Người sinh Huỳnh Văn Nén lần hai và 15 năm kêu oan
Vừa bước chân ra khỏi trại tạm giam, người tù Huỳnh Văn Nén đã ôm chầm lấy ông Nguyễn Thận nghẹn ngào nói: “Cám ơn thầy, thầy chính là người đã sinh ra con lần thứ hai”.
Nhìn cảnh 2 người đàn ông gầy gò, khắc khổ ôm nhau khóc như trẻ con trước cửa trại giam, nhiều người có mặt hôm ấy đã lặng người vì xúc động.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Thận đưa ông Nén đến gặp các cơ quan báo chí, các luật sư để cảm ơn họ đã cùng đồng hành giúp đỡ ông trong hành trình ròng rã 15 năm kêu oan cho Huỳnh Văn Nén.
Ngày 29/11, khi đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Thuận tổ chức buổi trao quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Huỳnh Văn Nén, ông Thận đã có mặt, chứng kiến giây phút ông Nén chính thức được minh oan, trở lại làm công dân như bao người khác.
Lá đơn tố cáo giữa đêm khuya
Một buổi tối đầu tháng 9 năm 2000, khi ông Nguyễn Thận tranh thủ đọc nốt những trang tài liệu phục vụ cho cuộc họp ở UBND xã vào ngày mai nơi ông đang là chủ tịch UBND thì có tiếng gọi cửa. Nhìn ra, ông Thận nhận thấy bà Lụa người cùng xã. Vốn quen với việc người dân trong xã hay đến nhà nhờ giúp đỡ, ông Thận mở cửa mời bà Lụa vào nhà.
Ông Huỳnh Văn Nén và ông Nguyễn Thận (bên trái) trong ngày ông Nén được tự do..
Chưa kịp rót ly nước thì bà Lụa đưa cho ông một lá đơn của con trai bà là Nguyễn Phúc Thành đang thụ án tù ở trại giam Sông Cái (Phú Yên) gửi cho ông nhờ ông tìm cách minh oan cho ông Huỳnh Văn Nén vì Thành biết 2 người bạn của Thành mới là người giết bà Năm Tép (Lê Thị Bông) chứ không phải ông Nén.
Từ lá đơn của Thành, ông Thận tìm gặp những người có liên quan, tự mình khảo sát hiện trường vụ án…và nhận thấy những chứng cứ buộc tội mà cơ quan tố tụng đưa ra trong phiên tòa 1 tháng trước đó để kết tội Huỳnh Văn Nén trong vụ án giết bà Lê Thị Bông và cả vụ án giết bà Dương Thị Mỹ (vụ án Vườn Điều) xảy ra 7 năm trước đó ở địa bàn xã Tân Minh có nhiều điểm chưa hợp lý.
Không thể dửng dưng trước hoàn cảnh gia đình ông Nén và 9 gia đình khác mà cơ quan pháp luật đã bắt họ thi hành án tù; với tư cách là chủ tịch rồi bí thư đảng ủy xã, ông Thận đã làm nhiều văn bản và đi gõ cửa các cơ quan bảo vệ pháp luật từ tỉnh đến trung ương, kiến nghị xem xét lại 2 vụ án này. Việc làm này của ông đã bị cấp trên nhắc nhở nhiều lần.
Thấy các kiến nghị có nguy cơ đi vào ngõ cụt, ông Thận quyết định dẫn cha Nén là ông Huỳnh Văn Truyện tìm gặp các luật sư và các cơ quan báo chí để nhờ giúp đỡ. Bị thuyết phục bởi các chứng cứ, đặc biệt là tâm huyết của ông Thận đối với 2 vụ án, nhiều luật sư và báo chí đã vào cuộc.
Video đang HOT
Tháng 4/2002, bản án sơ thẩm (lần 1) vụ án Vườn Điều bị tuyên hủy để điều tra lại và sau nhiều phiên tòa không kết tội được các bị cáo trong vụ giết bà Dương Thị Mỹ, cơ quan điều tra đã đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Các cơ quan tố tụng đã xin lỗi công khai và bồi thường oan sai cho 9 người trong vụ án này (riêng ông Nén chưa được bồi thường vì đang thụ án tù chung thân trong vụ giết bà Bông).
Ông Nguyễn Thận, người 15 năm gửi đơn kêu oan cho người tù Huỳnh Văn Nén
Vụ án Vườn Điều đã khép lại, nhiều người được minh oan, nhưng ông Thận vẫn hết sức day rứt khi vụ án giết bà Bông chưa được xem xét.
Năm 2006, ông Nguyễn Thận cùng nhóm nhà báo và các luật sư gửi đơn đến các cấp có thẩm quyền ở Trung ương, kiến nghị xem xét lại vụ án này. Năm 2007, ông Thận cùng cụ Huỳnh Văn Truyện, cha ông Nén và anh Huỳnh Trung Nghĩa, anh rể ông Nén mang đơn kêu oan ra Hà Nội. Nhưng các kiến nghị, đơn kêu oan bị bỏ qua.
