“Người dân có thể phải trả giá ghê gớm vì thủy điện Sông Tranh”
TS Nguyễn Trường Tiền, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam, gay gắt cho rằng: Nếu không thận trọng, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 và nhiều người dân có thể phải trả giá ghê gớm vì công trình này. .
Động đất ở Sông Tranh 2 là “hiện tượng đặc biệt” – Đó là khẳng định của GS.TS Cao Đình Triều – Viện Vật lí địa cầu – tại hội thảo đánh giá an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2 vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam tổ chức. Đây là buổi hội thảo công bố Đề án “Đánh giá tình hình động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại” do Hội KH&KT Địa Vật lý Việt Nam (thuộc VUSTA) tiến hành.
Tại đây, các chuyên gia tham gia đều bày tỏ lo ngại về nguy cơ phát sinh tai biến địa chất, trượt lở đất, bên cạnh yếu tố động đất có thể dẫn đến kịch bản xấu nhất là vỡ đập. Động đất cực đại ở Sông Tranh 2 có thể lên tới 6,1 độ richter, không phải 5,5 độ richter như khẳng định của EVN.
GS.TS Cao Đình Triều khẳng định: Động đất ở Sông Tranh 2 là “hiện tượng đặc biệt”!
GS.TS Cao Đình Triều cho biết, theo khảo sát, khu vực xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên nền cấu tạo địa chất là đá granite bị phong hóa mạnh với nền địa chất rất yếu. Thực tế cho thấy trước khi có hoạt động tích nước, chưa từng phát hiện động đất ở khu vực này. Nay động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 có biểu hiện dồn dập, thành từng đợt, đợt sau có xu thế tăng về cường độ, tần suất. Trong khi đó, đập được xây dựng trong phạm vi ảnh hưởng của đới đứt gãy cấp 2 Trà My, đã hoạt động từ lâu, có chiều rộng từ 10-30km, chiều dài 67km, có khả năng phát sinh động đất cực đại từ 5,0-6,1 độ richter, cao hơn khẳng định của EVN.
GS Triều thẳng thắn bày tỏ lo ngại, không loại trừ khả năng xảy ra kịch bản xấu nhất với Sông Tranh 2. Trên thế giới, 1% số đập đã có sự cố. Năm 1975, sự cố vỡ đập Bản Kiều (Trung Quốc) đã gây ra thảm họa đại hồng thủy lớn nhất thế giới. Ở Việt Nam, các đập lớn chưa có sự cố, tuy nhiên các đập nhỏ, hiện tượng vỡ đập đã xảy ra. Gần đây nhất, ngày 4/10/2010, mưa lớn kéo dài đã dẫn đến tràn đập Hồ Ô gây ngập lụt nghiêm trọng.
Cùng chung quan điểm, PGS.TSKH Phạm Văn Quýnh (Đại học Quốc gia Hà Nội), ủy viên hội đồng khoa học đánh giá kết quả thực hiện đề án trên, cho hay, đập Sông Tranh 2 nằm trên nền đá granite là rất nguy hiểm. Đá granite rất cứng nhưng khi gặp nước lại mềm đi nhiều, khiến nền móng đập trở nên yếu. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia độc lập cũng cho thấy có tới 12 đứt gãy hoạt động trong khu vực xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2.
Video đang HOT
Đông đất liên tiếp diễn ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 khiến đời sống của người dân đảo lộn.
Đáng lưu ý nhất là đứt gãy Trà My rất phức tạp, có bề rộng 10-30km và dài 6-7km. Đứt gãy này được nhận định đi qua khu vực đập thủy điện Sông Tranh. “Đã có sai lầm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng đập Sông Tranh 2, không có quốc gia nào xây thủy điện ở vị trí có đới đứt gãy hoạt động, trên nền móng đá granit. Hiện Sông Tranh 2 mới ở cao trình 140m đã xảy ra động đất 4,2 độ richter. Nếu mực nước lên cao trình 172m, khả năng phát sinh động đất cực đại là rất lớn. Chủ đầu tư Sông Tranh 2 phải có trách nhiệm trước nỗi hoang mang của nhân dân” – ông Quýnh cảnh báo.
TS Nguyễn Trường Tiền, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam, gay gắt cho rằng: Nếu không thận trọng, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 và nhiều người dân có thể phải trả giá ghê gớm vì công trình này.
Đồng quan điểm, GS-TS Vũ Trọng Hồng, cho rằng, điểm yếu của Việt Nam là chưa hề có đánh giá về động đất kích thích ảnh hưởng đến thủy điện như thế nào, Việt Nam cũng chưa có bất cứ nhà khoa học nào chuyên sâu về động đất kích thích. Với thực trạng hiện nay, ông Hồng tiếp tục đề xuất: không nên tích nước tại Sông Tranh 2.
Theo Dantri
"Tội nhất mấy đứa nhỏ, mỗi lần động đất là khóc ré lên"
Đang ngủ mà nghe tiếng động mạnh cũng làm chúng tôi giật mình. Tội nhất là mấy đứa nhỏ, mỗi lần có tiếng nổ do động đất là chúng sợ khóc ré lên", anh Võ Văn Năm (thôn Tân Hiệp, xã Trà Sơn) chia sẻ.
Ngày 24/9, PV Dân trí đã có mặt tại các xã của huyện Bắc Trà My để ghi lại thiệt hại nhà cửa và trường học do trận động đất mạnh trưa ngày 23/9.
Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Bắc Trà My, đã có hàng trăm ngôi nhà của người dân và trường học trên địa bàn bị nứt. Hiện lãnh đạo huyện Bắc Trà My đang chờ báo cáo từ các xã về nhà cửa bị hư hỏng do động đất để tổng hợp báo cáo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Tường nhà ông Trần Văn Hạnh (thôn Lâm Bình Phương, xã Trà Sơn) bị nứt
Tại thôn Mậu Long (xã Trà Sơn), sau khi đi thống kê, cán bộ xã cho biết có 42 ngôi nhà bị nứt, nặng nhất là nhà bà Trương Thị Hoa. Tại thôn Tân Hiệp có 15 nhà bị nứt.
Tại thôn Lâm Bình Phương (xã Trà Sơn), chúng tôi chứng kiến rất nhiều nhà dân bị nứt. Dẫn chúng tôi xem ngôi nhà mình, anh Trần Văn Hạnh (43 tuổi, thôn Lâm Bình Phương, xã Trà Sơn) cho biết: "Những trận động đất trước nhà tôi không hề hấn gì nhưng trận vào trưa 23/9 thì tường và vách bị nứt rất nhiều".
Theo quan sát, nhà của anh Hạnh có hơn 10 vết nứt trong và ngoài nhà. Có vết nứt to có thể đưa ngón tay lọt vào trong. Anh Hạnh nói: "Nhà tôi xây như thế này mà còn nứt nói gì đến nhà của người khác".
Một mảng tường trường THCS Nguyễn Văn Trỗi bị rớt
Tâm lý hoang mang bao trùm khắp nơi trong xã. Đi đâu chúng tôi cũng được nghe người dân nói về trận động đất mạnh trưa ngày 23/9. Anh Võ Văn Năm (thôn Tân Hiệp, xã Trà Sơn) lo lắng: "Đang ngủ mà nghe tiếng động mạnh cũng làm chúng tôi giật mình. Tội nhất là mấy đứa nhỏ, mỗi lần có tiếng nổ do động đất là chúng sợ khóc ré lên".
Anh Năm cũng lo lắng: Chỉ sợ động đất xảy ra vào ban đêm ngói rớt trúng đầu hay sập nhà không biết chạy đi đâu. Dân ở đây mấy ngày nay sống trong lo âu vì không biết động đất xảy ra lúc nào để phòng tránh.
Tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Hiệu trưởng Trần Đình Sữu dẫn chúng tôi đi quanh trường và chỉ những vết nứt vừa xuất hiện sau khi xảy ra trận động đất mạnh trưa 23/9. Thầy Sữu cho biết: "Những trận động đất trước đây trường không hề bị nứt nhưng trận động đất ngày 23/9 làm nhiều phòng học của trường bị nứt. Chúng tôi đã có báo cáo gởi lãnh đạo về tình hình của trường".
Bí thư xã Trà Sơn - ông Lê Đình Trung - cho biết: "Cả xã có 5 thôn thì thôn nào cũng có nhà bị nứt. Hiện chúng tôi cho cán bộ đến từng thôn thống kê, xong thôn nào chúng tôi báo cáo với huyện thôn đó để lãnh đạo huyện biết". Ông Trung cũng cho biết hiện chưa thể thống kê hết nhà bị nứt trên địa bàn xã vì quá nhiều.
Vách tường trường THCS Nguyễn Văn Trối (xã Trà Sơn) bị nứt sau trận động đất trưa 23/9
Xã Trà Sơn nằm phía dưới đập thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 7km nên khi xảy ra động đất, người dân lo lắng "túi nước" khổng lồ trên đầu "bục" ra thì không biết chạy đi đâu.
Ông Trung cũng cho biết, sau những trận động đất vừa qua lãnh đạo xã đã xuống từng thôn xóm làm công tác an dân, sau này sẽ có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến từng hộ dân.
Trong khi đó, Chủ tịch xã Trà Đốc - ông Hồ Văn Lợi - cho biết, theo thống kê sơ bộ trên địa bàn xã đã có 55 ngôi nhà ở các thôn của xã bị nứt. "Hiện chúng tôi đang tiếp tục thống kê để báo cáo lãnh đạo huyện số nhà bị nứt thêm sau trận động đất trưa 23/9 vừa qua", ông Lợi nói.
Chiều tối ngày 24/9, thống kê sơ bộ của UBND huyện Bắc Trà My, trên toàn địa bàn huyện đã có hàng trăm nhà dân và 3 trường học bị nứt sau trận động đất ngày 23/9, trong đó thị trấn Bắc Trà My có 52 nhà, xã Trà Tân có 9 nhà...Các trường học bị nứt là trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, trường THCS Lê Hồng Phong (xã Trà Đốc) và trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Trà Sơn).
Lớp tập huấn ứng phó với động đất dành cho lãnh đạo các xã trên địa bàn huyện Bắc Trà My
Trong một diễn biến liên quan, sau khi trận động đất mạnh xảy ra trưa 23/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã có liên tiếp hai công văn gởi Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan báo cáo, đồng thời đề nghị các Bộ ngành Trung ương khẩn trương cử đoàn công tác tiếp tục khảo sát, nghiên cứu tình hình động đất tại huyện Bắc Trà My, kiểm tra an toàn vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2.
Theo Dantri
Những người 'vá đập' thủy điện Sông Tranh Sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 gây tò mò cho nhiều người trong thời gian qua. Khám phá "bí mật" KS giám sát quá trình khắc phục sự cố và tham gia vận hành đập Sông Tranh 2, anh Phạm Ngọc Sáng cho biết, đường hầm này là nơi lắp đặt các thiết bị điện tử để theo dõi tình trạng...