Ngư dân với nỗi lo trả nợ vay ngân hàng
Hoạt động khai thác thủy hải sản khó khăn, nhiều chủ tàu không biết bao giờ mới trả hết khoản tiền lên tới cả chục tỷ đồng đã vay của ngân hàng.
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, nhiều ngư dân tỉnh Nam Định được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi bám biển.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác khó khăn nên các chủ tàu đối diện với nguy cơ không biết bao giờ mới trả hết khoản tiền lên tới cả chục tỷ đồng đã vay của ngân hàng.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 36 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67. Ảnh minh họa: TTXVN
Sinh ra và lớn lên ở vùng “chân sóng” xã Hải Triều, huyện Hải Hậu, từ nhỏ anh Vũ Viết Cương đã sớm theo bố mẹ ra khơi. Lớn lên anh cũng theo nghề đánh bắt thủy hải sản. Bao năm lênh đênh trên biển cũng như bao ngư dân làm nghề này, anh mong muốn có chiếc tàu vỏ thép công suất lớn để vươn khơi, đánh bắt ở ngư trường nhiều cá.
Năm 2015, anh Cương vay 13,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 67 để đóng tàu vỏ thép công suất 1.055 CV. Năm 2016, chiếc tàu vỏ thép mang biển kiểm soát NĐ-95678-TS được hạ thủy.
Những chuyến đi biển sau đó của chiếc tàu cá khai thác bằng lưới rê do anh Cương làm chủ mẻ nào cũng kéo được nhiều cá. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, anh còn có lãi để trả nợ một phần gốc và lãi cho ngân hàng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, do thời tiết thất thường, nguồn lợi hải sản tại các ngư trường truyền thống ngày càng cạn kiệt nên năng suất đánh bắt không cao. Ước tính sau khi trừ tiền mua dầu, ga, đá lạnh, nhân công, mỗi chuyến đi biển anh Cương chỉ hòa, thậm chí còn bị lỗ.
Anh Vũ Viết Cương cho biết, trên tàu có 4 nhân công với mức lương khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi chuyến đi từ 12 – 13 ngày tốn khoảng 3.200 lít dầu, cộng một số khoản khác, tổng chi phí hơn 100 triệu đồng.
Thời gian gần đây, sản lượng đánh bắt được ít, tiền bán cá không đủ bù lỗ. Hiện gia đình anh Cương còn nợ ngân hàng 11,9 tỷ đồng. Từ giữa năm 2018 đến nay do việc đánh bắt gặp khó khăn nên anh không có tiền để tiếp tục hoàn trả số tiền gốc và lãi cho ngân hàng.
Từ tháng 1 đến giữa tháng 4/2019, tàu cá của anh thường xuyên nằm bờ bởi theo tính toán có đi đánh bắt cũng sẽ lỗ vốn. Từ cuối tháng 4 đến nay, anh Cương mới ra khơi được vài chuyến, song sản lượng cá đánh bắt được cũng chỉ đủ chi phí cho chuyến đi.
“Hiện gia đình đã phải cầm sổ đỏ nhà đất để trả nợ ngân hàng. Thời gian tới, nếu tình hình đánh bắt không cải thiện, tôi cũng không biết phải xoay sở thế nào”, anh Cương lo lắng.
Anh Lại Văn Đạo ở xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng cũng trong hoàn cảnh tương tự vì từ giữa năm 2018 đến nay chiếc tàu vỏ thép công suất 1.055 CV nằm bờ nhiều hơn ra khơi và số tiền lãi cộng gốc vay từ ngân hàng chưa thể trả được.
Anh Đạo cho biết, anh đã vay hơn 15 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép lưới rê với mong muốn vươn khơi, song do hoạt động khai thác gần đây gặp khó khăn nên mới chỉ trả được hơn 1 tỷ đồng tiền gốc cho ngân hàng.
Theo anh Đạo, tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 rất chắc chắn, ngoài khơi dù sóng to gió lớn vẫn đảm bảo an toàn, nhưng lại khá hại lưới.
