Người Ấn Độ chật vật đăng ký vaccine Covid-19
Người Ấn Độ trên 18 tuổi đổ xô đăng ký trực tuyến tiêm vaccine Covid-19 nhưng trang web liên tục bị sập và nhiều người không thể giành được cơ hội.
Ấn Độ hôm nay mở cổng đăng ký trực tuyến tiêm vaccine cho tất cả người trên 18 tuổi từ ngày 1/5. Tuy nhiên, Ấn Độ, một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, chưa có đủ lượng vaccine để tiêm cho khoảng 600 triệu người đủ tiêu chuẩn.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Chennai, Ấn Độ ngày 28/4. Ảnh: AFP .
Nhiều người phàn nàn trên mạng xã hội rằng họ đăng ký thất bại hoặc thậm chí là không thể vào được trang web do nó liên tục bị sập. “Tôi đã cố gắng đăng ký một suất tiêm nhưng thất bại hết lần này đến lần khác”, người có tên Shourya Agarwal viết trên Twitter.
Kể cả những người đã đến lượt tiêm cũng chưa được toại nguyện. “Họ thông báo rằng chúng tôi chưa tiêm được vì vaccine chưa đến”, Pushpa Goswami, cư dân Mumbai cho biết tại một trung tâm tiêm chủng. Bà đã đăng ký ba ngày trước.
Người đứng đầu khu vực Nam Á của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế Udaya Regmi cho biết thế giới đang bước vào giai đoạn quan trọng của đại dịch và cần phải tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành càng sớm càng tốt. “Đây là tình huống cấp bách cả về đạo đức và y tế công cộng”, ông nói. “Khi các biến thể tiếp tục lan rộng, đại dịch còn lâu mới kết thúc cho đến khi toàn thế giới được an toàn”.
Khoảng 9% dân số Ấn Độ đã tiêm một liều vaccine kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu vào tháng một với các nhân viên y tế và sau đó là người cao tuổi. Nhà dịch tễ học Bhramar Mukherjee cho biết Ấn Độ phải kết hợp chương trình tiêm chủng với phong tỏa trên diện rộng để làm chậm sự lây lan.
“Tại thời điểm này, mạng sống quan trọng hơn nhiều so với kế sinh nhai”, giáo sư Đại học Michigan viết trên Twitter. “Cung cấp hỗ trợ cho người nghèo, nhưng xin hãy phong tỏa và tiêm chủng”.
Các lò hỏa táng ở New Delhi đang phải xây thêm giàn hỏa thiêu dã chiến
New Delhi chặt cây ở công viên để hỏa táng người chết ngày 27/4. Video: Guardian .
Thủ đô New Delhi đang bị phong tỏa cho đến tuần tới và chính quyền của bang Maharashtra, nơi có thủ đô tài chính Mumbai, cho biết họ đang xem xét kéo dài thời gian phong tỏa đến giữa tháng 5. Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã phản đối biện pháp như vậy vì lo ngại về hệ quả kinh tế.
Trong tuần qua, Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca mới mỗi ngày, khiến các cơ sở y tế và lò hỏa táng quá tải, các đồng minh gấp rút gửi thiết bị để hỗ trợ. Ấn Độ báo cáo tổng cộng 18 triệu ca, trong đó hơn 201.000 người chết. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng con số chính thức này thấp hơn nhiều số ca nhiễm thực tế ở quốc gia 1,35 tỷ dân.
Cuộc chiến với khủng hoảng oxy Ấn Độ
Điện thoại của Mohit Arora liên tục đổ chuông suốt hai tuần nay, có ngày hơn 1.000 cuộc, tất cả đều tuyệt vọng nhờ anh cung cấp oxy.
Làn sóng Covid-19 thứ hai đang tàn phá Ấn Độ. Tại thủ đô New Delhi, số ca nhiễm tăng vọt, nguồn cung oxy cạn kiệt, bệnh viện quá tải, khiến bác sĩ phải chỉ định bệnh nhân tự tìm oxy, đẩy nhu cầu tăng lên mức chưa từng có.
