Người dân uống trà đá, gửi xe không cần dùng tiền mặt
Mobile Money – sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa sẽ hướng đến các thanh toán có giá trị giao dịch nhỏ như trà đá, vé gửi xe, cà phê,…
Đây là thông tin được ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, chia sẻ tại tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc” do Bộ Công Thương và Báo điện tử Chính phủ tổ chức ngày 16-10.
Ông Kiên cho biết Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực thanh toán điện tử rất nhanh nhưng “không ăn thua gì” so với thế giới. Ở Việt Nam, 90% giao dịch thanh toán vẫn dùng tiền mặt.
“Hiện nay các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán mới chỉ tập trung vào một số giao dịch cơ bản như chuyển tiền, đóng tiền nước, tiền điện, truyền hình cáp,…Với việc sử dụng tài khoản viễn thông, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn thanh toán điện tử trên cả nước. Bởi tài khoản viễn thông có vùng phủ sóng lớn, phù hợp với bối cảnh tỉ lệ tài khoản ngân hàng còn thấp như ở Việt Nam”, ông nói.
Ảnh minh họa
Đặc biệt, theo ông Kiên nếu sử dụng tài khoản viễn thông, các giao dịch nhỏ như uống trà đá, vé gửi xe, cà phê… sẽ được thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu đề án Mobile Money được Chính phủ phê duyệt, thị trường này sẽ bùng nổ trong thời gian tới và những lợi ích Mobile Money mang lại rất lớn.
Video đang HOT
“Chúng tôi sẽ có các giải pháp để bảo vệ an toàn cho người dùng. Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư công nghệ, hạ tầng và chính sách ưu đãi, khuyến mại để tạo thói quen sử dụng cho người dùng”, ông Kiên chia sẻ.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhìn nhận tỉ lệ thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước. Đồng thời các mảng phát triển cũng không đồng đều, trong đó thương mại điện tử chủ yếu vẫn sử dụng tiền mặt với hình thức COD (trả tiền khi nhận hàng).
Để giảm tăng tỉ lệ thanh toán điện tử, ông Hải cho rằng điều quan trọng là phải để người dùng thấy được lợi ích của phương thức thanh toán này. Doanh nghiệp cần tạo ra những trải nghiệm cho người dân. Trải nghiệm, thao tác đơn giản sẽ thu hút đông đảo người dùng.
Còn ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cho rằng giao dịch bằng phương thức nào cũng có rủi ro nhất định, chủ yếu do cơ chế giám sát. Do vậy, cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải có chính sách, cơ chế phòng vệ giám sát rủi ro.
Theo Plo
Thanh toán không dùng tiền mặt chờ gì vào các doanh nghiệp Mobile Money?
Nhiều nước đang thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế và giúp người tiêu dùng, thanh toán điện tử đem lại các tiện ích vượt trội, như: tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn.
Thanh toán qua di động đang là xu hướng được nhiều nước trên thế giới áp dụng
Thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy kinh tế nhiều quốc gia
Về thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết, thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính. Với người tiêu dùng, thanh toán điện tử đem lại các tiện ích vượt trội, như: tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn. Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế; thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm; cùng với đó là mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng - tài chính tới mọi người dân.
Trong xu hướng phát triển công nghệ thì các ứng dụng thanh toán trên di động được các quốc gia đặc biệt chú ý. Đã có 92 quốc gia trên thế giới đang triển khai dịch vụ tiền di động với gần 700 triệu tài khoản được đăng ký, lượng giao dịch trung bình 1 tỷ USD mỗi ngày. Không chỉ các nước nghèo mà các nước có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản hay cả Trung Quốc cũng thúc đẩy mạnh mẽ chính sách thanh toán không dùng tiền mặt.
Mới đây, tờ Nikkei Asian Review đã nhận định, các chính phủ tại Đông Nam Á đang nỗ lực hiện thực hóa nền kinh tế không tiền mặt. Việt Nam và Thái Lan đang có những cú nhảy vọt để vượt qua Singapore và Malaysia trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Việt Nam và Thái Lan đang chứng kiến sự bùng nổ trong thanh toán di động. Ngày càng có nhiều người sử dụng ví điện tử để thanh toán hàng hóa và dịch vụ. Việt Nam bắt đầu triển khai thanh toán điện tử từ năm 2008. Dù chỉ có khoảng 40% trong số 95 triệu người Việt Nam có tài khoản ngân hàng, chủ yếu ở khu vực thành thị, đã có khoảng 130 triệu thuê bao điện thoại di động và mạng lưới viễn thông phủ sóng khắp cả nước. Các công ty công nghệ thông tin và viễn thông trong nước, bao gồm VNPT, Viettel và FPT, đã cho ra mắt ví điện tử và khuyến khích mọi người từ bỏ thói quen thanh toán tiền mặt của họ.
