Người đàn ông 31 tuổi suýt chết vì nhồi máu cơ tim
Các bác sĩ ở Bệnh viện Hữu Nghị vừa cứu sống người đàn ông 31 tuổi suýt phải đối mặt với tử thần vì nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)
Khi ở nhà, anh N.A.Đ., 31 tuổi, sống ở Phú Thọ bất ngờ cảm thấy mệt, cơ thể lạnh, vùng tim đau thắt, vã mồ hôi nhiều vào khoảng 4h sáng nên đã vào Bệnh viện huyện ở Phú Thọ để cấp cứu. Tại đó, anh đã được chẩn đoán sơ bộ là Nhồi máu cơ tim, gia đình đưa anh tới Bệnh viện Hữu Nghị để tiếp tục điều trị.
Khoảng 10h sáng ngày 1/12, anh Đ. vào Bệnh viện Hữu Nghị trong tình trạng vẫn còn đau tức ngực trái.
Khi tiến hành kiểm tra, các bác sĩ phát hiện anh Đ. có dấu hiệu biến đổi điện tim, tăng men tim, mỡ máu cao, kết quả chụp động mạch vành của người bệnh cho thấy bị tắc hoàn toàn 1 nhánh động mạch chính nuôi cơ tim. Vì thế, các bác sĩ khẳng định anh Đ. bị nhồi máu cơ tim trong khi trước đó anh Đ. không có tiền sử mắc các bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp, tăng mỡ máu,…
Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp động mạch vành, đặt stent cho người bệnh. Mặc dù bệnh nhân có dấu hiệu suy tim do nhồi máu cơ tim nhưng do tuổi đời còn trẻ nên đã nhanh chóng hồi phục.
Video đang HOT
Sau can thiệp 4 ngày, anh Đ. không còn phải dùng thuốc trợ tim, sức khoẻ dần hồi phục và chuẩn bị được ra viện.
Trao đổi với PV, TS. Bùi Long – Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị – cho biết: “Anh Đ. là trường hợp trẻ nhất bị nhồi máu cơ tim vào điều trị ở Bệnh viện Hữu Nghị. Qua trường hợp này, có thể thấy nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hoá”.
Thực tế, việc anh Đ. bị nhồi máu cơ tim không quan trọng về tuổi tác mà nằm ở các yếu tố nguy cơ. 2 yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân này chính là hút thuốc lá (anh Đ. nghiện hút thuốc lá hơn 10 năm nay – cứ 3 ngày lại hút hết 1 bao – khoảng 6,7 điếu/ngày) và tăng mỡ máu.
Theo TS. Bùi Long, khi hút thuốc lá, chất nicotin đi vào cơ thể sẽ gây hại cho mạch máu, gây suy giảm chức năng nội mạc của động mạch. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng co thắt mạch, lắng đọng mảng xơ vữa mạch máu gây hẹp tắc động mạch, hình thành cục máu đông gây nhồi máu cơ tim và nhồi máu não.
Nếu người trẻ có mỡ máu cao, bị vữa xơ động mạch nhiều thì cần đề phòng với bệnh tăng mỡ máu tính chất gia đình do đột biến gien. Để phòng, tránh nguy cơ bị nhồi máu cơ tim ở người trẻ, TS. Bùi Long khuyến cáo: Người trẻ hiện đại thường xuyên làm việc với máy tính, ngồi nhiều, ít vận động nên dễ mắc các bệnh về xơ vữa động mạch, suy tĩnh mạch,…
Vì thế, mỗi người nên thường xuyên tập luyện thể thao từ 30-45 phút; hạn chế sử dụng các chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá. Bởi thuốc lá được mệnh danh là “kẻ thù thầm lặng”. Nghiện hút thuốc lá không chỉ gây ra các bệnh tim mạch mà còn gây ra các bệnh lý về đường hô hấp.
Cùng với đó, người trẻ nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường bổ sung chất xơ, hạn chế ăn các đồ ăn có nhiều dầu, mỡ,… gây lắng đọng cholesterol trong mạch máu, đồng thời, đi khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm những mảng xơ vữa động mạch, có biện pháp khắc phục kịp thời.
