Người dùng dần quay lưng với iPhone khóa mạng
Sim ghép thường xuyên bị khóa là nguyên nhân gây ra phiền phức, khiến người dùng không còn mặn mà với iPhone khóa mạng (lock).
Chỉ tay về phía góc bàn, anh Bảo Trung (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết đã không còn dùng chiếc iPhone 6s lock Nhật (cách gọi phiên bản iPhone khóa mạng dành riêng cho thị trường Nhật Bản) từ khoảng hai tháng nay, chủ yếu dùng làm thiết bị xem video YouTube cho con trai 3 tuổi. “Dùng được vài hôm thì bị khóa dù đã có sim ghép ‘thần thánh’, lại không thể cập nhật phiên bản hệ điều hành mới. Rất phiền phức”, anh Trung cho biết.
Trần Hưng (quận 7), hiện là sinh viên một trường đại học ở quận 4, cũng đang tính bán chiếc iPhone 7 khóa mạng Mỹ để mua một mẫu smartphone Android tầm trung để sử dụng vì khó chịu. “Tôi mua iPhone lock với giá gần 6 triệu đồng để tiết kiệm. Nhưng rẻ chưa chắc đã tốt khi chiếc máy này khiến cho tôi bực mình hơn là thích. Khi tháo sim, y như rằng máy sẽ bị khóa và tôi phải tốn thêm một ít chi phí để mở. Đó là chưa kể tình trạng chập chờn khi gọi, máy nhanh xuống pin và nhiều thứ phiền phức khác”, anh Hưng kể lại.
Tình trạng iPhone khóa mạng không thể sử dụng sau khi tháo sim rất phổ biến.
Trên các hội nhóm Facebook về công nghệ và cộng đồng iPhone khóa mạng, từ đầu năm đến nay, nhiều người cũng tỏ ra không còn hào hứng với chúng như trước đây. Nhiều ý kiến cho rằng những phiền phức gặp phải khiến họ lo ngại và không có ý định tiếp tục sử dụng loại máy này trong tương lai. Thay vào đó, họ sẽ chuyển sang dùng bản quốc tế hoặc smartphone cùng tầm tiền. Các chủ đề rao bán iPhone lock thời gian gần đây trên hội nhóm Facebook cũng như các diễn đàn mua bán có xu hướng tăng.
Một chủ đề rao bán iPhone khóa mạng trên Facebook.
Nhu cầu người dùng giảm khiến nhiều các cửa hàng kinh doanh iPhone khóa mạng tại TP HCM không còn mặn mà với mặt hàng này. Theo chủ một hệ thống bán sản phẩm Apple trên đường Trần Quang Khải (quận 1), hiện cửa hàng nhập iPhone lock về rất cầm chừng vì lượng người mua thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Một chủ cửa hàng iPhone khác trên đường Hùng Vương (quận 5) còn tiết lộ, bạn bè anh đã bán hết hàng tồn và không nhập mới, thay vào đó là kinh doanh bản quốc tế hoặc các sản phẩm chạy Android. Thậm chí, một số khác cho biết đã không nhập iPhone lock từ nhiều tháng nay do ít người mua và cũng không muốn mất uy tín do các lỗi mà máy gây ra cho người dùng trong quá trình sử dụng.
Video đang HOT
Giá bán của iPhone khóa mạng cũng được đánh giá là đã “sát đáy”, khi một mẫu iPhone 6 lock Nhật chỉ còn 1,8 đến 2 triệu đồng, iPhone 6s lock Nhật khoảng 3 đến 4 triệu đồng tùy chất lượng. Một mẫu iPhone 7 Plus lock Mỹ 32 GB cũng chỉ 9 triệu đồng, trong khi máy chính hãng cấu hình tương tự bán tại Việt Nam lên tới gần 20 triệu đồng.
Giá iPhone khóa mạng hiện nay khá thấp.
iPhone lock là phiên bản được bán thông qua nhà mạng của Mỹ, Nhật… và mặc định chỉ dùng được với sim của nhà mạng đó. Bằng cách can thiệp kỹ thuật, những thiết bị khóa mạng này khi về Việt Nam có thể dùng với sim khác, dù tồn tại một số bất tiện so với iPhone quốc tế.
