Người giúp việc quăng quật bé gần 2 tháng tuổi sẽ phải đối diện với tội danh nào?
Người giúp việc có hành động bạo hành với bé gái gần 2 tháng tuổi tại Hà Nam có thể phải đối mặt với hàng loạt tội danh.
Ngày 23/11, Công an TP.Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Hàn (còn gọi là Hoàn, 58 tuổi, trú tại Bình Thượng, xã Yên Thọ, huyện Ý Yên, Nam Định) để điều tra hành vi hành hạ cháu bé gần 2 tháng tuổi con chị N.T.P. (ở phường Quang Trung, TP Phủ Lý).
Hàn là người phụ nữ có hành vi đánh đập, tung hứng cháu bé gần 2 tháng tuổi trong 3 đoạn clip do chị N.T.P đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Hình ảnh đoạn clip chị P. đăng tải cho thấy, cháu bé con chị P đang nằm ở trên giường thì bà Hàn tiến lại gần liên tục dùng tay tát vào đầu.
Thấy bé chưa hết khóc, người phụ nữ giúp việc mắng chửi, tiếp tục đánh nhiều cái vào mông cháu bé. Đỉnh điểm, người phụ nữ giúp việc còn tung cháu bé lên trên không nhiều lần. Chứng kiến cảnh tượng này nhiều người giật mình, sợ hãi và phẫn nộ.
Hình ảnh người giúp việc bạo hành bé gái gần 2 tháng tuổi. Ảnh cắt từ clip.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm- Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, điều 37 Hiến pháp 2013 qui định: trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, đươc tham gia vao cac vân đê về tre em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Vì vậy, theo luật sư Thơm, bà Hàn có thể bị xử lý hình sự về 2 tội danh “tội hành hạ người khác”; “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”.
Cụ thể, điều 110 Bộ luật hình sự quy định “tội hành hạ người khác”: Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; đối với nhiều người.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm- Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)
Theo luật sư Thơm, điều 104 Bộ luật hình sự quy định “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” sẽ có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ông Nguyễn Hải Hữu, nguyên Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho hay, ông đã xem qua clip và thấy rằng hành động của người phụ nữ giúp việc là không thể chấp nhận được. Dù trẻ em có quấy khóc hay có bực tức chuyện gì thì người giúp việc cũng thể đánh đập trẻ, đặc biệt với một bé gái mới chưa đầy 2 tháng tuổi.
“Các em nhỏ bị bạo hành không chỉ ảnh hưởng tới thân thể mà còn ảnh hưởng tới cả tinh thần. Nếu các em bị bạo hành nhiều lần sẽ ám ảnh, sợ hãi và lớn lên sẽ ảnh hưởng. Vì vậy, tôi cho rằng tất cả các hành động bạo lực với trẻ em không thể tha thứ và cần phải xử lý nghiêm”, ông Hữu chia sẻ.
Theo ông Hữu, đối với các bậc cha mẹ khi tìm người giúp việc cần phải kiểm tra xem người được thuê có đảm bảo sức khỏe hay không; có khả năng chăm sóc trẻ tốt không; có mắc các bệnh truyền nhiễm hay không. Đặc biệt về tinh thần, xem người giúp việc có bị lo lắng chuyện gì, hay mắc bệnh trầm cảm không để mình có lựa chọn sao cho hợp lý.
“Thêm nữa, cha mẹ cũng phải giám sát thường xuyên con mình. Buổi tối khi tắm cho con phải kiểm tra xem trên mình con có vết tím, bầm, xước hay không. Hoặc đối với trẻ lớn, bố mẹ cũng hỏi han con xem có hài lòng với người giúp việc hay không. Như vậy, theo tôi sẽ hạn chế được việc trẻ em bị bạo hành”, ông Hữu nói thêm.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác:1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người.b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân.c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người.d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình.e) Có tổ chức.g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê.i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Theo Danviet
Tim tôi thắt lại và không đủ can đảm để xem hết clip
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền: "Vài giây đầu thấy người giúp việc tung trẻ sơ sinh như quả bóng thì tim tôi thắt lại và không đủ can đảm để xem hết".
