Người nuôi tôm Hà Tĩnh “mạnh tay” chuyển hướng đầu tư thâm canh
Hình thức nuôi tôm quảng canh đang dần bộc lộ nhiều hạn chế trong kiểm soát dịch bệnh nên nhiều người dân Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang nuôi bán thâm canh, thâm canh công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng…
Vùng nuôi tôm truyền thống của thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn lấy chung 1 nguồn nước cấp không qua xử lý.
Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh
Vùng nuôi tôm truyền thống của thôn Hà Thanh (xã Tượng Sơn, Thạch Hà) rộng hơn 25 ha, trong đó, gần 15ha người dân đang nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến.
Ông Trần Quốc Xuân – người nuôi tôm tại thôn Hà Thanh cho biết: “Nuôi quảng canh thì chi phí giống và thức ăn thấp, cần ít nhân lực… nên tôi vẫn đầu tư gần 10 năm qua. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, không biết vì nguyên nhân gì mà tôm thường bị dính bệnh, chậm lớn đã có những vụ chúng tôi “mất trắng” số vốn bỏ ra”.
Những năm gần đây, tôm nuôi của ông Trần Quốc Xuân thường xuyên “dính” dịch bệnh, thậm chí có vụ “mất trắng”.
Được biết, tại đây, người dân chỉ nuôi trồng theo kiểu “được chăng hay chớ”, phần lớn tận dụng một phần nguồn giống, nước cấp từ tự nhiên nên năng suất không cao. Trên diện tích từ 1 – 3 ha/hồ, người dân chỉ thả xuống từ 10 – 15 vạn tôm giống, mật độ nuôi rất mỏng.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thơ – cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trông, vật nuôi huyện Thạch Hà cho biết: “Nhiều hộ dân không xây dựng ao lắng, ao cấp, xử lý đúng quy trình nên nguồn nước đã không đảm bảo. Đặc biệt, do thả nuôi trên diện tích ao lớn, mật độ thưa nên khi xảy ra dịch rất khó nắm bắt, khó lấy mẫu; thường chỉ khi thu hoạch thấy “trắng” hồ hoặc tôm cua chết nổi người dân mới báo cáo lên chính quyền. Khi này, các giải pháp xử lý môi trường đều không khả thi nữa”.
Diện tích ao nuôi quảng canh rất rộng từ 1 – 3ha/hồ, mật độ nuôi mỏng.
Thời điểm này, huyện Kỳ Anh vẫn có hơn 320 ha/500 ha nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến (chiếm hơn 60% diện tích).
Video đang HOT
Ông Nguyễn Đức Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hải cho biết: “Những năm trở lại đây, dịch bệnh chủ yếu xảy ra đầu tiên ở các hộ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sau đó lây lan ra các hộ nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh do vi-rút mang mầm bệnh theo dòng nước đưa ra ngoài”.
Được biết, hiện nay, tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt khoảng gần 2.200 ha, trong đó, quảng canh, quảng canh cải tiến 1.240 ha (chiếm hơn 50%).
“Với điều kiện môi trường tự nhiên có nhiều thay đổi thường xuyên, nuôi trồng quảng canh đang bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình xử lý dịch bệnh như: không kiểm soát được các vật chủ trung gian truyền bệnh như tôm, cua tự nhiên, nuôi xen ghép nhiều loại, nguồn nước cấp không xử lý sạch bệnh. Khi dịch bệnh xảy ra thì chậm báo cáo chính quyền, không tuân thủ hướng dẫn của ngành chuyên môn…”, bà Đặng Thị Thu Hoàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Năm 2022, người dân Hà Tĩnh tiếp tục tập trung đầu tư để chuyển đổi sang nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh.
Đầu tư phát triển bán thâm canh, thâm canh công nghệ cao
Sau gần 10 năm nuôi tôm theo hình thức quảng canh, anh Lê Thành Viên (xã Kỳ Hải, Kỳ Anh) đã quyết định cải tạo ao đầm để chuyển đổi hình thức nuôi theo hướng thâm canh. Anh Viên chia sẻ: “Được hưởng chính sách hỗ trợ của huyện, tôi đã xây dựng hệ thống nuôi tôm bài bản. Trong vụ tôm xuân hè 2022, lần đầu tiên tôi dám thả nuôi hơn 1 triệu con tôm giống; tôm đang phát triển tốt, kích thước đạt chuẩn”.
