Người Nga cảm thông với nỗi đau của Paris
Ngay sau sự kiện khủng bố ở Paris tối 13.11, nhà báo Nga Egor Kholmogorov có bài chia sẻ nỗi đau với người Pháp trên báo Sự thật Komsomol, khi nhắc Nga cũng từng gánh thảm kịch khủng bố tấn công Nhà hát ở Moscow năm 2002.
Nỗi kinh hoàng mà người Pháp trải qua từ vụ khủng bố tấn công ở nhà hát Bataclan (ảnh) được người Nga đặc biệt chia sẻ vì từng gánh chịu thảm kịch tương tự ở Moscow hồi năm 2002 – Ảnh: Reuters
Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết này trên báo Sự thật Komsomol.
“Các hành vi tàn ác của chủ nghĩa khủng bố ở Pháp tương tự như cuốn phim chiếu nhanh về cuộc chiến mà bọn khủng bố chống lại Nga trong nhiều thập niên qua.
Cuộc tàn sát trong nhà hát Bataclan ở Paris gợi nhớ cuộc thảm sát con tin trong nhà hát Nord-Ost ở Moscow năm 2002. Vì vậy, người Nga hơn ai hết thấu hiểu những gì đang xảy ra với người Pháp và nỗi đau của họ.
Nhưng bi kịch đã xảy ra đúng vào thời điểm bất lợi trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Mới đây, tạp chí trào phúng Pháp Charlie Hebdo đã chế giễu một cách phản cảm các nạn nhân Nga trong vụ rơi máy bay ở Sinai, Ai Cập. Và chúng tôi đã không được nghe bất kỳ lời xin lỗi nào từ người Pháp. Chỉ có các quan chức của chúng tôi cam đoan rằng những người Pháp chân chính thực sự lấy làm xấu hổ vì nội dung bức biếm họa trên tờ báo nọ… Vì vậy, dù muốn dù không, chúng tôi cũng buộc phải mở đầu lời chia buồn như sau: “Dù các bạn đã cười cợt, chế giễu nỗi đau của chúng tôi trước hành động khủng bố, chúng tôi vẫn xin chia buồn cùng các bạn về nỗi đau mà bọn khủng bố gây ra”.
Chúng tôi cảm thông, chia sẻ, vì đã từng hứng chịu đòn thù đẫm máu như các bạn hiện nay. Chúng tôi thành thực cảm thông.
Thực sự đau buồn, nhưng cũng cần tỉnh táo để nói rằng nước Pháp đang phải thanh toán tất cả các hóa đơn cùng một lúc.
Bọn khủng bố hét lên: “Đây là trả thù cho Syria!”. Trên thực tế, chúng thực hiện hành động khủng bố này không phải vì máy bay Pháp ném bom, oanh kích các căn cứ IS ở Syria, mà vì sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp được giao nhiệm vụ điều phối Syria, và đã chia sẻ một lãnh thổ duy nhất thành 5 quốc gia theo đặc điểm tôn giáo: Thiên chúa giáo, Alawite, Sunni, Druze, Armenia, rồi sau đó nhập tất cả lại để rồi tách làm 2 quốc gia – Syria và Lebanon, châm ngòi nội chiến ở cả hai nước.
Video đang HOT
Nếu người Pháp giữ lại đất nước Syria thống nhất như trước Thế chiến I, hoặc phân chia một cách hợp lý, thì bây giờ đã không có nạn IS.
Hai năm trước đây, Tổng thống Pháp Hollande đã định kề vai cùng Mỹ can thiệp vào Syria và chỉ dừng lại ở phút cuối, khi Tổng thống Vladimir Putin lên tiếng can ngăn.
Chính Hollande và người tiền nhiệm của ông là Sarkozy đã ủng hộ việc lật đổ Gaddafi, hoan nghênh cuộc cách mạng Hồi giáo ở Ai Cập, châm ngòi cho lò lửa Syria. Họ cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sự ra đời của IS, Al-Nusra và các lực lượng đen tối khác, đồng thời phải chịu trách nhiệm đối với dòng chảy người tị nạn hiện ngày càng bùng nổ.
Vào tháng 1 năm nay, khi bọn khủng bố tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo, giết chết 12 người, thay vì quan tâm tăng cường các chính sách an ninh quốc gia và thay đổi, siết chặt chính sách nhập cư, Hollande chỉ lo lắng về chuyện bà Marine Le Pen bị mất điểm trên chính trường và chú tâm khuếch trương chiến dịch “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie).
Chúng tôi chia buồn không phải với những họa sĩ chuyên bôi bác nỗi đau của người dân nước khác và trên tín ngưỡng thiêng liêng của người khác đạo, mà với các công dân chân chính của nước Pháp, những người trong tương lai có nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn khủng bố!
Cần phải thắt chặt chính sách nhập cư, kiểm soát biên giới, thực sự quan tâm đối phó với các tổ chức khủng bố trên toàn thế giới và ngay trên đất Pháp.
Tiếc thay, đường lối khoan dung vẫn được tiếp tục duy trì từ và ông Hollande còn có những việc quan trọng hơn để làm: ủng hộ chính quyền Kiev và gây sức ép lên thương vụ mua bán tàu Mistral với Nga.
Nếu bạn có thời gian để nhìn vào địa ngục, địa ngục cũng sẽ nhìn chằm chằm vào bạn.
Vết đạn do khủng bố bắn vào một nhà hàng ở Paris, Pháp tối 13.11 – Ảnh: Reuters
Thực tế kinh khủng nhất của thảm kịch trong nhà hát Bataclan: bọn giết người nói tiếng Pháp rất sõi, không hề lơ lớ. Đó không phải là những phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn gần đây từ Trung Đông. Họ là những sinh viên tốt nghiệp các trường Pháp. Rất có thể họ đã trở thành công dân Pháp, đất nước luôn giáo dục lòng khoan dung.
