‘Người cận vệ của Bác Hồ đã ra đi rồi!’
“Người cận vệ của Bác Hồ đã ra đi rồi!”. Nhiều đồng đội thân thương nhắc về ông như thế.
Đảng ủy – ban giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM viếng linh cữu thiếu tướng Phan Văn Xoàn
Ông là thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ, người từng làm cận vệ thân cận bên cạnh Bác Hồ với nhiều kỷ niệm khó quên.
Con người cương trực
Sinh ngày 15/1/1924 tại Cà Mau, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940. Năm 1955, khi theo đoàn quân về tiếp quản thủ đô, ông bắt đầu tham gia công tác bảo vệ ở Bộ Công an, từ đó cuộc đời ông gắn liền với công tác cảnh vệ, trên nhiều cương vị khác nhau.
Ông từng giữ trọng trách cục phó rồi cục trưởng Cục Cảnh vệ (thuộc Bộ Công an) từ năm 1958-1989 và sau đó là quyền tư lệnh rồi tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ cho đến ngày về hưu năm 1992.
Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, năm nay 92 tuổi, là vợ của ông Lê Văn Lương (nguyên trưởng Ban Tổ chức trung ương), xúc động nói: “Tôi nhận được tin anh Xoàn ra đi hơi muộn. Chắc anh em nghĩ tôi cũng lớn tuổi rồi, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên mới chậm báo tin buồn này!”.
Là một trong những người gần gũi với tướng Xoàn từ thời còn làm ở Cục Cảnh vệ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, bà kể khi ông Xoàn đảm nhiệm cục trưởng thì bà làm cục phó, nên hai người rất hiểu nhau.
Video đang HOT
“Tính anh Xoàn cương trực, mạnh mẽ lắm. Anh rất thẳng tính, khi nguyên tắc thì cực kỳ nguyên tắc trong công việc, nhưng lúc tình cảm thì cũng chan hòa hết mình với anh em – bà nói – Người bên ngoài có thể khó hiểu, nhưng người trong lực lượng rất hiểu đặc tính này. Làm cảnh vệ lãnh tụ, chỉ một sợi tóc, một cây tăm không đúng chỗ cũng phải đề cao cảnh giác. Không tuân thủ nguyên tắc thì không làm cảnh vệ được, mà cũng không thể thiếu tình người, thiếu trái tim”.
Ngoài trọng trách bảo vệ Bác Hồ, tướng Xoàn cũng hoàn thành nhiều nhiệm vụ đặc biệt trong thời gian phụ trách Cục Cảnh vệ.
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn
Suốt mấy năm diễn ra Hội nghị Paris ở Pháp khởi đầu từ năm 1968, ông là người tổ chức tuyệt đối an toàn cho nhiều đoàn cán bộ ta sang tham dự hội nghị.
Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã xúc động đánh giá: “Trên đất Pháp, ròng rã gần năm năm trời, các đồng chí đã bảo vệ tuyệt đối an toàn hai đoàn đàm phán của ta, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa VN và Mỹ, 500 cuộc họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn diễn ra nhưng không một thông tin nào, địa điểm nào, tài liệu nào bị tiết lộ. Giữ được tuyệt đối bí mật các kế hoạch đấu tranh của ta, nội dung thông tin liên lạc của đoàn ta ở Paris với Hà Nội. Đảm bảo an toàn về chính trị cũng như đoàn kết nội bộ, chủ động thực hiện tốt các phương án đấu tranh với địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của ta ở Hội nghị Paris về VN”.
Sẵn sàng chết cho lãnh tụ
Hồi tưởng về cấp trên cũng là đồng đội từng sát cánh bên nhau suốt thời kỳ bảo vệ Bác, đại tá Bích Thuận kể bà đã đồng cảm và học hỏi được nhiều điều từ ông Xoàn. Người con trai miền Nam đi làm cách mạng là sẵn sàng từ bỏ tất cả cho lý tưởng của mình.
Con đường ra Bắc của ông rất đặc biệt với đôi chân trần xuất phát từ Hà Tiên vượt rừng núi Campuchia, Thái Lan, Lào suốt nhiều tháng ròng rã mới đến được Nghệ An.
Khi về đảm nhiệm trọng trách bảo vệ sự an toàn cho Bác Hồ, ông hay nhắc anh em sẵn sàng hi sinh xương máu bất cứ lúc nào để bảo vệ lãnh tụ, đừng bao giờ đặt nặng bản thân mình.
Nhà tướng Xoàn rất đông con, ông sống cực kỳ giản dị, tiết kiệm. Khi đã vào công việc và ở bên đồng đội thì ông không còn nghĩ gì cho riêng mình nữa. Ông sẵn sàng sẻ chia cho anh em từng tấm áo, chén cơm.
