Người Sài Gòn ăn sáng thời cách ly xã hội: Cơm tấm, hủ tiếu, phở; ăn bữa đã đời!
Sài Gòn khác hẳn Hà Nội vì thói quen thích ăn ngoài đường, từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Giờ đây, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ, người ta bắt đầu nhớ quay quắt thú ăn sáng ngoài đường ngày xưa.
Thời cách ly xã hội, ai cũng ở nhà tự ăn để bảo vệ mình và cộng đồng. Những bữa ăn sáng trong ký ức mới bao ngày trước đã sớm hiện về.
Thú ngồi ăn cơm tấm dĩa giờ không còn nữa, mà phải mua mang đi.
Người Hà Nội hầu hết đều có thói quen ăn sáng ở nhà, trừ nhiều người lao động, buôn bán khu phố cổ thì hay ăn sáng ngoài đường. Dịch Covid-19 cũng không ảnh hưởng tâm trạng “phải ăn nhà” đối với người Hà Nội nhiều cho lắm.
Tuy nhiên, với một TP.HCM sôi động, sáng ra rầm rập, rầm rập, người ta lao đi làm, tranh thủ ngồi ăn sáng trước khi đến công sở, công ty thì gần hai tháng nay, tâm trạng nhiều người đã trở nên hụt hẫng. Mới có gần hai tháng mà tưởng như bữa sáng quen thuộc đã trở thành “ngày xưa”.
Hết cách ly chắc ra đường ăn hết bữa sáng quen thuộc
Chị Thanh Trúc, người Hà Nội đã chuyển vào Sài Gòn sống hơn 10 năm nay cảm tưởng: Chỉ cần Sài Gòn hết dịch, hàng quán được phép mở cửa trở lại và buôn bán bình thường thì tôi có cảm giác người Sài Gòn sẽ lao hết ra đường ăn những bữa sáng quen thuộc của họ, chứ không lựa chọn ăn ở nhà.
Có mặt tại quán cơm tấm quen thuộc trên đường Bà Hạt (gần chợ Nguyễn Tri Phương) của bà chủ quán Mỹ Hạnh, chị Ngọc Tâm (quận 10) chia sẻ: Nay vắng hoe à, có ai ngờ là trước đây người ta xếp hàng chờ ngồi ăn và mua về mỗi sáng. Thằng con thèm quá nó bảo má đi mua mang về. Đây là quán cơm tấm quen thuộc của tôi mỗi sáng hơn 10 năm qua.
Quán cơm tấm 626 Bà Hạt, quận 10 trước đây khách xếp hàng chờ ăn, nay chỉ bán mang đi
Nửa nhân viên quán cơm tấm đã nghỉ vì ít khách đi nhiều và chỉ bán mang về, nhưng khách ruột của quán vẫn phải lao ra đường đi mua mang về mỗi khi thấy thèm. Tất nhiên, đã là khách ruột của quán thì sao không nhớ cái cảm giác ngồi ăn trong cái quán nhỏ và tấp nập này, kêu một dĩa cơm sườn bì hay sườn bì chả trứng, cơm cháy thêm, rưới mỡ hành, tóp mỡ béo ngậy. Khách tự phục vụ trà nóng hay trà đá từ thùng nước trà ngay lối ra vào.
Sườn nướng là món rất khó làm ngon ở nhà, Sài Gòn cũng không phải quán nào cũng ướp và nướng ngon, vì vậy, các quán cơm tấm lâu đời đều có lượng thực khách đông đảo và rất trung thành.
Dĩa cơm tấm sườn bì quen thuộc ở quán cơm tấm 626 Bà Hạt trước khi có dịch Covid-19
Nay khách hàng phải mua đem đi
Người ta nói, muốn làm giàu ở đất Sài Gòn này chỉ cần giỏi một trong bốn nghề: cơm tấm, hủ tiếu, phở và bún bò. Là vì, đây là món người Sài Gòn ăn đều mỗi sáng. Có người chuyên ăn phở, có người chỉ mê hủ tiếu, có người luân phiên ăn bốn món kể trên.
Ông A Phúc, ngụ ở quận 5 thì cho rằng, hủ tiếu mềm của người Hoa là món ăn sáng thường xuyên nhất của người Chợ Lớn nhiều tuổi (giới trẻ người Hoa thì thích ăn dimsum). Hủ tiếu mềm khá giống sợi phở của Việt Nam, to bản hơn và mỏng hơn, mượt hơn và dai dai. Hủ tiếu mềm có gà, bò viên, sa tế, khác với dòng hủ tiếu Nam Vang thường nấu với tim, cật, gan, trứng cút, sườn…
Video đang HOT
Đối với dân Chợ Lớn, không được ăn hủ tiếu mỗi sáng thì đã mất đi nhiều phần ý nghĩa cuộc đời. Ngồi quán ăn rồi còn “nhẩm” trà nóng. Tôi từng thấy một vị đại gia Chợ Lớn là khách ruột của một tiệm hủ tiếu mì người Hoa quận 11 sáng nào cũng ăn vào 8 giờ, ngồi đúng một chỗ quen thuộc. Chủ quán nói, ông ấy đã ngồi như vậy từ hồi mở quán tới giờ (hơn 10 năm). Giờ đây, ông ấy hẳn đang phải ăn sáng ở nhà và hoài niệm.