Bộ phim Ngày mang váy (La journée de la jupe; tựa đề tiếng Anh: Skirt Day) của đạo diễn người Pháp Isabelle Adjani ra đời năm 2008. Nữ giáo viên ở một quận tập trung đông người nhập cư của Paris rất tuyệt vọng về tính côn đồ khó dạy của học sinh, mệt mỏi với đạo đức, lối sống mông muội của chúng, đã tước khẩu súng ngắn từ trong tay một học sinh và dùng nó để ép cả lớp trở thành “con tin”, chĩa súng buộc từng học sinh phải nhắc lại từng đoạn tiểu sử Molière và phải biết tôn trọng phụ nữ. Cảnh sát và các quan chức ngành giáo dục chạy vòng quanh, hò hét, cảm thấy rằng hành động của giáo viên này là “không thể chấp nhận” và cô ta là mối đe dọa chính trong tình huống này. Lực lượng đặc biệt chuẩn bị tấn công. Nhưng cuối cùng, khẩu súng lại trở về tay một học sinh và thế là bắt đầu một cuộc tàn sát. Một bộ phim rất có ý nghĩa, rất đáng xem.
Vì vậy, không thể nói rằng người Pháp không biết và không nhận ra những gì đang xảy ra với họ. Và không phải ngẫu nhiên mà Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen là đảng phái chính trị hàng đầu tại Pháp. Pháp là một đất nước dân chủ, có các nhà lãnh đạo chính trị rất vững vàng, đủ sức xây dựng lại các chính sách cần thiết để ngăn chặn thảm họa. Nhưng thảm họa đến từ nơi và vào thời điểm ít ai ngờ tới nhất. Và đường phố Paris ngày hôm nay đã nhuộm máu. Người dân hoảng sợ, bất an.
Nhưng cú sốc mà họ vừa trải qua liệu có sẽ làm thay đổi điều gì không? Nếu bất chấp tình trạng khẩn cấp, các cuộc bầu cử khu vực vẫn diễn ra vào ngày 6.12 thì điều đó có nghĩa là nước Pháp vẫn luôn mở rộng lòng bao dung ngay cả kẻ mới vừa đâm dao vào sau lưng mình?
Thành thực mà nói, những gì chúng tôi được thấy trên truyền hình về hành động khủng bố dường như là sự tái hiện sinh động hình ảnh sự sụp đổ của đế chế La Mã dưới sự tấn công của những kẻ man rợ. Cũng vẫn là thái độ hiền hòa làm như không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cân nhắc quá lâu trước khi đưa ra những quyết định quan trọng mang tính sống còn, an nhiên tự tại ngay cả trong những phút giây nguy hiểm chết người. Chúng tôi mong rằng Pháp cuối cùng sẽ tìm thấy một anh hùng cái thế giống như Jeanne d’Arc thuở trước.
Sau sự kiện tang thương ở Paris, chúng tôi thành thực chia buồn cùng nước Pháp. Hãy cùng nhau vượt qua nỗi đau chung!”.
Phạm Bá Thủy
Theo Thanhnien
'Điềm gở' trên báo Pháp trước thời khắc bị khủng bố
Ngay trước thời điểm xảy ra vụ khủng bố ở Paris, sáng thứ sáu ngày 13.11, tờ nhật báo nổi tiếng ở Paris - Le Parisien - chạy bài "đinh" trên trang bìa cho biết khủng bố là nỗi ám ảnh lớn thứ nhì trong đầu người Pháp.
Trang bìa báo Le Parisien ra sáng 13.11 với tít "Nỗi sợ khủng khiếp về khủng bố"- Ảnh: chụp trang báo
Bài báo "ra lò" trong buổi sáng của ngày thứ sáu 13, ngày xui xẻo theo quan niệm ở nhiều nước phương Tây. Chiều tối hôm đó, một loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra trên khắp Paris.
Bài báo mang tựa đề "Nỗi sợ khủng khiếp về khủng bố", dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận của Cơ quan giám sát quốc gia Pháp về tội phạm và trừng phạt cho thấy dân Pháp cực kỳ sợ khủng bố.
Theo đó, 17,7% người Pháp trên 14 tuổi cho rằng khủng bố là nỗi lo lớn nhất trong xã hội Pháp. Một cuộc thăm dò tương tự hồi năm ngoái cho thấy chỉ 2,6% cư dân Pháp đồng ý điều này.
Khắp nơi là xác chết, thảm kịch từ vụ tấn công khủng bố hàng loạt tối 13.11 ở thủ đô Paris - Ảnh: AFP
Cuộc thăm dò đưa ra 8 yếu tố, bao gồm khủng bố, thất nghiệp, nghèo đói, phân biệt chủng tộc, y tế..., hỏi mọi người xem họ lo lắng về điều gì nhất. Kết quả: số đông nhất lo thất nghiệp, tiếp theo là khủng bố.
Nước Pháp đã phải hứng chịu một loạt mối đe dọa khủng bố trong năm nay, bao gồm vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo, vụ chặt đầu tại một nhà máy và một âm mưu bắn giết trên tàu đã bị phá vỡ.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Các nước tăng cường an ninh sau vụ tấn công khủng bố ở Paris Mỹ, Bỉ, Singapore và Philippines đã siết chặt an ninh, tăng cường lực lượng cảnh sát tuần tra sau những vụ khủng bố bằng bom và súng nhắm vào thường dân ở thủ đô Paris (Pháp) đêm 13.11. Một cảnh sát Mỹ tuần tra ở thành phố New York - Ảnh: Reuters New York, Boston và nhiều thành phố khác ở Mỹ đã...