“Tôi và anh Xoàn có những lần theo bảo vệ Bác trong những chuyến đi thăm các địa phương, kể cả ra nước ngoài. Nhìn anh Xoàn mộc mạc, hào sảng thế, nhưng anh tỉ mỉ quan tâm chặt chẽ đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của lãnh tụ. Anh em nào sơ suất vi phạm, anh nhắc nhở rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, sau khi anh em đã hoàn thành trọng trách, anh luôn quan tâm đến vấn đề cơm nước, nghỉ ngơi của họ một cách chu đáo. Tấm lòng anh rộng lớn lắm” – bà Thuận tâm sự.
Sau này, khi về hưu và sáng lập công ty vệ sĩ, tư chất của một người cận vệ lãnh tụ vẫn sống mãi trong tướng Xoàn và được ông tiếp truyền lại cho các thế hệ vệ sĩ đàn em. Đó chính là tinh thần đồng đội, sẵn sàng chết cho trách nhiệm và lý tưởng!
Hôm nay (2/5) làm lễ truy điệu Tiếc thương thiếu tướng Phan Văn Xoàn qua đời lúc 23h24 ngày 29/4, các vị lãnh đạo Nhà nước, TP.HCM và hàng trăm đoàn của các cá nhân, tổ chức đã đến viếng, chia buồn cùng gia quyến thiếu tướng Phan Văn Xoàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ truy điệu thiếu tướng Phan Văn Xoàn được tổ chức lúc 13h30 ngày 2/5, sau đó linh cữu thiếu tướng Phan Văn Xoàn sẽ được hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Trích hồi ký tướng Phan Văn Xoàn “Mùa xuân năm 1960, vào khoảng tháng 3, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gọi tôi đến, bảo tôi thay anh Phạm Lê Ninh (được cử đi học) lo trực tiếp bảo vệ Bác Hồ. Quá bất ngờ, tôi xúc động đến ứa nước mắt và sau đó là nỗi lo lắng, hồi hộp. Suốt nhiều đêm tôi không ngủ, trằn trọc suy nghĩ, đây là sự kiện lớn nhất trong đời tôi… Tôi còn nhớ có một buổi chiều, khi cơm nước xong, Bác đi dạo quanh hồ trong Phủ chủ tịch. Vì còn lúng túng và lo ngại nên tôi không biết phải đi như thế nào cho phù hợp, cứ lẽo đẽo theo sau. Bác thong thả bước và thỉnh thoảng ngoái lại nhìn, hiểu được tâm trạng của người cận vệ mới, Bác chủ động gọi tôi lại, cùng đi bên cạnh Bác, vừa đi vừa trò chuyện một cách thân tình như một người cha đối với đứa con… Buổi đầu tiên trực tiếp làm cận vệ Bác Hồ của tôi như thế, nó ấm áp làm sao. Với tôi, 10 năm được gần gũi bên Bác là cả một cuộc đời”.
Theo Xahoi
Người cận vệ của Bác Hồ đã ra đi
Ông là Thiếu tướng Phan Văn Xoàn (Thanh Nam), nguyên Tư lệnh - Bộ tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an, người từng làm cận vệ thân cận bên cạnh Bác Hồ.
Hôm nay (2/5), lễ truy điệu Thiếu tướng Phan Văn Xoàn sẽ diễn ra lúc 13 giờ 30 tại Nhà Tang lễ TP HCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM), sau đó linh cữu được hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn sinh năm 1924 tại Cà Mau. Ông qua đời lúc 23 giờ 24 phút ngày 29/4 (tức ngày 1/4 năm Giáp Ngọ) tại nhà riêng. Trong hai ngày qua, các vị lãnh đạo Nhà nước, TP HCM và hàng trăm đoàn của các cá nhân, tổ chức đã đến viếng, chia buồn cùng gia quyến Thiếu tướng Phan Văn Xoàn tại Nhà tang lễ TP HCM.
Chư tăng đến viếng Thiếu tướng Phan Văn Xoàn
Đau buồn trước sự ra đi của Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đã kính cẩn kính viếng và thành kính chia buồn sâu sắc cùng gia đình. Đối với ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thiếu tướng Phan Văn Xoàn là tấm gương của đức trung thành, tận tụy hy sinh cho các thế hệ con cháu noi theo.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải cũng đến chia buồn sâu sắc cùng gia quyến Thiếu tướng. Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, xúc động viết trong sổ tang: "Con là Thân Thị Thư đây! Đứa mà Bác Năm - Thiếu tướng Phan Văn Xoàn hay gọi là "Bê Tê". Hôm nay, con đến thắp nhang cho Bác - Người con đặc biệt kính trọng, Người mà con luôn học tập ở tính kỷ luật, ở sự nhân hậu, ở tấm lòng với nước với dân. Con mong Bác thanh thản về cõi vĩnh hằng, về nơi có những người thân yêu gặp lại. Hơn hết là Bác Hồ - Người mà cả tuổi thanh xuân Bác đã cận kề với tất cả vinh dự và trọng trách, với tất cả tình yêu thương".
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng; Huân chương Quân công; Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc; Huy chương Kháng chiến Nam Bộ; Huy chương Vì ANTQ; Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ"; Huy hiệu 40 năm, 50 năm, 60 năm và 70 năm tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Theo Ph.Anh (Người Lao Động)