Người lính già mê thanh long ruột đỏ
Nhìn những vườn thanh long chín đỏ một góc đồi, ai cũng phải ngạc nhiên, bởi cách đây không lâu nơi này vốn là những đồi luồng nghèo kiệt, hiệu quả kinh tế thấp. Và càng ngạc nhiên hơn, khi biết chủ nhân của vạt đồi trù phú xứ Mường này là một thương binh nặng và đã bước sang tuổi lục tuần.
Gian nan tìm cây thích hợp
Tiếng lành đồn xa, chúng tôi tới thăm ông Nguyễn Đình Hải, ở thôn Trúc, xã Điền Trung (Bá Thước, Thanh Hóa). Trong cái nắng như đổ lửa, nhưng vợ chồng ông Hải vẫn cần mẫn, cặm cụi ngoài đồi thanh long, chăm chút từng bông hoa. Dù áo đẫm mồ hôi, nhưng ông Hải luôn hồ hởi tâm sự với chúng tôi về cuộc đời và cái duyên với thanh long ruột đỏ.
Năm 1972, ông nhập ngũ, đóng quân ở Quân khu 1. Năm 1990, ông xuất ngũ trở về địa phương. Hồi đó Điền Trung là xã 135, cuộc sống của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn và gia đình ông cũng không ngoại lệ vì ông là thương binh hạng 2/3. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết đưa cây luồng, một loại cây rất thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây vào trồng và xen canh với cây sắn. Ông tính rằng, nếu trồng xen, khi chăm sắn, luồng cũng sẽ sống nhiều hơn, tốt hơn vì có bóng mát.
Thành quả của người thương binh tàn nhưng không phế. Ảnh: Việt Trinh
Sau mỗi vụ thu hoạch sắn, những khóm luồng của ông sinh trưởng rất tốt. Chỉ sau 3 – 4 năm, luồng bắt đầu cho thu hoạch, ông mở rộng diện tích lên 4ha. Mỗi năm nguồn thu từ luồng, măng và luồng giống đã cho ông thu nhập cả trăm triệu đồng. Thấy ông trồng xen hiệu quả, bà con nông dân tìm đến học hỏi và được ông tận tình hướng dẫn.
Khi những vùng đồi trồng luồng được mở rộng bà con lại càng yên tâm hơn khi trên địa bàn huyện đã có nhà máy sản xuất đũa, chiếu trúc. Tuy nhiên, nhà máy đi vào hoạt động một thời gian không hiệu quả, nên chỉ hoạt động cầm chừng. Người trồng luồng lại phải đối mặt với cảnh ế ẩm, thu nhập giảm sút. “Hồi đầu có khi bán một cây luồng mua được cả yến gạo, nhưng giờ chỉ được vài que kem thôi” – ông Hải bùi ngùi cho biết.
Video đang HOT
Khi cây luồng không còn hiệu quả, ông Hải lại mày mò nghiên cứu cây mía tím và nhận thấy loại cây này cũng khá phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Ông quyết định thuê máy múc bỏ gốc luồng, rồi san phẳng để trồng mía tím và mía trắng ép nước. Đúng như ông nhận định, cây mía tím gặp đất mới lớn nhanh, dóng dài, màu đẹp, ăn ngọt thơm, nên được thương lái rất chuộng. Những năm 2009 – 2010, với 4ha mía, mỗi năm ông thu ngót tỷ đồng, trừ chi phí lãi 400 – 500 triệu đồng/năm.
Nhưng từ năm 2011 – 2012, mía tím liên tục tụt giá từ 8.000 – 10.000 đồng/cây, xuống còn 5.000 đồng/cây, có lúc xuống còn 3.000 đồng/cây, trong khi đó chi phí giống, phân bón, cày bừa, chăm sóc ngày càng tăng, khiến người trồng mía như ông Hải không có lãi thậm chí còn lỗ vốn. Mía tím tắc đầu ra, mía trắng ép nước cũng cùng chung số phận, một lần nữa người thương binh năng động này buộc phải “chia tay” với mía.
