Người dân Bình Định xót xa nhìn nhà đổ sập vì ngập lụt
Hàng chục hộ dân tại huyện Tuy Phước (Bình Định) có nhà bị đổ sập hoàn toàn trong trận lũ lụt vừa qua lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Tại huyện Tuy Phước, đến thời điểm hiện tại có 13 ngôi nhà bị sập hoàn toàn vì lũ lụt. Đa số những nhà dân này đều nằm ở khu vực trũng, thấp tại các xã Phước Hòa, Phước Thắng.
Theo người dân tại các xã này, đây là trận lũ lụt lớn nhất trong nhiều năm qua. Nước lũ tràn về rất nhanh và gây ngập hơn nửa nhà. Lũ lớn kèm theo gió mạnh đã khiến nước ập vào nhà gây nứt, đổ vách, sau đó sập hết nhà cửa.
Nhà ông Đặng Dương Châu (55 tuổi, ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), tường vách đổ ngã nằm ngổn ngang khắp nơi. Căn nhà rộng chừng 50m 2 được xây bằng gạch, ngói bị đổ sập hoàn toàn.
Ngôi nhà của ông Đặng Dương Châu (ở xã Phước Hòa) bị sập hoàn toàn – Ảnh: LÂM THIÊN
Sau khi nước rút, toàn bộ ngôi nhà ông như một bãi phế liệu với tường, cột, mái ngói, đồ đạc vương vãi khắp nơi. Ngồi cạnh bên hàng rào, ông Châu buồn bã cho biết khoảng 5h sáng 30-11, nước lũ ào ào đổ vào nhà. Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, căn nhà của vợ chồng ông bị nước lũ nhấn chìm hơn 1,5m.
“Lúc đó nước rất lớn, gió lại thổi rất mạnh khiến sóng đập vô nhà tôi ầm ầm. Các vách tường phía sau nhà bắt đầu đổ sập. Vợ chồng tôi chạy ra ngoài thì căn nhà dần dần ngả nghiêng, tung tóe rồi chìm sâu trong nước”, ông Châu kể.
Toàn bộ tường, vách đã bị nước lũ xô ngã – Ảnh: LÂM THIÊN
Toàn bộ ngôi nhà ngã đổ thành một bãi phế liệu – Ảnh: LÂM THIÊN
Theo ông Châu, ngôi nhà này được hai vợ chồng ông gom góp xây dựng dần dần từ năm 2000. Cuộc sống không mấy khá giả nên mỗi năm dư được đồng nào thì ông lại xây thêm phần ấy. Suốt thời gian qua, đây chính là tài sản lớn nhất của vợ chồng ông. Thế nhưng trận lụt vừa qua đã cướp đi ngôi nhà của ông.
Ông Châu gom nhặt những viên gạch còn dùng được sau khi căn nhà bị đổ – Ảnh: LÂM THIÊN
Video đang HOT
Đã hai ngày qua, vợ chồng ông Châu chỉ mong nước sớm rút để nhặt một ít đồ đạc còn sót lại. “Trước khi nhà bị sập, vợ chồng tôi đã di dời được một ít đồ ra, sau đó chạy qua nhà bà con lánh tạm. Hai ngày nay, nước lũ bao vây, gạch ngói của căn nhà cũng đã ngâm nước rất lâu, tất cả đều vỡ vụn. Giờ nhà tôi chỉ biết nương nhờ bà con để ở tạm chứ không biết phải làm sao”, ông Châu rơm rớm nước mắt nói.
Ông Châu kinh hãi nhớ lại khoảnh khắc ngôi nhà bị nước lũ làm đổ sập – Ảnh: LÂM THIÊN
Trong khi đó, tại xã Phước Thắng, 3 nhà dân cũng bị đổ sập hoàn toàn. Hiện tại, nước lũ tại nhưng nơi này đã rút. Tuy nhiên ở một số đập tràn, đường đi vẫn bị nước bao phủ. Vì vậy công tác khắc phục hậu quả còn gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Lê Thị Thu Thủy (58 tuổi, ở xã Phước Thắng) cho biết: “Nhà tôi bị nước ngập quá nhiều, tường vách đổ ngã kéo theo mái ngói, cột kèo đổ sạch. Bây giờ, cả nhà tôi chỉ biết ở nhờ nhà người thân chứ không còn chỗ nào, cũng không biết đi đâu”.
