Người dùng tố Shopee độc quyền vận chuyển, xử lý đơn hàng trễ
Số lượng đơn hàng được giao cho đơn vị vận chuyển Shopee Express tăng đột biến trong 2 tháng gần đây .Người dùng than phiền về chất lượng dịch vụ vận chuyển vì trễ đơn.
Từ ngày 12/5, người mua hàng trên Shopee không được quyền chọn đơn vị giao hàng. Nhiều người dùng phản ánh phần lớn đơn được chuyển cho Shopee Express giao, nhưng đơn vị này xử lý rất chậm.
Shoppee thay đổi chính sách vận chuyển
Cụ thể, sau thay đổi vào tháng 5 người dùng có ba lựa chọn giao hàng là hỏa tốc, nhanh và tiết kiệm. Ứng dụng Shopee sẽ tự chọn đơn vị vận chuyển. Theo Shopee, danh sách các đơn vị vận chuyển được sắp xếp theo phương thức mới như sau:
- Hỏa tốc : NowShip, GrabExpress. Thời gian vận chuyển tính từ thời điểm người bán gửi hàng: 1-2 giờ.
- Nhanh : Shopee Express, Viettel Post, Giao hàng Nhanh, Giao hàng Tiết kiệm, J&T Express, Ninja Van, Best Express. Thời gian vận chuyển: 1-4 ngày.
- Tiết kiệm : VN Post. Thời gian vận chuyển: 2-6 ngày.
Nhiều sản phẩm chỉ có một phương thức vận chuyển duy nhất trên Shopee.
Tuy nhiên, nhiều người dùng cho biết khi mua hoặc bán hàng, chỉ có lựa chọn giao hàng duy nhất là giao hàng nhanh. Hầu hết đơn hàng này đều do đơn vị Shopee Express vận chuyển.
“Đơn khách đặt từ 30/6, Shopee Express hẹn 1/7 lấy nhưng đến 3/7 vẫn không có shipper liên hệ. Việc này dẫn đến đơn hàng bị trễ, cửa hàng giảm uy tín, mất khách hàng”, chị Thủy Tiên, người bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee bức xúc chia sẻ với Zing .
Theo chị Tiên, dịch vụ Shopee Express có hai cách gửi hàng là gửi tại bưu cục hoặc yêu cầu shipper đến lấy hàng.
Nếu chọn đem đến bưu cục thì Shopee Express lại rất hạn chế về các điểm gửi hàng. Tại TP.HCM chỉ có 3 bưu cục lớn, còn lại là các điểm lấy hàng dịch vụ được Shopee thuê. Những điểm này thường là cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi… không đảm bảo để gửi hàng hóa giá trị cao. Hầu hết điểm lấy hàng đều rất xa, phải đi khoảng 10 km để gửi được hàng.
Video đang HOT
Người dùng bức xúc vì chất lượng dịch vụ của Shopee Express.
Theo chị Thủy Tiên, khi chọn dịch vụ shipper đến tận nơi lấy hàng thì thường xuyên bị chậm trễ.
“Shopee cho người bán một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị hàng hóa trước khi giao cho đơn vị vận chuyển. Khi quá hạn mà shipper vẫn không đến lấy hàng thì đơn hàng bị trễ và người bán sẽ bị Shopee phạt”, chị Tiên chia sẻ.
Cùng tình trạng với chị Thủy Tiên, người bán hàng có tên Facebook Kim Ngân chia sẻ mỗi buổi sáng đặt hơn 30 đơn hàng ở sảnh chung cư. Đến cuối ngày thì các đơn hàng của Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm đã được lấy hết, còn hàng của Shopee Express thì vẫn còn nguyên.
“Từ ngày Shopee không cho chọn đơn vị giao hàng nữa thì 80% đơn giao bởi Shopee Express. Ngày nào khách cũng nhắn tin hỏi sao trễ rồi mà hàng chưa tới”, người bán tên Ý Thu chia sẻ trong hội nhóm những người bán hàng Shopee.
“Người bán đã tắt đơn vị vận chuyển Shopee Express nhưng bị tự động bật lại và luôn ở chế độ ưu tiên. Chân thành xin lỗi khách hàng vì không có cách nào khác để giao hàng nhanh hơn”, người bán tên N.C.Vân cho biết. Khoảng 1 tuần gần đây, bà Vân phải liên tục xin lỗi khách hàng vì Shopee Express giao hàng trễ.
Giao hàng chậm, tự hủy đơn của người mua hàng
Không chỉ chậm trễ trong việc lấy hàng, dịch vụ giao hàng của Shopee Express cũng bị nhiều người mua hàng phản ánh tiêu cực.
Chất lượng dịch vụ giao hàng của Shopee Express bị nhiều khách hàng phản ánh tiêu cực.
Chị Chu Đệ Hoa, 26 tuổi sống tại Quận 8, TP.HCM cho biết mình đặt đơn hàng Shopee quốc tế và được vận chuyển bởi Shopee Express. Đến ngày nhận hàng thì chị Hoa nhận được thông báo đơn hàng bị hủy vì người giao hàng không thể liên hệ, dù chị không nhận được bất cứ cuộc gọi nào từ nhân viên giao hàng của Shopee Express.