Mobile Money sẽ giúp bình dân hóa các dịch vụ tài chính không dùng tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt chờ gì vào các doanh nghiệp Fintech?
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các giải pháp để thúc đẩy số lượng người dùng được tiếp cận với tài khoản ngân hàng có thể đạt đến con số 70% như mục tiêu phấn đấu. Để đạt được mục tiêu này phải có "bệ đỡ" cho các doanh nghiệp Fintech. Vì vậy, các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước sẽ có các chính sách, giải pháp giúp hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái Fintech.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, cho biết việc thanh toán bằng tài khoản viễn thông rất tốt cho nền kinh tế số, giúp người dùng tiếp cận tốt hơn với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Người dùng của các công ty có thể dùng số dư tài khoản viễn thông để thanh toán, trả tiền điện nước... trong hệ sinh thái các dịch vụ mà công ty viễn thông cung cấp.
Trong số các nhà mạng đang cung cấp dich vụ ví điện tử, Viettel đang nổi trội nhất với ViettelPay cho phép người dùng nạp thẻ điện thoại hoặc mua data với giá ưu đãi, cạnh tranh với các ví điện tử khác. Khách hàng có thể chuyển tiền, thanh toán hóa đơn điện, nước, mua vé tàu xe, đặt khách sạn, mua sắm online, nộp học phí... ViettelPay liên kết với hơn 30 ngân hàng nội địa, vì vậy khách hàng có rất nhiều lựa chọn chuyển tiền cũng như có thể nạp tiền trực tiếp vào tài khoản ViettelPay và rút tiền tại bất kỳ điểm giao dịch nào trên toàn quốc. ViettelPay cũng là ứng dụng chuyển tiền liên ngân hàng được yêu thích nhất khi được 72% khách hàng lựa chọn...
Cục Viễn thông cho rằng, các doanh nghiệp viễn thông kinh doanh tiền di động sẽ có nhiều ưu thế. Thứ nhất, các doanh nghiệp viễn thông có lợi thế về kênh phân phối. Hiện Việt Nam có khoảng 130 triệu thuê bao di động, số lượng cao hơn gấp đôi so với tài khoản ngân hàng. Nếu các đại lý của nhà mạng di động cung cấp dịch vụ mobile money thì mạng lưới phân phối rất lớn, đặc biệt là đến các vùng sâu vùng xa, những nơi người dân chưa có điều kiện mở tài khoản ngân hàng.
"Nhiều năm trước đây, ngành viễn thông đã bình dân hóa cước di động và điện thoại. Nếu hiện nay làm được mobile money thì viễn thông cũng sẽ bình dân hóa các dịch vụ tài chính không dùng tiền mặt. Thứ hai, các nhà mạng di động có thể cài ứng dụng ngay trên thẻ SIM của điện thoại, do đó điện thoại không cần phải là smartphone. Người dùng chỉ cần thao tác bằng tin nhắn để thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển khoản... Bên cạnh đó, các nhà mạng di động hiện nay đều có thương hiệu và uy tín, phủ rộng khắp các tỉnh thành, mọi người dân đều biết. Do đó đạt được lòng tin của người dùng khi triển khai dịch vụ" ", đại diện Cục viễn thông nhấn mạnh.
Theo tiền phong
SpaceX muốn phát internet từ vệ tinh đến miền nam nước Mỹ năm 2020 SpaceX tham vọng trở thành một trong những nhà cung ứng internet lớn nhất thế giới bằng cách triển khai hàng ngàn vệ tinh, phát băng thông rộng từ không gian. Theo CNN, hiện công ty vũ trụ của tỉ phú Mỹ Elon Musk đang muốn hoàn tất chùm vệ tinh càng nhanh càng tốt. Tuần qua, công ty lên kế hoạch phóng...