Người đem những đứa trẻ ra khỏi nhà tù Nepal
Pushpa Basnet không cần tới đồng hồ báo thức. Mỗi buổi sáng, âm thanh của 40 đứa trẻ trong căn nhà hai tầng đã đánh thức cô dậy.
Tất cả những đứa trẻ này đều từng sống trong các nhà tù ở Nepal. Người phụ nữ 28 tuổi đã làm một công việc hết sức nhân văn đó là bảo vệ mỗi đứa trẻ từ cuộc sống sau những song sắt.
Nepal là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với 55% dân sống dưới mức nghèo khổ, theo số liệu của UNICEF. Có rất ít đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi được chính phủ nhận nuôi do sự thiếu hụt của các trung tâm phúc lợi xã hội ở Nepal, đặc biệt là khu vực phía tây.
Vì thế, khi những phạm nhân bị bắt, họ thường chọn cách mang theo con của mình đi tù hoặc bỏ rơi chúng trên các đường phố. Bộ phận quản lý trại giam Nepal ước tính có khoảng 80 đứa trẻ đang sống cùng cha/mẹ trong các nhà tù quốc gia.
“Điều này không công bằng khi những đứa trẻ phải sống trong tù bởi chúng không làm điều gì sai trái”-Basnet, người sáng lập một tổ chức phi chính phủ để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh như vậy, cho biết. “Cam kết của tôi làm đảm bảo không để đứa trẻ nào phải lớn lên sau những bức tường của trại giam.”
Basnet là một trong nhiều người ở Nepal thành lập các nhóm nhận nuôi những đứa trẻ bên ngoài nhà tù. Từ năm 2005, cô đã nhận hơn 100 đứa trẻ của những người đang bị giam giữ. Cô thực hiện một chương trình chăm sóc ban ngày cho những em bé dưới 6 tuổi và thành lập một mái ấm, nơi hầu hết các đứa trẻ lớn hơn được giáo dục, ăn uống, chăm sóc sức khỏe và có cơ hội sống một cuộc sống bình thường.
Video đang HOT
“Tôi có một cuộc sống rất may mắn với một nến giáo dục tốt”-Basnet nói. “Tôi có thể mang lại điều đó cho những người khác.”
Banest mới 21 tuổi khi cô tìm thấy lý tưởng của mình. Trong lúc gia đình cô đang điều hành công việc kinh doanh rất thành công, Banest lại theo học công tác xã hội tại một trường cao đẳng. Như một phần của khóa học, Banest tới thăm một nữ tù nhân và cô đã vô cùng sợ hãi khi chứng kiến điều kiện sống khắc nghiệt trong tù cũng như bất ngờ khi thấy những đứa trẻ sống sau song sắt.
Một bé gái túm lấy khăn choàng của Basnet và nở một nụ cười với cô.
“Tôi cảm thấy đứa trẻ đang kêu cứu tôi”-Basnet nói. “Tôi trở về nhà và nói với cha mẹ về điều đó. Họ nói với tôi rằng đó là điều bình thường và tôi không thể quên được những gì đã chứng kiến.”
Basnet quyết định bắt đầu với chương trình chăm sóc ban ngày để đưa những đứa trẻ ra khỏi những bức tường của nhà tù. Ban đầu cha mẹ Basnet đã phản đối về ý tưởng này nhưng sau đó họ đã phải ủng hộ vì sự kiên quyết của con gái. Giới chức trại giam, các nhân viên chính phủ và thậm chí là một số tù nhân nghi ngờ về việc một cô gái trẻ có thể đảm nhận được kế hoạch to tát này.
“Khi tôi bắt đầu, không ai tin tưởng tôi”-Basnet nói. “Mọi người nghĩ rằng tôi bị điên. Họ đã cười vào mặt tôi.”
Tuy nhiên, Basnet không nản lòng. Cô đã nhận được sự ủng hộ về mặt vật chất từ những người bạn và thuê một căn hộ ở Kathmandu để làm trụ sở cho Trung tâm Phát triển Trẻ thơ của mình.
