Người dùng Facebook góp 10 triệu USD cho nạn nhân động đất Nepal
Trong vòng hai ngày, hơn nửa triệu người dùng Facebook quyên góp được hơn 10 triệu USD cho các nạn nhân vụ động đất tại Nepal, Mark Zuckerberg – người sáng lập trang mạng xã hội cho biết.
Người dân Nepal rất cần sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để khắc phục hậu quả động đất – Ảnh: Reuters
Facebook đã mở “nút quyên góp” ở vị trí trên cùng của trang mạng xã hội, tiếp cận với 1,4 tỉ người dùng hàng tháng để tìm kiếm sự hỗ trợ cho các nạn nhân động đất tại Nepal.
“Trong vòng hai ngày, hơn nửa triệu người dùng Facebook đã quyên góp hơn 10 triệu USD”, sáng lập viên Facebook, ông Mark Zuckerberg chia sẻ trên một bài đăng tại Facebook cá nhân.
CNN hôm 1.5 đưa tin Mark Zuckerberg cho biết công ty này sẽ góp thêm 2 triệu USD, nâng khoản cứu trợ nạn nhân vụ động đất lên 12 triệu USD.
Số tiền trên sẽ được chuyển đến tổ chức phi lợi nhuận Quân y quốc tế. “Chúng tôi sẽ lập tức triển khai các quỹ này để cung cấp chăm sóc y tế cứu hộ, thuốc men và vật tư cho các cộng đồng khó khăn nhất”, tổ chức từ thiện trên tuyên bố.
Hôm 25.4, trận động đất có cường độ 7,8 độ Richter xảy ra gần thủ đô Kathmandu của Nepal. Đây là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất của đất nước này trong hơn 80 năm qua, khiến ít nhất 6.200 người chết và nhiều khu vực bị tàn phá.
Video đang HOT
Tiền cứu trợ từ chính phủ và quỹ nhân đạo các nước đã chảy vào Nepal ngay từ những ngày đầu tiên. Song những nỗ lực này vẫn chưa đủ khi 5 tỉ USD là số tiền mà nước này cần để tái thiết đất nước từ đống đổ nát, theo hãng nghiên cứu IHS.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Google, Facebook vào cuộc giúp đỡ nạn nhân thảm họa động đất tại Nepal
Ngay sau trận động đất kinh hoàng diễn ra tại Nepal, 2 "ông lớn Internet" là Google và Facebook đã có lập tức cho ra mắt những công cụ để giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này.
Theo đó Facebook vừa cho ra mắt tính năng đặc biệt với tên gọi "Facebook Safety Check" cho phép người dùng cập nhật trạng thái của mình để thông báo đến bạn bè và người thân trên Facebook biết rằng bạn vẫn an toàn sau trận động đất kinh hoàng vừa diễn ra.
"Khi thảm họa diễn ra, mọi người cần phải biết được người thân của họ vẫn an toàn. Những khoảnh khắc này sự kết nối thực sự quan trọng", CEO Mark Zuckerbergs của Facebook cho biết về tính năng mới vừa được trang bị trên mạng xã hội của mình.
Người dùng có thể chọn để thông báo mình đang an toàn hoặc không ở khu vực bị ảnh hưởng trên Facebook
Thông tin về tình trạng an toàn của bạn bè, những người sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, sẽ được cập nhật trên Facebook
Dựa vào thông tin địa lý của người dùng trên Facebook, nếu những người đang sống trong vùng bị ảnh hưởng bởi vụ động đất, Facebook sẽ đưa ra câu hỏi về tình trạng của người dùng, bên cạnh đó sẽ gửi thông báo đến những người dùng Facebook khác về số lượng bạn bè của họ đang sống ở khu vực chịu thảm họa.
Facebook dựa vào thông tin vị trí mà người dùng đang sống cũng như vị trí ghé thăm gần đây nhất được người dùng chia sẻ lên mạng xã hội này để xác định vị trí của họ hoặc dựa vào thông tin GPS của người dùng.
Khi nhận được thông báo của Facebook, người dùng có thể xác nhận rằng họ "Tôi đang an toàn" hoặc "Tôi không ở trong khu vực bị ảnh hưởng" như một cách để gửi thông điệp đến bạn bè và người thân của mình trên Facebook để làm trấn an những người thân của mình.
Google ra mắt công cụ tìm danh tính thân nhân trong vụ thảm họa
Trong khi đó Google cũng đã mở cửa trang web "Person Finder" để mọi người có thể tìm kiếm thông tin các nạn nhân của thảm họa động đất, hoặc cung cấp thông tin về các nạn nhân. Công cụ này sẽ giúp người dùng có thể tìm kiếm dễ dàng hơn thông tin các nạn nhân để họ biết được tình trạng của người thân hay bạn bè của mình.
Công cụ tìm kiếm thân nhân của Google khác đơn giản, người dùng có thể truy cập trên máy tính hoặc qua di động tại đây.
Người dùng có thể tìm kiếm thông tin hoặc cung cấp thông tin trên công cụ "Person Finder" của Google
Sau khi truy cập, người dùng có thể chọn "I'm looking for someone" để tìm kiếm thông tin của một nạn nhân hoặc chọn "I have information about someone" để cung cấp thông tin của một người nào đó, chẳng hạn thông báo họ đã thiệt mạng hoặc vẫn an toàn để làm giàu thêm cơ sở dữ liệu cho công cụ của Google.
Người dùng có thể tìm kiếm tung tích của một người bằng bất kỳ thông tin nào mà họ biệt, như họ tên, giới tính, tuổi, địa chỉ nhà hay thậm chí sử dụng hình ảnh hoặc sử dụng địa chỉ mạng xã hội của người đó để tìm kiếm tung tích.
Người dùng cũng có thể chia sẻ thông tin của mình để nhận được các thông báo nếu một người khác chia sẻ các thông tin có liên quan đến người mà bạn đang tìm kiếm.
"Person Finder" là công cụ được Google sử dụng để thu thập cơ sở dữ liệu về các nạn nhân trong các thảm họa về thiên nhiên, chẳng hạn thảm họa kép động đất và sóng thần diễn ra tại Nhật Bản vào năm 2011... Công cụ này lần đầu tiên ra mắt vào năm 2010 sau vụ động đất kinh hoàng tại Haiti.
Theo các nhà chức trách, vụ động đất có cường độ 7,8 độ richter với tâm chấn nằm giữa khu vực Kathmandu và Pokhara. Số người thiện mạng hiện tại ước tính 1.130 người và hơn 1.700 người bị thương. Nhiều tòa nhà, đền thờ và các di tích lịch sử ở thủ độ Nepal đã trở thành đống đổ nát.
Phạm Thế Quang Huy
Theo Dantri
Cơ trưởng máy bay Đức được ca ngợi là người hùng Cơ trưởng chuyến bay 4U9525 của Germanwings, người đã cố hết sức mở cửa buồng lái để cứu chuyến bay nhưng không thành, đã được cư dân mạng ngợi khen là người hùng. Hình ảnh trong buồng lái máy bay và hiện trường nơi máy bay Germanwings rơi. (Ảnh: Daily Record) Hộp đen tìm thấy tại hiện trường vụ rơi máy bay 4U9525...