Người phụ nữ ‘thổi hồn’ cho những loài hoa dại không tốn một xu
Vốn yêu những loài hoa dại, chị Thảo biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật nhờ đôi bàn tay khéo léo của mình.
Ngắm “thác nước” hoa tóc tiên, bồi hồi nhớ tuổi thơ
Hoa tóc tiên mỏng manh, mềm mại tựa như sương như gió. Những người yêu hoa chắc chắn sẽ không khỏi xuyến xao khi ngắm nhìn những khóm tóc tiên nở rộ trước sân nhà.
Loài hoa ấy đã góp phần không nhỏ “tô điểm” cho tuổi thơ của chị Phạm Thị Thảo (35 tuổi, Hải Phòng). Với chị Thảo, tóc tiên là “hoa của tuổi thơ” lưu giữ những kỷ niệm êm đềm nhất.
Chị Thảo đam mê các loài hoa đồng nội.
“Hồi nhỏ, trẻ con trong xóm thường hái hoa nghịch chơi. Tụi mình hay bứt những cánh hoa tóc tiên, dính lên móng tay như người ta làm nail. Khi đã trưởng thành, mỗi người một nơi nhưng chỉ cần thấy tóc tiên, những kỷ niệm ngày xưa lại ùa về”, chị tâm sự.
Được hỏi cảm xúc nào giúp cắm được những bình hoa tóc tiên đẹp như vậy, chị Thảo kể về những bụi tóc tiên trồng quanh nhà hay con đường trước ngõ. Sau mỗi trận mưa cuối hè, những bông hoa nhìn yếu đuối lại nở rộ rực rỡ, trông vô cùng hút mắt. Tình yêu loài hoa này cũng bắt nguồn từ tuổi thơ của chị. Rồi dần, chị thích những loài hoa đồng nội thậm chí hoa dại ngoài sông hồ.
Tóc tiên gợi nhớ tuổi thơ nhiều người. Mỗi sớm thức dậy thấy hoa lòng lại xuyến xao.
Chị cho biết, cấu trúc để cắm một bình hoa tóc tiên không quá phức tạp. Việc quan trọng là phải ưu tiên phong cách “freestyle” bởi cánh hoa nhỏ xíu, thân thẳng và mềm. Cách cắm ở dạng tỏa tròn, các bông sắp xếp so le.
Với người không quá khéo léo, chỉ cần ôm bó hoa thả nhẹ vào lọ cũng đã thấy đẹp. Còn chị Thảo cẩn thận chọn từng chiếc bình để tôn dáng cho sắc hoa. Chiếc bình thủy tinh trong suốt sẽ khoe trọn phần thân hoa màu xanh non mềm. Chiếc bình gốm giúp đóa hoa thêm phần tinh tế, trẻ trung.
Khóm hoa tóc tiên được chị Thảo tạo hình như thác nước khiến nhiều người thích thú.
Chị còn thử thách bản thân bằng cách cắm hoa dạng suối đổ. Chị sử dụng tấm xốp, cắt thành nhiều miếng nhỏ. Tiếp đến chị cho xốp thấm đầy nước, luồn qua dây thép để cố định và tạo độ cứng, chắc chắn. Sau đó, chị bắt tay vào cắm từng bông hoa theo chiều từ trên xuống, lan rộng dần như một thác nước đổ.
Mỗi lần “chơi” hoa tóc tiên, chị cắm từ 200-500 bông nên mất khá nhiều thời gian, khoảng 1-2 tiếng mới hoàn thành. Tác phẩm sau đó được chị Thảo đặt ở phòng khách như một cách trang trí cho ngôi nhà thêm đẹp. Đó cũng là để các thành viên có cơ hội ngắm nghía và thưởng thức “nghệ thuật”.
