Người tặng quà sinh nhật không phải là chồng
Món quà chỉ là một lọ nước hoa, nhưng cảm giác khi nhận được nó, như có một người quan tâm đến mình, làm em như bị mất thăng bằng.
Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em năm nay 32 tuổi, đã lập gia đình và có hai bé xinh xắn. Vợ chồng em sống đơn giản, không màu mè. Trong nhà, chỉ có các con là được tổ chức sinh nhật. Mỗi lần sinh nhật con, có bánh, có nến, có chụp hình, chồng em không tham gia khâu chuẩn bị, nhưng luôn nhớ mua quà cho con. Em thấy thật hạnh phúc, nhìn các con lớn lên khỏe mạnh, thông minh.
Ảnh minh họa
Bản thân em chưa bao giờ được tổ chức sinh nhật. Hồi nhỏ vì gia đình em không có thói quen, giờ thì vì chồng không có thói quen đó. Em không buồn, vì mình cũng lớn rồi. Nhưng sinh nhật em, cách đây hơn một tháng, em nhận được một món quà của người làm chung công ty. Em biết người đó vốn có cảm tình với em, không biết bằng cách nào anh biết ngày sinh của em.
Món quà chỉ là một lọ nước hoa, nhưng cảm giác khi nhận được nó, như có một người quan tâm đến mình, làm em như bị mất thăng bằng. Em bắt đầu nhìn người đó khác đi, có gì đó thân thiện, gần gũi hơn. Em tự biết mình không nên tiếp tục như vậy nữa, nhưng không biết nên thế nào bây giờ…
Thúy Lan (TP. HCM)
Video đang HOT
Em Thúy Lan thân mến,
Chuyện không có gì để em phải băn khoăn tới mức đó đâu. Trước nay, do hoàn cảnh, điều kiện, do thói quen… mình không tổ chức sinh nhật, cũng là chuyện bình thường. Nay có một người “đánh thức” cảm xúc ấy trong lòng mình, nên cảm ơn người ta vì điều đó, vì đã cho mình biết niềm vui của việc được quan tâm và cũng chỉ nên đến vậy thôi. Hãy mang cảm xúc ấy, niềm vui ấy về với những người thân yêu quanh mình, hơn là để mình chao đảo ngả nghiêng. Hồi trước chưa có điều kiện thì thôi, nay mình làm được thì làm, chứ sao lại không.
Em hãy thử chuẩn bị một món quà cho sinh nhật chồng, đợi đến đúng ngày ấy, để mang đến cho anh niềm vui bất ngờ. Chắc chồng em cũng sẽ cảm thấy “lạ lẫm” như cảm giác của em khi nhận món quà. Tình cảm gia đình là khu vườn cần chăm sóc, vun xới không ngừng nghỉ. Khi người đàn ông của mình chưa có thói quen chăm sóc, mình có thể chủ động, rồi từ đó tạo ra thói quen, phát triển thói quen ấy trong gia đình. Nếu trong khu vườn chưa có đóa hoa mang tên sinh nhật chồng, sinh nhật vợ, em hãy trồng thêm, rồi mình sẽ được hưởng hương thơm, màu sắc, sự ấm áp từ nó. Không thể trông mong vào việc vay mượn từ đâu đó bên ngoài, em ạ.
Ngoài sinh nhật, những dịp khác cũng nên được quan tâm. Kỷ niệm ngày cưới hay ngày vợ chồng chính thức có nhà riêng chẳng hạn. Tình yêu thương cần được bày tỏ. Hồi trẻ, tình cảm ấy mạnh mẽ, trào dâng, có khi không cần thể hiện, người ta vẫn có thể cảm nhận được. Nhưng hôn nhân càng lâu, tình cảm càng dễ bị lắng lại, nếu không tạo cơ hội để thể hiện, chia sẻ với người thân yêu, nó sẽ ngày càng co rút vào bên trong lớp vỏ cứng của sự quen thuộc, nhàm chán. Đến lúc nào đó, có đánh thức, nó cũng khó mà dậy được nữa. Phụ nữ mình hay trách chồng sao quên ngày sinh, sao không tặng quà, sao không được như người ta… nhưng trách móc chỉ mệt mình thêm. Mình thử chủ động “đào tạo” chồng, em sẽ thấy kết quả rất ngoạn mục.
Hạnh Dung
Theo phunuonline.com.vn
Bật mí 7 'chìa khóa' nuôi dưỡng hạnh phúc
"Chìa khóa" để nuôi dưỡng, duy trì hạnh phúc gia đình bền vững chỉ đơn giản từ sự quan tâm, hỏi han, chia sẻ, luôn đặt những người mình yêu thương là ưu tiên hàng đầu...
