Người Dao nuôi gà ‘tiến vua’ ở Mẫu Sơn
Giống gà tưởng chỉ có trong truyền thuyết lại đang được bà con dân tộc Dao ở núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nuôi phổ biến, ban đầu chỉ để ăn, giờ thêm phục vụ du khách.
Buổi sáng cuối tháng 8, núi Mẫu Sơn ( Cao Lộc, Lạng Sơn) trời mát dịu. Như thường lệ, anh Hoàng Dàu Hang (xã Công Sơn, Cao Lộc) mang ngô ra cho gà ăn. Nhìn đàn gà hơn 40 con chen chúc trong cái chuồng chật chội, chàng trai dân tộc Dao giải thích: “Bình thường gà được thả ra ngoài, nhưng vì đám lúa nương mới cấy chưa bám rễ, sợ chúng phá nên tôi phải nhốt”.
Anh Hoàng Dàu Hang khoe con gà mái nhiều cựa. Ảnh: Hồng Vân.
Bắt con gà mẹ lông vàng nhạt, anh Hang đố khách nhìn xem có gì đặc biệt. Thấy vẻ ngơ ngác của khách, chàng trai 24 tuổi cười bảo hãy nhìn chân. Gà bình thường mỗi chân có 4 ngón, 3 ngón trước, một ngón sau, nhưng con gà anh Hang chỉ có tới 6 ngón mỗi chân. Ngoài 3 ngón trước dài, xòe rộng và một ngón sau ngắn, ở vị trí cao hơn thì còn 2 ngón nữa ở phía sau.
Anh Hang giải thích đó là cựa, tính tổng hai chân con gà mái có 4 cựa. Người dân gọi là gà 6 cựa, tính mỗi chân 6 ngón. Giống gà này được nuôi lâu đời ở vùng núi Mẫu Sơn, hầu như nhà nào cũng nuôi vài con. Gà nhiều cựa đẻ 10-15 trứng, về hình dáng và màu sắc tương tự gà ri, nhưng to hơn. Gà trống trưởng thành nặng khoảng 3 kg, gà mái hơn 2 kg.
Nhà anh Dương Trùng Chòi (27 tuổi, xã Công Sơn) năm nay không nuôi gà nhiều cựa vì công việc bận rộn. Những năm trước, gia đình nuôi mấy chục con vừa để ăn vừa để bán. Theo anh, giống gà này khi thả lên rừng, ra vườn ruộng kiếm ăn có thể đi rất xa, nhưng đến tối vẫn tự biết đường về.
“Con gà này hay lắm, mấy lần tôi thử cho phối giữa gà bố, gà mẹ đều 6 cựa, nhưng trứng ấp nở ra cũng chỉ được một nửa là 6 cựa, còn lại thì giống gà bình thường. Gà 6 cựa mang xuống núi về thành phố nuôi cũng không lớn, chỉ Mẫu Sơn mới có”, anh Chòi tự hào nói.
Đến giờ người dân vẫn không thể lý giải vì sao chỉ Mẫu Sơn mới có gà nhiều cựa. Những người già giải thích có thể do thổ nhưỡng, địa bàn núi dốc nhiều sỏi đá, gà ăn nhiều nên có nhiều ngón. Người dân thường thả gà tự đi kiếm thức ăn, chỉ đầu vụ cấy mới quây nhốt, vì thế thịt gà săn chắc, thơm ngon. Vào những ngày mùa đông, khi nhiệt độ Mẫu Sơn xuống dưới 0 độ C, những con gà 6 cựa vẫn khỏe mạnh kiếm mồi.
Gà 6 cựa (6 ngón) tại Mẫu Sơn có 3 cựa trước giống gà bình thường. Ảnh: Hồng Vân.