Ngừng tim nguy kịch sau khi uống 20 viên thuốc lạ
Sau 10 ngày uống thuốc, bệnh nhân tăng tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, sau đó dần rơi vào hôn mê.
Nam bệnh nhân 79 tuổi, ở Hà Nội nhập viện Hữu nghị cấp cứu chiều 2/11 trong tình trạng nguy kịch, ý thức lơ mơ, dần hôn mê, da tái lạnh.
Được biết, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và hẹp động mạch vành, đang uống thuốc điều trị. Trước khi nhập viện 10 ngày, cụ ông xuất hiện đau âm ỉ ở ngực, mệt mỏi, được người nhà khuyên uống thêm một loại thuốc để trợ tim. Thuốc này không rõ xuất xứ, tên và thành phần.
Mỗi ngày, cụ ông uống hai viên thuốc vào buổi sáng và tối. Tới ngày thứ 10, ông đã uống tổng cộng 20 viên, tuy nhiên tình trạng mệt mỏi và chóng mặt tăng lên nhanh chóng.
Bác sĩ Tô Hoàng Dương, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị, cho biết, thời điểm nhập viện, người bệnh bị hạ kali máu gây rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tuần hoàn. Đây là tình trạng hết sức nguy kịch, bệnh nhân có thể ngừng tim, ngừng thở, hôn mê sau một vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.
"Người bệnh lớn tuổi, mắc các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, hẹp động mạch vành, diễn biến thường rất nhanh, phức tạp và kết cục rất nặng nề, có thể để lại nhiều di chứng", bác sĩ Dương thông tin.
Các bác sĩ nỗ lực sốc điện cấp cứu cho người bệnh - Ảnh: BVCC
Ngay lập tức, các bác sĩ đã sốc điện ba lần để xử trí tình trạng rối loạn nhịp tim, ép tim ngoài lồng ngực, tái lập tuần hoàn cho bệnh nhân, đồng thời hỗ trợ hô hấp. May mắn, bệnh nhân phục hồi nhịp tim và huyết áp sau 15 phút xử trí tình trạng hạ kali máu. Nhờ được cấp cứu đúng và kịp thời, cụ ông hồi tỉnh sau 4-5 giờ.
Đến nay, sau gần 1 tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã tốt, không phải chịu di chứng nào ở tim và não.
Được biết, các bác sĩ đã chuyển xét nghiệm loại thuốc lạ mà cụ ông uống. Kết quả cho thấy thuốc có chứa thành phần gây lợi tiểu nên làm giảm quá nhiều kali máu của người bệnh. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các rối loạn về điện giải nguy hiểm, khiến cụ ông nhanh chóng nguy kịch.
Theo bác sĩ Dương, nhiều người bệnh tự ý sử dụng thuốc hoàn, tễ, để điều trị tiểu đường, tim mạch. Các thuốc này không rõ nguồn gốc, được trộn và bào chế không chính thống, thậm chí chứa chất đã bị cấm lưu hành. Kết quả, người bệnh bị ngộ độc, toan chuyển hóa (nhiễm axit máu), hôn mê hoặc suy hô hấp rất nhanh, tiên lượng thường nặng và điều trị rất khó khăn.
Bác sĩ Dương khuyến cáo người bệnh nên đi khám ở cơ sở y tế tin cậy khi cơ thể xuất hiện bất thường, không sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc hoặc tiếp tục uống khi cơ thể không đáp ứng. Các thuốc được kê đơn, thuốc bổ, thực phẩm chức năng do tự mua hoặc được cho, tặng... trước khi sử dụng đều cần tham vấn ý kiến của bác sĩ.
Người đàn ông 36 tuổi suýt mất mạng dù chỉ bị đau ngực mơ hồ Vào khoa Cấp cứu với biểu hiện đau ngực mơ hồ, nôn, buồn nôn, bệnh nhân đến từ Tuyên Quang đã đột ngột ngừng tuần hoàn. Bác sĩ cho biết anh bị nhồi máu cơ tim cấp. Sau 4 ngày được cấp cứu, bệnh nhân là Trần Mạnh T, 36 tuổi (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) đã tránh được "cửa tử", hiện tỉnh,...