Được biết, trong năm 2022, huyện Kỳ Anh dự kiến giải ngân 1,3 tỷ đồng theo Nghị quyết 105/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2023 hỗ trợ đầu tư cho các hộ nuôi trồng thủy sản bán thâm canh, thâm canh; đầu tư 11 tỷ đồng để nâng cấp 2 vùng nuôi lớn thuộc xã Kỳ Thọ và xã Kỳ Thư.
Người dân huyện Kỳ Anh được hỗ trợ từ chính sách của huyện để vỗ bờ xi măng, xây dựng hệ thống hạ tầng phát triển nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh.
Theo ông Trần Bá Toàn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh, hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng nhiều vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm đã được đầu tư nâng cấp. Chính sách hỗ trợ của huyện đã đi vào sản xuất, nhiều mô hình nuôi tôm được đầu tư chuyển từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh công nghệ cao. Từ đó, dịch bệnh được hạn chế, năng suất của đối tượng nuôi theo hình thức này được tăng lên gấp 3,5 lần.
Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư hạ tầng cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản đạt năng suất 10 – 15 tấn/ha/vụ trong ao đất và 20 – 30 tấn/ha/vụ trong ao nuôi công nghệ cao trên cát ở xã Kỳ Hà, Kỳ Hải (Kỳ Anh); xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh); xã Xuân Liên, Cương Gián (Nghi Xuân)…
Nhờ đó, đến nay, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh toàn tỉnh tăng dần qua các năm và đạt trên 950 ha, tăng hơn 140 ha so với năm 2017.
Các mô hình nuôi thâm canh công nghệ cao áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã khẳng định được sự đúng đắn trong xu thế phát triển của nghề nuôi tôm tại Hà Tĩnh.
Bà Đặng Thị Thu Hoàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Trong điều kiện tự nhiên có nhiều khó khăn như hiện nay, các mô hình nuôi thâm canh công nghệ cao áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã khẳng định được sự đúng đắn trong xu thế phát triển của nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi tôm nước lợ tại Hà Tĩnh.
Vì thế, về lâu dài, ngành chuyên môn, chính quyền, người dân cần rà soát, đánh giá bài bản để chuyển đổi dần sang nuôi bán thâm canh, thâm canh công nghệ cao ở những vùng nuôi đạt yêu cầu, điều kiện. Với những vùng nuôi quảng canh thì nên gắn trách nhiệm cho người dân, giám sát tốt để hạn chế dịch bệnh, áp dụng nuôi xen canh cá đối, cá rô phi, cá dìa nhằm làm sạch tạp chất, vật truyền bệnh… Cùng với đó, người dân cần nâng cao y thức trong theo dõi môi trường, dịch bệnh và báo cáo kịp thời cho chính quyền; xây dựng nhận thức cộng đồng cùng bảo vệ và phát triển”.
Người nuôi thủy sản gặp khó khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao
Thời gian gần đây, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giá cá liên tục giảm, đầu ra gặp nhiều khó khăn do tiêu thụ chậm.
Ông Nguyễn Văn Thắng, ở xã Suối Rao, huyện Châu Đức có 2ha nuôi cá nước ngọt đối mặt với nguy cơ thua lỗ rất nặng nề.
Thời điểm nay, vùng nuôi cá nước ngọt của Tổ hợp tác xã nuôi cá nước ngọt Suối Rao, xã Suối Rao, huyện Châu Đức người nuôi như đang "ngồi trên đống lửa" khi cá tại đây đã đến kỳ xuất bán, nhưng giá cá ngày càng giảm, thương lái thu mua "nhỏ giọt", trong khi giá thức ăn và công lao động lại đang ngày càng tăng cao. Với thực trạng này người nuôi đang cầm chắc thua lỗ.
5 ao cá với tổng diện tích 2ha, nuôi các loại cá trắm, chép, mè, rô phi... của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, ở xã Suối Rao, huyện Châu Đức đang đến kỳ thu hoạch nhưng thay vì phấn khởi, ông Thắng lại bộn bề lo toan khi thương lái thu mua rất hạn chế.
Không chỉ vậy, giá cá thời điểm này cũng giảm hơn so với trước Tết. Cụ thể, giá cá trắm từ 50.000 đồng/kg nay giảm xuống chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg; giá cá chép từ 60.000 đồng/kg nay giảm chỉ còn 37.000 - 40.000 đồng/kg; cá mè có giá từ 32.000 đồng nay giảm chỉ còn 27.000 đồng/kg...
Trong khi đó, giá thức ăn cho cá liên tục tăng từ 220.000 đồng/bao/25kg - năm 2020 lên 270.000 đồng/bao/25 kg - thời điểm hiện tại; bình quân một ngày ông Thắng đầu tư từ 60-65 triệu đồng chi phí cho thức ăn - tăng 20% so với những năm trước.