Trước đây, gà 6 cựa được người Dao trên Mẫu Sơn nuôi để ăn chứ không phải bán. Sau này, khu du lịch Mẫu Sơn phát triển, du khách mọi miền đất nước đổ về, loại gà đặc biệt này mới được tìm mua. Những con gà trống có bộ lông màu sắc sặc sỡ, đẹp mắt, được nhiều người săn lùng, giá cả tiền triệu. Thỉnh thoảng, người dân mang gà trống 6 cựa đi chọi để xem con nào khỏe nhất.
Gà 6 cựa luôn được bán với giá cao, thấp nhất 200.000 đồng/kg. Vào dịp Tết giá được đẩy lên đến 350.000 đồng/kg nhưng vẫn “cháy hàng”. Anh Hang chia sẻ: “Tết vừa rồi, nhiều nhà trong làng không có gà để bán, người tìm mua đông quá. Con gà 6 ngón này nuôi bằng ngô với thóc thịt mới ngon, nuôi bằng tăng trọng thịt ăn bở, lần sau khách không mua nữa”.
Video đang HOT
Là người chuyên buôn gà 6 cựa, chị Loan tiết lộ giá cả với khách quen là 300.000 đồng/kg, nếu khách ở xa không đặt trước thì chị bán 350.000 đồng/kg. Riêng trứng gà 6 cựa phải gọi điện trước, 8.000 đồng/quả và chỉ thứ thứ bảy, chủ nhật mới có hàng.
Nói về định hướng phát triển giống gà nhiều cựa phục vụ du khách, ông Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, Ban quản lý khu du lịch Mẫu Sơn đã kêu gọi đầu tư bảo tồn giống gà truyền thống 6 cựa, tổ chức tuyên truyền để nhân dân tự phát triển, chăn nuôi đồng thời gắn với các hoạt động du lịch, thu hút du khách tới Mẫu Sơn.
Trong truyền thuyết, để được cưới Mỵ Nương, Sơn Tinh và Thuỷ Tinh phải nộp đủ lễ vật thách cưới do vua Hùng đặt ra là “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao”. Nhiều người nghĩ rằng gà nhiều cựa tiến vua chỉ có trong truyện cổ. Tuy nhiên, thực tế ngoài Mẫu Sơn (Lạng Sơn), khu vực vườn quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) cũng có loại gà này. Tại đây, người dân đã ghi nhận có gà 9 cựa, nhưng rất hiếm, phần lớn chỉ 4-8 cựa.
Hồng Vân
Theo VNE
Lạng Sơn: Chợ Đồng Đăng sắp bị xóa bỏ, hàng trăm tiểu thương đồng loạt kêu cứu
Chợ Đồng Đăng nằm giữa thị trấn Cao Lộc (Lạng Sơn) có tuổi đời hàng trăm năm tuổi và là nơi buôn bán của hàng trăm tiểu thương ở đây. Cách đó khoảng 1km, TTTM Đồng Đăng với số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng đang được mọc lên.
Biến chợ cổ thành công viên
Chợ Đồng Đăng nằm giữa thị trấn Cao Lộc, có tuổi đời lên đến hàng trăm năm nay, chợ là nơi giao lưu, buôn bán giữa bà con nhân dân trong vùng và cũng là nơi giao thoa với biên giới nước bạn là Trung Quốc.
Chợ Đồng Đăng nằm trên mảnh đất có diện tích lên đến 8.000 mét vuông, tại chợ có khoảng 500 gian hàng và khoảng 300 hộ tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, phục vụ đời sống bà con nhân dân trong vùng cũng như khách du lịch đến với đền Mẫu.
Hàng trăm tiểu thương đang buôn bán tại chợ Đồng Đăng đang ngồi trên đống lửa khi sắp bị xóa bỏ.
Việc kinh doanh của các tiểu thương bao đời nay gắn liền với chợ, với đời sống và tạo nên nét văn hóa đặc trưng đối với khách trong và ngoài tỉnh mỗi khi đặt chân đến đền Mẫu, chợ Đồng Đăng.
