Người làm y tế Sơn Lôi chia sẻ kinh nghiệm chống dịch Covid-19
Giữa thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nước ta, sự thành công trong dập dịch ở Sơn Lôi gợi ra rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có những bài học về y tế.
Y tế thôn: Khi mỗi người dân trở thành “bác sĩ” của riêng mình
Sơn Lôi, ngày 09/03.
5 ngày kể từ khi chính thức được gỡ lệnh phong tỏa, cuộc sống của người dân trong xã đã dần trở lại bình thường.
Trước thềm nhà, ông Hiếu và những “người bạn già” ngồi nhâm nhi ly nước chè, hàn huyên tâm sự. Trong câu chuyện của mình, như một thói quen, họ vẫn hay nhắc về vấn đề dịch dã, về việc làm thế nào để phòng dịch cho hiệu quả.
Sơn Lôi đã trở lại bình yên, nhưng tinh thần chống dịch và ký ức về những ngày cùng chung tay dập dịch vẫn luôn ở lại với người dân, nhất là những người làm công tác y tế thôn như ông Hiếu.
Ông Lê Văn Hiếu là trưởng thôn Nhân Nghĩa, xã Sơn Lôi. Khi toàn xã có lệnh phong tỏa, ông Hiếu đăng ký tham gia tổ y tế thôn.
Tổ của ông gồm 8 người, chia thành 4 nhóm, thay phiên nhau đi đo nhiệt độ, kiểm tra sức khỏe hàng ngày cho toàn bộ nhân khẩu trong thôn. Sau đó, tổ có nhiệm vụ tổng hợp số liệu, báo cáo tuyến trên nếu phát hiện người có biểu hiện bệnh.
Ông Hiếu làm công tác kiểm tra thân nhiệt cho người dân trong thôn
Thành viên trong tổ y tế đều là những người xung phong tham gia, bao gồm đại diện của hầu hết đoàn thể trong thôn. “Thời gian đầu, ít người tình nguyện đăng ký vì sợ lây nhiễm virus. Bố tôi bảo, nếu mình cũng lo sợ mà không đi thì lấy ai làm việc này”, chị Lê Thị Dung, con gái ông Hiếu kể.
Hàng ngày, bên cạnh việc đo thân nhiệt, giám sát tình hình sức khỏe của người dân, tổ y tế thôn cũng có nhiệm vụ tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch tới từng hộ gia đình.
Đa phần người dân địa phương chấp hành rất tốt, tuy nhiên cũng có những trường hợp chưa nghiêm chỉnh tuân thủ trong thời gian đầu.
“Chúng tôi thường cố gắng giải thích, thuyết phục để họ hiểu và chấp hành. Tuy nhiên nếu họ vẫn cố ý làm sai, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, tôi sẽ dùng các biện pháp mạnh hơn để buộc thay đổi, như nói chuyện với họ bằng luật pháp”, ông Hiếu cho biết.
Một kinh nghiệm rất hay mà ông Hiếu nhận ra khi công tác trong tổ y tế thôn, là tổ này sẽ hoạt động tốt hơn khi có thành viên là đại diện nhóm liên gia (nhóm liên kết các gia đình trong thôn). Người này có vai trò rất lớn trong việc thuyết phục các gia đình tuân thủ quy định.
Ngoài ra, theo trưởng thôn Nhân Nghĩa, việc làm thế nào để mỗi người dân tự trở thành “bác sĩ” của riêng mình rất quan trọng, nhằm sớm phát hiện các ca nghi nhiễm.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Bình, 1 người dân thôn Nhân Nghĩa thực hiện việc tự kiểm tra thân nhiệt
Mỗi hộ dân trong các thôn đều được phát 1 chiếc nhiệt kế để đo thân nhiệt bất cứ lúc nào. Họ cũng được hướng dẫn cụ thể về các dấu hiệu bệnh Covid-19. Khi thấy cơ thể biểu hiện bất thường,người dân sẽ thông báo ngay cho tổ y tế để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Y tế xã: thấu hiểu tâm lý người dân và nguyên tắc “cái đầu lạnh”
Nếu như y tế thôn có nhiệm vụ giám sát sức khỏe người dân, phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường thì y tế xã đóng vai trò quan trọng trong công tác sàng lọc sớm các ca nghi nhiễm, phân luồng bệnh nhân.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, trạm phó trạm y tế xã Sơn Lôi, những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ được chuyển vào phòng khám cách ly (tách biệt với khu khám thường) để khai thác về yếu tố dịch tễ.
Kinh nghiệm của chị Hương trong vấn đề này là phải làm sao cho người dân cảm thấy họ “được” thay vì “mất”, tức là cho dân hiểu lợi ích của việc khai báo trung thực.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hương cũng chia sẻ, việc thấu hiểu tâm lý của người dân địa phương qua quá trình công tác lâu năm tại trạm là lợi thế rất lớn giúp nhân viên y tế linh hoạt trong từng tình huống cụ thể.