Tiệm hủ tiếu mì của người Hoa ở quận 11, trước dịch Covid-19 thường mở cửa từ sớm cho người ta ăn sáng, chỉ bán đến trưa là đóng cửa.
Tô mì đặc trưng của người Hoa cho bữa sáng
Hủ tiếu mềm bò viên của người Hoa
Hủ tiếu sa tế ở quận 5
Những ai là “fan ruột” của quán mì sườn Lò Siêu (quận 11) thì hẳn sẽ nhớ, mỗi sáng ở đây đều đông nghẹt khách. Quán trước đây đông đến nỗi thực khách phải chờ 15 phút mà vẫn cam lòng vì quá ngon. Miếng sườn mềm chỉ cần đũa đã xé rời ra, là món ăn sáng quen thuộc của những ai yêu thích ẩm thực người Hoa Chợ Lớn.
Mì sườn Lò Siêu ở quận 11
Chị Hồng Thương, ngụ ở quận 3 thì cho rằng, buổi sáng mà ngồi ăn hủ tiếu hẻm là thời khắc sung sướng nhất. Hẻm Sài Gòn yên tĩnh, đầu hẻm luôn có xe mì hay hủ tiếu, người Sài Gòn bước ra khỏi cái nơi quá quen thuộc là cái nhà mình và văn phòng làm việc của mình, thì như một sự thay đổi không gian thật kỳ diệu và sảng khoái.
Hủ tiếu Nam Vang hẻm Võ Văn Tần, quận 3
Hủ tiếu cua tôm trên đường Nguyễn Trãi, quận 1
Hủ tiếu Nam Vang
Anh Hồ Thương, ngụ quận 10 cho biết: Mấy nay vợ cho ăn mì gói phát ngán. Hỏi sao không đổi bữa chứ ăn mì gói vừa nóng vừa ngán, vợ tui thủng thẳng: Mười mấy năm nay ông thích ăn ngoài đường, tui không có luyện tay nghề nấu nướng nên không biết nấu đồ ăn sáng!
Quả thật, cánh mày râu ở Sài Gòn không có khái niệm ăn sáng ở nhà. Ngoài đường thiếu gì món ngon mà phải ăn nhà, rồi bắt vợ nấu nướng chi cho cực khổ. Phần lớn, các ông sẽ chọn ăn phở hay hủ tiếu, cơm tấm, ăn cả đời không biết ngán luôn.
Thèm tô phở bò đặc trưng Sài Gòn lắm rồi
Anh Hồ Thương than thở: Dịch Covid-19 mà kéo dài lâu, chắc người ta sẽ quên mất phở, cơm tấm, hủ tiếu có mùi vị thế nào mất. Thì ra, trước đây ăn sáng ở tiệm ở quán là một niềm hạnh phúc mà không ai nhận ra nó quý giá đến nhường nào.
Cho tới khi dịch Covid-19 đến.
Giang Vũ
Xe hủ hiếu 20 năm làm người Sài Gòn 'ngộp' bởi gà nhiều hơn hủ tiếu
Quán hủ tiếu của anh Châu Gia Huyền nằm trên đường Tân Phước, quận 11 đã truyền đến đời thứ 2 và mở bán được hơn 20 năm nay. Ở đây có hủ tiếu gà xé độc đáo ở Sài Gòn.
Tô hủ tiếu đầy thịt gà chỉ có giá 24.000 đồng.
Sài Gòn - nơi tập trung nhiều loại hủ tiếu đến từ nhiều vùng miền khác nhau như: hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang... và có cả hủ tiếu của người Hoa mang một hương vị rất riêng, rất đặc biệt.
Gà xé hủ tiếu, vì gà nhiều hơn hủ tiếu
Anh Châu Gia Huyền, 30 tuổi, là người kế thừa quán hủ tiếu từ người mẹ quá cố gốc Hoa của mình. Quán ở đây có hủ tiếu mì, bún gạo, bánh lọt, bánh canh... giá tất cả các món đều là 24.000 đồng/tô, trong đó món hủ tiếu gà xé là món được thực khách ưa chuộng nhất.
Bước vào quán, tôi bất ngờ khi chứng kiến tất cả mọi người ở quán từ người đứng bán đến thực khách đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Hoa. Người đứng bếp là ba cha con người gốc Hoa và người ăn đa số là người gốc Hoa và cũng có rất nhiều thực khách là người Sài Gòn.