Một số nhà cung cấp oxy ở chợ đen đã đẩy giá một bình oxy từ 80 USD lên 970 USD. Tuy nhiên, một đội quân tình nguyện đã vào cuộc, cung cấp bình và nạp oxy miễn phí cho người bệnh.
Người nhà bệnh nhân Covid-19 mang theo bình rỗng, xếp hàng chờ nạp oxy tại một trung tâm ở Delhi hôm 27/4. Ảnh: Anadolu Agency
Arora làm việc cho Sewa Satkar Trust, tổ chức phân phối bình và oxy miễn phí tại New Delhi. Nhưng năng lực của họ không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
"Ngày nào cũng tôi cũng nhận được 1.000 cuộc gọi, nhưng chỉ có thể cung cấp 10-25 bình mỗi ngày", Arora nói. "Thật đau lòng. Người ta gọi điện tới, cầu xin trong nước mắt cả đêm".
"Tình hình ở Delhi cực kỳ khủng khiếp, người chết trên đường phố, ngoài cổng bệnh viện, vì không có oxy để thở. Chúng tôi đã làm hết sức mình nhưng thật đau lòng khi phải từ chối, bởi không thể cung cấp đủ nhu cầu. Đôi khi chúng tôi phải tắt điện thoại để nghỉ ngơi, dù chỉ trong nửa tiếng".
Gần đây, ngay cả những bệnh viện tư nhân lớn nhất Delhi như Vedanta cũng gọi điện, thông báo đang thiếu oxy và "đề nghị chúng tôi cung cấp bình đựng khẩn cấp", Arora cho hay.
"Rõ ràng cả chính quyền trung ương và chính quyền bang đều thất bại. Do đó, các tổ chức phi chính phủ nhỏ và dân sự phải cố gắng tham gia, làm hết sức có thể. Nhưng vẫn chưa đủ, không thể đủ lấp đầy khoảng trống", anh nói.
Sewa Satkar Trust nằm trong số các tổ chức tình nguyện cho hay ngày càng khó khăn để tìm mua oxy từ các nhà máy. Quy định mới do chính phủ ban hành quy định các nhà máy phải bán oxy trực tiếp cho bệnh viện, thay vì nạp đầy bình chứa cho cá nhân. Nhưng đa số bệnh nhân cần oxy lại không thể nhập viện.
Số ca nhiễm vẫn tăng ở thủ đô, nơi ghi nhận tỷ lệ dương tính hơn 35% và báo cáo hơn 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, trong lúc Ấn Độ tiếp tục báo cáo hơn 300.000 ca nhiễm mới hôm 27/4, ngày mà không còn một giường chăm sóc đặc biệt nào còn trống ở Delhi.
Cuộc khủng hoảng oxy tại Ấn Độ nghiêm trọng tới mức cộng đồng quốc tế bắt đầu gửi hỗ trợ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang gửi 4.000 máy tạo oxy, loại chiết tách oxy từ không khí, còn các quốc gia như Đức, Singapore, Mỹ, Anh và thậm chí cả những nước láng giềng nhỏ như Bhutan, đều cam kết cung cấp oxy và máy tạo oxy.
Faisal Khaliq, tình nguyện viên của Madrasa Amania Trust, cũng tham gia vào đội ngũ phân phát bình oxy miễn phí khắp Delhi. Làm việc với một tổ chức phi chính phủ khác là Asma Esa Foundation (AEF), tổ chức này bắt đầu mua bình đựng oxy từ tháng 2 và đang phân phối 200 bình đựng mỗi ngày miễn phí khắp Delhi.
Nhưng Khaliq cho hay "không thể" đáp ứng mọi nhu cầu. Cần ít nhất 5.000 bình mới đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại.
