Ngư dân lao đao trong cơn “bão nợ”
Hôm qua là tỷ phú, hôm nay đã nợ nần ngập đầu, đó là câu chuyện buồn ở 2 làng chài Nghĩa An và Nghĩa Phú nằm ở hai bên bờ của cửa Đại Cổ Lũy, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Đi dọc làng chài, tôi gặp những thuyền trưởng nổi tiếng một thời và đều nghe trăn trở vì cơn “bão nợ” bất thình lình đổ xuống đầu ngư dân. Và giờ đây, những ngư dân từng làm ra tiền như nước sẽ đứng dậy ra sao?
Tàu của ông Phạm Minh Vương chưa kịp hạ thủy thì “bão nợ” ập đến nên tàu bị bỏ luôn trên bãi. Ảnh: Văn Chương
4 năm gánh chịu 2 “cơn bão”
Năm 2015, 2 làng chài Nghĩa Phú và Nghĩa An lung lay trong cơn “bão nợ” khi bà Nguyệt (quê ở xã Nghĩa Phú) và ông Đức (ở xã Nghĩa An) làm nghề buôn bán và nắm đường dây cho vay tín dụng đen vỡ nợ. Hàng trăm người nghèo dồn tiền cho những người chuyên cho vay để hưởng lãi suất chênh lệch đã khóc lóc, than thở, chạy vạy khắp nơi trong sự tuyệt vọng.
Cửa Đại Cổ Lũy có hơn 1.000 tàu cá đánh bắt xa bờ, nhu cầu vay nóng, trả nhanh của các chủ tàu diễn ra hằng ngày để ứng trước cho bạn chài đi biển, sửa chữa máy tàu, đáo hạn tiền ngân hàng đến kỳ trả nợ gốc… Vì vậy, vụ sập nợ đó được các ngư dân ở cửa Đại Cổ Lũy xem như một trận áp thấp nhiệt đới gây gió mạnh rồi chấm dứt. Nhưng rồi làng chài ở cửa Đại Cổ Lũy lại tiếp tục hứng chịu một cơn “bão nợ” khủng khiếp từ đầu năm 2019, khiến cho cả làng chài, chủ yếu là các chủ tàu lâm vào cảnh sập nợ.
Nếu phác họa tình hình tài chính từ nghề biển ở làng chài Nghĩa An theo đường parapol thì sự phát triển là một đường cong vút lên cao, nhưng sau đó lại rơi xuống đáy khiến ai cũng “dính” bẫy nợ. Có nghĩa là sau cơn “bão nợ” thứ nhất, làng chài tiếp tục nổi đình nổi đám vì thu nhập đỉnh. Có tàu đánh vài phiên thu về 5 tỷ đồng và được truyền miệng khắp làng. Vậy là ồ ạt đầu tư, kết quả sau đó là cả làng vỡ nợ.
Chị Võ Thị Kim Cúc, một chủ tàu cá ở đây cho biết: Do không có tiền trả lãi ngân hàng nên nhiều người đi vay nóng với lãi suất 10%, lãi mẹ đẻ lãi con và đổ bể hết khi đánh bắt không đạt. Đi khắp làng chài, nơi đâu cũng nghe nợ ngân hàng tiền tỷ. Khi tàu cá nằm bờ, vợ các ngư dân chỉ biết ngóng chồng, các ngư dân bí đường nên phải đi làm thuê bằng nghề hái ớt, may mặc, mở quán nước, phụ bán cà phê… kiếm tiền lẻ qua ngày và… chờ cơ hội để tái đầu tư trở lại.
“Cuộc đua” không thể cưỡng
Xã Nghĩa An là địa phương có đội tàu thuyền đánh bắt rất nổi tiếng ở tỉnh Quảng Ngãi. Ngư dân ở địa phương này cứ đầu năm đưa tàu làm nghề giã cào ra vùng biển vịnh Bắc Bộ để đánh bắt, cuối năm mới quay về hoặc gửi tàu lại. Thu nhập của mỗi chủ tàu vào thời điểm cách đây gần 2 năm là khoảng 1-2 tỷ đồng/năm. Các ngân hàng thương mại dễ dàng mở hầu bao cho ngư dân vay, vì các chủ tàu giã cào kiếm tiền tỷ là chuyện bình thường.
Video đang HOT
Do đánh bắt có thu nhập cao và ổn định nên ngư dân xã Nghĩa An làm được bao nhiêu tiền thì đều đổ ngược trở lại, đầu tư tàu mới, vay ngân hàng, mượn thêm tiền từ các đường dây tín dụng đen để đóng tàu. “Cơn lốc” đóng tàu làm nghề giã cào bùng phát khi ngư dân nghe tin Nhà nước không cấp phép đóng mới tàu làm nghề giã cào để bảo vệ môi trường từ năm 2016. Vì vậy, cuối năm 2015, cả làng “chạy đua” đóng tàu cú chót. Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi thống kê, bình quân mỗi năm ngư dân xin cấp phép đóng mới, cải hoán khoảng 200-250 chiếc, nhưng 20 ngày trước khi bước sang năm 2016, ngư dân đã xin cấp phép đóng mới 150 chiếc.