Thế Huy, một người từng kinh doanh iPhone tại TP HCM cho biết, những năm về trước, iPhone khóa mạng luôn thu hút nhiều người là bởi giá rẻ hơn vài triệu đồng so với bản quốc tế và chính hãng. Giai đoạn “bùng phát” về loại iPhone này vào khoảng đầu 2017, khi thị trường xuất hiện một loại sim ghép được ví là “thần thánh” giá chỉ từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng nhưng có thể khắc phục một số vấn đề sim ghép đời cũ không làm được, như kiểm tra tài khoản *101#, hiển thị danh bạ hay gọi Facetime… Sự bùng nổ của loại sim này khiến không ít người lựa chọn iPhone khóa mạng thay vì bản quốc tế, vốn không bị các lỗi trên.
Thế nhưng, nó cũng là khởi nguồn cho việc đi xuống sau này của iPhone khóa mạng, nhất là từ đầu 2018 đến nay. Chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm (từ tháng 1 đến tháng 3), ghép “thần thánh” đã trải qua 4 lần bị khóa, từ phiên bản 3, 4, 5 và 6. Đồng thời, vòng đời của mỗi phiên bản ngày càng ngắn lại do Apple can thiệp sâu hơn qua các bản cập nhật iOS.
“Giờ đây, việc dùng iPhone lock khiến người dùng lo âu hơn là hài lòng, đa phần là cảm thấy phiền phức. Trong khi đó, phiên bản quốc tế giá không quá cao, smartphone Android ngang tầm giá ngày càng hoàn thiện, nhiều tính năng hơn, mẫu mã đa dạng hơn tất nhiên người ta muốn mua hơn. Nếu cho rằng iPhone lock sắp bị ‘khai tử’ tại Việt Nam thì cũng không phải là nói quá”, theo anh Huy.
Bảo Lâm
Theo VNE
Xuất hiện loại sim ghép mới cho iPhone bị khoá mạng ở Việt Nam
Những chiếc mạch điện tử nhỏ hơn cả sim, giá vài trăm nghìn đồng này có thể sửa lỗi, biến iPhone bị khoá mạng thành phiên bản quốc tế.
Người dùng iPhone lock 'than trời' vì sim ghép bị khóa / Sim ghép nào tốt cho iPhone lock? / Sim ghép biến iPhone 'lock' thành quốc tế xuất hiện ở Việt Nam / Tại sao không nên mua iPhone lock giá rẻ / Cảnh giác chiêu 'câu' sim, biến iPhone lock thành iPhone quốc tế
Thị trường trong nước bắt đầu rộ lên loại sim ghép có thể khắc phục toàn bộ lỗi với iPhone khoá mạng, giúp chúng hoạt động hệt như máy quốc tế. Loại này được cho có thể dùng bất kỳ sim nhà mạng nào ở Việt Nam với iPhone khoá mạng (iPhone lock). Các tính năng kết nối Internet, 3G, 4G hay nhắn tin iMessage, gọi điện FaceTime đều hoạt động bình thường như phiên bản quốc tế, không bị khoá hay trục trắc. Vì thế, dân chơi công nghệ và nhiều người thường gọi món phụ kiện bé xíu này là sim ghép "thần thánh".
Sim ghép là bảng mạch nhỏ gắn kèm với sim chính nhằm "đánh lừa" những chiếc iPhone bị khoá mạng khi hoạt động với nhà mạng ở Việt Nam.
Thực ra, loại sim ghép "thần thánh" này rất phổ biến với người chơi và dùng iPhone. Tuy nhiên, loại hàng mới về tương đối mới, được dân chơi gọi là "thế hệ hai", Hà, quản lý một cửa hàng kinh doanh điện thoại ở Đống Đa (Hà Nội) cho hay.
Trước đó, loại sim ghép "thần thánh" đời đầu đã phổ biến ở thị trường đầu năm 2017. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, chúng đột nhiên bị vô hiệu nhiều tính năng, không thể dùng được, thậm chí còn khiến cho iPhone lock bị khoá trở lại sau khi tháo sim chính, hay tắt mở lại điện thoại. Tình trạng này khiến nhiều người dùng iPhone khoá mạng "kêu trời" vì điện thoại đang dùng bỗng dưng trở thành cục gạch.