Niềm tin mãnh liệt vào công lý
Khi được hỏi trong hành trình 15 năm đi tìm công lý cho Huỳnh Văn Nén, có lúc nào ông cảm thấy mệt mỏi, áp lực và muốn bỏ cuộc không? Ông Thận chia sẻ, tháng 11/2000, khi đang nằm điều trị bệnh tại TPHCM, ông nhận được hung tin 15 ha mía giống của gia đình bị cháy rụi. Việc này đã đẩy gia đình ông rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn về kinh tế. Rồi truyền đơn rải đầy khắp xã phao tin, anh em nhà Nguyễn Thận có cha làm quận trưởng chế độ Sài Gòn bị cách mạng xử tử tại Quảng Trị…
Không lâu sau đó ông Thận bị thanh tra về quản lý tài chính rồi chuyển sang điều tra ròng rã 26 tháng trời mới có kết luận Nguyễn Thận không tham ô tham nhũng, nhưng lúc này, ông đã bị cách chức bí thư đảng ủy xã.
Giây phút xúc động của người tù và người thân
Ông Thận bộc bạch: “Có lúc tôi rất nản, muốn bỏ cuộc do không nhận được phản hồi của cơ quan chức năng, sức khỏe ngày càng yếu vì bệnh tim cộng với điều kiện về kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, cuối năm 2013, biết tin ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan, rồi cụ Huỳnh Văn Truyện, đã gần 90 tuổi, lặn lội từ Cà Mau ra gặp, cầm tay rưng rưng nói: nếu thầy không giúp lần này thì sẽ không còn có lần nào để cứu Nén nữa…làm tôi có động lực, quyết tâm trở lại”
Sau đó ông Thận làm đơn xin phép nghỉ đi TPHCM khám bệnh nhưng lại lên xe cùng những người trong gia đình ông Nén đi chuyến cuối cùng ra Hà Nội, gửi đơn đến TAND tối cao và VKSND tối cao tiếp tục kêu oan…
Cũng từ chuyến đi đó đơn của họ đã được 2 cơ quan trên tiếp nhận; vài tháng sau đoàn cán bộ của VKSND tối cao đã vào gặp gỡ các nhân chứng xác minh, sau đó có quyết định kháng nghị hủy án và giao lại cho cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Thuận điều tra lại…
Đến ngày 20/10, ông Huỳnh Văn Nén được tại ngoại để điều trị bệnh và đúng 38 ngày sau các cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Thuận công bố quyết định chính thức minh oan cho Huỳnh Văn Nén.
Ông Thận nói: “Tôi chỉ mong sao cuộc sống tới đây của Nén sẽ tốt lên, trở thành một công dân tốt để không phụ lòng của nhiều người. Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là công lý đã được thực thi dù muộn màng. Qua vụ việc này tôi mong sao đất nước mình không còn những trường hợp oan sau như Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn nữa”.
Theo Vietnamnet
Đình chỉ điều tra, vẫn kêu oan
Hai công dân ở Bình Thuận được đình chỉ điều tra vẫn kêu oan, vì cho rằng VKS đình chỉ điều tra đối với mình theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự là để né bồi thường oan vì thực chất họ không có tội.
Ngày 23.11, ông Phan Đình Hiển, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản và Thương mại Bình Thuận (CPKS) và ông Hoàng Đắc Hòa, cán bộ công ty này, cho biết đã gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng sau khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can của VKSND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).
Trước đó, ngày 17.11, ông Phạm Thúc Lãnh, Viện trưởng VKSND huyện Hàm Thuận Nam, đã ký quyết định đình chỉ bị can đối với ông Hiển và ông Hòa trong vụ án gây rối trật tự công cộng.
Đổi tội danh rồi đình chỉ
Vụ việc khởi nguồn từ những bất đồng giữa ban giám đốc công ty và ông N.T.L - Chủ tịch HĐQT Công ty CPKS Bình Thuận trong việc mua bán mỏ titan Suối Nhum, xã Thuận Quý (Hàm Thuận Nam). Ông L có đơn tố cáo đến Cục Cảnh sát môi trường (C49) Bộ Công an việc công ty này đã xuất bán 4.800 tấn quặng với giá thấp để trốn thuế. Ngày 3.1.2013, các cán bộ C49 đến công ty làm việc.
Ông Hiển cho rằng ông L đã lạm quyền chiếm trụ sở công ty, tự ra quyết định cho thôi việc tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và một số công nhân trái luật và đóng cửa công ty nên đã huy động công nhân tổ chức ngừng việc, căng băng rôn trong trụ sở công ty để phản đối. Trước khi tổ chức, ông Hiển cũng có thông báo cho lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận biết sự việc.
Ông Phan Đình Hiển (giữa, đeo kính) cùng công nhân ngừng việc trong sân công ty trưa 3.1.2013. Ảnh: Phương Nam
Nghe ông Hiển hô to "Đuổi thằng L ra khỏi công ty", ông Trần Đức Du, Giám đốc Công ty TNHH Cotraco Bình Thuận và ông Hòa xông vào phòng đuổi đánh ông L. Thấy laptop của một cán bộ C49 để trên bàn làm việc, ông Du dùng tay gạt rơi xuống đất rồi dùng chân đạp hư máy tính. Sau đó, ông L rời khỏi công ty.