Đội tàu của ngư dân Nghĩa An thời “hoàng kim”. Ảnh: Văn Chương
Những tàu cá đóng mới vào thời điểm này thường có chiều dài thân vỏ lên đến 26m, lắp máy công suất 800 đến 1.000 mã lực. Thông thường, tàu cá làm nghề giã cào truyền thống ở địa phương thì chỉ có chiều dài 17 đến 19m, chi phí đầu tư khoảng 6 tỷ đồng/cặp. Còn đóng loại tàu lớn thì ngư dân phải bỏ ra khoảng trên 10 tỷ đồng. Ông Trung, một ngư dân ở địa phương phân tích: “Phải bán tàu cũ đang ngon lành để rồi đi vay đóng lại tàu mới. Lý do là tàu to hơn thì đánh bắt sản lượng cao hơn, bạn được chia tiền nhiều hơn, nếu đi tàu nhỏ thì không kiếm đâu ra bạn chài, vì họ đổ dồn hết sang tàu to”.
Cửa Đại Cổ Lũy từ thời điểm đó bắt đầu xuất hiện một đoàn tàu khủng, tiếng nổ của máy gầm gừ như động cơ xe tăng, có tàu lắp 2 ống khói, tàu chạy xé sóng đầy sức mạnh. Nhưng rồi, ngư dân ở cửa Đại Cổ Lũy bắt đầu phải mang nợ vì tiếng máy gầm gừ đó được kéo bởi những cỗ máy “hút dầu như nước lã” lại hay hư hỏng vặt, hao nhớt, biển bị đánh bắt quá mức, bị chèn ép ngư trường nên nguồn cá cạn kiệt. Bước sang năm 2017, đoàn tàu giã cào bắt đầu tình trạng “đi có, về không”.
Một cơn “bão nợ” mới được dự báo hình thành ngay trên đầu làng chài. Đầu năm 2019, làng chài chính thức vỡ nợ, ước tính số nợ các ngân hàng Vietinbank, Sacombank, BIDV… lên đến khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ngư dân tự đứng dậy
Ông Đỗ Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết, riêng dư nợ của Ngân hàng Sacombank, chi nhánh Quảng Ngãi đã là 350 tỷ đồng và nợ xấu chiếm gần 20%. Theo ước tính của địa phương thì dư nợ cả xã gần 1.000 tỷ đồng.
Dấu hiệu được xem như vỡ nợ, đó là hàng loạt gia đình ngư dân ở xã Nghĩa An đóng cửa bỏ đi, cắt điện thoại liên lạc, những người cho vay nặng lãi lùng sục khắp nơi để đòi tiền, hàng trăm chiếc tàu neo đậu tại bến và nhiều thuyền trưởng từng “kiếm tiền như nước”, giờ bỏ lên thành phố Quảng Ngãi đi làm công nhân. Nhiều người dân ký vào đơn kiến nghị chính quyền can thiệp ngân hàng dừng tính lãi và khoanh nợ. Lá đơn trên được gửi đến các cấp chính quyền, sau đó, ngư dân ngóng đợi “phép màu”.
Thông tin mới nhất được ông Phùng Đình Toàn, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ vào chiều ngày 28-10, đó là cơ hội tái đầu tư để ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ hẳn nghề lưới giã cào sang nghề lưới đánh cá nổi đã khép lại. “Phép màu” không còn, ngư dân phải tự đứng lên sau cú “vấp ngã”. Ông Toàn cũng cho biết, sau cả năm điêu đứng, hiện nay, đã có khoảng 10 chủ tàu tự vay mượn đầu tư nghề lưới và sẵn sàng đi biển chứ không nằm chờ ngân hàng niêm phong nhà và bán phát mãi tàu cá.
Anh Nguyễn Tấn Trung, một thợ chuyên đóng tàu cho biết, hàng chục chủ tàu đã thuê anh cải hoán tàu giã cào đôi thành tàu giã cào chiếc. Việc cải hoán này không mất nhiều tiền, số lượng bạn chài đi trên tàu cũng sẽ ít lại, chi phí chuyến biển chưa đến một nửa.
Lê Văn Chương
Theo Bienphong.com.vn
Vì sao nhiều ngư dân giỏi trở thành "con nợ xấu"?