Các bác sĩ trạm y tế xã Sơn Lôi thực hiện công tác khám và sàng lọc bệnh nhân
Sau khi khám sàng lọc, xe cứu thương chờ sẵn sẽ làm nhiệm vận chuyển bệnh nhân về Trung tâm điều trị Covid-19 thuộc Trung tâm Y tế huyện.
Trạm y tế xã Sơn Lôi có 2 xe cấp cứu, 1 xe chuyên vận chuyển trường hợp nghi mắc Covid-19, xe còn lại vận chuyển các bệnh nhân thông thường nhưng là trường hợp nặng, cấp cứu, dự sinh tới bệnh viện tuyến cao hơn.
“Có 1 vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình này, là việc lợi dụng chuyển tuyến để “thoát” quy định cách ly”, chị Hương tâm sự.
Khi gặp những tình huống như vậy, kinh nghiệm của chị Hương và các đồng nghiệp là luôn giữ “cái đầu lạnh” để mềm mỏng, cứng rắn đúng lúc.
Những ngày Sơn Lôi bị phong tỏa, trạm y tế xã có sự đồng hành 24/24 của tổ công tác Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch. Tổ này làm nhiệm vụ chỉ đạo và trực tiếp giúp đỡ nhân viên y tế địa phương trong công tác dự phòng, thu dung điều trị, xử lý môi trường.
Bác sĩ Hương cho biết, mình luôn nghiêm túc tuân thủ các hướng dẫn, chỉ đạo của tuyến trên. Khi gặp tình huống khó, chị sẽ xin ý kiến của tổ công tác rồi mới đưa ra quyết định.
“Sự đồng nhất từ trên xuống dưới giúp mọi công việc trong trạm y tế luôn được vận hành trơn tru dù khối lượng công việc có thể đôi lúc rơi vào quá tải”, bác sĩ Hương chia sẻ.
Thành công trong công tác dập dịnh ở Sơn Lôi có vai trò rất quan trọng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ tuyến trên. Cùng thời điểm Sơn Lôi bị phong tỏa, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid -19 đã điều động các tổ công tác xuống địa phương với nhiệm vụ như “người chỉ đường”.
Ngay khi có mặt, tổ công tác đã triệu tập tất cả cán bộ từ tỉnh, đến huyện Bình Xuyên, xã Sơn Lôi và các thôn để quán triệt mọi vấn đề. Trong đó, nhấn mạnh việc làm sao để người dân an tâm, thấu hiểu, không hoang mang nhưng cũng không được chủ quan trước dịch bệnh.
Quan điểm của Bộ Y tế là phải tập trung phát hiện, giám sát và cách ly các trường hợp có nguy cơ một cách quyết liệt chứ không nửa vời. Tất cả những người trong cùng hộ gia đình hoặc ca tiếp xúc gần dù chưa có triệu chứng vẫn được coi như người mắc bệnh, phải cách ly ngay lập tức tại cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Bình Xuyên cũng đã điều động bác sĩ về Sơn Lôi để tăng cường nhân lực cho địa phương chống dịch.
Nguyễn Liên
Theo vietnamnet
Bác sĩ tuyến đầu chia sẻ sáng tạo chống dịch Covid-19 của Việt Nam
Cùng với những kinh nghiệm chống dịch sẵn có, Việt Nam áp dụng sáng tạo nhiều giải pháp để chống dịch Covid-19 và đã bước đầu thành công.
Kinh nghiệm sống còn học từ dịch SARS
Chia sẻ tại tọa đàm "Tăng sức đề kháng phòng chống dịch Covid-19" ngày 28/2, khi nói về kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đánh giá, có thể thấy Việt Nam có bản lĩnh chống dịch và được rèn luyện từ lâu.
Ngay từ khi dịch chưa xâm nhập vào Việt Nam, các hệ thống chống dịch đã được khởi động, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Khi dịch xâm nhập vào nước ta, khi khởi đầu có thể có một số điểm chưa ổn nhưng ngay lập tức được rút kinh nghiệm và được điều chỉnh từ công tác tổ chức cách ly, truyền thông nguy cơ đến công tác tổ chức hậu cần, nhân sự chống dịch....
BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, Việt Nam học được nhiều kinh nghiệm từ dịch SARS trong ngăn ngừa, điều trị dịch Covid-19
"Cứ mỗi một mùa dịch, chúng ta đều triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ các tuyến, cho nên càng ngày các năng lực của các tuyến tham gia vào quá trình chống dịch ngày càng tốt lên", BS Cấp nhìn nhận.
Riêng dịch Covid-19, có rất nhiều điểm gần với dịch SARS do cùng họ coronavirus. Do đó, những kinh nghiệm từ dịch SARS cũng hỗ trợ rất nhiều cho Việt Nam khi phòng chống dịch Covid-19.