Một căn nhà của người dân ở xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) bị đổ do đợt lũ lụt vừa qua – Ảnh: LÂM THIÊN
Tường vách, mái ngói một ngôi nhà của người dân tại xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) bị đổ sập – Ảnh: LÂM THIÊN
Ông Nguyễn Ngọc Xuân – phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước – cho hay: “Hiện tại huyện đã rà soát, thống kê và cử lực lượng chức năng phối hợp với các xã đến hỗ trợ người dân. Trước mắt, các lực lượng phải nhanh chóng giúp bà con dọn dẹp ngăn nắp, tháo dỡ những tường vách bị sập để đảm bảo an toàn. Về lâu dài, huyện sẽ báo cáo tỉnh và có kế hoạch hỗ trợ người dân xây lại nhà trước Tết âm lịch để bà con yên tâm sinh sống”.
13 người chết và mất tích tại Phú Yên, Bình Định; đường sá thiệt hại nặng nề do mưa lũ
Đã có 13 người chết và mất tích do mưa lũ tại Phú Yên, Bình Định. Nhiều tuyến đường bị chia cắt hoàn toàn. Công trình giao thông ở Khánh Hòa bị thiệt hại nặng nề.
Cầu Tà Gụ (huyện Khánh Sơn) bị sập hoàn toàn sau mưa lũ - Ảnh: V.N.
Khánh Hòa: Các công trình giao thông bị thiệt hại nặng nề
Sáng 2-12, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết mực nước trên các sông suối, các khu vực bị ngập úng đã giảm. Tuy nhiên, mưa lớn liên tiếp những ngày qua đã gây sạt lở, ngập lụt, gây thiệt hại ở nhiều địa phương.
Với các công trình giao thông, mưa lớn gây sạt lở một số đoạn thuộc bờ đê Sông Gốc, sông Đồng Điền (huyện Vạn Ninh); kè sông Tô Hạp đoạn qua xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn); nhiều tuyến kênh bị ngập sâu trong nước chưa xác định được thiệt hại.
Ngập lụt và sạt lở gây ách tắc giao thông tại nhiều tuyến đường ở Nha Trang, Ninh Hòa, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh... với hàng nghìn khối đất, đá sạt lở tràn ra mặt đường. Đèo Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh) thuộc quốc lộ 27C nối Nha Trang - Đà Lạt bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông hoàn toàn với 7 vị trí sạt lở từ km39 đến km62.
Lực lượng chức năng đang cố gắng khắc phục sạt lở ở đèo Khánh Lê - Ảnh: M.H.
Ông Văn Ngọc Hường - chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh - cho biết hiện nay đơn vị thi công đang khẩn trương san gạt, thông được 1 - 2 làn ở 6 điểm sạt lở. Riêng điểm sạt lở số 7 gần địa phận tỉnh Lâm Đồng tại km 61 200, sạt lở rất nặng, lượng đất đá vẫn còn lớn.
Tại điểm sạt lở số 7 dự kiến phải đến chiều ngày 2-12 mới khắc phục hoàn toàn.
Theo Sở Giao thông vận tải, bị hư hỏng nặng nhất là khu vực huyện Khánh Sơn. Trên tuyến tỉnh lộ 9 và đường Tô Hạp - Sơn Bình có 12 vị trí bị sạt lở với khối lượng đất đá khoảng 775m 3. Ngay khi sạt lở, lực lượng bảo trì đường đều có mặt tại các vị trí để bảo đảm giao thông, không để ách tắc trong thời gian dài.
Với một số khu vực có địa hình phức tạp như đường Nguyễn Tất Thành đoạn đèo Cù Hin, do một vài vị trí bị đá rơi nên cần chờ thời tiết đảm bảo mới có thể khắc phục được. Những vị trí này đã khoanh lại, đóng một bên đường không cho người và phương tiện qua lại để bảo đảm an toàn.
Phú Yên: thủy điện giảm xả lũ, đã có 10 người chết và mất tích
Người dân Phú Yên lội lũ trở về nhà - Ảnh: DUY THANH
Sáng sớm 2-12, ông Trần Lý - tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ - cho biết đã giảm dần lượng xả lũ của thủy điện này từ 4.200m 3/s chiều tối qua xuống còn 3.000m 3/s vào sáng nay và sẽ tiếp tục giảm dần trong ngày do thượng nguồn hết mưa, lũ về thấp.