Phải lòng thanh long ruột đỏ
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ để mở rộng diện tích. Tiếp đến sẽ liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, ổn định về đầu ra, giá cả. Việc quan trọng nhất là làm sao để người dân hiểu và sản xuất ra sản phẩm ngon, sạch nhất, khi sản phẩm tốt tôi nghĩ sẽ có thương hiệu, có chỗ đứng” Ông Nguyễn Đình Hải
Sau những phút ngậm ngùi, câu chuyện của ông Hải bỗng sôi nổi khi chỉ về những vạt đồi bạt ngàn thanh long ruột đỏ quả lúc lỉu. Ông Hải kể tiếp: “Năm 2012, tôi gặp lại người đồng đội cũ ở xã Thạch Tiến, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), đang trồng thành công cây thanh long ruột đỏ Long Định 1 – H14″. Mới đầu, nghe bạn nói, ông đã thích lắm. Hôm đến thăm vườn thanh long, ông như người phải “bùa mê”. Tận mắt ngắm những cây thanh long trĩu quả, đỏ vườn, ông đã nhảy cẫng lên. Rồi ông chạy đến nâng những quả thanh long đỏ ửng lên ngắm nghía, xuýt xoa. “Cây làm giàu mà bao lâu nay tôi đi tìm đây rồi!” – ông Hải kể lại.
Ngay hôm sau, ông mua ít giống của ông bạn già về trồng thử nghiệm trên diện tích 3 sào. Hàng ngày ra vườn chăm sóc, thấy những ngọn thanh long vươn lên bám vào trụ, ông mừng lắm. Sau gần 1 năm, những nụ, hoa đầu tiên đã nở và đậu quả. Ông còn nhớ như in ngày hái quả thanh long chín đầu tiên, ông đã chọn những quả đẹp nhất đặt lên bàn thờ tổ tiên. Khi quả thanh long vừa được bổ ra ruột đỏ au hấp dẫn, nhìn đứa cháu nội ngấu nghiến ăn ngon lành, vừa ăn vừa xuýt xoa: “Ngon, ngọt quá ông ạ”. Thì cũng là lúc ông rơi nước mắt… vì sung sướng.
Bán 3 sào thanh long, với giá 25.000 đồng/kg, ông thu về 60 triệu đồng, tính ra cao gấp 4 lần trồng mía, gấp hàng chục lần trồng luồng. Từ sự thành công này, ông tiếp tục nhân rộng ra 1ha, với khoảng 1.000 trụ và tới nay, ông đã nhân ra gần 2ha, trong đó 50% diện tích đang cho thu hoạch.
Giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 – H14 được lai tạo bởi giống thanh long Bình Thuận (ruột trắng) với thanh long Comlobia (ruột đỏ), có tính chiu hạn tốt. Trong đó dòng H14 là con lai cho năng suất cao nhất, có tính chịu hạn và đặc biệt là sản phẩm có chất lượng rất tốt. Mỗi năm cây thanh long cho ra 12 lứa với 7 lứa chính và 5 lứa phụ, một trụ cho thu hoạch từ 30 – 37kg. Trong 2 năm đầu, bình quân mỗi ha thanh long cho năng suất khoảng 8 – 12 tấn/ha, từ năm thứ 3, năng suất 45 – 50 tấn/ha. Với giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, trừ chi phí thì mỗi năm ông Hải thu về hàng trăm triệu.
Sau gần 4 năm gắn bó với cây thanh long ruột đỏ và những thành công bước đầu, ông tiếp tục thầu thêm đất mở rộng diện tích. Ông còn nghiên cứu sản xuất cây giống và truyền đạt kinh nghiệm cho bà con nông dân.
“Tôi hy vọng, cây thanh long ruột đỏ không chỉ là cây xóa nghèo, mà còn trở thành cây làm giàu cho bà con nơi đây. Về lâu dài, chúng tôi sẽ xây dựng thương hiệu “Thanh long ruột đỏ xứ Mường – Bá Thước” – ông Hải chia sẻ.
Hiện nay đã có 13 hộ tham gia trồng thanh long ruột đỏ theo mô hình của ông Hải, với diện tích từ 1 – 3ha/hộ. Hầu hết các diện tích đã cho quả bói, một số hộ đã cho thu hoạch vụ thứ 2, thứ 3. Vừa qua UBND huyện Bá Thước đã chỉ đạo Phòng NNPTNT huyện phối hợp với ông Hải, thành lập Tổ hợp tác làm vườn, giai đoạn đầu với 13 thành viên. Mục đích của Tổ là nhằm giúp các hộ trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật lẫn nhau và cùng nhau xây dựng thương hiệu.
