Người giàu Pháp ‘tháo chạy’ ra nước ngoài vì thuế cao?
Người giàu tại Pháp đang “tháo chạy” ra nước ngoài và một số chuyên gia cho rằng mức thuế trong nước quá cao đang gây ra tình trạng này.
Các “đại gia” đang tháo chạy khỏi nước Pháp để né mức thuế quá cao – Ảnh: Reuters
Tờ báo tài chính Les Echos hôm 7.8 dẫn các số liệu của cơ quan thu thuế quốc gia cho thấy tổng cộng 3.744 người với mức thu nhập từ 100.000 euro/năm trở lên đã rời khỏi Pháp trong năm 2013, tăng 40% so với năm 2012. Cùng năm 2013, số người kiếm được từ 300.000 euro/năm trở lên bỏ ra nước ngoài là 659, tăng 46% so với năm 2012. Trong khi đó, tỉ lệ di cư của toàn nước Pháp trong năm 2013 chỉ tăng 6%.
Tờ Les Echos nhấn mạnh rằng những số liệu trên có thể không hoàn chỉnh và sẽ nguy hiểm nếu dùng những con số đó để đưa ra kết luận. Tuy nhiên, bài báo này cũng trùng hợp với một công bố gần đây của tập đoàn tư vấn New Word Wealth, xếp Pháp đứng thứ ba trong danh sách các nước có lượng tỉ phú xuất ngoại nhiều nhất. Khoảng 42.000 tỉ phú đã rời Pháp từ năm 2000 đến 2014, đài France24 ngày 8.8 dẫn công bố này.
Một số chuyên gia cho rằng mức thuế quá cao tại Pháp là một trong những nguyên nhân chính khiến người giàu bỏ ra nước ngoài. Tiền thuế và đóng góp an sinh xã hội chiếm 45% GDP Pháp năm 2013, tỉ lệ cao thứ hai trong số các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), theo báo cáo năm 2014. Đan Mạch xếp thứ nhất với tỉ lệ 48,6% GDP.
Nhiều người giàu Pháp “bất mãn” vì mức thuế mà chính phủ áp lên những người thu nhập cao – Ảnh: Reuters
Năm 2012, Tổng thống Pháp Francois Hollande áp đặt mức thuế 75% đối với những người thu nhập hơn 1 triệu euro/năm nhằm giảm nợ công tại Pháp. Từ nước Anh, Thủ tướng David Cameron nói rằng Anh sẽ “trải thảm đỏ” đón chào các công dân và công ty giàu có từ Pháp đang oằn mình với mức thuế trong nước. Tuy nhiên, mức “siêu thuế” này bị bãi bỏ vào đầu năm 2015.
Ngoài ra, loại thuế đoàn kết cộng đồng đặt ra đối với người giàu tại Pháp cũng khiến nhiều người bỏ ra nước ngoài. Loại thuế này áp dụng với công dân Pháp kiếm được hơn 1,3 triệu euro/năm.
Diễn viên điện ảnh Pháp Gerard Depardieu năm 2012 đã thu hút sự chú ý của dư luận khi bỏ sang Bỉ để không phải chịu mức thuế cao tại Pháp. Các chính trị gia Pháp lúc đó đã chỉ trích ông Depardieu là không yêu nước; đáp lại, diễn viên này viết một bức thư cáo buộc lại chính phủ Pháp đã trừng phạt những người thành công và tài năng.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
10 người giàu có nhất lịch sử nhân loại
Từ Bill Gates đến Thành Các Tư Hãn, lịch sử đã chứng kiến rất nhiều nhân vật tiếng tăm, giàu có và cả quyền lực. Tạp chí Time (Mỹ) đã đưa ra danh sách những người giàu nhất mọi thời đại với những cách tính toán khác nhau...
Video đang HOT
Time bình chọn 10 người giàu nhất mọi thời đại, tuỳ theo cách tính toán - Ảnh minh hoạ
Nếu tỉ phú Bill Gates là nhân vật thường xuyên góp mặt trong các cuộc bầu chọn kiểu này, sẽ rất khó đong đếm mức độ giàu có của các nhân vật trong lịch sử. Tạp chí Time cuối tháng 7 cho biết đã phỏng vấn các chuyên gia kinh tế và nhà sử học để đưa ra danh sách 10 nhân vật được xem là giàu nhất mọi thời đại.
10. Thành Cát Tư Hãn
Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) là người sáng lập Đế quốc Mông Cổ và nằm trong số những lãnh đạo quân sự kiệt xuất nhất mọi thời đại.
Tượng Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ - Ảnh: Reuters
Sự giàu có của ông chủ yếu được tính trên việc kiểm soát được một đế chế rộng lớn nhất lịch sử, trải dài từ Trung Quốc tới châu Âu, nhờ sức mạnh của đội quân Mông Cổ, Time cho biết.
Tuy nhiên, Thành Cát Tư Hãn lại không tích trữ của cải cá nhân, và là nhà quân sự "trong sạch" hàng đầu lịch sử. Ông Jack Watherford, tác giả cuốn sách Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành của thế giới hiện đại (Genghis Khan and the Making of the Modern World) nói với Time rằng quân đội Mông Cổ bị cấm tuyệt đối chuyện tích trữ cá nhân, và thành phẩm có được đều phải chia cho quân đội và gia đình.
9. Bill Gates
Tỉ phú người Mỹ sinh năm 1955, là người giàu nhất thế giới đang còn sống. Tính tới thời điểm năm 2015 này, tạp chí Forbes cho rằng tài sản của nhà sáng lập Microsoft vào khoảng 78,9 tỉ USD.