Sau 5 năm thực hiện chủ trương cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, đến nay dư nợ tín dụng là hơn 10.000 tỷ đồng nhưng tỷ lệ nợ xấu lên đến 28% và còn tiếp tục tăng.
Ảnh minh họa
Nợ xấu lên tới 28%
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết ngày 31-12-2017 (thời điểm dừng ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 - 2020, với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 9-2019, dư nợ cho vay theo chương trình đạt 10.270 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu cũng bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%; tăng lên 17% vào cuối năm 2018 và đến nay là 27,8% tại 27 tỉnh, thành phố ven biển.
Ví dụ tại tỉnh Quảng Nam, sau 5 năm triển khai Nghị định 67, các NH trên địa bàn tỉnh đã cho vay khoảng 720 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, số nợ xấu đã lên đến 215 tỷ đồng và còn tiếp tục tăng thêm. Trong số 63 tàu đóng mới, có 57 tàu làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, các giải pháp thu nợ của NH cũng bế tắc.
Tương tự, tại Ninh Thuận, không ít tàu đóng mới theo Nghị định 67/NĐ-CP chỉ sau thời gian ngắn hạ thủy đi vào hoạt động đã bị thua lỗ, cầm chừng, khó có khả năng trả nợ đúng hạn cho NH. Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận đánh giá, "tàu 67" hoạt động không hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Đó là, tính chất đặc thù của ngành khai thác hải sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan về thời tiết, ngư trường, giá nhiên liệu tăng, thiếu lao động đi biển.
Ngoài ra, khả năng tài chính, kinh nghiệm khai thác vùng khơi của các chủ tàu còn hạn chế, một số chủ tàu thiếu quyết tâm, phương án sản xuất không hiệu quả dẫn đến hoạt động thua lỗ, cầm chừng. Bên cạnh đó, quá trình vận hành các trang thiết bị khai thác của một số tàu gặp trục trặc cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian bám biển khai thác, thời gian đi lại sửa chữa nhiều lần làm chi phí sản xuất tăng cao.
Tại một địa phương khác là tỉnh Bình Định, theo đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết hiện có 47 chủ tàu nợ gần 208 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 104 tỷ đồng, lãi 107 tỷ đồng. "Thực tế này cho thấy chúng ta đã chưa đánh giá được hết tác động không tốt khi triển khai Nghị định 67, có những ngư dân giỏi đã trở thành con nợ xấu", đại biểu Nhường nói và cho rằng để phát triển nghề cá bền vững thì không chỉ cần nâng cấp phương tiện, kỹ thuật mà điều quan trọng là phải đào tạo ngư dân làm chủ tàu vỏ thép...
Xử lý: Liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc cho vay theo Nghị định 67 đang thực sự rất khó khăn, cho cả người vay và NH. Đây hoàn toàn là vốn thương mại của NH cân đối, không phải nguồn vốn ưu đãi Chính phủ.
Theo ông Đào Minh Tú, cơ chế xử lý không chỉ ở NHNN mà còn liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Về phía mình, NHNN cho biết đã chủ động triển khai một số giải pháp. Cụ thể, đối với các ngư dân không trả được nợ NH do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính quy định bổ sung một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng để ngư dân được các NH cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất, theo Nghị định 67 trong thời gian cơ cấu. Đến nay, các NHTM đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gần 33 tỷ đồng.
Trường hợp chủ tàu gặp khó khăn không trả được nợ vay đến hạn không phải do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo quy định của Bộ Tài chính, các NH theo thẩm quyền đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ 110 tỷ đồng nhằm hỗ trợ ngư dân có thời gian thu xếp nguồn trả nợ. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các NHTM tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục đánh bắt.
Đến nay, các NH đã chuyển đổi cho 10 chủ tàu, với dư nợ trên 58 tỷ đồng tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Tiền Giang. Đối với trường hợp ngư dân cố tình chây ỳ, không trả nợ, NHNN tiếp tục chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ban chỉ đạo 67 của tỉnh định kỳ tổ chức họp với các ngư dân để đôn đốc nhắc nhở, vận động ngư dân thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ trong quan hệ tín dụng; trường hợp cần thiết có biện pháp xử lý phù hợp.
Theo báo cáo của 4 NHTM nhà nước, hiện có 39 trường hợp đang khởi kiện chủ tàu ra tòa. Đối với trường hợp ngư dân muốn chuyển đổi nghề khai thác do nghề khai thác hiện tại không hiệu quả, NHNN đã có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc và thống nhất với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để thông báo cho người dân được biết...
Hà An
Theo cand.com.vn
Ám ảnh nợ xấu vay tiền đóng tàu thép Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 đang có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Ngoài một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến ngư dân không thể trả được nợ vay thì còn do nhiều ngư dân có thái độ chây ì, thiếu trách nhiệm...