Trong trang trại của ông Hải, ngoài thanh long ruột đỏ, ông còn trồng xen chanh đào. Với 500 gốc chanh đào, mỗi năm ông thu về khoảng 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông dành một phần diện tích khoảng vài nghìn mét vuông để nuôi gà ta, gà chọi. Trung bình mỗi lứa ông nuôi khoảng 500 – 1.000 con gà, trừ chi phí ông lãi khoảng 80 – 100 triệu đồng/năm.
Theo Danviet
Trồng thanh long đúng cách, lãi trăm triệu đồng/vụ
Việc trồng thanh long ruột đỏ thành công ở đất Vật Lại đã mở ra hướng trồng trọt mới có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng đúng thị hiếu, nhu cầu của thị trường.
Anh Nguyễn Minh Đức là một trong những người đầu tiên trồng thành công cây thanh long ruột đỏ trên đất xóm An Thịnh, Vật Yên, xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Nội).
Để có vườn thanh long ruột đỏ bắt mắt, quả đầy trụ như ngày hôm nay, anh Đức đã mất nhiều năm gây dựng. Anh kể, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông TP.Hà Nội triển khai việc trồng thí điểm cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi gò huyện Ba Vì. Gia đình anh là 1 trong những hộ đầu tiên đủ điều kiện tham gia dự án. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ gia đình anh 3.000 hom giống và 4 tạ phân NPK.
Anh Đức vay thêm vốn đối ứng để làm trụ bê tông. Anh còn đầu tư làm toàn bộ hệ thống tưới xương cá, đảm bảo tưới tập trung, tiết kiệm. Đối với cây thanh long, ngoài phân chuồng hữu cơ ủ hoai mục, việc bón phân vô cơ phải hết sức thận trọng, tuân thủ đúng quy định. "Phân vô cơ được chia bón làm 6 - 8 lần/năm. Từ năm thứ 3 trở đi, nên bổ sung thêm các loại phân vi lượng, phân bón lá, đặc biệt là lúc nhánh thanh long đang ra hoa và trái non..."- anh Đức chia sẻ.
Anh Nguyễn Minh Đức thu hoạch những quả thanh long ruột đỏ đầu mùa. Ảnh: Trần Phương
Những bệnh thường gặp trên cây thanh long nhất là bệnh thối cành, nám cánh... Anh Đức đã sử dụng các chế phẩm sinh học diệt sâu bọ, đối với các loại bọ cánh cứng, trong thời gian ra hoa và đậu quả, anh Đức thường xuyên tự tay bắt các loại bọ này từ khoảng 21 - 23 giờ đêm. Tuân thủ đúng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kết hợp phòng, trừ sâu bệnh bằng thủ công nên trái thanh long thành phẩm của trang trại gia đình anh Đức đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không phụ công người chăm, vườn thanh long ruột đỏ của gia đình anh Đức đã cho trái ngọt. Vụ thu hoạch năm 2016, anh Đức cho biết mỗi trụ bình quân cho 50 quả, giá bán dao động từ 20.000-40.000 đồng/kg. "Đầu mùa, quả to, đẹp thường giá bán cao hơn, ước lượng thu hoạch hết gia đình tôi thu về khoảng gần 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng..." - anh Đức thổ lộ.
Việc trồng thanh long ruột đỏ thành công ở đất Vật Lại đã mở ra hướng trồng trọt mới có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng đúng thị hiếu, nhu cầu của thị trường. "Tôi mong các ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích, xây dựng được vùng trồng thanh long ruột đỏ tập trung ở huyện Ba Vì để bà con nông dân khấm khá..."-anh Đức bày tỏ.
Theo Danviet
Độc đáo mô hình nuôi ngan dưới gốc thanh long ruột đỏ Mô hình thanh long ruột đỏ của gia đình ông Tống Văn Chiến, đội 2, làng Bãi Sở, Tam Quang, Tương Dương, Nghệ An đang vào mùa thu hoạch. Đây là môt hình trồng cây thanh long ruột đỏ đầu tiên của huyện miền núi Tương Dương và đang cho kết quả tốt. Năm 2014, ông Tống Văn Chiến - một cựu chiến...