Tỉ phú Bill Gates có tên trong danh sách những người giàu nhất mọi thời đại của tạp chí Time - Ảnh: Reuters
8. Alan Rufus
Có biệt danh "Alan Đỏ", Alan Rufus (1040-1093) thuộc dòng dõi hoàng tộc, cháu trai của vua William I (Anh) và đã tham gia cuộc chinh phục xứ Norman.
Time dẫn nhận định của Philip Beresford và Bill Rubinstein, tác giả cuốn Người giàu nhất trong những người giàu, cho rằng Alan Rufus qua đời với khối tài sản 11.000 bảng Anh, tương đương 7% GDP của nước Anh năm 1093. Nếu tính theo tỷ giá năm 2014, số tiền ấy tương đương 194 tỉ USD.
7. John D. Rockefeller
John D. Rockefeller (1839-1937) là ông trùm dầu mỏ với khối tài sản 1,5 tỉ USD vào năm 1918, theo cáo phó đưa trên tờ The New York Times. Số tiền này tương đương 2% sản lượng kinh tế của Mỹ khi ấy. Tính theo tỷ giá năm 2014, ông Rockefeller coi như sở hữu 341 tỉ USD.
Rockefeller đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ vào năm 1863. Tính tới năm 1880, công ty Standard Oil của ông nắm giữ 90% hoạt động sản xuất dầu khí của Mỹ.
6. Andrew Carnegie
Sống cùng thời với ông John D. Rockefeller, "ông vua thép" Andrew Carnegie mới là người Mỹ giàu nhất mọi thời đại, theo Time.
Vào năm 1901, Carnegie bán công ty U.S Steel cho tỉ phú J.P Morgan với giá 480 triệu USD. Chỉ riêng số tiền này đã tương đương 2,1% GDP nước Mỹ khi ấy, tức sẽ là 372 tỉ USD theo tỷ giá năm 2014.
5. Joseph Stalin
Việc lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin (1878-1953) được liệt kê vào danh sách này chủ yếu đo đếm trên việc ông đứng đầu một nước Liên Xô hùng mạnh về kinh tế.
Lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin - Ảnh: AFP
Time dẫn số liệu từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy năm 1950, 3 năm trước khi ông Stalin qua đời, Liên Xô chiếm 9,5% sản lượng kinh tế toàn cầu. "Tài sản" ấy nếu quy ra trị giá năm 2014 sẽ vào khoảng 7,5 nghìn tỉ USD. Tất nhiên, tính toán này không có ý nghĩa chính thức và gây nhiều tranh cãi.
4. Vua Akbar I
Akbar I (1542-1605) là vị vua vĩ đại nhất của vương triều Mughal của Ấn Độ. Sự giàu có của Akbar I cũng song song với quyền lực của vương triều này, được cho chiếm khoảng 1/4 sản lượng kinh tế toàn cầu lúc đó.
3. Hoàng đế Tống Thần Tông
Hoàng đế Thần Tông (1048-1085) thời nhà Tống của Trung Quốc (từ 960 đến 1279), được xem là một trong những đế chế kinh tế hùng mạnh nhất mọi thời đại, theo Time.
Giáo sư Ronald A. Edwards, nhà sử học kinh tế nghiên cứu về Vương triều nhà Tống tại đại học Tamkang cho biết trong thời hoàng kim, nhà Tống đã đóng góp tới 25% đến 35% tổng sản lượng kinh tế của thế giới thời đó.
2. Augustus Caesar
Hoàng đế La Mã Augustus Caesar (63 TCN-14 SCN) không chỉ nắm giữ một đế chế hùng mạnh chiếm từ 25 đến 30% sản lượng kinh tế thế giới thời đó, mà còn là người có của cải cá nhân rất đáng kể.
Bức tượng Augustus Caesar tại thành Rome, Ý
Time dẫn lời giáo sư sử học Ian Morris (đại học Stanford, Mỹ) cho rằng có thời điểm Hoàng đế La Mã tích trữ lượng tài sản bằng 1/5 nền kinh tế của cả đế chế. Số của cải này nếu tính vào năm 2014 có thể tương đương 4,6 nghìn tỉ USD.
1. Mansa Musa
Mansa Musa (1280-1337), vị vua của Timbuktu, một thành phố cổ thuộc nước Mali, phía tây châu Phi ngày nay, thường xuyên được xem là người giàu nhất lịch sử.
Một bức ảnh diễn tả sự giàu có khó tả của vua Mansa Musa, với mọi thứ xung quanh ông toàn bằng... vàng - Ảnh: Getty
Khác với các trường hợp còn lại, mức độ giàu có của vua Mansa Musa là "không thể đong đếm", "không thể mô tả được", theoTime.
Theo giáo sư sử học Richard Smith của Đại học Ferrum, vương quốc của vua Musa nhiều khả năng là nơi sản xuất vàng lớn nhất thế giới thời điểm đó. Chính vì vậy, để nói về tài sản của vua Musa, tất cả chỉ có... vàng!
Time kết luận về sự giàu có của vua Musa như sau: "Khi không ai có thể mô tả nổi sự giàu có của bạn, thì nghĩa là bạn rất giàu!".
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Nước và vùng lãnh thổ nào có mật độ tỉ phú cao nhất? Toàn cầu có 1.826 tỉ phú. Có nhiều nước, vùng lãnh thổ sở hữu hàng trăm cá nhân giàu có như thế. Dựa theo danh sách tỉ phú từ tạp chí Forbes, trang Business Insider đưa ra một bảng xếp hạng đáng ngạc nhiên về các quốc gia và vùng lãnh thổ có mật độ tỉ phú cao nhất thế giới. Trong khi...