Người dân Hy Lạp nói ‘không’ với các chủ nợ
Kết quả trưng cầu dân ý tại Hy Lạp diễn ra ngày 5.7 đã có kết quả: 61% người dân chọn câu trả lời “không” trước gói viện trợ của quốc tế với những điều kiện thắt lưng buộc bụng khắc khổ, chỉ 39% là đồng ý.
Những người Hy Lạp chống lại gói viện trợ đổ ra đường reo mừng sau kết quả trưng cầu dân ý – Ảnh: AFP
Đó là kết quả sơ khởi sau cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra ở Hy Lạp ngày 5.7, do Bộ Nội vụ nước này công bố khi hầu hết các phiếu đã được kiểm – BBC đưa tin.
Được biết chính phủ Hy Lạp đã vận động người dân bác bỏ gói viện trợ, cho rằng các điều kiện đi kèm là một sự “sỉ nhục” với Hy Lạp.
Trong khi đó, các đảng đối lập cảnh báo việc bỏ phiếu chống có thể khiến Hy Lạp bị đẩy khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, eurozone – điều mà đa phần người dân Hy Lạp không muốn.
Cựu Thủ tướng Hy Lạp, ông Antonis Samaras, người đã tích cực vận động để người dân ủng hộ gói viện trợ, đã ngay lập tức từ chức lãnh đạo đảng trung tả đối lập New Democracy ngay khi có kết quả cuộc bỏ phiếu.
Phát biểu trước kết quả trên, Thủ tướng Hy Lạp, ông Alexis Tsipras đêm 5.7 nói: “Như vậy là ngày mai, Hy Lạp sẽ quay trở lại bàn đàm phán và ưu tiên hàng đầu của chúng ta sẽ là phục hồi sự ổn định tài chính của đất nước”.
Cờ xí rợp trời tại thủ đô Athens trong đêm 5.7 – Ảnh: AFP
Video đang HOT
Tuy nhiên, ngay lập tức, nhiều quan chức châu Âu đã cảnh báo rằng câu trả lời “không” đồng nghĩa với lời cự tuyệt đàm phán với các chủ nợ.
Ông Jeroen Dijsselbloem, đứng đầu nhóm các Bộ trưởng Tài chính trong khu vực eurozone tuyên bố rằng kết quả kể trên là “rất đáng tiếc cho tương lai Hy Lạp”. Còn Phó Thủ tướng Đức, ông Sigmar Gabriel thì nói việc khởi động lại quá trình đàm phán với Hy Lạp là “khó mà tưởng tượng được”.
Phát biểu trên nhật báo Tagesspiegel, ông này nặng lời chỉ trích chính quyền Hy Lạp là đã dẫn dắt người dân đi vào một con đường “vô vọng và bị bỏ rơi cay đắng”.
Tuy nhiên, cũng đã có những tiếng nói hòa hoãn hơn. Ngoại trưởng Ý viết trên Twitter: “Bây giờ đã đến lúc phải bắt đầu cố gắng trở lại để đạt được một thỏa thuận. Nhưng sẽ không có lối thoát nào cho một Hy Lạp đầy rắc rối ở trong châu Âu với đầy sự yếu ớt và không tăng trưởng (kinh tế)”.
Còn Bộ trưởng Tài chính Bỉ thì cho rằng cánh cửa để bắt đầu đàm phán lại với Hy Lạp đang để ngỏ, có thể là chỉ trong vòng vài giờ.
Rừng người tụ tập trước tòa nhà quốc hội Hy Lạp – Ảnh: AFP
Nhiều động thái cũng đã được khởi động nhanh chóng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker tối 5.7 cho biết ông đang thương lượng với lãnh đạo các nước trong khu vực eurozone, hy vọng có thể họp trực tuyến với giới chức EU cũng như Ngân hàng trung ương châu Âu ngay trong sáng nay 6.7.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng dự kiến sẽ gặp nhau sáng 6.7 tại Paris, và Hy Lạp là một chủ đề quan trọng. Một hội nghị thượng đỉnh của nguyên thủ quốc gia các nước eurozone cũng đã được lên kế hoạch vào ngày 7.7.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Chủ nợ "khủng bố", cụ ông Hy Lạp khóc trước ngân hàng
Bức ảnh cụ ông ngồi bệt khóc lớn bên ngoài ngân hàng Hy Lạp vì không rút được 120 euro phản ánh tình cảnh khốn cùng của người dân nơi đây.
Ông Giorgos Chatzifotiadis đã phải xếp hàng tại ba ngân hàng ở thành phố Thessaloniki- Hy Lạp vào ngày 3/7 vừa rồi với hy vọng rút được 120 euro (133 USD) tiền trợ cấp cho vợ mình, nhưng vô ích. Khi nhận được câu trả lời tương tự ở ngân hàng thứ tư, ông đã gục xuống và khóc.