"Một trong những kinh nghiệm sống còn của dịch SARS là việc chúng ta không sử dụng khu cách ly đóng kín mà sử dụng các khu cách ly mở. Do vậy, việc cách ly và điều trị có thể đưa về địa phương và thậm chí có thể đưa về đến phòng khám khu vực như ở Vĩnh Phúc và vẫn bảo đảm được chất lượng điều trị tốt", BS Cấp chia sẻ.
Hơn nữa, do làm tốt thông tin nội bộ nên việc điều trị mặc dù ở các tuyến khác nhau nhưng quy trình điều trị và kỹ thuật không khác nhau nhiều do có sự liên kết, chuyển giao kỹ thuật cũng như tăng cường của tuyến trên cho tuyến dưới. Đó là những cái chúng ta thu được qua nhiều vụ dịch.
Ngoài ra, theo BS Cấp, năng lực chống dịch của quốc gia tăng lên là nhờ sự tham gia của tất cả người dân. Có thể thấy, qua mỗi mùa dịch, nhận thức của người dân đều tăng lên rõ rệt như việc rửa tay, đeo khẩu trang...
"4 tại chỗ" phát huy hiệu quả
Về phác đồ điều trị, BS Cấp khẳng định, đến nay hầu hết kiến thức về bệnh Covid-19 tại Việt Nam thu nhận được từ các nghiên cứu ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Vì vậy, phác đồ điều trị của Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là hoàn toàn thống nhất với nhau, không có gì khác biệt. Tuy nhiên, khi áp dụng cụ thể trên thực tế, chúng có những điểm sáng tạo.
BS Cấp dẫn chứng, phương châm phòng dịch của Trung Quốc là áp dụng "4 sớm" và "4 tập trung", gồm: "Phát hiện sớm, báo cáo sớm, cách ly sớm, điều trị sớm" và "tập trung người bệnh, tập trung chuyên gia, tập trung tài nguyên, tập trung cứu chữa".
Trong khi đó, Việt Nam áp dụng 4 tại chỗ: Cách ly tại chỗ, điều trị tại chỗ, nguồn lực tại chỗ và vật tư tại chỗ.
Việt Nam thực hiện cách ly, điều trị ngay tại tuyến dưới, thay vì đổ dồn về tuyến trung ương. Trong ảnh, bệnh nhân dương tính Covid-19 được điều trị tại phòng khám Quang Hà, Vĩnh Phúc
"Không phải là cái nào ưu thế hơn cái nào mà "4 tập trung" phù hợp hơn với hoàn cảnh của Trung Quốc và "4 tại chỗ" phù hợp hơn với hoàn cảnh của Việt Nam", BS Cấp nói.
Hay việc sử dụng các khu cách ly mở phù hợp với điều kiện khí hậu và thời tiết của Việt Nam, nhưng với Vũ Hán, cách ly mở sẽ rất lạnh. Do đó Vũ Hán bắt buộc phải sử dụng phòng áp lực âm hoặc khu cách ly áp lực âm.
Đó chính là một vài áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam so với hướng dẫn và phác đồ của các nước lân cận.
Theo BS Cấp, kinh nghiệm trong việc điều trị 16 ca nhiễm Covid-19 đợt này cũng như trước kia với các ca điều trị dịch SARS hoặc các dịch bệnh khác đã từng xảy ra ở Việt Nam cho thấy ngành y tế Việt Nam có đủ năng lực để đối phó với những tình huống phức tạp cũng như các bệnh nhân nặng, khó.
Tuy nhiên, kinh nghiệm qua tất cả các mùa dịch vừa qua là việc khống chế thành công đòi hỏi có sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội cũng như của mọi người dân.
"Đến thời điểm hiện tại, người dân hoàn toàn có thể tin tưởng vào năng lực dự phòng của toàn ngành y tế. Tuy nhiên mọi thành công cần phải có sự chung tay đóng góp của người dân", BS Cấp nhấn mạnh.
BS Cấp khuyến cáo, với tình hình hiện tại, người dân có thể bình tĩnh, tự tin nhưng không được chủ quan khi dịch đã lan rộng tới hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại Trung Quốc, chỉ 1 trường hợp trốn cách ly, đã phải giám sát 4.000 người, 1 bệnh nhân của Hàn Quốc không chấp hành cách ly đã lây ra vài chục người và có thể con số chưa dừng lại ở đó nên việc chung tay phối hợp của mọi người dân đặc biệt quan trọng.
Với những nỗ lực, thành công bước đầu, WHO và CDC Mỹ đánh giá rất cao các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam với quyết tâm rất cao, các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, đặc biệt là công tác cách ly, khoanh vùng, điều trị và bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19 với cộng đồng quốc tế;
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Thành tựu y học Việt Nam nhìn từ cuộc chiến chống Covid-19 Trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia đang phải đối mặt với diễn biến rất khó lường của dịch COVID-19 thì thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 rất mạnh mẽ và bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát rất nhanh và ngành Y tế...