"Tôi từng khóc rất nhiều lần khi nghe người ta cầu xin oxy để cứu người thân", Khaliq nói. "Sau khi ngắt điện thoại, có lúc tôi khóc đến 10 phút. Tôi không thể chịu nổi khi nghe họ kêu khóc, van xin, sẵn sàng trả bất kỳ thứ gì, làm bất kỳ điều gì, để đổi lấy một bình oxy nặng 10 kg".
Mohammad Nauman, tình nguyện viên của AEF, cho hay các tình nguyện viên, những người bỏ tiền túi mua bình và nạp oxy đã không ngủ bởi liên tục nhận được điện thoại đề nghị hỗ trợ suốt 24 giờ.
"Tìm oxy ngày càng khó, yêu cầu và nhu cầu rất cao. Chúng tôi lo rằng sẽ không thể đủ số lượng cần thiết bởi nguồn cung đang cạn dần", Nauman nói. "Chúng tôi cảm thấy bất lực. Chúng tôi muốn cung cấp oxy cho mọi người gọi đến, nhưng chẳng còn cách nào khác, chúng tôi không đủ".
Bệnh nhân Covid-19 thở oxy miễn phí do một đền thờ của người Sikh cung cấp ở Ghaziabad, ngoại ô New Delhi, hôm 28/4. Ảnh: AFP
Không chỉ Delhi đang vật lộn tìm nguồn cung oxy. Tại Uttar Pradesh, một trong những bang đông dân nhất Ấn Độ, thành phố Agra, nơi đặt lăng mộ Taj Mahal nổi tiếng thế giới, cũng đang thiếu oxy trầm trọng.
Yogi Adityanath, thủ hiến bang, nhấn mạnh bang "không thiếu oxy" và đe dọa thực hiện hành động pháp lý với những bệnh viện đang kêu là cạn kiệt oxy, nhưng người dân Agra đều nói rằng thành phố đang "thiếu oxy nghiêm trọng".
Nhà hoạt động Narendra Kumar Paras, người đang giúp phân phối oxy khắp thành phố, cho hay nhận được 900 cuộc gọi mỗi ngày nhưng chỉ trả lời được 500 cuộc.
"Hàng nghìn người xếp hàng mỗi ngày tại trung tâm oxy để chờ lấy oxy cho người thân, mà không hề thực hiện giãn cách xã hội", Paras nói. Một cuộc hỗn chiến xảy ra hôm 27/4, khi một người đàn ông hét lên "có thể bắn tôi nhưng đừng ngăn tôi lấy oxy".
"Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người không lấy được oxy trong những ngày qua", Paras nói. "Thật đau đớn. Ai cũng khóc. Có lúc tôi nhận được điện thoại của trẻ con, vừa khóc vừa nói bác ơi bố cháu không thở được, bác mang oxy đến cứu bố cháu".
Paras cho biết một số bệnh viện tại Agra đã gọi cho ông, không phải vì thiếu oxy mà "giới chức bệnh viện cũng bực tức. Họ đã xin chính quyền cung cấp oxy và bất lực tới mức gọi điện cho tôi nhờ cung cấp oxy cho bệnh nhân của họ".
Tại Jhansi, một thành phố bị ảnh hưởng nặng nề khác tại bang Uttar Pradesh, sinh viên Akash Parashar đã giúp cung cấp oxy cho hơn 1.500 người.
"Người dân đang cầu xin oxy, nhưng người ta phải nói lời vĩnh biệt với thân nhân vì không có đủ oxy cần thiết", anh nói.
Thế giới tức giận khi Mỹ bơi trong vaccine Khi Ấn Độ liên tiếp ghi nhận ca nCoV cao kỷ lục và cạn nguồn vaccine, người Mỹ lại được thoải mái kén chọn tiêm chủng với nguồn cung thừa thãi. Tại Ấn Độ, chỉ 1,6% dân số hoàn thành chương trình tiêm chủng, giữa lúc làn sóng Covid-19 thứ hai nhấn chìm quốc gia này, đẩy hệ thống y tế đến bờ...