Vì thế, sự xuất hiện của sim ghép "thần thánh" thế hệ mới - hay đời hai - được nhiều người dùng săn đón. Trên các cộng đồng về iPhone khoá mạng, hàng loạt chủ đề tìm kiếm nơi bán, đánh giá thử nghiệm sim ghép mới xuất hiện dày đặc chỉ vài ngày trở lại đây.
Điều này cũng khiến loại sim này đang bị loạn giá. Cách thức hoạt động như nhau, nhưng có cửa hàng rao bán 400.000 đến 500.000 đồng cho một chiếc sim ghép, nơi khác lại chào chỉ trên dưới 200.000 đồng. Thậm chí có người đưa ra cả mức giá chưa tới 100.000 đồng nếu mua với số lượng lớn và chờ hàng chuyển từ nước ngoài về. Loại sim ghép đời mới cũng có nhiều thương hiệu sản xuất khác nhau, như Heicard, GPP LTE, Club... nhưng xuất xứ hầu hết đều từ Trung Quốc.
Đa dạng về chủng loại nên theo một số người dùng có kinh nghiệm, tốt nhất khi chọn mua là dùng thử sim ghép với iPhone khoá mạng đang có của mình. Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng sóng, khả năng kết nối mạng 3G, 4G cũng như các tính năng thông dụng như FaceTime, iMessage, kiểm tra số dư bằng mã USSD... cũng nên thử tháo lắp sim ghép hay khởi động lại iPhone.
iPhone hàng "lock" có giá rẻ hơn nhiều hàng mới, bản quốc tế.
Sự xuất hiện của loại sim ghép "thần thánh" mới là tin vui với cộng đồng người dùng iPhone Lock ở Việt Nam. Dù vây, đây cũng là cảnh báo với người dùng thông thường khi lựa chọn và sử dụng iPhone khoá mạng.
Trong khi với phiên bản quốc tế, iPhone có thể dễ dàng tương thích với các loại sim đang có ở Việt Nam và đa phần tính năng đều sử dụng bình thường (tuỳ thuộc vào từng thị trường), thì iPhone Lock (khoá mạng) khi sử dụng ở Việt Nam đều phải có sim ghép hoặc phải mua mã để biến thành phiên bản quốc tế.
So với sim ghép, chi phí mở mạng bằng mua mã vừa khó khăn mà cũng tốn kém hơn nhiều, có thể lên đến vài triệu đồng ví dụ với iPhone của nhà mạng Sprint (Mỹ). Còn với sim ghép, chi phí bỏ ra để có thể sử dụng được điện thoại rẻ hơn nhưng ngoài việc một số tính năng có thể bị hạn chế, sóng có thể không ổn định hay kén mạng, iPhone Lock cũng có thể bị khoá trở lại bất ngờ như với trường hợp của sim ghép "thần thánh" đời đầu và đời mới. Vì thế, người dùng có thể phải tốn thêm chi phí, thời gian để tìm kiếm sim ghép tương thích sau mỗi lần Apple nâng cấp, thay đổi phần mềm.
iPhone Lock phổ biến ở thị trường xách tay ở Việt Nam, chúng chủ yếu được cửa hàng bán dưới dạng đã qua sử dụng. Giá rẻ hơn nhiều máy mới 100% và bản quốc tế khiến nhiều người ưa chuộng. Ví dụ, iPhone 7 Plus bản khoá mạng (lock) 32GB có giá chỉ khoảng 10 đến 11 triệu đồng trong khi máy mới 100% chưa qua sử dụng đang có giá 17 triệu đồng.
Tuấn Anh
Theo VNE
iPhone khóa mạng không hút khách sau cơn sốt SIM ghép thần thánh Giá nhập tăng, lượng người bán cũng tăng lên khiến doanh số iPhone khóa mạng tại nhiều cửa hàng không có biến động. Vài tuần qua, giới kinh doanh iPhone khóa mạng sôi sục vì sự xuất hiện của loại SIM ghép "thần thánh", có khả năng khắc phục mọi lỗi thường gặp như lỗi danh bạ, chạy USSD code, FaceTime hay iMessage....