Những người về hưu chờ đợi bên ngoài một chi nhánh của ngân hàng Quốc gia Hy Lạp
Cụ ông 77 tuổi chia sẻ rằng ông đã bật khóc vì: "Tôi đã thấy đồng bào mình đi xin một vài xu để mua bánh mì. Tôi đã thấy có ngày càng nhiều vụ tự tử. Tôi là một người nhạy cảm. Tôi không thể chịu đựng được khi thấy đất nước mình trong tình cảnh này".
"Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy buồn bã đến vậy, hơn cả vì những vấn đề của cá nhân tôi", ông Chatzifotiadis chia sẻ.
Nền kinh tế Hy Lạp đã suy sụp ngay trước thềm cuộc trưng cầu dân ý quyết định về chương trình cải cách và các điều khoản thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của chủ nợ quốc tế nhằm đổi lấy gói cứu trợ mới vào ngày 5/7.
Các cửa hàng cạn kiệt lương thực thực phẩm và thuốc men, ngành du lịch đối mặt với làn sóng hoãn, hủy chuyến và các ngân hàng chỉ còn đủ tiền mặt để cầm cự đến hết cuối tuần.
Athens đã áp đặt lệnh kiểm soát vốn và đóng cửa tất cả các ngân hàng bắt đầu từ 29/6 vừa qua để ngăn chặn chảy máu tiền mặt, nhưng đã cho phép một số chi nhánh mở cửa trở lại vào hôm 1/7 để những người về hưu có thể tới ngân hàng để rút tiền lương hưu với giới hạn là 120 euro.
Các ngân hàng Hy Lạp cho biết họ chỉ còn 1 tỷ euro tiền mặt cho đến hết cuối tuần - tương đương vỏn vẹn 90 euro mỗi đầu người ở đất nước 11 triệu dân này. Cho dù cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7 cho kết quả như thế nào thì các ngân hàng Hy Lạp cũng sẽ phải cần tới sự trợ giúp khẩn cấp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vào đầu tuần tới.
Cũng trong ngày 3/7, cảnh sát Hy Lạp đã phải bắn lựu đạn gây lóa và đụng độ với những người biểu tình ở trung tâm thủ đô Athens, giữa lúc đang diễn ra một cuộc tuần hành bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý tới liên quan đến vấn đề nợ của nước này.
Nói về cách đối xử của bộ ba chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Liên minh châu Âu (EU) trên tờ El Mundo của Tây Ban Nha số ra ngày 4/7, Bộ trưởng tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nói: "Những gì họ đang hành xử với Hi Lạp có một tên gọi: chủ nghĩa khủng bố".
Ông lý giải: "Tại sao họ lại bắt chúng tôi phải đóng cửa các ngân hàng? Để làm người dân sợ hãi? Và gieo rắc nỗi sợ hãi theo kiểu khủng bố!". Ông này cũng nói "bộ ba chủ nợ" đã muốn "sỉ nhục người dân Hy Lạp".
Bà Vicky Pryce, cố vấn kinh tế trưởng thuộc Trung tâm Nghiên cứu thương mại và kinh tế, cho rằng một kết quả "không" trong cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp sắp tới sẽ khiến tình hình thêm tồi tệ bởi nó gần như đồng nghĩa với việc các ngân hàng phá sản, Hy Lạp rời khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và hoạt động kinh tế đình đốn nhanh hơn bởi đồng nội tệ drachma khi được lưu hành trở lại sẽ nhanh chóng mất giá.
Theo nhà kinh tế gốc Hy Lạp này, một kết quả "có" sẽ giữ cho các ngân hàng tiếp tục mở cửa và tạo cơ sở cho một thỏa thuận dựa trên thực tế mới của Hy Lạp cũng như bao gồm việc tái cơ cấu các khoản nợ mà mọi nhà kinh tế đều biết là không bền vững.
Bà Pryce đánh giá một kết quả "có" sẽ là ánh sáng cuối đường hầm, còn một kết quả "không" sẽ đẩy Hy Lạp vào nhiều năm khủng hoảng kinh tế.
An Nhiên (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Hy Lạp quyết tổ chức trưng cầu dân ý AFP hôm qua 1.7 dẫn lời Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố trưng cầu dân ý về bản kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" do các chủ nợ quốc tế đề xuất sẽ vẫn được tổ chức vào ngày 5.7. Người dân Hy Lạp chen chúc chờ rút tiền trước Ngân hàng Quốc gia ở Athens - Ảnh: Reuters Ông Tsipras...