Người kéo cờ trong ngày Độc lập
68 năm đã trôi qua, cho đến giờ bà Lê Thi vẫn nhớ như in niềm vinh dự đặc biệt là được kéo ngọn cờ độc lập trong thời khắc lịch sử trọng đại ấy.
Tại buổi lễ “Tuyên ngôn Độc lập” 2/9/1945 diễn ra ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa), quê ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bất ngờ nhận được giao nhiệm vụ kéo cờ Tổ quốc.
Căn phòng ấm cúng của gia đình bà Lê Thi nằm trên phố Ngô Quyền, Hà Nội đầy ắp những kỷ vật của một thời tuổi trẻ với đồng đội. Bà khoe với chúng tôi tấm ảnh chụp chung với cô du kích người Tày, bà Đàm Thị Loan, người cầm lá cờ cho bà Thi kéo ngày hôm ấy.
Câu chuyện diễn ra cách đây 68 năm, nhưng khi bà nhắc đến, cảm xúc tràn về như mới diễn ra ngày hôm qua vậy. Bà bồi hồi nhớ lại, ngày đó, bà dẫn đầu đoàn Phụ nữ cứu quốc tiến về quảng trường Ba Đình. Một cán bộ trong Ban tổ chức đến thông báo cử người lên kéo cờ. Các chị em đồng thanh đề nghị bà lên kéo cờ. Khi ấy, bà run lắm nên vẫn đứng yên. Cuối cùng khi cán bộ xuống giục thì bà mới quyết định đi lên kéo cờ.
Bà Thi kể lại: “Chúng tôi là đoàn phụ nữ quận Hoàn Kiếm được đứng hàng đầu, vì chúng tôi đi sớm hơn. Tôi đứng chờ ở ngoài, không đứng trong hàng ngũ. Bất ngờ Ban tổ chức yêu cầu cử một người lên kéo cờ. Mọi người nhìn vào tôi vì tôi đứng ngoài. Tôi đi lên lễ đài, gặp một chị mặc quần áo Tày, hai chị em dắt tay nhau lên chân cột cờ. Lần kéo cờ trước Quảng trường Ba Đình đó tôi thấy sự việc quá trọng đại nên sợ lắm. Khi kéo thì tim đập thình thịch. Khi cờ lên đỉnh cột tôi mới thấy nhẹ nhõm”.
Bà Lê Thi vẫn say sưa viết sách dù tuổi đã cao.
Trong câu chuyện bà không giấu nổi niềm vui khi vinh dự có mặt trong ngày độc lập của Tổ quốc. Vẫn còn đó không khí của hàng ngàn người, không ai bảo ai cùng nhau đổ về Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hòa cùng dòng người đó, đoàn phụ nữ Cứu quốc trong trang phục màu trắng, đi giày ba ta, cầm gậy hòa vào cùng với các đoàn công nhân, thanh niên, công giáo, giáo viên…vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh!
Khi Bác Hồ bước lên lễ đài, tất cả đều im lặng, nhất loạt cùng đứng lên nghiêm trang nhìn Bác Hồ ra mắt quốc dân đồng bào. Đó cũng chính là lần đầu tiên bà Lê Thi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thật bất ngờ khi bà thấy Bác thật giản dị và gần gũi.
Bà Thi nhớ lại: “Khi Bác đọc tuyên ngôn, bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”, mọi người ở dưới giơ tay đồng thanh: Rõ ạ, rõ ạ, rõ ạ… Khi Bác đọc xong bản tuyên ngôn độc lập, Bác bảo chúng ta xin thề giữ gìn nền độc lập, lúc đó mọi người giơ tay xin thề!… Đó là lời thề tâm huyết. Từ hôm đó về tôi làm cán bộ phụ nữ để đi vận động nhân dân ủng hộ quân đội quyết giữ gìn nền độc lập theo lời Bác dặn”.