Biến hoa dại thành “tác phẩm nghệ thuật” độc đáo
Video đang HOT
Mặc dù yêu hoa nhưng sự bận rộn khiến chị Thảo quên mất những sở thích thuở thiếu thời. Gần đây, do tình hình dịch bệnh, chị chọn cách sống chậm để trân trọng những giá trị cuộc sống. Chị bắt đầu tìm niềm vui cho bản thân bằng cách cắm hoa để giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi.
Những bình hoa dại đầy nghệ thuật của chị Thảo.
Nói về những loài hoa, chị Thảo từng “chơi” rất nhiều như hoa hồng, hoa sen, hoa súng… Tuy nhiên, chị dành tình cảm đặc biệt cho loài hoa đồng nội vốn mọc tự nhiên như trong các mảnh vườn hoang, bên lề đường, triền đê, bờ ao…
Hoa đồng nội vốn là tên gọi chung của rất nhiều loài hoa dại. Khác với các loài hoa trong vườn, hoa đồng nội không quá rực rỡ cũng không có hương thơm quyến rũ nhưng vẫn khiến chị “phải lòng”.
Chị cho hay: “Dù vẻ ngoài tầm thường nhưng khi cắm bình, những bó đồng nội ấy bỗng trở nên tỏa sáng lạ thường. Chúng mang một vẻ đẹp rất mộc mạc, hoang dại khiến mình mê mẩn”.
Dùng tình yêu của mình để cắm hoa, chị Thảo tin rằng sẽ lan tỏa được vẻ đẹp cũng như giá trị bình dị của muôn loài ấy đến với người yêu hoa. Cùng với suy nghĩ đó, chị ngày càng chịu khó sưu tầm “loài hoa chẳng ai chịu bán” này.
Bộ sưu tập tác phẩm cắm hoa đồng nội của chị Thảo đến nay đã có trên dưới vài chục loài. Đó là những cái tên nghe rất “quê” như: hoa bèo, tóc tiên, sài đất, hoa riềng, cải cúc, chiều tím, dừa cạn, dã quỳ, cỏ mào gà, cỏ đuôi chồn, hoa cánh bướm,… Mỗi loài hoa đều mang sắc thái khác nhau nhưng chị vẫn chọn chung một lối cắm tự nhiên, đơn giản đúng như vẻ đẹp vốn bình dị, thân quen kia.
Hoa thanh long được chị Thảo tạo hình rất nghệ thuật.
Để có được bình hoa đồng nội đẹp mắt lại chơi được lâu, chị Thảo thường tuốt bớt phần lá. Chị chỉ giữ lại 1 hoặc 2 chiếc lá ở phía thân trên, rồi cắm hoa ngập nước. Có những bông đã sớm héo nhưng chỉ cần ngập nước sẽ “tỉnh” rất nhanh. Sau khoảng 2 ngày, chị lại thay nước, cắt bớt – rửa sạch gốc. Sau đó chị thay thế bằng một chiếc bình khác cho phù hợp với độ dài của hoa.
Điều đáng nói là những bình hoa này không mất chi phí, chị Thảo thường đi lượm nhặt ở ngoài về rồi cắm.
Điều bất ngờ là chị Thảo không tốn một đồng nào cho những lọ hoa dại này. Chủ yếu là những loại hoa chị tình cờ nhìn thấy trên đường đi. Chị sẽ lựa những bông đẹp để hái về và tạo hình cho đúng phong cách.
Từ ngày “chơi” hoa, cuộc sống của chị Thảo có nhiều thay đổi. Chị cảm thấy thư thái và yêu đời hơn. Bản thân luôn hướng tới lối sống lành mạnh, tích cực. Các thành viên trong gia đình đều động viên, ủng hộ sở thích này của chị.
Chị vui vẻ: “Những lúc rảnh rỗi, mình thích đi lang thang trên những con đường làng, bờ đê hay xóm nhỏ ven sông. Chỉ cần vô tình bắt gặp bất kỳ loài hoa dại nào, mình lập tức hái mang về nhà và sáng tạo cách cắm hoa. Mình rất vui khi sở hữu những bình hoa độc, lạ, hiếm ai có được”.