Thế nhưng mới đây, chúng tôi nhận được đơn thư kêu cứu của khoảng 300 hộ tiểu thương đang trực tiếp kinh doanh tại chợ Đồng Đăng khi tỉnh Lạng Sơn thông tin với cá hộ tiểu thương về việc sắp phải chuyển toàn bộ các gian hàng sang TTTM Đồng Đăng nằm cách khu vực này hơn 1km.
chợ đồng đăng lạng sơn
Trước thông tin đến đầu năm 2016 toàn bộ các tiểu thương buộc phải di chuyển ra TTTM khiến họ bàng hoàng.
Theo đơn thư kêu cứu của bà con tiểu thương trong chợ thì chợ Đồng Đăng có tuổi đời hơn 120 năm, sự ra đời của chợ cùng với Đền Mẫu, Đền Cô và Đền Quan. Vì vậy chợ Đồng Đăng là nơi gắn bó với tâm linh của bà con nhân dân trong thị trấn Đồng Đăng, gắn bó với truyền thống lâu đời cũng như đời sống của bà con nhân dân trong thị trấn.
Một bức ảnh chợ Đồng Đăng được chụp năm 1954.
Việc xây dựng và di chuyển toàn bộ các tiểu thương của chợ sang TTTM Đồng Đăng rất khó khăn cho việc kinh doanh của bà con nhân dân vì xa trung tâm, đặc biệt là những hộ tiểu thương phải lên tầng 2 và tầng 3.
Trao đổi với chúng tôi, bác Phạm Lạc là một trong những tiểu thương có thâm niên kinh doanh tại đây 20 năm chia sẻ: "Chợ là nét văn hóa đặc trưng của thị trấn, là nét tâm linh gắn liền với Đền Mẫu ấy vậy mà tự dưng phá bỏ, di chuyển để làm vườn hoa công viên thì không ổn chút nào, thị trấn có rất nhiều nơi để làm công viên sao không chọn địa điểm khác. Hơn thế nữa, nếu chuyển toàn bộ bà con ra khu TTTM khá xa trung tâm, chắc chắn sẽ không có khách, chúng tôi không bán được hàng, hàng trăm bà con sẽ rơi vào cảnh lao đao".
TTTM Đồng Đăng đang trong quá trình hoàn thiện với số vốn lên đến 300 tỷ đồng.
Được biết, chợ TTTM Đồng Đăng được khởi công từ cuối tháng 9/2014 tọa lạc ngay tại quốc lộ 1A trên đường đi lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cách chợ Đồng Đăng cũ khoảng hơn 1km. TTTM Đồng Đăng do Công ty Cổ phần & đầu tư thương mại Đồng Đăng làm chủ đầu tư. TTTM được xây dựng 3 tầng với tổng số 808 quầy hàng có diện tích từ 7,5 mét đến 26 mét vuông với số vốn khoảng 300 tỷ đồng. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2016.
Cũng theo quy hoạch của UBND tỉnh Lạng Sơn thì sau khi chuyển toàn bộ bà con tiểu thương chợ Đồng Đăng sang TTTM, diện tích đất 8.000 mét vuông này sẽ sử dụng làm công viên, vườn hoa.
Liệu TTTM Đồng Đăng có đi vào "vết xe đổ"
Lo lắng nhất của hơn 300 tiểu thương đang hoạt động kinh doanh tại chợ Đồng Đăng là khi sắp tới buộc phải chuyển sang TTTM Đồng Đăng việc hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng lớn bởi theo các tiểu thương thì bà con nhân dân trong vùng chưa có thói quen đi mua sắm tại các TTTM, siêu thị lớn.
Một ví dụ điển hình đó là việc Lạng Sơn cho xây dựng TTTM Phú Lộc (hay còn gọi là chợ Lạng Sơn) đi vào hoạt động năm 2008 nhưng hiện nay tất cả các tiểu thương tại TTTM Phú Lộc đã "bỏ của chạy lấy người".