Cá đến kỳ xuất bán thì sức mua lại rất chậm, khiến cá phải tồn lại trong ao, chi phí thức ăn vì thế lại đang đội lên đáng kể. Tình hình này, trừ các khoản chi phí gia đình ông Thắng cầm chắc thu lỗ ở lứa cá này.
Ông Nguyễn Văn Thắng lo lắng, hiện tại giá cám đã tăng từ trước tết đến nay 30-40 nghìn một bao, mức tiêu thụ lại hạn chế, không bán được nên rất ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Cá nuôi không biết đến bao giờ được bán, giá thì thấp, tiêu thụ kém nên giờ gia đình ông Thắng chỉ dám cho ăn cầm chừng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn cho tôm đã được điều chỉnh tăng khá cao với mức tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Điều này làm cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, bởi chi phí đầu vào tăng cao, trong giá bán tôm lại không tăng, thậm chí có thời điểm giảm mạnh.
Anh Bùi Thế Vương, xã An Ngãi, huyện Long Điền đang đầu tư 15 ao nuôi tôm công nghệ cao với hơn 1,6 triệu con tôm. Anh Vương cho biết, trung bình 1 ngày anh sử dụng khoảng 850 kg thức ăn cho tôm, chi phí lên tới gần 30 triệu đồng. Giá thức ăn cho tôm nhích lên khiến chi phí đầu tư của anh đội lên, tuy không bị thua lỗ nhưng cũng khiến lợi nhuận của anh tụt giảm.
Anh Bùi Thế Vương, xã An Ngãi, huyện Long Điền chia sẻ, nguồn thức ăn tăng cao nhưng gia đình vẫn phải cố gắng nuôi vì đã đầu tư số vốn quá lớn vào cơ sở vật chất của trang trại nuôi rồi nên giờ không thể bỏ không trang trại được, vì thế lợi nhuận thu về cũng không được đảm bảo.
Hiện nay, ngoài rủi ro do dịch bệnh, các hộ nuôi trồng thủy sản đang phải đối mặt với khó khăn kép là chi phí thức ăn liên tiếp tăng cao, giá bán giá đầu ra giảm mạnh khiến người nuôi thua lỗ. Do đó, trước khi thị trường bình ổn, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến cáo các hộ nuôi cần đẩy mạnh việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để bảo đảm số lượng đầu con và phòng trừ dịch bệnh hiệu quả; tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết, hình thành mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín, ứng dụng công nghệ cao... nhằm hạn chế phần nào rủi ro do dịch bệnh, nhằm tăng năng suất và giảm giá thành đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Thi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ: Đứng trước tình trạng giá thức ăn ngày càng tăng cao, người nuôi nguy cơ thua lỗ là rất lớn, ở góc độ chuyên môn ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con cần bám sát khung lịch thời vụ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi. Cụ thể là kiểm soát tốt môi trường nuôi, đồng thời quản lý tốt nguồn thức ăn để giảm tốt đa sự hao hụt thức ăn và đồng thời làm tốt việc phòng ngừa dịch bệnh.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh nuôi hơn 5.900 ha thủy sản; trong đó, có, 576 ha nuôi quảng canh, gần 4.900 ha nuôi quảng canh cải tiến, 134,5 ha nuôi bán thâm canh và 325,5 ha nuôi thâm canh. Sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt hơn 4.950 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Nuôi tôm công nghệ cao tại trang trại ông Bùi Thế Vương, xã An Ngãi, huyện Long Điền tăng chi phí đầu vào lên đến 30% khiến lợi nhuận giảm mạnh.
Với giá thức ăn thủy sản tăng mạnh như hiện nay, người nuôi sẽ khó có lợi nhuận nếu thủy sản bị rớt giá. Chi phí đầu vào tăng cao nhưng lại tỷ lệ nghịch với giá thủy sản bán ra vẫn luôn là nỗi trăn trở của người dân.
Ra mắt đối tác chiến lược của dự án Co-living Felicia tại Đà Nẵng Ngày 26/4/2022, tại khách sạn Sheraton, Q.1, TP.HCM, nhà đầu tư & phát triển bất động sản chuyên nghiệp Central Capital và chủ đầu tư dự án, Công ty TNHH Đầu tư Tháp Lụa Đà Nẵng đã có buổi ký kết trở thành đối tác chiến lược dự án Felicia Ocean View Apart-Hotel. Tại sự kiện, nhiều thoả thuận hợp tác chiến lược...