Người chuyển giới chơi vơi giữa thuốc chợ trời
Suốt 10 năm dùng hormone chuyển giới, Tố An đều phải mua “hàng xách tay”, rồi nhắm mắt tiêm uống bất chấp nguồn gốc hay hậu quả, kể cả cái chết.
Có một thân hình nam tính, gân guốc nhưng Nguyễn Huỳnh Tố An, tên khai sinh Nguyễn Hữu Toàn, nhận thức bản thân là con gái. Sự bức bối và chán ghét cơ thể khiến Tố An khao khát có được hình dáng phụ nữ.
“Tôi đến vài bệnh viện ở Sài Gòn để khám và xin tư vấn thay đổi vóc dáng, nhưng tới đâu người ta cũng từ chối vì không có chuyên môn. Quá bế tắc, tôi chỉ muốn tự tử”, Tố An chia sẻ.
Năm 2009, được một người đồng giới rỉ tai ở Thái Lan có loại thuốc khiến da dẻ mịn màng, tay chân mềm mại, rụng hết râu ria, đặc biệt “mọc vú”, Tố An liền đặt mua. Nhận thuốc, Tố An nhờ bạn tiêm luôn một mũi mà không cần tìm hiểu tác dụng phụ.
Theo ước tính của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), hiện nay tại Việt Nam có khoảng 300.000-500.000 người chuyển giới. Hơn 70% những người này dùng nội tiết tố mua từ người quen, hàng nhập xách tay hoặc các mối trên mạng. Tố An là một trong số đó.
Hiện không có nhà thuốc nào bán, không có cơ sở y tế nào có dịch vụ công khai tiêm hormone cho người muốn chuyển giới. Những người muốn thay hình đổi dạng nam/nữ phải mua hormone từ các nguồn không rõ ràng, dùng không có kiểm soát y tế, dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe.
Tố An trong trang phục nữ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hiện không có hiệu thuốc nào bán, các loại testosterone hay estrogen đều được nhập không chính thức từ nước ngoài, chủ yếu là Thái Lan, Đức, Ấn Độ. Người bán thường quảng cáo hàng chục loại thuốc với các “tác dụng thần kỳ”, tuy nhiên không có giấy tờ về nguồn gốc.
Vì mua bán bất hợp pháp, nguồn cung hormone cho người chuyển giới cũng rất bấp bênh. Ba tháng qua, các chặng bay quốc tế đều bị hạn chế tối đa bởi dịch Covid-19. Người chuyển giới ở Việt Nam cần hormone nhưng không có cách nào khác ngoài chờ đợi.
Tố An cho biết An và nhiều bạn chuyển không tích trữ hormone, nên hiện tại phải dùng tạm thuốc tránh thai.
Video đang HOT
Thiếu thuốc chỉ là một khó khăn cộng thêm cho cuộc sống chật vật của An. Nhiều năm nay, Tố An đã phó mặc tính mạng cho “bạn tiêm” và may rủi. Tiêm bao nhiêu, tiêm vào chỗ nào, tốc độ vào thuốc như thế nào… đều nhờ trải nghiệm.
Có lần Tố An nhờ bạn tiêm vào mông, chưa rút kim, cơn ê buốt đã xộc lên dữ dội. Một bên mông sưng to, nhiễm trùng nặng, có ổ áp xe. An phải mổ, để lại vết sẹo lồi lớn song chẳng dám trách bạn nửa lời.
Trúc Quân, một người chuyển giới nam sang nữ, 21 tuổi, TP HCM, đã điều trị estrogen được 8 tháng. Cũng chỉ nghe truyền miệng về “thần dược”, Quân tìm và mua thuốc qua đầu mối trên mạng xã hội. Sau lần tự tiêm trúng mạch máu, máu chảy thành dòng không ngừng, Trúc Quân sợ hãi nhận ra rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào nếu liều lĩnh như thế.
Nhiều người chuyển giới đã mất mạng vì chủ quan và thiếu kiến thức. Tố An kể, bạn thân chị đang ốm nhưng vẫn tiêm thuốc vì đến kỳ. Cơ thể yếu, sốc thuốc dẫn đến tử vong. Có người tiêm nhầm hormone vào tĩnh mạch gây nghẽn mạch máu, tai biến, qua đời khi chưa tròn 18 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phùng, giảng viên bộ môn Phẫu thuật thẩm mỹ Đại học Y Dược TP HCM, cho biết hiện tại Luật chuyển giới chưa được ban hành. Các cơ sở y tế đủ khả năng nhưng chưa được thực hiện việc tư vấn, can thiệp hay phẫu thuật. Hormone mà người chuyển giới sử dụng có từ nguồn phi chính thức.
