Người nghèo có phải “cõng” phí BOT?
30 triệu xe máy và xe thô sơ đi trên đường BOT nâng cấp, cải tạo không phải trả phí, phí BOT không tác động đến người thu nhập thấp.
Chỉ 2,7 triệu xe ô tô là phải trả phí. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã thực hiện miễn, giảm phí 50% đến 100% đối với người dân xung quanh trạm.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (PPP) thuộc Bộ Giao thông vận tải, tại Hội thảo quốc tế “Các dự án BOT trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam và Đức từ góc độ luật pháp và quản lý nhà nước” diễn ra ngày 2/10/2019. Hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (Đức) đồng tổ chức.
Không có chuyện phí chồng phí
Các dự án BOT giao thông thời gian qua đã vấp phải nhiều phản ứng từ dư luận, và câu hỏi đặt ra là người dân có bị trả phí oan, lợi ích đem lại có xứng đáng với mức phí phải trả?
Theo ông Nguyễn Viết Huy, các dự án BOT xây dựng đường mới thì không gặp vấn đề gì vì người dân có quyền lựa chọn đi hay không và đi bao nhiêu trả bấy nhiêu. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua có thực hiện nhiều dự án BOT cải tạo, nâng cấp đường cũ vì ở thời điểm đó ngân sách nhà nước khó khăn, quy định cho phép. “Với những dự án này, người dân được hưởng lợi không?”, ông Huy đặt vấn đề, và trả lời bằng chính thực tế trải nghiệm của cá nhân khi đi trên một tuyến đường trước và sau cải tạo theo hình thức BOT: “Quốc lộ 1 từ Hà Nội về Vinh, sau khi cải tạo, nâng cấp tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại, trước hết 10 tiếng, nay chỉ mất 7 – 8 tiếng”.
Tương tự, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lấy ví dụ, đi từ Hà Nội về Hải Phòng, nếu đi đường cao tốc có thể rút ngắn một nửa thời gian. Mà thời gian chính là tiền bạc, đồng thời giảm rủi ro lưu thông trên đường hơn rất nhiều.
Video đang HOT
Theo Bộ GTVT, tính toán chung cho thấy, lợi ích kinh tế – xã hội do dự án BOT mang lại là rất lớn, tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành khai thác, giảm thời gian đi lại, giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường…
Ông Nguyễn Viết Huy cũng khẳng định, không có chuyện phí chồng phí, vì phí bảo trì đường bộ dùng cho công trình do Nhà nước đầu tư, phí BOT vừa để hoàn vốn vừa để bảo trì công trình BOT.
Một số ý kiến phân tích thêm, nếu tuyến đường do Nhà nước đầu tư ít người đi thì Nhà nước chịu lỗ, nhiều người đi đường nhanh xuống cấp thì phải bỏ ngân sách nhà nước ra tu sửa. Mà ngân sách nhà nước chính là từ tiền thuế do người dân đóng. Ví dụ, người dân ở Thái Bình, ở Cà Mau không đi tuyến đường đầu tư công ở Thanh Hóa thì tiền thuế họ đóng hòa chung vào ngân sách vẫn trả cho việc bảo trì, tu sửa tuyến đường này. Còn nếu là đường BOT thì ai đi trên đường đó mới phải trả phí.
Để tránh những hiểu lầm, không đồng thuận, TS. Nguyễn Quý Trọng, Trưởng bộ môn Luật Thương mại thuộc Đại học Luật Hà Nội, cho rằng, cơ quan nhà nước nên công khai, minh bạch những khoản thuế nào của người dân đã được chuyển qua để bảo trì đường bộ, từ đó xác định được người dân mất chi phí bao nhiêu khi có dự án BOT và khi không có dự án BOT, lợi ích đem lại cụ thể là gì?
BOT vẫn cần thiết để tháo điểm nghẽn hạ tầng
Theo ông Nguyễn Đăng Trương, nguồn lực của Nhà nước hạn chế nên nếu chờ đầu tư công thì sẽ rất khó hoàn thiện hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, dù Nhà nước không thiếu tiền, nhưng vẫn “dành đất” cho tư nhân làm vì tư nhân làm sẽ hiệu quả hơn cả về chất lượng công trình lẫn quản lý vận hành.
Thực tế nhu cầu đầu tư cho hạ tầng giao thông rất lớn. Theo ông Nguyễn Viết Huy, ngân sách nhà nước luôn thiếu hụt trầm trọng so với nhu cầu. Giai đoạn 2016 – 2020, nhu cầu khoảng 952 nghìn tỷ đồng, nhưng khả năng cân đối chỉ được 209 nghìn tỷ, đáp ứng khoảng 22% nhu cầu. Nguồn vốn bảo trì cũng chỉ đáp ứng 40% nhu cầu. Sự xuống cấp, quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông nếu không được cải thiện sẽ là điểm nghẽn cản trở phát triển kinh tế – xã hội.
Huy động vốn tư nhân thông qua đầu tư PPP, trong đó có loại hợp đồng BOT, được xác định là rất cần thiết để giúp tháo gỡ điểm nghẽn này. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư tư nhân đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi lên là rào cản do bị điều chỉnh bởi một “rừng luật” như cách nói của TS. Nguyễn Quý Trọng.
Việc sớm ban hành Luật về PPP nhằm tạo cơ sở pháp lý cao, đồng bộ, thống nhất được đại diện Bộ GTVT đánh giá là “chìa khóa” để tạo sự bứt phá, thu hút nguồn vốn tư nhân, đặc biệt là từ nhà đầu tư, tổ chức tài chính nước ngoài.