Sau Ngày độc lập, bà Lê Thi hăng hái tham gia các phong trào Cách mạng, bà được bầu làm Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc khu Hoàn Kiếm, làm Phó Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Vĩnh Phúc… Đến năm 1956 khi hoà bình lập lại, bà được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên, rồi đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau.
Video đang HOT
Giờ đây, khi tuổi đã cao, bà Lê Thi vẫn tìm niềm vui trong công việc nghiên cứu, viết sách. Bà chia sẻ, dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn muốn cống hiến cho xã hội những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được trong những năm tháng học tập và chiến đấu mà mình đã trải qua.
Bà bày tỏ: “Tôi mong muốn truyền thống của cha ông ta được tiếp nối. Thế hệ trẻ phải thấy được trách nhiệm của mình, đó là đưa đất nước tiến lên trong thời bình, cần nắm chắc những thành tựu khoa học, công nghệ của thế giới để vận dụng vào Việt Nam một cách tốt nhất trong điều kiện của đất nước. Tôi nghĩ những vấn đề này phải trông vào thế hệ trẻ”.
Trời Hà Nội vào thu, mát mẻ và trong xanh hơn. Không khí ấy khiến bà Lê Thi như trẻ lại. Trẻ lại vì bà được sống với những ký ức tươi đẹp của Ngày độc lập đầu tiên của đất nước, nhất là khi bà vinh dự được là người kéo lá cờ vinh quang của Tổ quốc tung bay trong thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc.
Theo VOV
Đại biểu Quốc Hội muốn mặc quần soóc đi làm
Bác Hồ vận quần soóc tiếp khách quốc tế, nam nữ chiến sĩ Giải phóng quân từ chiến khu về Thủ đô đều mặc quần soóc...
Bác Hồ mặc quần soóc tiếp khách quốc tế
LTS: Chiếc quần soóc tưởng chừng như chỉ để mặc đi chơi, nhưng ít ai còn nhớ trước đây, quần soóc được nhiều người lựa chọn làm trang phục thuận tiện để đi làm.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Bác Hồ cũng từng tiếp khách quốc tế trong trang phục quần soóc và khoác veston theo một kiểu cách thời thượng của người Hà Thành xưa.
Thời gian gần đây, ít ai mặc quần soóc đến công sở, cho dù sự thuận tiện, thoáng mát, phù hợp với khí hậu nước ta hơn hẳn những bộ quần dài, sơ mi thắt cà vạt, comple... Vậy tại sao bộ trang phục này lại "biến mất" khỏi công sở? Giờ là lúc nên để bộ trang phục này trở lại với môi trường công sở?
Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả loạt bài xung quanh đề xuất mặc quần soóc đi làm.
Nhà sử học Dương Trung Quốc mặc quần soóc đi họp
Nhà sử học Dương Trung Quốc bắt đầu câu chuyện với PV bằng đề xuất của một vị Thủ tướng Nhật Bản cách đây ít lâu, kêu gọi cởi cái cà vạt cho bớt nóng.
"Điều này khiến mình nghĩ liệu có thể cởi thêm cái gì nữa không? Tôi gợi ý nên trở lại với cái quần ống ngắn (gọi theo kiểu phiên âm của người Tây là cái quần soóc) của cánh đàn ông", ông Quốc nói.
Bác Hồ trong trang phục quần soóc và khoác veston bên cạnh các ông: Phạm Văn Đồng, Chu Xương, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp (Ảnh chụp năm 1946)
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng có vài lần mặc quần soóc đến cuộc họp, cơ quan, công sở.... Ông Quốc cho biết, ông luôn gặp phải sự e ngại, bởi nhiều người không biết mặc quần soóc như vậy bị cấm không?
Theo nhà Sử học, những ai có ký ức về thời trước cách mạng đều biết rằng vận quần ống ngắn mùa hè rất phổ biến, không chỉ đối với giới trẻ năng động mà với cả lớp người cao tuổi.