Tiêm hormone cho mục đích chuyển giới có thể đối mặt nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ như tắc mạch, loãng xương, tăng huyết áp, phản ứng dị ứng thuốc… Sử dụng hormone chuyển giới không theo chỉ định của bác sĩ và không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế thì nguy cơ càng gia tăng.
“Luật Dân sự đã công nhận quyền chuyển đổi giới tính, một vài bệnh viện cũng đã có phòng khám riêng phục vụ cộng đồng LGBT, sự kỳ thị cũng đã giảm đi rất nhiều”, bác sĩ Phùng nói. “Nếu có biến chứng, tai biến sau khi dùng thuốc nội tiết tố hay phẫu thuật, người chuyển giới nên mạnh dạn tới bệnh viện để điều trị”.
Tỉnh ngộ sau tai nạn, Trúc Quân giờ đã tìm được một phòng khám tư chuyên nam khoa để tiêm thuốc định kỳ. “Mong các bạn của tôi tìm hiểu kỹ tác dụng phụ của thuốc, tìm được người khám và tiêm có chuyên môn. Có khỏe mạnh chúng ta mới hạnh phúc khi được là chính mình”, Quân nói.
6 câu hỏi thường gặp về ung thư buồng trứng
Shannon Westin - Phó giáo sư trung tâm Ung thư phụ khoa và Y học sinh sản tại ĐH Texas chia sẻ một số câu hỏi thường gặp về ung thư buồng trứng.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư buồng trứng chiếm tỷ lệ cao trong các loại bênh ung thư ở phụ nữ, nhưng không nhiều người biết về các yếu tố nguy cơ cũng như dấu hiệu cảnh báo sớm về căn bệnh nguy hiểm này. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về ung thư buồng trứng mà Phó giáo sư Shannon Westin tổng hợp lại.
Ung thư buồng trứng có thể chữa trị thành công nếu phát hiện sớm ở giai đoạn đầu. Ảnh: iStock.
Phụ nữ sau khi cắt tử cung vẫn có thể bị ung thư buồng trứng?
Phụ nữ sau khi cắt tử cung vẫn có thể bị ung thư buồng trứng hoặc một loại ung thư liên quan chặt chẽ được gọi là ung thư phúc mạc nguyên phát, nguy cơ phụ thuộc vào loại phẫu thuật cắt tử cung đã thực hiện trước đó, bác sĩ Westin giải thích. Bởi cắt tử cung một phần (chỉ cắt bỏ tử cung) và cắt tử cung toàn phần (loại bỏ tử cung và cổ tử cung) đều để lại buồng trứng nguyên vẹn, có nghĩa là vẫn có thể phát triển ung thư buồng trứng.
Không có buồng trứng, nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng giảm đáng kể, nhưng vẫn có rủi ro nhỏ là phát triển một loại ung thư trông giống và hoạt động như ung thư buồng trứng. Đây được gọi là ung thư phúc mạc nguyên phát. Nó ảnh hưởng đến các tế bào trong phúc mạc, bao phủ các cơ quan bụng. Tuy nhiên, nguy cơ ung thư phúc mạc nguyên phát là thấp - thấp hơn nhiều so với nguy cơ ung thư buồng trứng suốt đời nếu buồng trứng vẫn còn nguyên.
Bột talcum liên quan thế nào đến việc gây ung thư buồng trứng?
Taclcum được dùng nhiều trong ngành sản xuất mỹ phẩm. Nếu bột talcum được sử dụng ở vùng sinh dục, các hạt bột có thể đi qua âm đạo, tử cung và ống dẫn trứng đến buồng trứng, nơi chúng có thể gây viêm có thể dẫn đến ung thư.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ tháng 1/2020, xem xét hơn 250.000 phụ nữ trong nhiều thập kỷ, các tác giả kết luận rằng không có mối liên quan đáng kể giữa việc sử dụng Talc trong khu vực sinh dục và khả năng phát triển ung thư buồng trứng. Nhưng các nhà khoa học cũng lưu ý nghiên cứu này không quá lớn để nhận ra nguy cơ ung thư buồng trứng của chúng.
Ăn đậu nành gây ung thư buồng trứng?
Đậu nành có làm tăng rủi ro ung thư buồng trứng không là băn khoăn của rất nhiều phụ nữ. Thực tế, đậu nành chứa isoflavone - những chất có thể hoạt động giống như hormone estrogen trong cơ thể. Về mặt lý thuyết, isoflavone có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nhạy cảm với estrogen của phụ nữ, như ung thư buồng trứng. Nhưng estrogen thực vật dường như yếu hơn nhiều so với estrogen của con người.
Một số bằng chứng khác cho thấy isoflavone có thể giúp bảo vệ chống lại ung thư buồng trứng, bằng cách ngăn chặn estrogen tự nhiên mạnh hơn trong máu, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ. Một nghiên cứu khác cũng phát hiện ra những phụ nữ có mức tiêu thụ isoflavone cao có tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng tương đối thấp. Ung thư buồng trứng cũng ít phổ biến hơn ở các nước châu Á, nơi người dân có chế độ tiêu thụ nhiều đậu nành.
Phó giáo sư Shannon Westin cho biết, thực phẩm đậu nành, như đậu phụ, tempeh, edamame, miso và sữa đậu nành là nguồn protein tốt. Đậu nành cũng giúp giảm bệnh tim và giảm cholesterol.
Làm thế nào để phát hiện ung thư buồng trứng sớm?
Hiệp hội Ung thư Mỹ cho biết, chỉ có khoảng 20% ca ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn đầu, trước khi lan rộng. Lý do là, hiện tại, không có xét nghiệm sàng lọc chuẩn hoặc thường quy cho ung thư buồng trứng. Một vấn đề khác là các triệu chứng sớm của ung thư buồng trứng có xu hướng mơ hồ và dễ bỏ qua.
Ung thư buồng trứng được biết đến như một kẻ giết người thầm lặng, nhưng thực tế nó vẫn tồn tại những triệu chứng nhất định chỉ là các triệu chứng này dễ được quy cho các nguyên nhân khác. Ví dụ, nếu cảm thấy đầy hơi hoặc đau bụng, bạn có thể nghĩ đó là vì thức ăn. Đó là lý do tại sao ung thư buồng trứng khó phát hiện sớm, Shannon Westin lý giải.
Bạn nên tìm gặp bác sĩ để tư vấn nếu gặp bất kỳ vấn đề nào sau đây hàng ngày hoặc gần như hàng ngày trong hai tuần: đầy hơi, đau vùng chậu hoặc bụng, đau dạ dày, táo bón, khó ăn hoặc cảm thấy no nhanh, các triệu chứng tiết niệu như khẩn cấp (luôn cảm thấy như bạn phải đi) hoặc tần suất (phải đi thường xuyên); cực kỳ mệt mỏi, đau lưng, đau khi quan hệ.
Nếu bạn có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng do hội chứng di truyền (như hội chứng Lynch), đột biến gen BRCA hoặc tiền sử gia đình về ung thư vú và buồng trứng, bác sĩ có thể đề nghị sàng lọc thường xuyên bằng siêu âm qua màng cứng (sử dụng một thiết bị để phát ra sóng âm thanh tạo ra hình ảnh của các cơ quan vùng chậu), cũng như xét nghiệm CA125 (đo mức protein trong máu có thể cao bất thường ở phụ nữ bị ung thư buồng trứng).
U nang buồng trứng có trở thành ung thư?
Nó có thể, nhưng không nhiều khả năng. U nang buồng trứng là những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng có thể phát triển trong hoặc trên buồng trứng của người phụ nữ. Hầu hết các u nang đều vô hại và xảy ra như một phần bình thường của quá trình rụng trứng (giải phóng trứng). Chúng được gọi là u nang chức năng và thường biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.
Rất hiếm khi, một u nang buồng trứng có thể chuyển thành ung thư. Nếu bạn có một u nang, bác sĩ sẽ đề nghị bạn theo dõi nó để chắc chắn rằng nó không tiếp tục phát triển. Nếu một u nang bắt đầu phát triển lớn hơn hoặc gây ra các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ.
Phương pháp điều trị sinh sản làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng?
Một số phương pháp điều trị sinh sản sử dụng hormone khiến nhiều người lo ngại nguy cơ ung thư được kích thích bởi các hormone này, bao gồm cả ung thư buồng trứng.
Nhiều nghiên cứu đã kiểm tra mối liên quan có thể có giữa thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và việc sử dụng các loại thuốc sinh sản như Clomid (clomiphene citrate) và nguy cơ ung thư buồng trứng. Nhưng kết quả đã mâu thuẫn, với một số báo cáo tăng rủi ro nhỏ và một số tìm thấy không có rủi ro tăng lên, theo Viện Ung thư Quốc gia.
Một số nguyên nhân gây vô sinh, chẳng hạn như béo phì và lạc nội mạc tử cung, cũng có thể làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư buồng trứng.
Bó ngực, cực hình của người chuyển giới nam Ép tim, tức ngực, khó thở, gãy xương sườn, nổi mụn... là tác hại khi người chuyển giới nam bó ngực quá chặt nhằm che giấu cơ thể. Bó ngực là giải pháp giúp người chuyển giới nam hạn chế cảm giác khó chịu ở vòng một, nếu không muốn phẫu thuật cắt ngực. Bó ngực cũng là cách ngụy trang giúp họ...