Ảnh NVCC
Chơi 200 bình hoa mỗi năm, giảng viên Hà Nội mách mẹo chọn bình chuẩn, cắm chắc chắn đẹp
Từ khi bén duyên với gốm, chị Nguyễn Thu Thủy đã cắm khoảng 200 bình hoa sau mỗi tác phẩm gốm ra đời.
Gốm cứng cáp, hoa mềm mại tôn lên vẻ đẹp của nhau. Có lẽ vì vậy mà trong vô vàn chất liệu, bình gốm dễ dàng "hợp rơ" với muôn loài hoa nhất. Yêu gốm rồi nghiện luôn hoa, chính là câu chuyện của chị Nguyễn Thu Thủy (Hà Nội), hiện đang là Giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và là một họa sĩ sáng tác gốm tự do.
Việc đầu tiên khi hoàn thành một bình gốm là cắm hoa
Chị Nguyễn Thu Thủy bén duyên với gốm từ tháng 9 năm 2020. Lần đầu trải nghiệm công việc làm gốm tại Bát Tràng - "cái nôi" của nghề gốm ở Hà Nội, chị mê mẩn cảm giác sáng tác với chất liệu này. Kể từ đó đến nay, trong khoảng 1 năm ngắn ngủi, giảng viên Hà Nội đã cho ra đời hơn 200 bình gốm độc bản cùng nhiều phù điêu, tranh, tượng.
"Tôi có được học cắm hoa từ nhỏ nhưng đúng là vì làm gốm mà tôi đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc cắm hoa cũng như chụp ảnh bình hoa. Trung bình một tuần tôi có khoảng 10 bình gốm vào lò. Cứ đến ngày ra lò, việc đầu tiên là hóng tác phẩm để chụp ảnh tại xưởng sau đó mua hoa hoặc hái hoa trong vườn để trưng với bình mới", chị chia sẻ.
Với chị Thủy, dù từng cắm hoa vô số lần nhưng trước mỗi chiếc bình gốm mới, đó lại là một sự khám phá và sáng tạo. Một bó hoa cắm vào vài ba chiếc bình khác nhau, sẽ mang đến cảm giác mới và hình ảnh khác biệt. Có lẽ vì vậy mà cảm hứng sáng tạo, tình yêu với hoa và gốm lúc nào cũng đong đầy, mang đến niềm vui cho nữ nghệ nhân trong việc háo hức đợi một bình gốm ra lò, tỉ mỉ chọn hoa, cắm hoa và chụp lại tác phẩm chia sẻ với mọi người. Có những hôm đã tối muộn, chị vẫn hào hứng "khoe" ngay bình hoa mới.
"Buổi tối là thời gian tôi hay dành để cắm hoa sau một ngày làm gốm ở Bát Tràng. Lúc này hoa cũng đã được dưỡng đủ thời gian. Chụp ảnh hoa trong đêm với một chiếc đèn thả rất tôn hoa. Sáng hôm sau lại chụp hoa với nắng. Cảm giác cắm xong một bình hoa là phải khoe ngay với bạn bè dù là tối muộn", nữ giảng viên tâm sự.
Cùng một loại hoa baby nhưng cấp vào bình cao hay bình thấp, sẽ mang đến những vẻ đẹp khác biệt.
Từ khoảng thời gian làm việc với gốm và cắm hoa, chị Thủy đúc kết một số kinh nghiệm chọn bình gốm phù hợp với từng loại hoa. Chị chia sẻ: "Lọ hoa hình trụ sẽ phù hợp với những loại hoa có thân dài như ly, lay-ơn, loa kèn,... Nếu đó là chiếc bình hình trụ và trong suốt, cần lưu ý tỉa hoa, lá, cành sao cho thật gọn gàng và nước trong bình cần được thay hàng ngày.
