Người phụ nữ vạch trần mặt tối của đế chế Amazon
Nữ nhân viên bật khóc trong lúc viết email gửi đến Jeff Bezos. Cô là một trong hàng trăm người lao động của Amazon bị thẳng tay trừ lương khi nghỉ theo chế độ.
Một năm trước, Tara Jones, nhân viên kho hàng Amazon ở Oklahoma (Mỹ), bế đứa trẻ sơ sinh của mình trên tay, xem qua phiếu lương và nhận thấy bị thiếu 90 USD.
Việc này tiếp tục lặp lại sau khi cô phản ánh vấn đề với bộ phận quản lý. Không chấp nhận bị mất đi khoảng thu nhập chính đáng, Jones gửi email đến Jeff Bezos, một trong những người giàu nhất thế giới, nhà sáng lập và điều hành hoạt động của Amazon.
Tara Jones gửi email đến Jeff Bezos trong nước mắt.
“Tôi đã thanh toán hoá đơn trễ, tất cả là do bộ phận trả lương gây ra. Tôi đang khóc khi viết email này”, Jones cho biết trong thư.
Sai lầm hệ thống
Sau bức thư của Jones, một cuộc điều tra nội bộ đã chỉ ra sự việc này không phải là trường hợp cá biệt. Hệ thống tính lương của Amazon đã thẳng tay trừ thu nhập của hàng trăm nhân viên nghỉ phép theo chế độ – những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Theo New York Times, trong thời gian ít nhất 18 tháng, khi mà lợi nhuận của gã khổng lồ thương mại điện tử đạt kỷ lục, Amazon tính lương không đầy đủ đối với những nhân viên mới sinh con, gặp bệnh hoặc các trường hợp nghỉ vì khó khăn khác trong cuộc sống. Khoảng 179 người có thể đã bị ảnh hưởng bởi việc này.
Theo Kelly Nantel, phát ngôn viên của công ty, đến nay Amazon vẫn đang xác định và trả nợ cho người lao động bị tính lương thiếu.
Công việc của nhân viên kho, giao vận tại Amazon thường bị đánh giá là rất nặng nhọc, phúc lợi thấp.
Video đang HOT
Sai sót chỉ là một phần trong hệ thống xử lý trường hợp nhân viên nghỉ có lương và không lương của Amazon. New York Times thu thập tài liệu nội bộ dài hàng trăm trang của công ty, trong đó thể hiện nhiều người lao động, kể cả công nhân và nhân viên văn phòng, bị đối xử bất công về việc làm và tiền lương.
Chúng tôi đã mất tất cả
James Watts, cựu nhân viên bị thôi việc sau khi lên cơn đau tim
Theo một số nhân viên cũ, hàng loạt trường hợp người lao động của Amazon bị bệnh hoặc gặp các vấn đề khác, đã bị sa thải vì phần mềm chấm công đánh dấu vắng mặt không phép. Thông tin xác nhận tình trạng bệnh từ bác sĩ cũng biến mất khó hiểu trong cơ sở dữ liệu của Amazon.
Các nhân viên phải chật vật liên hệ trực tiếp với người quản lý hồ sơ của họ. Họ chờ phản hồi từ tổng đài tự động, sau đó chuyển tiếp cho những chuyên viên tại văn phòng đặt khắp nơi, từ Costa Rica, Ấn Độ đến Las Vegas. Tất cả đều quá tải và hệ thống xử lý vấn đề nghỉ việc của Amazon chạy trên những nền tảng không liên thông nhau.
Đến khi quay trở lại làm việc, một số người nhận ra hệ thống đã không ghi nhận yêu cầu của họ, đánh dấu nghỉ không phép, từ đó dẫn đến mất thu nhập theo tuần hoặc tháng.
Amazon làm ngơ
James Watts, 54 tuổi, đã làm việc tại Amazon ở Chattanooga, thuộc bang Tennessee (Mỹ) 6 năm. Gần đây ông lên cơn đau tim và phải tạm nghỉ. Khi sự cố xảy ra, quyền lợi của Watts cũng bị công ty cắt. Việc mất thu nhập đột ngột đã gây ra thảm họa cho nhân viên này.
