Người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh cúm A
Theo các chuyên gia y tế, cúm A là một loại cúm mùa có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.
Điều trị bệnh nhân cúm A nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Thời tiết mùa Đông Xuân diễn biến thất thường, hai tuần gần đây, một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi đến khám và chủ yếu được xét nghiệm và chẩn đoán mắc các bệnh cúm A. Hai đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trong đó có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.
Trong số các trẻ đến thăm khám có chỉ định làm xét nghiệm mỗi ngày, có khoảng 100-150 trường hợp có kết quả mắc cúm, chủ yếu là cúm A. Trong đó, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị.
Riêng tại Trung tâm bệnh nhiệt đới của Bệnh viện đang điều trị hơn 70 ca mắc cúm, phần lớn bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Thậm chí có 2 ca suy hô hấp, đang phải thở máy do nhiễm cúm trên nền bệnh tim và thuyên tắc động mạch phổi. Ngoài ra, 1 số bị viêm tai giữa, thậm chí viêm màng não, viêm cơ tim…
Tại Khoa Hồi sức tích cực-Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có hai trường hợp nhiễm cúm A nguy kịch đang phải lọc máu, thở máy, đều bị tăng nặng suy tim, đái tháo đường. Trong đó, trường hợp nữ bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân, béo phì, được chuyển vào viện trong tình trạng biến chứng khi nhiễm cúm như suy hô hấp, viêm phổi, suy tim.
Theo các chuyên gia y tế, cúm A là một loại cúm mùa có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.
Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus, có khả năng lây nhiễm cao và lan rất nhanh trong cộng đồng. Bệnh thường có xu hướng gia tăng vào những thời điểm có những sự kiện tập trung đông người và trong khoảng thời gian giao mùa do sự thuận lợi cho virus phát triển.
Hiện nay, nước ta có thời tiết nóng, lạnh thất thường và có sự gia tăng giao lưu, đi lại trong dịp đầu năm mới cũng như chuẩn bị đón tết nguyên đán nên dễ có nguy cơ nhiễm virus cúm nếu người dân không chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh cá nhân phù hợp.
Video đang HOT
Tiến sỹ Vũ Ngọc Long, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình cúm ở nước ta trong những tuần gần đây mặc dù có sự gia tăng nhưng đây không phải là sự bất thường vì thời gian hiện nay đang trong thời điểm giao mùa Đông Xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc ấm, lúc lạnh thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm.
Kết quả giám sát các trường hợp cúm cho thấy, các chủng virus cúm hiện đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B.
Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).
Các chủng virus cúm mùa lưu hành ở Việt Nam hiện nay cũng tương tự như các nước trên thế giới, chưa phát hiện có sự đột biến gen ở các chủng này tại Việt Nam.
Chia sẻ về việc người dân mắc cúm thường tự mua thuốc tamiflu về uống, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long cho hay, thuốc này thường được chỉ định với các trường hợp mắc cúm nặng, các trường hợp có nguy cơ cao và bệnh nhân không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sỹ. Việc người dân tự mua thuốc tamiflu về uống khi mắc cúm là không cần thiết và dễ gây hiện tượng kháng thuốc.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động áp dụng một số biện pháp như: Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe; đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiện vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị y tế trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.
Bộ Y tế cho biết, thời gian tới là dịp Tết và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Vì vậy, Bộ Y tế lưu ý các địa phương, đơn vị theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus; chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Đồng thời chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; duy trì thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng…/.
Giáp Tết, nhiều trẻ mắc cúm A diễn biến nặng phải thở máy, chuyên gia khuyến cáo gì?
Thời tiết mùa Đông Xuân diễn biến thất thường, theo Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trong đó có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H1N1, A/H3N2.
Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi...
Các triệu chứng thường gặp của bệnh cúm A. Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương.
Để nhận biết cúm A, chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ ra 6 dấu hiệu thường gặp:Đau họng và ho;
Hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi;
Sốt và ớn lạnh;
Nhức đầu và nhức mỏi cơ thể;
Cảm thấy mệt mỏi;
Có thể kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy.
"Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ có các bệnh mạn tính, cơ địa béo phì nếu bị nhiễm virus cúm A rất dễ gây các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não, tử vong"- TS.BS Nguyễn Văn Lâm nói, đồng thời nhấn mạnh thêm: Triệu chứng của bệnh cúm A rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác.
Chính vì vậy, theo chuyên gia, việc nhận biết sớm các triệu chứng của cúm A sẽ giúp cha mẹ có thể xử trí và đưa con đến bệnh viện thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm lưu ý thêm các dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện khẩn cấp khi trẻ: Sốt cao liên tục từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật;
Khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường;
Đau ngực hoặc đau cơ dữ dội;
Tím môi và đầu chi, tay chân lạnh;
Trẻ li bì, mệt mỏi, khó ăn, nôn trớ nhiều... thì cần đưa trẻ nhập viện khẩn cấp.
"Thông thường trẻ bị cúm A thường diễn biến nhẹ, phục hồi sau 5-7 ngày, tuy nhiên vối trẻ dưới 5 tuổi; trẻ có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., cúm A có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim, viêm thanh khí phế quản, nhiễm khuẩn thứ phát và làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh nhi mắc bệnh nền, gia tăng nguy cơ tử vong" - TS.BS Nguyễn Văn Lâm nói.
Các dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện khẩn cấp Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương.
Để phòng bệnh, chuyên gia khuyến cáo người dân cần chú ý bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể; ăn uống đủ chất, bù đủ nước; hạn chế tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần lưu ý tiêm vaccine là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất, giúp tạo "lá chắn" bảo vệ trẻ khỏi virus cúm A cũng như nhiều bệnh lý khác nhất là trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường này.
Cúm A đang gia tăng ở trẻ em, phát hiện sớm bằng cách nào? Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong vài tuần trở lại đây có nhiều trẻ đến khám được xét nghiệm và chẩn đoán mắc cúm A. Đây là bệnh do virus gây nên và dễ có thể phát sinh thành dịch. Cúm A dễ lây lan Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do các chủng virus cúm A...