Lọ hoa hình bầu, tròn phù hợp các loại hoa có thân dài, cành lả, mặt hoa hướng về các phía khác nhau, tạo sự chuyển động cho không gian, như hoa hướng dương, cẩm chướng, đồng tiền, hồng cành mềm.
Miệng bình nhỏ thì cắm vài cành thoáng, miệng bình rộng thì cắm hoa rủ, cánh hoa to che một phần miệng bình. Để cố định cành hoa khi cắm những bình miệng rất rộng hoặc bát hoa, đĩa hoa có thể dùng xốp hoặc lưới mắt cáo, cành hoa cắt đoạn gác lên nhau ở miệng để tạo thành các ô gài hoa, bàn chông.
Hoa rực rỡ thì chọn gốm mộc mạc. Hoa một màu giản dị lại chọn bình đa sắc. Bình hoa sẽ đẹp hơn khi được phối với các loại lá tự nhiên tăng thêm phần mềm mại quyến rũ, điểm xuyết màu xanh của lá với màu rực rỡ của hoa".
Bình hoa hình trụ thì cắm hoa thân dài như ly, lay ơn, loa kèn,...
Bình hoa hình bầu, tròn phù hợp các loại hoa có thân dài, cành lả, mặt hoa hướng về các phía khác nhau.
Miệng bình nhỏ thì cắm một vài cành để tạo cảm giác thoáng, không rối mắt.
Hoa rực rỡ thì chọn bình đơn sắc và ngược lại.
Mang cả khu vườn vào nhà
Chị Thủy không "kén" hoa, chị cắm từ hoa ngoại nhập đến cành quả, hoa dại trong vườn. Mỗi loại hoa đều có vẻ đẹp riêng, trở nên rực rõ hơn trong chiếc bình phù hợp. Nhà chị cũng vì vậy mà trở thành một khu vườn thu nhỏ, lúc nào cũng có hoa lá bốn mùa đua nở.
Chị Thủy chọn bình gốm xanh mộc mạc để cắm cành quả hồng.
Với chiếc bình cầu kỳ, một cành khế hái ngoài vườn cũng đủ tôn lên vẻ đẹp của cả hoa và gốm.
Chiếc bình mộc mạc tôn lên vẻ đẹp giản dị của sen.
"Hoa cắm nếu thay nước theo ngày và tỉa bớt gốc sẽ đẹp lâu nên tôi cứ hạ dần độ cao bình theo thời gian, vì thông thường bông hoa cao nhất sẽ có chiều cao bằng tổng chiều cao và chiều rộng của bình. Khi hoa đã nở căng thậm chí gần tàn thì đôi khi chỉ cần 1 - 2 cành hoa và nhiều loại lá là có một bình cắm theo phong cách Ikebana rất đẹp.
Cắm hoa để hoa tươi lâu quan trọng là dưỡng hoa. Hoa mua về bỏ khoảng 2/3 lá, ngâm trong xô lớn hoặc lavabo, dùng kéo hoặc dao sắc cắt cành vát chéo. Một số loại hoa phải cắm bằng nước nóng như hoa chuông, cành thân gỗ thì chẻ đôi gốc và thêm cành vào giữa để dễ hút nước", nữ giảng viên đến từ Hà Nội chia sẻ thêm về kinh nghiệm cắm hoa.
Mẹ Việt cắm trăm bình hoa mỗi năm, tự tìm niềm vui mỗi ngày mà không cần quà cáp Chị Võ Ngọc Bông có tình yêu tha thiết với các loại hoa, cắm hoa quanh năm để trang trí nhà cửa và "làm đẹp" cho chính tâm hồn mình. Mỗi người đều có một sở thích riêng, có người thích được tặng mỹ phẩm, quần áo hay trang sức. Riêng chị Võ Ngọc Bông (sinh năm 1972, Hà Nội), hoa chính là...