Người phụ nữ quyền lực nhất giới truyền thông Ấn Độ
Nita Ambani – vợ của tỷ phú sáng lập đế chế kinh doanh Reliance Industries Mukesh Ambani – sẽ giữ chức chủ tịch liên doanh khổng lồ trị giá 8,5 tỷ USD sau thỏa thuận sát nhập với Disney India.
Nita Ambani trở thành “bà trùm” truyền thông Ấn Độ với khối tài sản 25 tỷ USD. Ảnh: AFP
Với vị trí mới này, bà Nita đã trở thành người phụ nữ quyền lực nhất trong giới truyền thông, giải trí Ấn Độ đầy cạnh tranh khi có khối tài sản trị giá hơn 25 tỷ USD và vẫn đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng. Trước đó vài tháng, bà đã tạm ngừng công việc kinh doanh để tập trung vào các hoạt động từ thiện.
Nữ doanh nhân 60 tuổi tiếp nhận vị trí mới chưa đầy 2 năm sau khi chồng bà lên kế hoạch trao lại đế chế trị giá 236 tỷ USD, bao gồm các công ty bán lẻ, công nghệ và năng lượng tái tạo, cho ba đứa con.
Bà Nita Ambani sẽ không một mình lèo lái gã khổng lồ truyền thông. Uday Shankar, cựu chủ tịch khu vực châu Á Thái Bình Dương của Disney, sẽ đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch của liên doanh và đưa ra định hướng chiến lược.
Thương vụ Disney-Reliance dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025 sau khi các cơ quan quản lý và cổ đông chấp thuận.
Bà Nita Ambani lần đầu tiên bước chân vào lĩnh vực kinh doanh cách đây 10 năm, trở thành nữ giám đốc đầu tiên trong hội đồng quản trị của Reliance Industries. Việc bổ nhiệm được triển khai vài tháng sau khi các cơ quan quản lý kêu gọi các công ty của Ấn Độ cải thiện sự đa dạng về giới tính trong bộ máy quản lý.
Video đang HOT
Tháng 8/2023, bà từ chức khỏi hội đồng quản trị để cống hiến sức lực và thời gian cho Reliance Foundation – một tổ chức triển khai các sáng kiến từ thiện.
Bà Nita được miêu tả là một nhà giáo dục, nhà từ thiện, nữ doanh nhân có nhiều kinh nghiệm trong việc quảng bá thể thao và nghệ thuật trong nước. Bà cũng là chủ sở hữu của Mumbai Indians, một đội cricket cực kỳ nổi tiếng ở Giải Ngoại hạng Ấn Độ (IPL).
Thể thao được coi là chìa khóa thành công của liên doanh truyền thông mới. Trước khi sáp nhập, Disney Ấn Độ từng phải đối mặt với nhiều thách thức trong một thị trường đầy cạnh tranh. Đơn vị này đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề vào năm 2022 khi mất quyền phát trực tuyến các trận đấu cricket IPL cho Reliance, tổn thất hàng triệu người đăng ký. Trong một tuyên bố mới đây, liên doanh cho biết họ dự kiến tiếp cận tới 750 triệu khán giả trong nước.
Bà Nita cũng là thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế và là ủy viên danh dự của Hội đồng Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ).
Vợ chồng tỷ phú Mukesh Ambani. Ảnh: AFP
Kết hôn từ năm 1985, hai vợ chồng tỷ phú Ambani có 3 người con – một con gái Isha, và hai con trai, Anant và Akash – đều đóng những vai trò lớn hơn trong công việc kinh doanh của gia đình.
“Tôi chưa bao giờ phân biệt giữa Isha, Akash và Anant. Bất cứ điều gì các con trai tôi có thể làm, con gái tôi cũng có thể làm. Tất cả các cô gái trẻ của chúng ta đang phá vỡ những giới hạn, vì vậy hãy cho họ cơ hội và họ sẽ tỏa sáng”, bà Nita chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi trên truyền hình khi được hỏi về vai trò của phụ nữ trong các doanh nghiệp Ấn Độ vào năm ngoái.
Sự hiện diện của phụ nữ trong ban lãnh đạo công ty ở Ấn Độ đã được cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua. Theo báo cáo của công ty tư vấn EY, gần 95% trong số 500 công ty hàng đầu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán quốc gia có một thành viên hội đồng quản trị là nữ vào năm 2022, tăng từ mức 69% vào năm 2017.
Bí ẩn thủ lĩnh của Taliban
Thủ lĩnh tối cao Hibatullah Akhundzada của Taliban chưa từng lộ diện trên truyền thông sau hơn 2 năm lực lượng này nắm quyền tại Afghanistan.
Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15.8.2021 đến nay, thủ lĩnh của lực lượng này là ông Hibatullah Akhundzada chưa từng xuất hiện trong bất cứ hình ảnh hay phát biểu trực tuyến nào, khiến những đồn đoán về nhân vật bí ẩn này ngày càng nhiều. Theo AFP, kể từ khi trở thành thủ lĩnh tối cao của Taliban ngày 25.5.2016 sau khi người tiền nhiệm Akhtar Mansour thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ, ông Akhundzada cũng chưa từng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Hình ảnh hiếm hoi của ông Akhundzada do Taliban đưa ra năm 2016. Ảnh AFP
Nghi vấn thế thân
Theo tờ Nikkei Asia dẫn lời phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của Taliban, thế giới chỉ biết đến gương mặt ông Akhundzada qua một bức ảnh từ rất nhiều năm trước, khi ông làm thẻ căn cước Afghanistan. Vào tháng 10.2021, ông Akhundzada được cho là thăm đền Darul Uloom Hakimiah ở tỉnh Kandahar phía nam Afghanistan, nhưng chỉ có một đoạn ghi âm giọng nói được đưa lên các tài khoản mạng xã hội của Taliban. Đến tháng 5.2022, nhân vật này được thông báo xuất hiện lần 2, phát biểu trước nhiều tín đồ tại đền Eidgah ở Kandahar. Tuy nhiên, ông phát biểu từ một trong những hàng phía trước của các tín đồ và không quay mặt về phía đám đông. Giới chức Taliban không cho phép các nhà báo tiếp cận thủ lĩnh của họ.
Nhiều người nghi ngờ ông Akhundzada đã chết và một người khác được dùng làm thế thân. Nhà phân tích Mirwais Afghan người Afghanistan hiện sống tại London (Anh) cho biết ông duy trì quan điểm của mình từ năm 2018 cho rằng ông Akhundzada không còn sống vì giọng nói gần đây rất khác so với lúc trước. Thông tin do Taliban chia sẻ năm 2016 cho thấy ông Akhundzada chào đời ngày 18.10.1967 tại Kandahar. Các nguồn tin cho biết ông từng sống tại Pakistan hơn 20 năm, đầu tiên là người tị nạn và sau đó trở thành giáo sĩ. Theo ông Afghan, nhân vật này đã thiệt mạng trong một vụ nổ tại Pakistan vào năm 2018.
Kiêng chụp ảnh ?
Tuy nhiên, phát ngôn viên Mujahid của Taliban khẳng định thủ lĩnh của mình từng xuất hiện tại nhiều nơi công cộng nhưng tránh bị chụp ảnh và quay phim. "Giống nhiều học giả tôn giáo khác, ông ấy tin rằng việc chụp ảnh hay quay phim là bị cấm trong đạo Hồi", ông Mujahid giải thích. Theo thông cáo báo chí của Taliban, lần gần đây nhất phát biểu của ông Akhundzada được ghi lại là trong một cuộc họp tại Kandahar từ ngày 20 - 21.11. Thủ lĩnh Taliban còn không xem truyền hình và chỉ nghe đài phát thanh. Các thuộc cấp của ông theo dõi truyền hình, báo chí và mạng xã hội để báo lại. Ông Mujahid nói rằng ông Akhundzada "muốn sống cuộc đời của một nhà đạo đức", nên sống đơn giản trong một ngôi nhà thuê ở Kandahar, thay vì dinh thự dành cho thủ lĩnh ở Kabul. "Ông ấy bắt đầu làm việc từ 8 giờ và nhiều lần làm đến 23 giờ hoặc 2 giờ sáng hôm sau. Công việc chính của ông ấy là xem báo cáo từ các bộ, ngành, gặp gỡ các quan chức và những người khác", theo phát ngôn viên Taliban.
Nhà phân tích Sami Yousafzai người Afghanistan cũng tin rằng ông Akhundzada còn sống và tiếp xúc mọi người hằng ngày. Một học giả tôn giáo không nêu tên cho biết mình gặp ông Akhundzada ở Kandahar cách đây vài tháng và lực lượng an ninh khi đó còn cẩn thận kiểm tra kính của ông trước cuộc gặp. Một số người khác nói rằng thủ lĩnh Taliban không có bàn ghế trong văn phòng mà chỉ ngồi trên sàn nhà.
Tình trạng trẻ em Afghanistan
Hãng ANI ngày 28.12 dẫn một báo cáo của Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC) cho rằng 40% trẻ em ở Afghanistan luôn chịu cảnh thiếu thốn, trong khi 1/3 trẻ em tại nước này phải lao động. Nhiều em bị gia đình buộc phải làm những công việc vất vả, do tình trạng nghèo gia tăng sau khi Taliban lên nắm quyền. Theo Hãng Khaama Press, khoảng 131.400 trẻ em Afghanistan phải sống xa gia đình và thường xuyên bị lạm dụng ở miền bắc Afghanistan. Chính quyền Taliban bác bỏ các thông tin trên và nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền trẻ em trong nước.
Tổng thống Nga Putin sắp họp báo quy mô lớn nhất năm Tổng thống Nga Putin hôm nay (14/12) tổ chức cuộc họp báo thường niên, trong đó ông sẽ đồng thời đối thoại với người dân và trả lời câu hỏi của giới truyền thông. Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RiaNovosti Thông tấn Nga Interfax cho biết cuộc họp báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bắt đầu từ 12h trưa 14/12...