Người bị suy thận mạn: Chế độ ăn rất quan trọng
Suy thận mạn là hậu quả của các bệnh mạn tính của thận gây giảm sút số lượng đơn vị chức năng thận (nephron) làm giảm dần mức lọc cầu thận. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thì chế độ ăn rất quan trọng. Bệnh nhân thực hiện một chế độ ăn càng đúng thì thời gian điều trị bảo tồn càng được kéo dài và chất lượng cuộc sống càng được nâng cao.
Chế độ ăn trong suy thận mạn nhằm mục đích hạn chế tăng urê máu, làm chậm lại tiến trình suy thận mạn. Nguyên tắc là phải đủ năng lượng, đủ vitamin, đủ yếu tố vi lượng, đảm bảo cân bằng nước, điện giải.
Năng lượng:
Người lớn: 35-40 kcal/kg/ ngày. Trẻ em: đảm bảo nhu cầu khuyến nghị theo tuổi. Nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu từ tinh bột và chất béo.
Chất béo (lipid):
Chiếm 20-30% tổng năng lượng. Chú ý các thực phẩm giàu các acid béo không no nhiều nối đôi (dầu cá, dầu ô liu, dầu đậu nành…).
Người bị suy thận mạn không nên ăn nhiều đậu, đỗ. Ảnh: MH
Tinh bột (glucid):
Video đang HOT
Nên sử dụng nhiều các các thực phẩm giàu glucid nhưng ít đạm như: sắn, khoai lang, khoai sọ, khoai tây, miến dong, bột sắn dây. Không nên ăn nhiều các loại ngũ cốc có nhiều đạm như gạo, mì,… Chỉ ăn từ 100-150g/ngày tuỳ theo mức độ suy thận. Nên sử dụng các loại đường, mật ong, mật mía, kẹo ngọt.
Chất đạm (protein):
Chế độ đạm đối với người lớn từ 0,4-0,8g/kg/ngày tùy theo mức độ suy thận. Đối với trẻ em, tùy theo độ tuổi mà có các định lượng khác nhau. Do vậy cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Sử dụng đạm quí có nhiều axit amin cần thiết cho cơ thể như các thức ăn động vật (thịt bò, gà, lợn, vịt, cá, tôm, sữa…). Không nên ăn nhiều đạm thực vật như đậu đỗ vì các loại thức ăn này có nhiều kali. Hạn chế các thức ăn có nhiều photphat như gan, bầu dục, trứng. Tăng thức ăn nhiều calci như tôm, cá, sụn.
- Đảm bảo cân bằng nước, điện giải:
Ăn nhạt khi có phù, cao huyết áp. Nước: hạn chế khi có phù, thiểu niệu hoặc vô niệu. Người lớn: (Lượng nước = lượng nước tiểu 300 đến 500 ml, tùy theo mùa). Trẻ em: (Lượng nước = lượng nước tiểu 35 – 45ml/kg, tùy theo mùa).
Hạn chế các thực phẩm có nhiều kali như cam, chanh, bưởi, chuối, nho, đặc biệt các loại quả khô và hạt khô. Rau tươi có nhiều kali nhưng có thể luộc 2-3 lần bỏ nước. Trong trường hợp tiểu ít và vô niệu thì nên bỏ hẳn rau và quả, đề phòng tăng kali máu.
Bổ sung đủ vitamin, yếu tố vi lượng, chống thiếu máu: Sắt, vitamin B12, acid folic, vitaminB6 là phức hợp chống thiếu máu cần bổ sung cho bữa ăn.
Người bệnh nên theo dõi cân nặng hằng ngày vào một giờ nhất định, trên cùng một chiếc cân (kiểm tra cân bằng 1 can nước ). Nếu tăng cân thì cần xem lại chế độ dinh dưỡng (vì người bệnh đã sử dụng muối và nước nhiều hơn nhu cầu cho phép). Không nên ăn những thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối: cá khô, cá muối, thịt muối, cà muối, giò, chả, patê, xúc xích, thịt hộp, cá hộp… Không nên cho muối (Nước mắm, gia vị, mì chính, muối..) khi chế biến món ăn.
Theo Cẩm nang gia đình
Điều trị thiếu máu trong suy thận mạn có gì mới?