Ngày 23, chị Ngọc Phương (ở tổ 2, đường Phan Huy Chú, phường Quang Trung, Thành phố Phủ Lý, Hà Nam) đã đưa lên trang cá nhân của mình clip người giúp việc hạnh hành con mình.
Sự việc gây chấn động dư luận vì hành vi tàn bạo, dã man của bà giúp việc đối với đứa trẻ mới hơn một tháng tuổi.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, chiều 23/11, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên), Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh, Xã hội tỉnh Phú Yên cho biết, trong giờ nghỉ trưa chị tình cờ xem trên mạng clip về người giúp việc ngược đãi trẻ mới 1 tháng 17 ngày tuổi.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền đoàn Phú Yên (ảnh quochoi.vn).
"Vài giây đầu thấy người giúp việc tung trẻ sơ sinh như quả bóng thì tim tôi thắt lại và không đủ can đảm để xem hết clip. Cảm giác xót xa"- Đại biểu Hiền nói.
Qua theo dõi báo chí, bà Hiền cho biết: "Cơ quan điều tra đã vào cuộc. Rõ ràng hành vi đó là bạo hành, ngược đãi đối với trẻ em.
Kết luận như thế nào thuộc vào cơ quan điều tra nhưng qua những hành vi như thế gióng lên hồi chuông đối với những bậc làm cha làm mẹ: Phải hết sức lưu ý vấn đề chăm sóc trẻ.
Đặc biệt không nên đặt quá nhiều sự tin tưởng vào giúp việc".
Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền: "Cần phải đề cao công tác chăm sóc đối với trẻ em.
Tốt nhất là những người cha mẹ, người thân của trẻ làm công việc này hơn là giao phó hoàn toàn cho người giúp việc.
Cuộc sống có nhiều tình huống, bản thân mình nhiều lúc không kiểm soát được.
Sự giám sát của gia đình đối với trẻ em trong công tác chăm sóc, giám sát của gia đình đối với trẻ ngay tại nơi mình gửi trẻ, với những người trông trẻ luôn phải được đặt lên hàng đầu.
Không tuyệt đối tin tưởng, không nên lấy lý do vì cuộc sống thế này thế kia mà buông lơi. Con mình sinh ra bố mẹ phải có trách nhiệm".
Câu chuyện bé sơ sinh ở Nam Hà bị bạo hành, bà Hiền khá bức xúc khi người mẹ chỉ ra ngoài một lát mà bà giúp việc đã làm những điều không tưởng tưởng được.
Bà Hoàn đang đánh bé mới hơn 1 tháng tuổi (ảnh từ clip - nguồn vov.vn).
Điều này cho thấy các bậc phụ huynh cần tìm hiểu thông tin, thời gian quan sát cụ thể trong quá trình tuyển chọn người giúp việc, hoặc cơ sở gửi trẻ để làm sao công tác chăm sóc trẻ phải được xây dựng từ sự thương yêu không chỉ đối với gia đình mà cả đối với những người làm công tác chăm sóc trẻ.
"Những người làm công tác chăm sóc trẻ ở cơ sở giáo dục hay tư nhân phải có tình yêu thương nếu không thì không nên làm"- bà Hiền nhấn mạnh.
Qua vụ việc này, bà Hiền cho thấy cần có sự chuyên môn hóa nghề giúp việc gia đình.
Theo đó cần có những trung tâm cung cấp lực lượng lao động này một cách chuyên nghiệp.
"Hiện nay, có rất nhiều dịch vụ cung cấp người giúp việc thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm.
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là các trung tâm đó phải có trách nhiệm giới thiệu người có chất lượng hoặc anh phải có trách nhiệm tập huấn bồi dưỡng cho người lao động.
Công việc gì cũng có nghiệp vụ - chỉ có người bình thường chứ không có công việc tầm thường, do đó, ngay cả sự giúp việc đó cũng phải có kỹ năng, phải có sự đào tạo bài bản, ít nhất là ngắn hạn để có sự tương tác tốt với người chủ và có trách nhiệm với đồng lương mình nhận được.