Minh Thư
Theo Dauthau
Trí tuệ nhân tạo sẽ tháo "điểm nghẽn"
Từ nay đến cuối năm 2019, TP HCM phải xây dựng chương trình ứng dụng, nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo tại TP đến năm 2030
Sáng 25-9, UBND TP HCM phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế "Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho TP". Hội thảo thu hút hơn 400 chuyên gia trong lĩnh vực AI, trong đó có Tập đoàn Microsoft và Chính phủ Singapore - quốc gia phát triển mạnh AI trong khu vực.
Tìm đường ngắn nhất
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết đây là lần thứ 2 TP tổ chức hội thảo về AI, nhằm tiếp tục tìm hiểu sâu hơn kết quả nghiên cứu, ứng dụng AI. Từ đó, tìm con đường ngắn nhất để triển khai ứng dụng trên diện rộng trong bối cảnh TP đang bước vào giai đoạn 2 - giai đoạn tăng tốc của đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh.
Theo Chủ tịch UBND TP, việc ứng dụng AI đặt ra cho TP năm bài toán cần được trao đổi. Thứ nhất, mô hình và mức độ ứng dụng AI tại TP; thứ hai, sự liên kết, tương tác tứ giác của cuộc cách mạng 4.0: nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính; thứ ba, hệ sinh thái ứng dụng AI; thứ tư, sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính; thứ năm, sự sẵn sàng của TP.
Xác định tầm quan trọng của AI, TS Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy công nghệ số, trong đó có AI. Để AI thực sự đi vào đời sống, cần nhất là sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp, trong đó nhà nước với vai trò định hướng chính. PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, nêu TP cần đặt ra mục tiêu hình thành hệ sinh thái AI và vạch ra những chiến lược rõ ràng kể cả ngắn hạn hay dài hạn và ba mũi nhọn cần tập trung là công tác nghiên cứu và đào tạo, nắm bắt công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó việc đào tạo là quan trọng hàng đầu để có được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Lãnh đạo TP HCM trao đổi với đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phải là công cụ
TS ALvina Goh - Phó Giám đốc Bộ phận khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Govtech Singapore - cho biết AI có thể được sử dụng để hỗ trợ các công việc của chính quyền. Đó là chính sách công xây dựng dựa trên dữ liệu, kịp thời, thích ứng và có mục tiêu; lực lượng lao động trong lĩnh vực công làm việc năng suất và hiệu quả hơn; dịch vụ công được cung cấp nhanh chóng, báo trước và cá nhân hóa.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam, nêu quan điểm AI phải là một công cụ phục vụ con người. Câu hỏi bây giờ là TP HCM sẽ ứng dụng những gì và ứng dụng như thế nào về AI để đưa TP trở thành một đô thị thịnh vượng và có khả năng chống chịu tốt hơn trong tương lai? Ông Ousmane Dione nhìn nhận AI không đơn thuần chỉ là tự động hóa các hoạt động thông thường. Thách thức lớn nhất để thành công trong ứng dụng AI vào thực tế là vấn đề con người và cách tổ chức. Nói cách khác, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không thể vận hành trong bộ máy quan liêu 1.0. "WB cam kết luôn đồng hành cùng TP HCM trong hành trình này. Những nỗ lực tiên phong của TP trong phát triển chính quyền kỹ thuật số và AI chính là minh chứng cho việc môi trường pháp lý thuận lợi có thể định hình những cải cách mà các địa phương có thể thực hiện" - ông Ousmane Dione khẳng định.
Phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng suy cho cùng, ứng dụng AI là để cho người dân có cuộc sống tốt hơn, được hạnh phúc hơn và đất nước phát triển bền vững. Do đó, từ nay đến cuối năm phải xây dựng được chương trình ứng dụng, nghiên cứu và phát triển AI tại TP đến năm 2030.
Thời gian tới, TP cần xây dựng mô hình hệ sinh thái AI. Hệ sinh thái này phải đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, có cơ sở nghiên cứu tại chỗ và cung cấp các giải pháp và thương mại hóa ngay tại TP, phục vụ người dân; tham gia vào hệ sinh thái AI toàn cầu, tận dụng khả năng đào tạo quốc tế và khả năng nghiên cứu của các nước, từ đó sản phẩm làm ra không chỉ cho đất nước mình mà còn cho các nước trên thế giới.
Làm ngay tài nguyên số hóa
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đề án đô thị thông minh, trong đó có y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh... Các lĩnh vực này sẽ áp dụng các giải pháp AI để thúc đẩy phát triển. Ngoài ra, cần có đề án số hóa tài nguyên của TP, trong đó có tài nguyên về hồ sơ nhà nước, dữ liệu các ngành và điều kiện phát triển của TP. Tài nguyên số hóa này phải làm nhanh, làm ngay, không đợi cái khác, bởi có cái này rồi mới có "xăng để chạy xe" AI. Về nhân lực cho AI, cần tổ chức đào tạo ngay từ đầu theo phương châm "ĐH chia sẻ"; đào tạo, phổ cập cho cán bộ, công chức về AI.
PHAN ANH
Theo nld.com.vn
Ảnh: Chuyên gia quốc tế đến Việt Nam bàn cách diệt sâu keo mùa thu Ngày 16/8, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật, và tập đoàn Bayer đã cùng tổ chức buổi hội thảo quốc tế và thăm quan mô hình "Giải pháp Phòng trừ Sâu keo mùa thu hiệu quả". Chương trình thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của các chuyên gia quốc tế đến từ Pakistan,...