Người dân mất đến 30 phút để thanh toán viện phí
Thanh toán điện tử đang gặp nhiều rào cản phát triển, từ nhận thức đến sự phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ và sự đa dạng của dịch vụ được cung cấp.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt phải chiếm hơn 30% trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách rất xa để đạt được mục tiêu này.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm Bộ này thu khoảng 100.000 tỉ viện phí và phí bảo hiểm y tế. Trong đó, dù tiền thanh toán của Bảo hiểm xã hội được thực hiện qua ngân hàng nhưng lượng tiền mặt trả viện phí vẫn rất lớn.
Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng cục Công nghệ thông tin của Bộ Y tế nhìn nhận: “Đến nay, việc thanh toán ở bệnh viện chủ yếu bằng tiền mặt, có bệnh viện đã sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt nhưng hiệu quả chưa cao. Khi chúng tôi quan sát, quy trình khám chữa bệnh gồm 6 bước, thời gian một người sử dụng để đóng tiền viện phí trung bình là 30 phút. Trong thời gian vừa qua một số ngân hàng đã làm việc với bệnh viện và cho rằng, các bệnh viện đủ nền tảng công nghệ để thanh toán qua ngân hàng”.
Đủ nền tảng công nghệ để thanh toán qua ngân hàng nhưng chắc chắn sẽ còn khoảng thời gian không ngắn để đầu tư và triển khai phổ cập vào thực tế và mang đến hiệu quả thực sự. Hệ thống hạ tầng công nghệ chưa có sự phát triển đồng bộ giữa thành thị và nông thôn cũng là một trong những hạn chế đối với ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta.
Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang gặp nhiều rào cản. (Ảnh minh họa: KT)
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị An, một người dân ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội cho biết, theo quan sát của bà tại địa phương, không nhiều người biết sử dụng thẻ ngân hàng: “Phần lớn người dân ở đây vẫn sử dụng tiền mặt để thanh toán tiền điện, tiền nước hoặc ra nơi thu phí, thẻ ngân hàng thì rất ít người có, quan trọng là cũng không có nhiều quầy giao dịch, khiến việc thanh toán không dùng tiền mặt gặp khó khăn”.
Tỷ lệ sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta còn rất thấp, một phần xuất phát từ thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân. Bên cạnh đó, đa phần tâm lý người mua muốn nhận và kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Do đó, mặc dù số lượng tài khoản ngân hàng gia tăng nhưng việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại còn thấp.
Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam nêu thực tế: “Chúng ta có 77 triệu thẻ đang lưu hành nhưng trong đó có những thẻ không sử dụng hoặc sử dụng rất ít. Việc sử dụng thẻ để thanh toán hàng hóa dịch vụ rất khiêm tốn, chúng ta vẫn sử dụng thẻ để sử dụng tiền mặt, chiếm đến 94%”.
Sử dụng thẻ ngân hàng chỉ để rút tiền mặt tiêu dùng là thực trạng cần thay đổi. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam nêu thực tế: “Theo báo cáo mới nhất của tổ chức đánh giá quốc tế, thương mại điện tử ở nước ta năm 2019 đã đạt khoảng 12 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hiện cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo, năm 2020 với tốc độ tăng tiếp tục 40% thì Việt Nam có thể đạt 15,16 tỷ USD. Trong bức tranh đó, chúng tôi khảo sát thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử đạt khoảng 20%, tức là thanh toán dùng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán trực tuyến là tới 80%”.
Như vậy, thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt đồng thời với việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử là đòi hỏi đặt ra đối với nền kinh tế nước ta, để nâng cao tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt. Trong quá trình này, sự phát triển của các công ty tài chính trên nền tảng công nghệ, gọi tắt là Fintech cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Cũng theo phản ánh của các công ty tài chính công nghệ – Fintech, cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới./.
Theo Trung Hiếu-Bảo Ngọc-Bá Toàn/VOV1
Đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Payoo đóng vai trò cầu nối giữa các ngân hàng, fintech, doanh nghiệp và khách hàng cuối nhằm góp phần hướng đến mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy.
Giải pháp chấp nhận mọi thanh toán (Payoo One-Stop Payment Acceptance) hỗ trợ Thẻ quốc tế, Thẻ ngân hàng nội địa, Ví điện tử, QR Code từ các ứng dụng ngân hàng và các phương thức thanh toán khác (coupon, voucher, thẻ trả trước...) trên một thiết bị duy nhất.
Theo định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, rất nhiều ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán và các doanh nghiệp đã nỗ lực cung cấp nhiều giải pháp thanh toán điện tử như QR Code trên ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, thẻ thanh toán không tiếp xúc...
Tuy nhiên, do thị trường hiện đang có quá nhiều phương tiện và cách thức thanh toán điện tử khác nhau nên các doanh nghiệp khá vất vả và tốn kém nguồn lực, chi phí trong việc kết nối, chấp nhận xử lý thanh toán và vận hành dịch vụ.
Để tăng thêm cơ hội bán hàng, doanh nghiệp phải kết nối và lắp đặt hệ thống và thiết bị thanh toán với từng kênh thanh toán riêng lẻ, từ đó dẫn đến một số khó khăn về vận hành và quản lý khi phải kết nối nhiều đối tác và hình thức thanh toán khác nhau.
Để giải quyết triệt để vấn đề đó, Payoo đã xây dựng một hệ thống hỗ trợ xử lý thanh toán toàn diện và đa kênh. Qua đó, chỉ cần một kết nối duy nhất, doanh nghiệp có thể chấp nhận nhiều hình thức như thanh toán qua thẻ ngân hàng (quốc tế, nội địa), ví điện tử, ứng dụng ngân hàng (QR Code)...
Trong thời gian tới, Payoo sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm, liên kết với nhiều Ngân hàng và các công ty Fintech nhằm để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của xã hội hiện đại.
TIỂU MINH
Theo Kynguyenso.plo.vn
Trên 367.000 tỷ đồng giao dịch qua thanh toán điện tử mỗi ngày Bình quân một ngày, số lượng giao dịch qua thanh toán điện tử đạt gần 629.000 giao dịch, giá trị trên 367.000 tỷ đồng. Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 8 tháng năm 2019 đạt trên...