Về mặt nhà nước, cần phải có sự quản lý như thế đối với lực lượng lao động này.
Dù sao đi nữa, khi có sự quản lý như thế họ sẽ nâng cao trách nhiệm của mình, với công việc của mình đang làm chứ không phải chỉ dừng lại ở việc thỏa thuận giá cả, rồi vào làm- được thì làm lâu dài, không mấy bữa lại thôi"- bà Hiền nói.
Vị đại biểu tỉnh Phú Yên cũng "khuyến cáo" để bảo vệ con em mình trước mắt, các bậc phụ huynh cần nhờ những người thân cận, tin tưởng hoặc tuyển chọn qua trung tâm môi giới với những hợp đồng ràng buộc quy định rõ ràng trách nhiệm cũng như quyền hạn để gắn trách nhiệm cũng như nâng cao ý thức của người giúp việc.
Dưới góc độ truyền thông, bà Hiền cho rằng qua theo dõi các trang mạng thấy clip được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.
Họ thể hiện sự bức xúc và muốn chia sẻ để lên tiếng, họ muốn sự đấu tranh phải mạnh mẽ trên mạng xã hội nhưng mà dưới góc độ nhân văn, công tác xã hội về trẻ em bà Hiền cho rằng sự tổn thương của người thân với những hành vi của người giúp việc là quá lớn, do đó không nên lan truyền thêm.
"Họ nghĩ rằng chia sẻ như vậy để lên án, để lan tỏa, để đấu tranh nhưng không phải hình ảnh nào, clip nào cũng có thể chia sẻ tràn lan như vậy.
Nhất là những clip liên quan đến trẻ em, đến người già thì không nên. Hình ảnh clip này không giáo dục được điều gì mà chỉ làm xấu hơn tâm lý của nạn nhân cũng như của người thân nạn nhân"- bà Hiền nói.
Trước đó, ngày 23/11, chị Ngọc Phương (ở tổ 2, đường Phan Huy Chú, phường Quang Trung, TP Phủ Lý, Hà Nam) đã đưa lên facebook của mình clip người giúp việc hạnh hành con mình.
Chia sẻ với báo chí, chị Phương cho biết, gia đình chị mới thuê người giúp việc tên Hoàn (Sinh năm 1960, quê ở Nam Định) thông qua một trung tâm môi giới việc làm.
Bà Hoàn mới ở với gia đình chị Phương được 2 tháng từ khi chị sinh em bé thứ 2. Hàng ngày, chị Phương ở nhà với con, nhưng sáng và chiều hay rời nhà một lúc để đưa đón bé lớn đi học. Tuy vậy, chỉ vắng nhà ít phút, con chị đã bị bạo hành.
Bên cạnh đó, chị Ngọc Phương cũng chia sẻ: "Mình nghĩ mình ở nhà thường xuyên với con, bà ấy chỉ làm việc nhà, chỉ trông bé khi mình đưa bé lớn đi học nên không lắp camera.
Nhưng mấy lần về thấy con mặt đỏ ngầu, khóc vật vã nên mình đặt máy quay. Hôm nay, khi nhìn vào clip mình không tin vào mắt mình nữa. Con mình mới chưa đến 2 tháng mà bà ấy bạo hành quá dã man, không thể chịu được".
Hiện tại, bà Hoàn đã bị công an Phủ Lý bắt khẩn cấp để điều tra làm rõ hành vi bạo hành cháu bé hơn 1 tháng.
Trinh Phúc
Theo giaoduc
Xót xa nhìn lại những vụ bạo hành trẻ nhỏ gây chấn động dư luận Đánh trẻ tím mặt, thâm đùi, hay ép trẻ ăn bằng hành vi thô bạo là những vụ bạo hành trẻ em gây chấn động dư luận trong thời gian qua. Hình ảnh người phụ nữ bạo hành cháu bé gần 2 tháng tuổi gây bức xúc dư luận. Ảnh cắt từ clip. Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện clip người...