Người dùng Yahoo hoang mang sau vụ mã độc tấn công
Yahoo trấn an dư luận rằng chỉ những người dùng Windows tại châu Âu mới bị mã độc tấn công.
Tuy nhiên hãng này không đưa ra bất cứ hướng dẫn hay khuyến nghị nào cho người dùng, cũng như không tiết lộ số lượng nạn nhân chính xác của vụ việc.
Hôm qua, Fox IT, một hãng bảo mật có trụ sở tại Hà Lan phát hiện việc nhiều người dùng đã bị nhiễm mã độc sau khi ghé thăm trang Yahoo.com trong vòng vài ngày trở lại đây. Khi click vào Yahoo.com, họ sẽ bị điều dẫn sang những site có chứa đầy mã khai thác các lỗ hổng Java và lén lút cấy nhiều loại mã độc khác nhau vào máy tính.
Yahoo.com đang bị mã độc tấn công.
Video đang HOT
Sau khi thông tin này được đăng tải, Yahoo đã phát đi hai thông cáo báo chí tuy nhiên thông tin khá chung chung, rằng tại Yahoo, “sự an toàn và riêng tư của người dùng được quan tâm một cách nghiêm túc”. Yahoo đã nhận dạng được quảng cáo độc do Fox IT phản ánh và đã lập tức gỡ bỏ nó, đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi, ngăn chặn bất cứ các mã độc nào xuất hiện tiếp theo”. Thế nhưng điều kỳ lạ là trang blog chính thức của hãng trên Tumblr, nơi chuyên cung cấp các bản update sản phẩm và dịch vụ lại im hơi lặng tiếng hoàn toàn.
Rạng sáng nay, Yahoo mới hé lộ thêm một số thông tin về vụ việc, đáng chú ý là mã độc chỉ tấn công người dùng ở châu Âu và người dùng di động cũng như máy tính Mac không bị ảnh hưởng. “Người dùng Bắc Mỹ, châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ La tinh không đọc được những quảng cáo có chứa mã độc nên được an toàn”, Yahoo khẳng định.
Tuy vậy, cơ chế mã độc khai thác các lỗ hổng Java như thế nào, cũng như vì sao chúng lọt được vào trang web của Yahoo thì không được đề cập. Người dùng cũng rất hoang mang vì không hiểu quy mô bị ảnh hưởng lớn đến đâu và họ cần làm gì lúc này để tự bảo vệ chính mình khỏi nguy cơ.
Còn theo ước tính của Fox IT, mã độc này có thể lây nhiễm cho khoảng 27.000 người dùng mỗi giờ. Một hãng bảo mật khác là Surfright thì tin rằng đã có hơn 2 triệu máy tính bị ảnh hưởng bởi vụ việc. “Không phải mọi quảng cáo đăng tải trên mạng lưới của Yahoo đều có chứa mã độc. Nhưng nếu như bạn đang sử dụng phiên bản đời cũ của Java Runtime và đã vào Yahoo Mail trong vòng 6 ngày trở lại đây, máy tính của bạn nhiều khả năng đã bị nhiễm mã”, Surfright khuyến cáo. Cũng theo hãng này thì đã có nhiều trường hợp mã độc lây lan qua cả Yahoo Messenger chứ không chỉ qua đường email. Do đó, tốt nhất là người dùng nên quét máy tính ngay lúc này.
Một khi vào được máy tính nạn nhân, mã độc nói trên sẽ có thể tiếp tay cho hacker kiểm soát máy tính từ xa, vô hiếu hóa các phần mềm diệt virus, ăn trộm mật khẩu và tên người dùng, hãng bảo mật Surfright cảnh báo.
Theo VietNamNet
Java lại dính lỗi bảo mật để cài đặt trojan vào máy người dùng
Theo các chuyên gia bảo mật đến từ FireEye, các hacker đang khai thác một lỗ hổng Java cũ nhưng chưa được vá lỗi nhằm lây nhiễm malware lên máy tính người dùng.
Cụ thể, lỗ hổng Java này đang được hacker khai thác để cài đặt một loại trojan điều khiển từ xa có tên McRat. Các phiên bản Java mà hacker nhắm tới gồm Java 1.6 bản update 41 và 1.7 bản update 15. Đây là hai phiên bản Java mới nhất mà Oracle vừa tung ra cách đây chưa lâu nhằm vá các lỗ hổng bị hacker lợi dụng để tấn công các công ty hàng đầu thế giới như Facebook, Apple...
Theo hãng bảo mật FireEye, hacker sẽ kích hoạt cuộc tấn công khi người dùng có cài đặt các phiên bản Java trên truy cập vào các website đã bị chúng cài mã tấn công. Darien Kindlund và Yichong Lin - 2 chuyên gia bảo mật của FireEye cho biết hacker đang khai thác lỗi này để "tấn công nhiều cơ quan" và theo quan sát của họ, chúng đã thực hiện suôn sẻ cuộc tấn công của mình.
Java tiếp tục bị hacker lợi dụng để lây nhiễm malware.
Lỗ hổng Java dường như đang ngày càng xuất hiện với tần suất dày đặc. Gần như tuần nào trong mấy tháng gần đây, các chuyên gia bảo mật đều phát hiện ra lỗi nguy hiểm của plugin này. Cách đây ít tuần, Facebook, Apple, Twitter đều cho biết họ bị hacker tấn công thông qua lỗ hổng Java, với cùng một cách thức là cài mã tấn công vào website mà lập trình viên của các hãng này hay truy cập để lây nhiễm malware lên máy tính của họ. Microsoft sau đó cũng cho biết máy tính của họ cũng bị hacker tấn công theo cách này. Oracle cho biết Java được dùng trên 3 tỷ thiết bị, tuy nhiên chỉ plugin Java trên trình duyệt là công cụ mà hacker khai thác.
Tuy nhiên, cũng theo FireEye, có vẻ như hacker không khai thác được nhiều dữ liệu trên máy tính người dùng từ lỗ hổng này. Hacker chỉ thành công trong việc ghi đè một lượng lớn bộ nhớ máy, nhằm vô hiệu hóa khả năng bảo mật của Java. Do đó, mặc dù cài đặt malware thành công vào máy tính nạn nhân, nhưng chúng không thực thi được malware này.
Theo một hãng bảo mật danh tiếng khác là Kaspersky, lỗ hổng Java mà FireEye phát hiện là có thật nhưng cho biết thêm hacker không thể kích hoạt lỗi này trong các phiên bản Java cũ như Java 7 Update 10. Với người dùng, họ thường được khuyên là nếu không cần tới Java nên gỡ bỏ plugin này khỏi trình duyệt máy tính của mình, hoặc gỡ bỏ Java trên trình duyệt chính, dùng một trình duyệt phụ để truy cập 1 số website có yêu cầu Java nhằm giảm nguy cơ bị khai thác.
Theo Genk