Xe của Watts bị thu hồi vì trễ hạn trả 2 tuần. Chi phí ăn uống và điều trị khiến kinh tế kiệt quệ, vợ chồng ông phải bán cả nhẫn cưới.
James Watts phải bán cả nhẫn cưới để trị bệnh khi bị Amazon cắt lương đột ngột.
“Chúng tôi đã mất tất cả”, James Watts cho biết.
Vài tháng sau, quyền lợi của ông được khôi phục mà không có lời giải thích nào.
Theo New York Times, trao đổi nội bộ cho thấy những người điều hành tại Amazon đã nhận ra sai sót trong bộ máy quản lý. Họ cảnh báo tình trạng “mức độ dịch vụ không đầy đủ”, “quy trình thiếu hụt” và hệ thống “dễ bị chậm trễ và lỗi”.
Trong nhiều năm, Amazon đã vươn lên vị trí nhà bán lẻ hàng đầu trên Internet. Họ dành cho khách hàng những gói dịch vụ nhanh chóng, tiện lợi. Nhưng doanh nghiệp này không quan tâm đến cách phục vụ nhân viên.
“Mất rất nhiều thời gian để chúng tôi tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, chúng tôi tập trung vào điều đó”, Bethany Reyes, người phụ trách sửa lỗi hệ thống xử lý yêu cầu nghỉ việc của Amazon, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Bà nhấn mạnh rằng công ty đang cố gắng cân bằng lại các ưu tiên.
Cách đối xử của công ty với lực lượng lao động khổng lồ – hiện có hơn 1,3 triệu người và tiếp tục tăng lên – đang bị theo dõi. Các nhà hoạt động trong lĩnh vực lao động và một số nhà lập pháp cho rằng Amazon không đảm bảo an toàn cho nhân viên, đồng thời trừng phạt bất công đối với những người lên tiếng phản ánh.
Vào tháng 6, một cuộc điều tra của New York Times thể hiện chi tiết mức độ tồi tệ của thủ tục xin nghỉ việc trong thời kỳ đại dịch tại Amazon, ngay cả khi họ đạt được thành công lớn về mặt tài chính.
Kể từ đó, Amazon nhấn mạnh cam kết trở thành “nhà tuyển dụng tốt nhất trên Trái Đất”. Andy Jassy, người thay thế Bezos trở thành CEO Amazon từ tháng 7, tuyên bố sẽ sớm cải thiện hệ thống xử lý ngày công của người lao động.
Trong một sự kiện diễn ra vào tháng 10, ông cho rằng quy trình này hiện “không hoạt động theo cách chúng tôi mong muốn”.
Bóc trần sự thật làm việc 'như mơ' ở Amazon: Nhân viên bị kiểm soát 24/24 vì Jeff Bezos tin rằng 'ai rồi cũng lười thôi'
Chúng tôi là con người chứ không phải công cụ được sử dụng để đạt được chỉ tiêu hàng ngày và hàng tuần, một nhân viên viết.
Một cựu phó chủ tịch của Amazon nói với New York Times rằng Amazon đã đưa ra nhiều chính sách nhằm ngăn chặn sự lười biếng tại nơi làm việc của người lao động.
David Niekerk, người thiết kế hệ thống quản lý tại kho hàng của công ty, cho biết vì tin rằng mọi người vốn dĩ lười biếng nên CEO Jeff Bezos đã tạo nên những chính sách đó. Theo ông, mong muốn làm việc hiệu quả của nhân viên sẽ giảm dần theo thời gian.
Niekerk nói: "Ông ấy cho rằng bản chất của chúng ta là tìm cách tiêu hao ít năng lượng nhất có thể để đạt được những gì mình muốn". Ông chỉ ra mô hình làm việc ngắn hạn không đem lại cho người lao động nhiều cơ hội thăng tiến và cách gã khổng lồ thương mại điện tử sử dụng công nghệ để ngăn sự lười biếng của họ.