TTTM Phú Lộc là một điển hình cho việc thất bại thảm hại trong việc đưa TTTM hoành tráng vào hoạt động tại Lạng Sơn.
TTTM Phú Lộc tọa lạc giữa TP. Lạng Sơn với tổng diện tích xây dựng lên đến 8000 mét vuông và có đến ngót 1000 gian hàng, vốn đầu tư lên đến 200 tỷ đồng. Nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay đã 7 năm, TTTM Phú Lộc chỉ hoạt động một cách èo uột, cầm chừng, không có hoạt động buôn bán khoảng 6 năm nay. Và hiện tại TTTM Phú Lộc không có bất cứ một gian hàng nào hoạt động trao đổi, mua bán.
Rất nhiều tiểu thương tại TTTM Phú Lộc làm ăn thua lỗ do không có khách đến mua sắm và đã phải "bỏ của chạy lấy người" nhiều năm nay.
Nói về điều này, một tiểu thương tại chợ Đồng Đăng chia sẻ: "TTTM Phú Lộc là một ví dụ điển hình về việc chuyển đổi mô hình chợ, nếu chúng tôi buộc phải vào TTTM Đồng Đăng lúc đó không chỉ không bán được hàng hóa mà còn ảnh hưởng đến thu nhập, đến miếng cơm manh áo của bà con chúng tôi".
"Đó là chưa kể đến các đơn vị liên quan tự dưng phá bỏ một ngôi chợ cổ, đã có từ hàng trăm năm nay", anh Tuệ - một tiểu thương cho hay.
Ông Lê Xuân Lô (trưởng phòng quản lý thương mại - Sở Công thương Lạng Sơn) cho biết: "Chúng tôi chỉ quản lý chung về tiến trình về việc xây dựng TTTM Đồng Đăng và di chuyển chợ Đồng Đăng sang TTTM. Đây là dự án được tỉnh phê duyệt xây dựng TTTM Đồng Đăng rồi".
Khi chúng tôi hỏi về việc phía Sở Công thương có biết việc bà con tiểu thương trong chợ phản đối việc di chuyển chợ hay không và liệu rằng TTTM Đồng Đăng có đi vào "vết xe đổ" như TTTM Phú Lộc hay không thì ông Lô cho hay: "Bà con nên nhận định TTTM Phú Lộc nó khác và TTTM Đồng Đăng, đối với TTTM Đồng Đăng thì di chuyển toàn bộ bà con ở chợ Đồng Đăng sang TTTM, thôi không họp chợ nữa, còn TTTM Phú Lộc thì xây mới bên cạnh những cái đã có".
Còn đối với lo lắng của bà con về việc vào TTTM khó kinh doanh thì ông Lô cho hay: "Đó là lo lắng trước mắt của bà con thôi, cái này theo tôi là phù hợp với chủ trương của tỉnh".
Trước thông tin chợ sắp bị xóa bỏ, hàng trăm tiểu thương tại chợ Đồng Đăng gửi đơn thư lên các cấp chính quyền với mong muốn giữ lại chợ cổ.
Hiện nay, phía thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, ban quản lý chợ Đồng Đăng chưa tìm được tiếng nói chung bởi có quá nhiều ý kiến trái chiều. Và hàng trăm bà con tiểu thương chợ Đồng Đăng hàng ngày vẫn ngồi trên đống lửa, đi gõ cửa các cơ quan chức năng để giữ lại chợ Đồng Đăng truyền thống, vốn gắn liền với đời sống, văn hóa từ lâu đời nay...
Theo Trí thức trẻ
Lạng Sơn: Tai nạn xe khách kinh hoàng, 8 người thương vong Một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại Km 24 700 QL1 A thuộc địa bàn thôn Nà Thà, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tinh Lạng Sơn khiến 8 người thương vong. Tin tức trên báo Giao thông dẫn lời Đại úy Trần Thanh Tùng (Đội Tuần tra kiểm soát số 1 - Phòng CSGT tỉnh Lạng Sơn) cho biết,...