Chỉ sau hai tháng sau lần đầu tới thăm trại giam, Basnet bắt đầu nhận chăm sóc cho 5 đứa trẻ. Cô tới trại đón chúng mỗi buổi sáng, mang chúng tới trung tâm của mình và đưa chúng trở về vào buổi chiều. Trước khi chương trình của Basnet đi vào hoạt động, một vài đứa trẻ mà cô chăm sóc chưa từng được bước chân ra khỏi trại giam.
Hai năm sau đó, Basnet đã thành lập Nhà Bướm, nơi cô và những đứa trẻ của mình sống trong năm năm qua. Mặc dù bất giờ đã có một vài thành viên tới giúp đỡ nhưng Basnet vẫn tự tay làm mọi thứ.
“Chúng tôi nấu ăn, giặt giũ, đi chợi”-Cô nói. “Thật là tuyệt vời. Tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. (Những đứa trẻ) đã cho tôi năng lượng…Nụ cười của chúng là động lực thúc đẩy tôi.”
Sắp xếp tất cả các công việc này không phải lại một nhiệm vụ đơn giản. Nhưng ở Nhà Bướm, những đứa trẻ lớn sẽ chăm sóc những đứa bé hơn và mỗi người sẽ đảm nhận một công việc vặt trong nhà. Không khí ở đây giống như một đại gia đình mà trong đó Basnet được những đứa trẻ gọi là “Mamu”, trong tiếng Nepal có nghĩa là “Mẹ”.
Tất cả những đứa trẻ sống trong Nhà Bướm đều được sự đồng ý của cha mẹ chúng. Khi Basnet nghe tin về một đứa trẻ phải vào tù cùng cha mẹ, cô sẽ tới đó, kể cả là một nơi vùng hẻo lánh, để thuyết phục phụ huynh đưa chúng về nuôi.
Cứ mỗi kỳ nghỉ, cô lại đưa bọn trẻ vào thăm cha mẹ chúng môt lần. Cô cung cấp thức ăn, quần áo và nước sạch trong thời gian chúng ở lại tù.
Kum Maya Tamang, một tù nhân có con được chăm sóc vô cùng cảm động trước những nỗ lực của Basnet. Tamang đang dành bảy năm cuối cùng trong một nhà tù phụ nữ ở Kathmandu. Khi cô bị kết án vì buôn bán ma túy, cô không biết phải xoay sở ra sao với những đứa con bé bỏng của mình vì thế cô đã đem theo chúng vào trại giam. Nghe tin về chương trình của Basnet, Tamng đã lập tức đồng ý để các con tới sống với cô.
Để có tiền chăm sóc cho bọn trẻ, năm 2009, Basnet đã khởi xướng chương trình dạy các tù nhân cách làm thủ công mỹ nghệ. Cách làm này không chỉ giúp họ có được một nghề trong tay khi được mãn hạn tù mà còn có thể giúp họ cảm thấy có trách nhiệm với con cái của mình.
Bên cạnh đó, những đứa trẻ cũng được Basnet hướng dẫn làm thiệp để bán lấy tiền duy trì trung tâm. Trước đó, cô đã từng phải bán đồ trang sức và rút tiết kiệm của mình để nuôi nấng những đứa trẻ này.
Mối quan tâm lớn nhất của cô gái trẻ này là cố gắng tìm cách để bọn trẻ có được một tương lai tươi sáng hơn. Gần đây, cô đã mở một tài khoản ngân hàng để phòng sau này bọn trẻ học lên cao và hy vọn rằng một ngày nào đó sẽ đủ tiền để mua hoặc xây một căn nhà cho những đứa trẻ của mình.
“Đó là tất cả những gì tôi mong muốn. Tôi cảm thấy vui khi nhìn bọn trẻ hạnh phúc…và điều đó cũng nhắc nhở tôi cần phải nỗ lực hơn rất nhiều.”
Theo VietNamNet