Một báo cáo tiết lộ rằng Amazon không đảm bảo việc tăng lương cho nhân viên sau 3 năm đầu tiên. Đây là cách công ty áp dụng để loại bỏ những nhân viên bất mãn một cách chính đáng.
Theo Niekerk, một số cách gây tranh cãi nhất của Amazon là sa thải nhân viên trong ngày mà họ có năng suất làm việc thấp hoặc bắt họ làm việc gần như không có thời gian nghỉ để tăng năng suất.
Điều này khiến một bộ phận không nhỏ nhân viên cảm thấy như thể công ty đang đối xử với họ như máy móc hơn là con người. Một người viết trên bảng phản hồi nội bộ của một nhà kho vào năm ngoái: "Chúng tôi là con người chứ không phải công cụ được sử dụng để đạt được chỉ tiêu hàng ngày và hàng tuần".
Tháng 3 vừa qua, tập đoàn tin tức Thomson Reuters của Canada đã công bố báo cáo gây sốc về một tài xế giao hàng của Amazon ở Denver. Người này cho biết mình đã phải trải qua sự giám sát quá mức của hệ thống AI do Amazon lắp đặt trong xe.
Anh chia sẻ: "Đó là một sự vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng và vi phạm cả lòng tin lẫn nhau. Việc bị theo dõi và báo cáo khi ngáp ngủ có thể giúp tăng sự an toàn nhưng chẳng ai thấy thoải mái với nó cả. Việc công ty yêu cầu tài xế đồng ý giám sát liên tục trong quá trình giao hàng dường như là một kiểu ép buộc chứ không dựa trên sự tự nguyện của họ". Sau đó, anh đã bỏ việc vì quá bức xúc.
Ngoài ra, yêu cầu về năng suất lao động của Amazon đã khiến họ trở thành công ty dẫn đầu về chấn thương tại nơi làm việc. Đầu tháng này, tờ Washington Post công bố phân tích dữ liệu từ Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ, cho thấy công nhân kho hàng của Amazon có nguy cơ bị thương nặng cao hơn so với công nhân tại các công ty đối thủ như Walmart.
Theo một thống kê năm 2020, cứ 100 nhân viên Amazon thì có khoảng 6 người bị chấn thương khi làm việc. Con số này tại Walmart chỉ là 2,5.
Trước đó, báo cáo của một tờ báo khác cho thấy Amazon từ lâu đã là môi trường làm việc có tỷ lệ thương tật cao hơn so với đối thủ trong ngành. Thậm chí, họ còn khẳng định rằng Amazon đã lừa dối công chúng và cơ quan quản lý bằng cách báo cáo không đầy đủ về thương tích cũng như trì hoãn việc điều trị cho người lao động.
Về phần mình, Amazon nói rằng họ sẽ đầu tư hơn 300 triệu USD trong năm nay vào các biện pháp an toàn tại nơi làm việc để giảm thiểu chấn thương cho nhân viên.
Trong lá thư gửi cổ đông cuối cùng của Jeff Bezos với tư cách là CEO, ông cũng trình bày chi tiết kế hoạch sử dụng các thuật toán để luân chuyển người lao động giữa các công việc để họ có thể sử dụng nhóm cơ khác thay vì phải vận động một nhóm cơ duy nhất trong thời gian dài. Vị tỷ phú nói thêm rằng công ty "cần một tầm nhìn tốt hơn về cách tạo ra giá trị cho nhân viên".
Cách Jeff Bezos giúp Amazon trị vì suốt 26 năm trên ngai vàng 'vua thương mại điện tử': Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp Amazon sống sót suốt 26 năm nhờ sao chép sản phẩm của các nhà buôn, bán với giá rẻ hơn cả nửa, ép họ vào đường cùng, phá sản. 1/4 thế kỷ trước, vào ngày 5/7/1994, một công ty mang tên giống với dòng sông lớn nhất thế giới - Amazon chính thức ra đời. Đó là một công ty chuyên bán sách...