Hỏi han, chia sẻ
Khi con về nhà, cha mẹ hãy hỏi chúng những gì đã diễn ra ở trường, ở nơi làm việc. Cha mẹ cũng nên có một câu chuyện kể cho con nghe. Nếu cha mẹ trở về nhà với sự chán nản, thậm chí chỉ sau 5 phút bước vào nhà là bật ti vi ngồi xem, không muốn hỏi han thành viên nào trong gia đình, thì làm sao mọi người có thể vui khi gặp nhau.
Ảnh minh họa
Các thành viên trong gia đình nên bỏ lại những bận rộn, lo lắng phía sau cánh cửa và luôn bước vào ngôi nhà của mình bằng sự quan tâm, chia sẻ, dù là những điều nhỏ nhất. Bằng cách này, cha mẹ, con cái sẽ mang đến cho nhau điều gì đó để mong chờ. Đừng để những điều nhàm chán, thiếu quan tâm khiến cha mẹ, con cái muốn tâm sự nhiều hơn với bạn bè thay với chính những người thân yêu.
Bữa tối sum vầy
Cuộc sống hiện đại bận rộn và hối hả. Vì thế mà điểm chung của nhiều gia đình là người lớn đi làm, con cái đi làm, đi học. Chỉ có thời gian buổi tối hoặc ngày nghỉ mọi người mới có thể tập trung đông đủ. Chính vì thế bữa cơm tối đơn giản nhưng vô cùng cần thiết. Điều này giúp kết nối, gắn kết gia đình vô cùng hiệu quả.
Cùng tận hưởng niềm vui
Đừng nên làm việc, học tập tới kiệt sức mà bỏ qua thời gian cùng nhau tận hưởng niềm vui. Tạo ra những chuyến đi chơi thư giãn cùng gia đình. Đây là cách để mọi người cùng nhắc nhở nhau rằng mình may mắn ra sao khi luôn có người thân ở bên, luôn có một gia đình hòa thuận, hạnh phúc.
Dành thời gian chất lượng bên nhau
Cha mẹ đi làm thêm, con cái đi học thêm và mọi người đều không có một khoảng thời gian chất lượng nhất định dành cho nhau. Lịch làm việc của cha mẹ, lịch học tập của con cái luôn "lệch múi giờ" gây hạn chế sự chia sẻ dành cho nhau. Đó không thể là công thức cho một gia đình hạnh phúc. Nên tạo ra những hoạt động tạo được sự liên lạc, tương tác trong gia đình. Luôn có một hoặc hai hoạt động thống nhất mà gia đình cùng nhau thực hiện hàng ngày. Ví dụ như cha mẹ và con cái cùng chơi một trò chơi điện tử, kể một câu chuyện...
Xây dựng nếp sinh hoạt riêng
Gia đình hạnh phúc có những nếp sinh hoạt riêng có ý nghĩa và các thành viên không bị căng thẳng bởi điều đó. Đó có thể đơn giản là cùng nhau đi ăn sáng vào ngày thứ 7. Hoặc có một trò chơi dành cho cả gia đình không thể thiếu vào dịp cuối tuần. Nếp sinh hoạt mang tính cố định, lặp đi lặp lại theo thời gian đó mang các thành viên xích lại gần nhau.
Đặt gia đình là ưu tiên hàng đầu
Luôn dành cho những người thân yêu của mình sự ưu tiên số một. Nếu vợ chồng luôn vắng mặt khi nửa kia cần tới, cha mẹ luôn không xuất hiện khi con cái mong chờ thì các thành viên trong gia đình đều có chúng một cảm xúc chán nản, bất an. Bởi thế cuộc sống dù bận thế nào, cha mẹ, con cái hãy luôn cố gắng sắp xếp để chu toàn vai trò của mình trong gia đình.
Giữ sự ổn định, yên bình
Mỗi thành viên chỉ có thể phát triển tốt khi sống trong sự ổn định, yên bình của gia đình. Cha mẹ có thể tranh luận nhưng đừng mất kiểm soát để thành to tiếng cãi vã trước mặt con cái. Hoặc khi phạm lỗi, con cái có thể bị phạt nhưng cha mẹ không nên mất kiểm soát rồi đánh mắng. Mọi chuyện đều có thể giải quyết khi chúng được bắt đầu bằng sự bình tĩnh.
Theo phunuvietnam.vn
Cuộc sống này không thể có được nhiều thứ cùng lúc Nỗi buồn lớn nhất cuộc đời tớ đó chính là bỏ lỡ cậu - thanh xuân của tớ. Tớ luôn nghĩ chỉ được sống một lần, cũng chẳng biết sống được bao lâu, tuổi thanh xuân của con gái trôi qua nhanh lắm, phải sống đầy nhiệt huyết, làm những gì mình muốn, mình thích. Tớ đã nghĩ vậy cho đến khi tớ...