Thủy điện Sông Hinh cũng duy trì mức xả lũ 354m 3/s từ rạng sáng 1-12 cho đến nay, trong ngày sẽ tiếp tục giảm.
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng - giám đốc Sở NN&PTNT thôn tỉnh Phú Yên, lũ trên sông Ba đã xuống mức trên dưới báo động cấp 2 ở các trạm đo. Nước lũ đã rút ở hầu hết các địa phương ven sông.
Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên lúc 7h sáng nay cho biết lũ đã làm 10 người chết và mất tích. Trong đó có 4 người chết (huyện Sơn Hòa: 2 người, Tây Hòa, 1 người; thị xã Sông Cầu: 1 người), 6 người mất tích ở thị xã Đông Hòa: 1 người; huyện Phú Hòa 3 người; thành phố Tuy Hòa 2 người.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Đại Dương - bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên - cho biết ngay ngày 30-11, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã có công văn khẩn chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ và phòng chống dịch COVID-19, mấy ngày nay tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc công tác này.
Ngày 1-12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã vận động được 300 triệu đồng để hỗ trợ cho các địa phương bị lũ, hỗ trợ mỗi gia đình có người mất do lũ 5 triệu đồng.
Sơ bộ thiệt hại do mưa lũ tại Phú Yên tính đến 6h30 sáng 2-12:
* Số nhà bị ngập nước
* Lúa vụ mùa bị ngập nước, ngã đổ 469ha; 335ha hoa màu và 1.358ha cây trồng khác bị thiệt hại.
* Số gia súc chết cuốn trôi 598 con; gia cầm bị thiệt hại, cuốn trôi 18.734 con.
* Chìm 1 tàu cá trên biển; 1,9ha tôm các loại bị vỡ hồ, cuốn trôi.
* 19.377m kênh mương bị ngã đổ, hư hỏng; sạt lở, bồi lấp đất đá: 36.900m 3.
* Đến 6h sáng 2-12, các tuyến đường tỉnh, huyện, xã bị ngập sâu, bị chia cắt tại một số vị trí ngầm, tràn mức ngập phổ biến từ 0,2-0,4m; gây tắc giao thông, sạt lở bồi lấp, sụt lún nền đường, mặt đường, với khối lượng 11.000m 3 đất đá... tại các tuyến ĐT.641, ĐT.642, ĐT.645, ĐT.647, ĐT.650, TT Chí Thạnh - TT.La Hai, Triều Sơn - La Hai.
Bình Định nước lũ xuống dưới báo động 1, 3 người chết
Ngày 2-12, ông Hồ Đắc Chương, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết đến sáng nay nước lũ trên toàn tỉnh đã rút nhiều. Tại các điểm ngập sâu ở huyện Tuy Phước, nước lũ đã xuống thấp, dưới mức báo động 1.
Nước rút, người dân tại Bình Định dọn dẹp nhà cửa - Ảnh: LÂM THIÊN
Theo ông Chương, từ hôm qua đến sáng nay, mưa đã ngừng, hiện tại ở các xã Phước Nghĩa, Phước Hòa - nơi ngập sâu nhất của huyện Tuy Phước, nước đã rút bớt. Mực nước ngập hiện tại còn khoảng 0,1-0,3m, giao thông một số nơi đã được kết nối.
Tuy nhiên, tại các đường tỉnh lộ, liên xã, đập tràn vẫn còn nước chảy xiết.
Theo Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, tính đến thời điểm hiện tại, đợt mưa lũ này đã làm 52 xã/10 huyện, thị xã, thành phố với khoảng 31.378 nhà dân bị ngập nước. Đã có 3 người chết, 2 người bị thương do mưa lũ gây ra.
Thiệt hại đến thời điểm hiện tại ước tỉnh khoảng 200 tỉ đồng.
4 người chết do mưa lũ ở miền Trung - Tây Nguyên, miền Bắc đêm nay 30-11 rét sâu Mưa lũ tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên và Tây Nguyên đã làm 4 người chết, hơn 23.000 nhà dân ở Bình Định bị ngập lụt, hiện các địa phương khác đang tiếp tục thống kê thiệt hại. Hơn 23.000 nhà dân ở Bình Định bị ngập lụt do mưa lũ - Ảnh: LÂM THIÊN Theo báo cáo nhanh của...