Trước đây, sử dụng tàu nhỏ từ 3 – 4 năm mới phải thay lưới 1 lần, còn “tàu 67″ thì mỗi năm phải thay lưới 1 lần, chi phí khoảng 10 triệu đồng.
Với nguồn lợi thủy, hải sản ngày càng khan hiếm, đánh bắt không hiệu quả trong khi giá dầu, chi phí thuê lao động… tăng cao dẫn tới tình trạng lỗ nhiều hơn lãi sau mỗi chuyến ra khơi.
Nhiều ngư dân ở các huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng phản ánh, từ đầu năm 2019 đến nay những chuyến đi biển chỉ đếm được trên đầu ngón tay, ra khơi thì lỗ còn để tàu ở bờ ngày nào chịu lãi ngày ấy. Thực sự ngư dân vay vốn đóng ” tàu 67″ đang trong tình cảnh ” tiến thoái lưỡng nan”.
Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có 36 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67. Năm 2017, qua rà soát các tàu đều hoạt động hiệu quả, các chuyến đi biển đều có lãi và các chủ tàu đã trả được khoảng 145 tỷ đồng cho các ngân hàng. Từ năm 2018 đến nay, do đánh bắt khó khăn nên hầu hết các ngư dân đều không trả được nợ.
Tuy vậy, bà Nga nhìn nhận, hơn 1 năm qua dù các ngư dân vay vốn đóng tàu 67 đều báo lỗ trong mỗi chuyến đi biển song qua theo dõi thực tế các tàu 67 rất ít khi nằm bờ. Hiện nay, khó khăn nhất đối với các ngành chức năng là chưa thể quản lý, kiểm soát nguồn thu từ các chuyến khai thác, đánh bắt của ngư dân và đặc biệt chưa có những chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp chây ì.
Ông Phạm Văn Hướng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Nam Định cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc các ngân hàng khó thu hồi nợ là do tài sản hiện có của ngư dân thấp, nhất là một số người có tư tưởng lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cố tình chây ì.
Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ phối hợp cùng với các ngành chức năng tăng cường tổ chức tuyên truyền, đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu lợi dụng chính sách của Nhà nước, không thực hiện trả nợ theo quy định./.
Theo Công Luật/TTXVN
Tuổi trẻ Kỳ Anh cắm biển cảnh báo đuối nước, tặng áo phao cho ngư dân
Nằm trong chuỗi hoạt động chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, Huyện đoàn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa tổ chức cắm biển tuyên truyền phòng chống đuối nước và trao tặng áo phao hỗ trợ ngư dân.
Huyện đoàn đã xây dựng 2 tấm biển truyền thông trị giá 18 triệu đồng tại bãi biển Kỳ Xuân.
Nội dung trên tấm biển tuyên truyền kêu gọi vì một xã hội an toàn và lành mạnh; chung tay vì một môi trường bền vững; chống xâm hại tình dục, đuối nước ở trẻ em. Trong các nội dung này có hướng dẫn chi tiết các bước xử lý khẩn cấp cho nạn nhân khi bị đuối nước.
Huyện đoàn cũng huy động trao tặng 50 áo phao hỗ trợ ngư dân Kỳ Xuân vươn khơi bám biển, với tổng trị giá hơn 17 triệu đồng. Đây là hoạt động thiết thực của ĐVTN, góp phần xây dựng một xã hội an toàn và lành mạnh.
Theo Baohatinh
Giá heo hơi tăng vù vù lên 40.000 đồng/kg, chợ đầu mối "cháy" hàng Theo phản ánh từ các chủ trang trại, giá heo hơi hôm nay (giá lợn hơi) tại một số địa bàn miền Bắc đã tăng lên 40.000 đồng/kg, tức tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với vài ngày trước. Mức tăng chóng mặt này khiến bà con chăn nuôi vô cùng phấn khởi. Thương lái chọn mua heo hơi và vận chuyển lên xe...