, chỉ hơi nhói đau ở chỗ tiêm.
Sau đó, anh được đưa cho một chiếc nhiệt kế và cuốn nhật ký để ghi lại nhiệt độ và bất cứ triệu chứng nào phát sinh mỗi ngày. Vào đầu tháng 5, anh tới tiêm mũi thứ hai.
Nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi anh có khỏe mạnh và liệu cơ thể anh có sản sinh ra kháng thể hay không. Giai đoạn đầu của cuộc thử nghiệm kéo dài 14 tháng.
Anh Haydon thấy may mắn khi được tham gia vào quá trình thử nghiệm. Ảnh: Time 24 News
Haydon biết về cuộc thử nghiệm vắc xin của Kaiser Permanente từ một người đồng nghiệp ở trường đại học. Chàng trai 29 tuổi đã điền thông tin cá nhân (tuổi, nghề nghiệp, tiền sử bệnh) vào bản đăng ký mà không đặt nhiều hy vọng được chọn.
Mười một ngày sau, chuông điện thoại của anh reo lên. “Tôi gọi thông báo về nghiên cứu vắc xin mà anh có thể quan tâm”, một người giới thiệu đang làm ở Kaiser nói.
“Tôi thấy thật phấn khích khi được tham gia. Tôi may mắn khi có sức khỏe tốt”, Haydon chia sẻ.
Chỉ trước khi đi gặp bác sĩ, anh mới nói với bố mẹ và bạn gái. “Tôi nghĩ bố mẹ tôi tự hào về tôi. Mẹ tôi có thể lo lắng một chút, điều đó cũng dễ hiểu thôi”, anh nhớ lại.
Video đang HOT
Gia đình Haydon có một kỷ niệm buồn liên quan tới dịch cúm của Mỹ vào năm 1919. Cụ của anh đã chết trong đợt dịch khi mới 23 tuổi. Ông của anh khi đó mới được 18 tháng tuổi.
Đó cũng là một phần lý do anh hy vọng vắc xin này sẽ đạt hiệu quả. Như vậy, số lượng người chết sẽ ít đi và hàng triệu người khác sẽ bớt mất mát hơn trong đại dịch Covid-19.
Ống tiêm chứa 250 microgram vắc xin phòng Covid-19
Buổi tối hôm trước, anh đã đọc một bản thỏa thuận dài 20 trang nhưng ở trong phòng kiểm tra, bác sĩ và Haydon rà soát cam kết một lần nữa. Nhân viên y tế dành 20 phút để kiểm tra sức khỏe, lấy máu, hỏi han về tiền sử bệnh của anh.
Loại vắc xin phòng Covid-19 liên quan tới một chiến lược tương đối mới. Thông thường, vắc xin sử dụng virus bị làm yếu hoặc một phần mầm bệnh tiêm vào cơ thể người khỏe mạnh để kích thích phản ứng miễn dịch.
Nhưng vắc xin lần này truyền vào cơ thể Haydon một vật liệu di truyền. Nếu theo đúng phân tích của các nhà khoa học, hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại phân tử virus.
Các thử nghiệm tương tự đã đem lại kết quả tốt mặc dù một số người phàn nàn bị sưng tấy, đau ở chỗ tiêm, mỏi cơ và đau đầu.
“Sẽ có những mối nguy hiểm và không ai biết chúng là gì – đó là lý do cần thử nghiệm. Mọi loại thuốc hoặc vắc xin để được lưu hành đều cần thử nghiệm trước trên cơ thể con người”, Haydon thẳng thắn chia sẻ.
Mỗi người tình nguyện nhận được 1.000 USD nếu tham gia trọn vẹn quá trình.
An Yên
Bệnh nhân Covid-19 vẽ nhật ký bằng tranh
Trên bức tranh vẽ một bác sĩ, cô Li viết "Tôi sẽ luôn là fan của bác sĩ Chen", nhưng "thần tượng" bảo cô không cần hâm mộ mình.
Li Xinxing, 32 tuổi, đang dần hồi phục sau khi mắc Covid-19. Để khích lệ và bày tỏ lòng biết ơn các nhân viên y tế bệnh viện ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cô vẽ lại sinh hoạt thường ngày trong thời gian điều trị bằng tranh.
"Cuộc sống thật yên bình cho đến ngày 20/1. Tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vào ban đêm. Ngày hôm sau tôi bị sốt 38,5 độ", cô gái làm trong lĩnh vực công tác xã hội nói.
Li đến bệnh viện, uống thuốc trong một tuần, nhưng các triệu chứng vẫn không thuyên giảm. Cô khó thở, ho khan và mệt mỏi. Ngày 29/1, Li được chuyển đến một cơ sở điều trị Covid-19.
Kết quả chụp CT phổi cho thấy cô nhiễm trùng nặng. Một ngày sau nhập viện, Li được biết mình dương tính với nCoV. "Nỗi kinh hoàng tràn ngập lòng tôi. Tôi căng thẳng lo mình không thể vượt qua căn bệnh này", Li nhớ lại.
Sự lo lắng dần được giải tỏa nhờ sự tận tình của nhân viên y tế và khích lệ của bệnh nhân khác. "Tôi đã rất cảm động và nghĩ có lẽ nên vẽ tranh ghi lại những khoảnh khắc này", cô kể.
Bức tranh cô thích nhất là vẽ bác sĩ Chen Baoqing, làm việc tại một bệnh viện thuộc tỉnh Thiểm Tây nhưng đến Vũ Hán chống dịch. Bác sĩ Chen đã cho Li cảm hứng và lòng dũng cảm để chiến thắng căn bệnh nguy hiểm này. "Anh an ủi, nói tôi không sợ gì cả, chỉ cần ăn ngon, ngủ tốt để cải thiện sức đề kháng nên tôi thoải mái hơn", cô nói.
Trên bức tranh vẽ nam bác sĩ, cô viết "Tôi sẽ luôn là fan của bác sĩ Chen", nhưng "thần tượng" nói cô không cần hâm mộ và chúc Li luôn khỏe mạnh.
Trong tuần đầu nhập viện, cô được nhân viên y tế Vũ Hán chăm sóc, nhưng sau đó công việc này do 137 nhân viên khác từ Thiểm Tây đảm nhiệm.
Li cho hay, những bức tranh đã biến cô trở thành người nổi tiếng của bệnh viện. Các nhân viên y tế khuyến khích Li vẽ, ngay cả khi cô đã xuất viện.
"Tôi biết ơn các nhân viên y tế đã chạy đua với thời gian giúp đỡ thành phố của chúng tôi và đồng bào của tôi trong đại dịch. Tôi tin 'ác quỷ' corona sẽ bị đánh bại", Li nói.
Cô muốn biến những bức tranh vẽ trong 23 ngày ở viện thành một cuốn sách, tặng cho nhân viên y tế và các bệnh nhân.
Nhật Minh
Bị bắt nạt hội đồng, nam sinh lớp 9 nhảy lầu tự tử, để lại nhật ký tố cáo sự thờ ơ của nhà trường Cậu bé 15 tuổi này đã từng cố kêu cứu nhưng không ai giúp và 3 lần tự tử bất thành. Shinnosuke Komatsuda bắt đầu học trung học từ tháng 4/2016. Lần đầu tiên, cậu bé 15 tuổi bị bắt nạt ngay khi vừa nhập học được 1 tháng. Shinosuke và bạn cùng lớp cùng đội bóng đá mà em tham gia sau...