‘Ngừng ăn cắp công nghệ Mỹ, sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm mạnh’
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Washington sẽ tăng cường hơn nữa cách tiếp cận khó khăn đối với Bắc Kinh đồng thời yêu cầu Trung Quốc cần điều chỉnh hành vi trong các lĩnh vực thương mại quốc tế, quân sự và chính trị.
Theo ông Bolton, Tổng thống Trump tin rằng Trung Quốc đã lợi dụng trật tự quốc tế quá lâu và giờ là lúc để Mỹ đứng lên chống lại điều đó.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tin rằng phương pháp tiếp cận khó khăn của ông Trump với Trung Quốc, một quốc gia mà chính quyền coi là “vấn đề lớn trong thế kỷ này” đã khiến Bắc Kinh “bối rối”.
“Họ chưa từng phải đương đầu với một Tổng thống Mỹ cứng rắn như vậy trước đây. Tôi khi rằng họ cần phải điều chỉnh hành vi của mình trong một số lĩnh vực. Có lẽ cuộc họp của G20 ở Argentina vào tháng tới sẽ là dịp thích hợp để Chủ tịch Tập Cận Bình bàn về vấn đề này”, ông Bolton cho hay.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. (Ảnh: GMA)
Tuyên bố này được ông Bolton đưa ra trong bối cảnh các vấn đề đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh đã vượt ra ngoài một cuộc chiến thương mại. Mỹ thời gian qua liên tục cáo buộc Trung Quốc tìm cách can thiệp cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ Mỹ và có các hành động liều lĩnh gây bất ổn trên Biển Đông.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 12/10 cho biết Tổng thống Trump sẽ tiếp tục lên kế hoạch gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 nếu mọi chuyện đi theo “một hướng tích cực”. Nhưng ông cũng khẳng định việc tái khởi động đàm phán với Bắc Kinh đòi hỏi Trung Quốc phải thực hiện cải cách cơ cấu đối với nền kinh tế nước này.
Về vụ chạm trán giữa tàu chiến Mỹ và khu trực hạm Trung Quốc trên Biển Đông vào tháng trước, ông Bolton cho rằng Trung Quốc đã có hành vi nguy hiểm và nhấn mạnh Mỹ sẽ kiên định với nỗ lực để các tuyến đường hàng hải quốc tế được tự do hoạt động.
“Đây là điều Trung Quốc cần phải hiểu”, ông nói, nhấn mạnh thêm rằng các đồng minh của Mỹ bao gồm Anh và Australia cũng đang dần di chuyển tới Biển Đông để thách thức các tuyên bố phi lý của Bắc Kinh.
Ông đồng thời cho rằng việc Trung Quốc vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế trong thương mại và kinh doanh đã giúp Bắc Kinh đạt được sức mạnh kinh tế và quân sự đáng kể.”Chúng tôi sẽ làm nhiều hơn về điều đó. Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy việc khai thác nhiều hơn các tài nguyên ở Biển Đông có thể có hoặc không có sự hợp tác của Trung Quốc. Họ cần phải biết họ không thể coi đây như một việc đã rồi. Đây không phải là một khu vực địa lý riêng của Trung Quốc và sẽ không như vậy”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh.
“Nếu họ không được phép ăn cắp công nghệ của chúng tôi, khả năng quân sự của họ sẽ giảm đi đáng kể và rất nhiều căng thẳng mà Trung Quốc gây ra sẽ giảm đi”, ông Bolton cho hay.
Ông nói thêm rằng Washington đã chuẩn bị hành động nhiều hơn để hạn chế xuất khẩu công nghệ cao nhạy cảm sang Trung Quốc.
Liên quan tới hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Bolton tiết lộ sự kiện này sẽ diễn ra trong vài tháng tới, ông cũng lạc quan khi khẳng định nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân sẽ thành công.
(Nguồn: Reuters)
SONG HY
Theo VTC
Giải pháp duy nhất kết thúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Một cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump nếu tổ chức thành công tại Buenos Aires, Argentina vào tháng 11 tới sẽ được xem là giải pháp duy nhất để kết thúc cuộc chiến thương mại hiện nay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định gặp nhau trong bối cảnh giữa hai nước tồn tại nhiều vấn đề gây căng thẳng từ thương mại đến quân sự, theo báo Hong Kong SCMP.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gửi thông tin tới Bắc Kinh về ý định xúc tiến cuộc hội đàm, theo The Wall Street Journal. Trung Quốc cũng hy vọng một cuộc gặp như vậy có thể mở ra cơ hội cho cả hai bên giảm nhẹ căng thẳng.
Cuộc gặp dự kiến diễn ra tại thủ đô Argentina bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng 11. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow đang tích cực thúc đẩy cho cuộc gặp này. Hai quan chức chính quyền Tổng thống Trump lo lắng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại tiếp tục diễn biến xấu đi thì sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán toàn cầu và gây ra khủng hoảng tài chính quy mô lớn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh, tháng 11/2017. (Ảnh: WSJ)
Từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu, Washington đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc, khoảng một nửa tổng lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. WSJ dẫn nguồn tin thân cận cho biết ông Trump đã thành lập một đội ngũ cố vấn và lên kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh với ông Tập. Một trong những thành viên của tổ cố vấn này được cho là Christopher Nixon Cox, cháu trai cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon - người từng đến Trung Quốc năm 1972 và mở ra mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trong khi đó, đội kế hoạch của Trung Quốc dự kiến sẽ có mặt Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập.