Cái quần soóc không chỉ là đồ thể thao hay mặc khi đi pic-nic mà còn trở thành sắc phục của công chức trong một số ngành nghề.
Đến khi cách mạng thành công, cảnh sát của chế độ mới mặc quần ống ngắn đạp xe tháp tùng chiếc ô tô của Cụ Chủ tịch ra Quảng trường Ba Đình để đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Anh chị em lặn lội từ chiến khu về Hà Nội cũng được vận bộ quân phục mới do người Hà Nội may sắm để dự lễ điểm binh..., lấy cái quần ngắn ống để tôn thêm cái vẻ đẹp mạnh khoẻ của đội quân cách mạng.
Cụ Hồ cũng vận quần soóc tiếp khách quốc tế cho dù dấu ấn của tuổi tác cũng như đau ốm trên chiến khu để lại trên đôi chân vạn dặm của mình. Hơn thế, Cụ mặc quần soóc nhưng lại khoác veston theo một kiểu cách thời thượng của dân Hà Thành xưa.
Cái quần ngắn ống ấy được ống kính của các nhà nhiếp ảnh hay điện ảnh lưu giữ lại thành những chứng tích lịch sử của một thời đã qua.
"Nhưng vì sao đến nay không thấy ai mặc thứ quần ngắn ống ấy như một thứ trang phục được coi là nghiêm chỉnh mà chỉ được coi là thứ đồ dành cho giới trẻ, chỉ được dùng trong sinh hoạt thể thao hay chí ít là ngoài công sở", ông Quốc nói.
Phù hợp với khí hậu Việt Nam
Theo ông Dương Trung Quốc, quần soóc tiện dụng, thoải mái, kích thích năng động... do đó cần được quan tâm, nhất là ở nước nhiệt đới như Việt Nam.
"Không phải suồng sã lúc nào cũng mặc quần soóc, ví dụ như đến đám ma, đám cưới... không nên mặc. Tuy nhiên, nên coi mặc quần soóc là chuyện bình thường, không nên coi quần soóc chỉ để mặc đi chơi", ông Quốc bày tỏ quan điểm.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc đã từng mặc quần soóc đi họp
Ngoài ra, mặc quần soóc còn giúp con người ý thức hơn về sự tiết kiệm. Ông Quốc nhấn mạnh đề xuất của một vị Thủ tướng Nhật Bản, tháo cà vạt cho bơt nóng. Đề xuất này nhằm giảm bớt nhu cầu sử dụng máy lạnh tại công sở, góp phần giảm bớt sự tiêu hao năng lượng. Thậm chí Nhật Bản cũng quy định máy lạnh công sở không được thấp dưới 28 độ.
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: Nước giàu có như Nhật Bản mà ý thức tiết kiệm cao như vậy, có đáng để chúng ta lưu tâm?
Ông Dương Trung Quốc cho biết, khi ông đặt vấn đề liệu có thể coi quần soóc là một thứ thời trang công sở mùa hè hay không, đại đa số bày tỏ sự tán đồng.
"Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng đó là một thứ trang phục "thiếu đứng đắn", thậm chí còn sẵng giọng mắng người đề xướng dỗi hơi nêu chuyện dở hơi... Có lẽ vì thế mà chẳng thấy nhà thiết kế thời trang hay buổi trình diễn thời trang nào quan tâm đến cái quần ống ngắn này", ông Dương Trung Quốc bày tỏ.
Theo Xahoi
Chùm ảnh: Những di vật lịch sử ngày Độc lập Đó là những hiện vật thiêng liêng, gợi nhớ lại thời khắc hào hùng ngày 2/09/1945. Những hiện vật sẽ còn sống mãi trong tâm tưởng mọi người dân đất Việt. Chúng ta cùng hồi tưởng quá khứ hào hùng, trọng đại nhất của đất nước qua những hiện vật thiêng liêng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam....