Người cao tuổi dễ bị nhiễm Covid-19
Nhiều người băn khoăn, liệu Covid-19 chỉ ảnh hưởng đến người già hay những người trẻ tuổi cũng dễ mắc bệnh? Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người cao tuổi (NCT) là một trong những đối tượng dễ bị nhiễm Covid-19 nhất và nguy cơ tử vong cũng cao hơn so với các lứa tuổi khác.
Kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Hải Linh
80% ca tử vong ở Vũ Hán là người cao tuổi
Theo WHO phân tích về tình hình dịch bệnh do Covid-19 cho thấy, ở người già và những người mắc bệnh nội khoa từ trước (như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim) dường như dễ bị bệnh nặng hơn khi nhiễm virus, nguy cơ tử vong cao hơn. Vì vậy, cần chủ động phòng bệnh đối với NCT trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng.
Còn các nhà khoa học trên thế giới khuyến cáo NCT, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường không nên đi lễ hội hay đến những nơi đông người.
Về vấn đề này, theo PGS.TS Trần Đắc Phu – cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) nhấn mạnh, chúng ta chỉ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Covid-19 lây truyền chủ yếu qua 3 phương thức: Lây qua không khí (tiếp xúc với dịch tiết ra từ những người ho, hắt hơi, sổ mũi); lây trực tiếp (khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, thậm chí bị lây khi bắt tay người bệnh mà không thực hành các biện pháp phòng vệ và lây truyền khi chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng… “Như vậy, có thể khẳng định về mức độ nguy hiểm của Covid-19 là rất cao và NCT là đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả” – ông Phu nói.
Trong khi đó, TS Trần Quang Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa T.Ư cho biết, theo thống kê mới về dịch bệnh Covid-19 gần đây, nhóm NCT nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao. Bởi theo nghiên cứu của Viện Lão khoa, NCT là nhóm có đa bệnh lý.
Các bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh xương khớp, phổi mãn tính. Chính vì vậy, sức đề kháng của NCT giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu NCT bị nhiễm, Covid-19 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong. Thống kê cho thấy, chiếm tỷ lệ đến 80% bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Vũ Hán là NCT.
Cần tránh xa các nguồn lây nhiễm
Để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, TS Trần Quang Thắng khuyến cáo, NCT có nhiều bệnh lý thì bản thân các bệnh lý phải được kiểm soát tốt bằng thuốc, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời, quan trọng khi có các triệu chứng, NCT phải đi khám ở các cơ sở y tế để có ngay các biện pháp điều trị cũng như cách ly kịp thời.
TS Trần Quang Thắng cũng cho rằng, việc tập thể dục là một thói quen tốt, tuy nhiên, thời gian tốt nhất để tập thể dục là buổi sáng. Tùy theo điều kiện thời tiết mưa, NCT sắp xếp thời gian tập sao cho hợp lý nhất. “Những NCT hiện đang sống ngoài vùng dịch thì không cần phải hạn chế việc đi tập thể dục. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, NCT vẫn nên có những biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, bảo đảm đủ ấm khi thời tiết lạnh như hiện nay để phòng chống các bệnh lây nhiễm khác ngoài Covid-19. Còn trong vùng dịch, khuyến cáo NCT không nên tập thể dục” – TS Trần Quang Thắng khuyến cáo.
Video đang HOT
Giải thích về vấn đề NCT dễ bị nặng hơn khi bệnh xâm nhập, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh – Trưởng bộ môn Y học gia đình, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nguyên nhân là NCT thường có bệnh nền mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn, khớp, loãng xương… Ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác. Khi NCT mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, suy đa tạng làm phức tạp việc điều trị.
Ngoài việc duy trì điều trị thường quy, NCT nên tránh xa các nguồn lây nhiễm. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ đường mũi, họng sạch, giữ ấm, đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc ở chỗ đông người, rửa tay thường xuyên. Không nên dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc uống nước. Cần giặt khăn thường xuyên và giữ khăn luôn khô, sạch; không treo khăn mặt, khăn tắm ẩm ướt trong nhà vệ sinh. Những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, Parkinson… cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài chế độ dinh dưỡng dành cho các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp… NCT phải ăn uống đủ chất dinh dưỡng nhiều kalo, đạm, mỡ… để cung cấp năng lượng cho bệnh nhân chống đỡ với bệnh tật. Ngoài ra, các chất vi lượng như vitamin, chất khoáng cũng phải cung cấp đủ, đồng thời, phải uống đủ nước.
Theo kinhtedothi
Vì sao nam giới dễ nhiễm Covid-19 hơn phụ nữ?
Các nhà khoa học cho rằng nam giới có nhiều khả năng nhiễm Covid-19 hơn nữ giới là do yếu tố sinh học và lối sống.
Chủng virus corona mới (Covid-19) bùng phát tại Trung Quốc vào tháng 12/2019 đã gieo rắc nỗi sợ hãi và lo lắng trên khắp thế giới. Trong khi trẻ em, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, có ít khả năng nhiễm Covid-19 thì chủng virus mới này là mối đe dọa đối với người trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là ở nam giới.
Những người đàn ông có triệu chứng nhẹ của Covid-19 tại một trung tâm triển lãm được chuyển thành một bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: AFP
Trong tuần này, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc đã công bố phân tích về các trường hợp nhiễm Covid-19 cho đến nay. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, mặc dù tỷ lệ đàn ông và phụ nữ nhiễm Covid-19 là ngang nhau thì tỷ lệ tử vong ở nam giới là 2,8% so với chỉ 1,7% ở phụ nữ.
Tỷ lệ tử vong của nam giới trong dịch SARS và MERS trước đây cũng không tương xứng so với nữ giới. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học Annals of Internal Medicine, số lượng nữ giới nhiễm SARS ở Hong Kong (Trung Quốc) năm 2003 cao hơn số lượng nam giới, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở nam giới lại cao hơn tới 50%.
Khoảng 32% nam giới nhiễm MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) đã tử vong, so với 25,8% ở nữ giới. Tỷ lệ nam thanh niên trưởng thành tử vong trong dịch cúm năm 1918 cũng cao hơn so với nữ giới cùng độ tuổi.
Các nhà khoa học cho biết, một số yếu tố khiến đàn ông có nhiều khả năng nhiễm bệnh hơn so với phụ nữ là do yếu tố sinh học và một số yếu tố bắt nguồn từ lối sống.
Hệ miễn dịch của nữ giới tốt hơn nam giới?
Xét theo khía cạnh miễn dịch, nam giới được cho là "yếu thế" hơn.
Tiến sĩ Sabra Klein, một nhà khoa học nghiên cứu về sự khác biệt giới tính trong nhiễm virus và phản ứng tiêm chủng tại Trường y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết: "Đây là xu hướng mà chúng ta đã thấy trong nhiều bệnh về đường hô hấp - nam giới sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn".
"Chúng tôi đã thấy điều tương tự với nhiều loại virus. Phụ nữ có hệ miễn dịch chống lại virus tốt hơn", bà Sabra Klein nói thêm.
Cơ thể phụ nữ cũng tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh hơn sau khi tiêm chủng và trong cơ thể họ có các phản ứng miễn dịch giúp tăng cường trí nhớ, bảo vệ người trưởng thành khỏi mầm bệnh mà họ đã tiếp xúc khi còn nhỏ.
Tiến sĩ Janine Clayton, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Sức khỏe Phụ nữ tại Viện Sức khỏe Quốc gia cho biết: "Có một thứ gì đó về hệ miễn dịch của phụ nữ khiến họ có sức đề kháng tốt hơn".
Bà Janine Clayton cũng nói thêm: "Tuy nhiên, phụ nữ rất dễ mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ. Khi nhiễm bệnh, hệ miễn dịch sẽ bị rối loạn và tấn công các tế bào của cơ thể. Gần 80% những người mắc bệnh tự miễn là phụ nữ".
Các chuyên gia lưu ý rằng, lý do mà phụ nữ có phản ứng miễn dịch mạnh hơn hiện chưa được làm rõ và vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.
Một giả thuyết khác cho rằng, phụ nữ có hệ miễn dịch tốt hơn sẽ mang lại khả năng sống sót cao cho con của họ, chúng sẽ hấp thụ kháng thể từ sữa mẹ, giúp ngăn ngừa bệnh tật trong quá trình hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh đang phát triển.
Một yếu tố sinh học khác có thể ảnh hưởng tới hệ miễn dịch đó là nội tiết tố nữ oestrogen dường như đóng vai trò miễn dịch. Trên thực tế, phụ nữ mang 2 nhiễm sắc thể X, có chứa các gen liên quan đến miễn dịch, trong khi đó, nam giới chỉ mang 1 nhiễm sắc thể X.
Kết quả thí nghiệm trên động vật cho thấy, chuột đực dễ bị nhiễm bệnh hơn chuột cái và sự chênh lệch sẽ tăng theo độ tuổi.
Phản ứng miễn dịch của những con chuột đực nhiễm SARS sẽ chậm hơn và khó khăn để loại bỏ virus ra khỏi cơ thể. Chúng bị tổn thương phổi nhiều hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn, Giáo sư Stanley Perlman, chuyên gia vi sinh tại Đại học Iowa, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Khi các nhà nghiên cứu chặn estrogen ở con cái bị nhiễm bệnh hoặc cắt bỏ buồng trứng, chúng sẽ có nhiều khả năng tử vong. Tuy nhiên, việc ngăn chặn nội tiết tố nam testosterone ở chuột đực thì không có gì khác biệt. Điều này cho thấy, nội tiết tố nữ estrogen đóng vai trò miễn dịch.
"Đó là một ví dụ về những gì xảy ra trong cơ thể con người. Sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới rất khó phát hiện, tuy nhiên, điều này ở chuột khá dễ thấy", Giáo sư Perlman nói.
Ảnh hưởng từ lối sống
Các hành vi sức khỏe khác nhau theo giới tính cũng có thể đóng vai trò trong các phản ứng khác nhau đối với các bệnh lây nhiễm.
Trung Quốc có số lượng người hút thuốc lá lớn nhất trên thế giới với 316 triệu người, chiếm gần 1/3 số người hút thuốc trên toàn cầu. Quốc gia này cũng tiêu thụ 40% thuốc lá trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ hơn 2% phụ nữ tại Trung Quốc hút thuốc, ít hơn nhiều so với nam giới.
Các y tá cổ vũ một bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: EFE
Nam giới tại Trung Quốc cũng có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và huyết áp cao hơn phụ nữ, cả 2 căn bệnh này đều làm tăng nguy cơ biến chứng sau khi nhiễm Covid-19. Tỷ lễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở nam giới Trung Quốc cũng cao gần gấp đôi so với nữ giới.
Trong các nghiên cứu chưa được công bố, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh chậm hoặc bị viêm phổi nặng trong lần chẩn đoán đầu tiên, có nguy cơ tử vong cao nhất.
Một nghiên cứu trên 4.021 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện bệnh sớm, đặc biệt là ở những người đàn ông lớn tuổi. Giáo sư Akiko Iwasaki, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Yale (Mỹ) cho biết, nam giới có thể có "cảm giác an toàn sai lầm" khi nói đến dịch Covid-19.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 12/2019, các quan chức y tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nam giới, ngay cả là nhân viên y tế, thường ít rửa tay hoặc sử dụng xà phòng hơn phụ nữ, Tiến sĩ Klein cho biết./.
CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)
Theo NY Times
TP Hồ Chí Minh: Ngoài Covid-19, người dân phải chủ động phòng tránh các loại bệnh vào mùa nắng nóng Thời điểm hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh đang bước vào thời kỳ nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ban ngày có lúc lên đến 35-36 độ C tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi khuẩn (còn gọi là vi rút)... dễ bùng phát và tấn công những người có sức đề kém...