Tô hủ tiếu gà xé được người Sài Gòn gọi ngược lại là "gà xé hủ tiếu" vì lớp thịt gà cho vào tô đầy ắp, ngang ngửa lớp hủ tiếu bên dưới. Thịt gà ở đây dai dai, ngọt ngọt của miếng ức gà. Đặc biệt sợi hủ tiếu ở đây có bản lớn, ăn rất vừa miệng.
Ăn kèm với hủ tiếu gà xé có rất nhiều hành phi vàng giòn và giá cho đỡ ngán. Một tô đầy ăm ắp, ăn đến đâu là tràn ngập gà đến đó, nói như người Sài Gòn là bao no đến chiều.
Những người trẻ như tôi đến quán thường thích ăn hủ tiếu khô vì ăn như vậy hủ tiếu sẽ ít bị nở ra và ăn rất nhanh ngán, nhưng người già thường ăn hủ tiếu nước vì mềm hơn cho người răng đã yếu.
Ông Trung Xương Văn là một người gốc Hoa, khách "ruột" của quán thường ăn món bún khô chia sẻ: "Tôi sinh ra ở Sài Gòn, nhưng gốc là người Hoa, tôi thường ăn món hủ tiếu ở đây vì thấy món này ngon, ăn vừa miệng, giá lại bình dân nữa. Bữa sáng của tôi gần như cả tuần đều ăn ở đây, rất quen miệng và dần nghiền luôn".
20 năm tô hủ tiếu chuẩn vị người Hoa
Quán hủ tiếu của anh Châu Gia Huyền bán đều đặn mỗi ngày, chỉ trừ khi gia đình có việc đột xuất thì mới nghỉ. Mỗi tháng có 2 ngày là mùng 1 và 15 (Âm lịch) quán bán hủ tiếu chay nên thực khách chủ động muốn ăn chay thì sẽ đến quán, nếu không sẽ quay lại ăn vào ngày hôm sau.
Mỗi ngày quán chỉ bán từ 6 giờ sáng đến 10 giờ rưỡi trưa, khoảng 200 - 300 tô được thực khách ăn trong ngày. Quán nằm trong khu vực chợ Thiếc, quận 11, TP.HCM, khách đến ăn chủ yếu là người Hoa và người Việt.
Quán hủ tiếu gà xé ở 319 Tân Phước, phường 6, quận 11
Nói về công thức lưu truyền hơn 20 năm từ người mẹ mình, anh Huyền kể: "Công thức nấu hủ tiếu gà xé này được lưu giữ từ 20 năm nay, từ khi mẹ của mình bắt đầu mở quán đến bây giờ. Từ khi mẹ mất đến nay, mình cũng không hề thay đổi gì trong công thức ấy".
Anh Huyền chia sẻ thêm: "Công thức món hủ tiếu ở quán mình không có gì khác biệt lắm, đa số mình dùng nước tương, dấm, gà thì mình tự làm rồi ướp để có mùi vị riêng thôi".
Nguồn gốc gia đình anh Huyền là người Hoa từ đời ông, bà, cha, mẹ. Vì vậy để giữ được nét riêng riêng trong ẩm thực gia đình thì họ chỉ để người trong gia đình đứng bán và thuê thêm một người phụ dọn dẹp.
Kể từ khi mẹ mất, anh Huyền chính thức làm chủ quán hủ tiếu này. Quán hủ tiếu đã nuôi cả gia đình anh Huyền bấy lâu nay nên người mẹ không cho các con mình bỏ cơ nghiệp, vì vậy hai anh em anh Huyền thay nhau duy trì và phát triển quán.
Anh Huyền cười kể: "Thứ 7, chủ nhật khách đến quán ăn rất đông, đông đến nỗi không thể đếm xuể. Nhiều người không có chỗ ngồi nên phải đứng đợi, có người phải đứng đợi đến tận 30 phút, đợi lâu quá có người đành mua mang về nhà thưởng thức".
Những ngày gần đây khi thịt heo tăng giá, buộc giá của các tô hủ tiếu ở đây cũng tăng 2.000 đồng/tô. "Tuy có giảm khách đi một chút ít nhưng rồi từ từ họ đi ăn nhiều chỗ thấy quán khác cũng tăng nên lại quay lại hương vị hủ tiếu chỗ mình", anh Huyền cho biết.
Theo Thanhnien
Những tô hủ tiếu ngon trứ danh ở Sài Gòn Hủ tiếu sa tế, hủ tiếu hồ hay hủ tiếu cá là nhưng món ít gặp trên phố Sài Gòn nhưng khi đã có cơ hội tận hưởng bạn sẽ bị cuốn hút và muốn tận hưởng thêm. Hủ tiếu là món ăn có mặt ở khắp các con phố của Sài Gòn, món ăn dân dã này trở nên nét văn hóa...