Bên dưới bài đăng của chị Hoa trong nhóm người mua hàng Shopee cũng có rất nhiều bình luận cho biết mình cũng gặp tình trạng giao hàng chậm, hủy đơn khi sử dụng dịch vụ của Shopee Express.
“Mang tiếng giao hàng nhanh mà nội thành ra ngoại thành 6 ngày hàng còn chưa tới”, người dùng Facebook N.H. Trang bình luận.
“Đặt hàng từ ngày 12 nhưng 4 ngày sau hàng vẫn đang xuất kho. Còn bên khác, đơn đặt hôm qua thì hôm nay đã giao xong rồi”, một người dùng khác tên T. Hằng bình luận.
“Thật sự mình không biết đơn quốc tế sẽ mặc định do Shopee Express giao hàng. Khoảng 2 tháng trở lại đây mật độ giao hàng của Shopee Express nhiều hơn đáng kể. Trong khi đó thái độ shipper lại cộc cằn với khách hàng và luôn giao vào thời gian nghỉ trưa dù đã ghi chú là giao giờ hành chính. Vì vậy tất cả các đơn trong nước còn được chọn đơn vị giao hàng mình đều tránh Shopee Express, dù những đơn vị khác có phí cao hơn”, chị Hoa trả lời Zing .
Zing đã liên hệ với Shopee. Đại diện sàn thương mại điện tử này ghi nhận và cho biết sẽ kiểm tra trong thời gian sớm nhất.
Giúp nông dân chuyển đổi số
Thay vì cách sản xuất và bán hàng truyền thống nhỏ lẻ, giờ đây nông dân bắt đầu quen với việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để bán với sô lượng lớn và giá cả tốt hơn.
Nông sản được hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử
Mới đây, UBND tỉnh Sơn La, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, sàn thương mại điện tử Shopee và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) - đơn vị quản lý sàn thương mại điện tử Postmart, với mục tiêu hỗ trợ đưa nông sản và các sản phẩm tiêu biểu khác của địa phương lên sàn thương mại điện tử.
Ngay sau khi thỏa thuận hợp tác được ký kết, đặc sản xoài Yên Châu đã được đưa lên tiêu thụ trên hai sàn thương mại điện tử Shopee và Postmart. Riêng với Postmart, bà con nông dân ở Sơn La cũng vừa được Vietnam Post hỗ trợ mở gian hàng đặc sản mận hậu trên sàn thương mại điện tử này để có thể nhanh chóng tiếp cận với người tiêu dùng cả nước.
Những tháng gần đây, Vietnam Post còn hỗ trợ nông dân nhiều tỉnh, thành đưa nông sản lên bán trên sàn Postmart, như vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn, dứa Lục Nam (Bắc Giang), hành tím (Sóc Trăng), dưa hấu (Quảng Bình), mít thái của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long...
Toàn bộ nông sản đưa lên sàn Postmart đều được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đảm bảo chất lượng. Qua sàn Postmart, nhiều nhà cung cấp đã chủ động giới thiệu về đặc sản vừa mang tính vùng miền vừa mang tính thương hiệu riêng của hộ gia đình đến người tiêu dùng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương tại hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đều đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để vừa đảm bảo chống dịch. Hiện đã có nhiều nền tảng thương mại điện tử tham gia hỗ trợ nông dân 2 tỉnh này tiêu thụ vải thiều. Mới đây, 4 sàn thương mại điện tử gồm Postmart, Vỏ Sò, Sendo và Lazada, đã mở bán vải Hải Dương và Bắc Giang.
Nông dân bắt đầu quen với việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để bán với sô lượng lớn và giá cả tốt hơn.
Tìm cách hỗ trợ nông dân chuyển đổi số
Sau thời gian triển khai chiến dịch ứng dụng công nghệ số giúp nông dân tiêu thụ nông sản, VietnamPost cho hay, đã tiến hành khóa đào tạo về kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Postmart cho các hộ kinh doanh 2 tỉnh Hà Nam và Thái Bình, số nhà cung cấp sau đó đưa sản phẩm lên sàn không nhiều. Bên cạnh lý do nhiều người chưa quen sử dụng công nghệ, một khó khăn không nhỏ là việc thay đổi tư duy "bán hàng truyền thống" của các hộ, hay sự hoài nghi về hiệu quả của việc đưa sản phẩm lên bán trên sàn thương mại điện tử.
"Qua thời gian triển khai chiến dịch tại Hải Dương, chúng tôi nhận thấy việc tiếp nhận công nghệ của bà con còn nhiều hạn chế, mặc dù đội ngũ Vỏ Sò đã trực tiếp đến tận các nông trại, nhà vườn để hướng dẫn", đại diện Viettel Post chia sẻ thêm.