Ngày 8.3.2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hiển và ông Hòa về tội chống người thi hành công vụ. Ngày 26.3, ông Du cũng bị bắt giam. Ngoài tội chống người thi hành công vụ, ông Du còn bị khởi tố về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Hai tháng sau, ông Du được tại ngoại và do ông bị tâm thần nên được đình chỉ điều tra.
Riêng ông Hiển và ông Hòa sau khi bị tạm giam bốn tháng đã được gia đình bảo lãnh tại ngoại. Gần một năm sau, ngày 24.2.2014, CQĐT đã có quyết định thay đổi tội danh của ông Hiển và ông Hòa sang tội gây rối trật tự công cộng. Sau đó hồ sơ vụ án này được trả đi trả lại nhiều lần mà không thể đưa ra xét xử. Cuối cùng VKSND huyện Hàm Thuận Nam ra quyết định đình chỉ bị can.
Được đình chỉ điều tra vẫn kêu oan
Theo VKSND huyện Hàm Thuận Nam, hành vi của ông Hiển và ông Hòa đã gây ra hậu quả làm cho ông L phải ra khỏi công ty, dẫn đến việc ông L và bộ phận văn phòng công ty không làm việc được với các cán bộ C49, không cung cấp được tài liệu liên quan đến buổi làm việc. Do đó, hành vi này đã trực tiếp cản trở hoạt động bình thường của Công ty CPKS Bình Thuận.
Trong quyết định đình chỉ điều tra, VKS cho rằng: "Ngày 3.1.2013, ông Hiển và ông Hòa đã có hành vi gây rối, cản trở hoạt động bình thường tại Công ty CPKS Bình Thuận. Tuy nhiên, ngày 10.5.2013, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành công văn về việc dừng khai thác khoáng sản tại công ty này và từ đó đến nay công ty này không khai thác, không hoạt động. Do đó, hành vi cản trở hoạt động bình thường tại Công ty CPKS Bình Thuận của ông Hiển và ông Hòa không còn nguy hiểm cho xã hội nữa" (theo khoản 1 Điều 25 BLHS).
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng ngày 3.1.2013, nghe tin có cán bộ của Bộ Công an đến làm việc, ông cùng công nhân tổ chức ngừng việc là để kiến nghị, thấy ông L tự ý phá cửa văn phòng nên anh em công nhân bức xúc đuổi ông L chứ không hề có ý đồ gây rối, bởi toàn bộ diễn biến sự việc đều diễn ra trong sân của công ty.
Theo ông Hiển, tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty lúc đó chưa có mặt nên cần đánh giá đúng tính pháp lý của buổi làm việc. Tổng giám đốc là người có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho các cơ quan chức năng theo điều lệ công ty. Từ đó mới có căn cứ để nhận định việc ngừng việc, rượt đuổi ông L có ảnh hưởng và trực tiếp cản trở hoạt động của Công ty CPKS hay không. "Ngoài ra, việc VKS cho rằng công ty ngưng hoạt động nên hành vi của chúng tôi không còn nguy hiểm nữa chỉ là cách để né xin lỗi, bồi thường oan. Bởi bản chất là chúng tôi không hề thực hiện hành vi phạm tội".
Từ đó, ông Hiển và ông Hòa được đình chỉ điều tra vẫn kêu oan đến các cơ quan chức năng.
Điều tra hai năm nhưng chưa có kết luận Liên quan đến việc tranh chấp mỏ titan Suối Nhum giữa ông L - Chủ tịch HĐQT và gia đình ông Phan Đình Hiển, ngày 14.3.2013, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành. Đến ngày 2.7.2013, UBND tỉnh có kết luận thanh tra số 159, trong đó giao thanh tra tỉnh chuyển kết luận thanh tra và hồ sơ, tài liệu có liên quan để Công an tỉnh Bình Thuận làm rõ. Trong quá trình điều tra, xác minh làm rõ vụ việc, tháng 10.2013, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về kinh tế, thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về kinh tế - Bộ Công an có công văn yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận báo cáo kết quả bước đầu, đồng thời bàn giao hồ sơ vụ việc trên cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an (phía Nam) để cơ quan này điều tra, xử lý. Đến nay Bộ Công an chưa có kết luận chính thức.
Theo_Dân việt
Mâu thuẫn tại quán nhậu, xách súng bắn người Ngày 30/11, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử, tuyên phạt bị cáo Trương Hoài Nam 25 năm tù và Nguyễn Ngọc Toàn 20 năm tù, cùng về tội "Giết người". Theo tin từ báo Pháp luật TP. HCM, khoảng 22h30 ngày 23/4/2013, Đào Văn Ng, Lê Văn Trung và Lương Hoàn Thích rủ nhau đi uống rượu tại một quán ốc...