Điều trị tốt thiếu máu do suy thận sẽ làm giảm nguy cơ tử vong (Ảnh: SKĐS)
Thiếu máu trong suy thận mạn có biểu hiện lâm sàng và thể dịch rất rõ ràng. Chức năng thận càng giảm thì thiếu máu càng nặng, vì vậy, thiếu máu là một trong những tiêu chí để phân biệt giai đoạn suy thận.
Tại sao khi suy thận bệnh nhân bị thiếu máu?
Ở người trưởng thành, thận là cơ quan chủ đạo điều hòa sản xuất erythropoietin, một nội tiết tố kích thích sản sinh hồng cầu theo cơ chế feed - back (ức chế ngược) đáp ứng với nồng độ oxygen cung cấp cho tổ chức. Erythropoeietin tác động kích thích tủy xương sản sinh hồng cầu nhằm vào khâu biệt hóa hồng cầu. Nếu thiếu erythropoietin thì hồng cầu không thể tiếp tục biệt hóa, tức là không "chín" được thành hồng cầu trưởng thành.
Ngoài thiếu erythropoietin, ở người suy thận còn thiếu dinh dưỡng, thiếu sắt, thiếu vitamin B12, folate.
Thiếu máu sẽ gây hậu quả nào trong suy thận mạn?
Khi thiếu máu, sự vận chuyển oxygen đến các mô, đặc biệt cơ tim bị giảm sút làm gia tăng gánh nặng cho tim mạch: tim nhịp nhanh, tăng huyết áp, suy tim, đột quỵ tim.
Ngoài ra, thiếu máu còn làm suy thận nặng lên và người bệnh bị giảm chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, điều trị tốt thiếu máu trong suy thận sẽ giảm tỉ lệ tử vong tăng tỉ lệ sống giảm các biến chứng tim mạch giảm tần suất nhập viện làm chậm tiến triển suy thận mạn cải thiện chất lượng cuộc sống.
Điểm mới trong điều trị thiếu máu do suy thận mạn
Từ năm 1983, nhờ kỹ thuật tái tạo gen, y học đã sản xuất được erythropoietin giống như erythropoietin tự nhiên của người và gọi là erythropoietin người tái tổ hợp (rHu - EPO). Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong điều trị thiếu máu do suy thận mạn và phương pháp điều trị thay thế erythropoietin nội sinh bằng erythropoiesis - stimulating agents - ESAs được khởi xướng và phát triển.
Hiện tại đang có 3 nhóm ESA để điều trị thiếu máu do suy thận mạn.
- ESA tác dụng ngắn: EPO alpha (eprex, epogen, epokin) EPO bêta (neorecormon). Quãng tiêm: 2 - 3 lần/tuần.
- ESA tác dụng trung bình: Darbepoetin alpha - Aranesp. Quãng tiêm 1 - 2 lần/2 tuần.
- ESA tác dụng kéo dài: Mircera. Quãng tiêm 1 lần/4 tuần.
Theo khuyến cáo của các nhà thận học:
- Nên điều trị sớm khi hemoglobin máu dưới 10g/dl.
- Phác đồ, chọn thuốc phù hợp cho từng người bệnh.
- Nồng độ hemoglobin trong máu phải ổn định, không được dao động nhiều.
- Cung cấp đủ sắt, vitamin, folate.
- Trường hợp thiếu máu rất nặng vẫn cần truyền khối hồng cầu hoặc máu toàn phần cấp cứu.
Hiện nay, thuốc tương tự sinh học epo (biosimilar epo) đang được nghiên cứu và có khả năng áp dụng sớm trên lâm sàng.
Theo PGS.BS. Trần Văn Chất (Báo Sức khỏe đời sống)
Người bệnh viêm cầu thận mạn tính cần ăn uống thế nào? Chị tôi năm nay 32 tuổi, hơn một năm trước chị ấy bị phù toàn thân, tái đi tái lại nhiều lần. Đã đi khám và được bác sĩ cho biết bị viêm cầu thận mạn tính. Tôi nghe nói, người bị bệnh này phải thực hiện chế độ ăn rất khắt khe như phải ăn nhạt, uống ít nước... Xin hỏi như...