Cả hai doanh nghiệp bưu chính VietnamPost, ViettelPost đều có chung nhận định, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho nông dân là việc cần được chú trọng đầu tiên. Điểm đặc biệt là những chia sẻ ở các buổi hướng dẫn này do chính những "người truyền cảm hứng" - hộ nông dân tại chính địa phương đã và đang kinh doanh thành công trên sàn thương mại điện tử.
Để chương trình hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số đạt hiệu quả mong muốn, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại diện ViettelPost đề xuất Bộ TT&TT chủ trì thúc đẩy chuyển đổi số các địa phương với vai trò định hướng và làm cầu nối liên kết với các bộ, ngành cùng các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp.
Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương Vũ Bá Phú cho biết, việc đưa các sản phẩm địa phương lên sàn thương mại điện tử gặp nhiều thách thức như năng lực về thương mại điện tử của các hợp tác xã, người nông dân còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực hiểu biết về CNTT; đặc biệt những kỹ năng về tư vấn, chăm sóc khách hàng hay đánh giá xu hướng tiêu dùng, thị hiếu thị trường khá xa lạ với các hợp tác xã. Vì thế, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại sẽ đẩy mạnh hợp tác với các sàn thương mại điện tử để vừa kết hợp nâng cao năng lực chuyên môn vừa từng bước hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả cho các địa phương thông qua kênh này.
Trong thời gian tới, thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại đã lên kế hoạch phối hợp với Vietnam Post triển khai chương trình hỗ trợ nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hóa, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream).
Ứng dụng công nghệ để dự báo sản lượng nông sản hỗ trợ nông dân
Cho đến thời điểm này, có rất nhiều doanh nghiệp lớn đã nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như FPT, VNPT, Thaco... Đây là tín hiệu đáng mừng cho nông nghiệp Việt Nam có thể cất cánh mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long cho biết, cần phải có sự bắt tay của 3 nhà là "Nhà nông - Nhà bán lẻ - Nhà công nghệ". Trong đó, nhà công nghệ sẽ đưa công nghệ hỗ trợ nhà nông chăm sóc cây trồng cũng như phân tích về sản lượng, thời gian và cách chăm sóc, thời gian thu hoạch chính xác để có được năng suất cao và chất lượng tốt. Ngoài ra, có thể dùng nền tảng công nghệ để hỗ trợ nhà nông tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, rất nhiều hệ thống kênh phân phối tại Việt Nam đang nằm trong tay nước ngoài, có thể là trở ngại cho tiêu thụ nông sản Việt. Bởi các kênh phân phối nước ngoài thường dựng lên những rào cản kỹ thuật và chất lượng, nếu nông sản Việt Nam không đáp ứng được sẽ không thể bước chân vào hệ thống siêu thị. Đây cũng là bài toán đặt ra ở tầm vĩ mô cần sớm giải quyết trong mô hình nông nghiệp thông minh.
Ông Trần Quang Cường, CEO Nextfarm - một công ty chuyên ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp cho biết, nông nghiệp thông minh nếu giải được bài toán dự báo sản lượng sẽ giúp cho người nông dân rất nhiều, tránh chuyện phải giải cứu nông sản như hiện nay. Thực tế, việc dự báo sản lượng các sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay chưa được ứng dụng công nghệ để xử lý nên vẫn chủ yếu dự báo bằng kinh nghiệm. Tại một số nước có công nghiệp nông nghiệp như Australia, họ không những ứng dụng công nghệ dự báo sản lượng sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra mà còn để dự báo nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu này tốt nhất. Một trang trại họ có thể biết được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản của một siêu thị mà họ cung cấp ra sao để cung cấp cho siêu thị này, tránh trường hợp dư thừa hoặc thiếu nông sản.
CEO Nextfarm đưa ra ví dụ, nếu vải thiều ở Lục Ngạn hay thanh long ở Bình Thuận được ứng dụng công nghệ xử lý dự báo tốt thì chính quyền và người dân sẽ biết tương đối chính xác sản lượng năm đó khoảng bao nhiêu, từ đó mới có đủ thời gian lên kế hoạch để tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Cường, có thể thấy bài toán về ứng dụng công nghệ để dự báo sản lượng nông nghiệp cực kỳ thiết thực, nhưng chưa có bên nào làm. Vì thế thỉnh thoảng chúng ta lại thấy rộ lên việc giải cứu nông sản như dưa hấu, khoai lang, gừng, thanh long... Đó là hệ quả của việc không dự báo được sản lượng nông sản cho từng mùa vụ. "Nếu ứng dụng CNTT để dự báo chính xác sản lượng từng loại nông sản, chúng ta sẽ giải được vấn đề, từ đó không phải giải cứu nông sản như vậy nữa", ông Cường khẳng định.
Amazon muốn kéo nhà bán hàng Việt Nam từ tay Alibaba Công ty này cho rằng đại dịch Covid-19 đang mở ra cơ hội cho những nhà bán lẻ tại Đông Nam Á. Amazon đang đẩy mạnh những chương trình hỗ trợ để thu hút người bán hàng từ Việt Nam. Theo Nikkei , gã khổng lồ thương mại điện tử của Mỹ muốn giành giật những nhà bán lẻ Việt từ tay Alibaba...