Tuy vậy, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa trả lời yêu cầu bình luận về việc kế hoạch hội nghị Mỹ - Trung có đang được xúc tiến hay không.
Cách giải quyết duy nhất
Dennis Wilder, người từng phụ trách các vấn đề về Trung Quốc tại CIA và là một quan chức cấp cao của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, cho biết các quan chức Trung Quốc đã phản hồi nhu cầu cần thiết phải tổ chức cuộc gặp này.
"Trung Quốc nóng lòng muốn tổng thống (Mỹ) tham gia trực tiếp vì họ cảm thấy người đàm phán cho tổng thống không phải lúc nào cũng hiểu ý định thực sự của ông. Họ muốn tìm ra trực tiếp từ Tổng thống Trump cách có thể thoát khỏi cuộc chiến thương mại." - Wilder nói, cho rằng cách duy nhất giải quyết vấn đề là gặp mặt cấp độ lãnh đạo cao nhất, vì các quan chức cấp dưới sẽ khó hình dung một thỏa thuận chính xác sẽ như thế nào nếu lãnh đạo không chỉ thị họ.
Ông Kudlow ngày 11/10 cũng nói rằng các lãnh đạo Mỹ - Trung có thể gặp tại G20. Ông tiết lộ chính quyền Tổng thống Trump sẽ tập trung vào mục tiêu mà họ muốn đạt được từ khi bắt đầu chiến tranh thương mại với Bắc Kinh. "Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ phải đến và nói tại cuộc đàm phán rằng họ sẽ thay đổi hành vi thương mại, tuân thủ luật và tạo ra thỏa thuận thương mại công bằng đối với các doanh ngiệp và lao động Mỹ. Đến lúc họ phải làm điều đó.
Ông Kudlow nói thêm những gì Mỹ yêu cầu từ Trung Quốc là những điều khá hợp lý. "Châu Âu, Nhật Bản và Canada tất cả có cùng quan điểm với Mỹ. Chúng ta hãy xem mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào."
Video: Mỹ tự tin chiến thắng trong chiến tranh thương mại
Cuộc gặp nhiều ẩn số
Theo SCMP, Tổng thống Trump luôn đưa ra những tín hiệu phức tạp về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong một cuộc mít-tinh tại Topeka, Kansas, Mỹ ngày 6/10, ông Trump nói Mỹ đang làm việc cho một thỏa thuận với Trung Quốc và dù Trung Quốc tấn công Mỹ khá mạnh tay thì mối quan hệ hiện tại được đánh giá là tốt đẹp.
Dù vậy 3 ngày sau, ông trả lời phóng viên tại phòng Bầu dục rằng Trung Quốc không sẵn sàng cho đàm phán thương mại và đe dọa ông sẵn sàng cho các gói thuế bổ sung mới.
Khi được hỏi liệu ông có tiếp tục đánh thuế Trung Quốc nếu Bắc Kinh phản ứng lại thuế mới của Mỹ, Tổng thống Trump đáp: "Tất nhiên, chắc chắn rồi.""Trung Quốc muốn thỏa thuận, nhưng tôi nói họ chưa sẵn sàng. Và chúng tôi đã hủy một số cuộc gặp vì tôi nói họ chưa sẵn sàng thỏa thuận" - chi tiết về những cuộc gặp bị hủy không được ông Trump nhắc đến.
Washington đe dọa đánh thuế nốt 267 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu nước này không chịu thay đổi hành vi thương mại, sự can thiệp và bảo trợ kinh tế của nhà nước, sự cạnh tranh không công bằng.
Hai bên chưa khôi phục được đàm phán từ khi Bắc Kinh hủy vòng đàm phán dự định diễn ra cuối tháng 9 tại Washington giữa ông Lưu Hạc và ông Mnuchin.
Về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập tại G20, các quan chức Mỹ cảnh báo ông Trump sẽ không tham gia đối thoại nếu Bắc Kinh không đưa ra danh sách chi tiết những gì có thể nhượng bộ, theo Financial Times.
Các quan chức Trung Quốc nói họ có một danh sách như vậy, nhưng sẽ không đưa ra nếu không được đảm bảo về một "không khí chính trị ổn định" ở Washington, bao gồm ai là người sẽ đứng ra thương thuyết thay mặt chính quyền tổng thống Trump, theo Times.
Ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, chỉ trích các nhà đàm phán Mỹ không thể hiện đủ thiện chí. "Chúng tôi không biết chính xác họ muốn ưu tiên điều gì" - ông nói trong một cuộc phỏng vấn với NPR.
Ông này cho rằng, trong khi Bắc Kinh sẵn sàng thỏa thuận và có một số thỏa hiệp, Mỹ cố gắng buộc Trung Quốc chấp nhận những điều khoản vô lý. "Mỹ đã có một số yêu cầu kiểu như, Mỹ sẽ có 100% còn Trung Quốc sẽ có 0%. Tôi thấy điều này không công bằng. Tôi không nghĩ có thể chấp nhận điều này."
(Nguồn: SCMP)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Rộ tin Thổ Nhĩ Kỳ có băng ghi âm nhà báo Ả Rập Xê Út bị 'thẩm vấn, tra tấn và giết hại' Washington Post ngày 11/10 cho biết Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sở hữu băng ghi âm và hình ảnh ghi lại vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại sau khi bước vào lãnh sự quán Ả Rập Xê Út hôm 2/10. Tờ Washington Post xuất bản ngày 11/10 cho biết, các quan chức Mỹ nói nhận được thông tin từ...