Ngư dân kỳ vọng vào chuyến biển cuối năm
Sau những ngày tạm buông neo vì biển động, những ngày này, các tàu cá của bà con ngư dân trong tỉnh đang chuẩn bị ngư cụ, hàng hóa để ra khơi với hy vọng mẻ lưới cuối năm tàu sẽ “no cá”, mang đến cho họ một cái Tết no đủ, sung túc hơn.
Những ngày này, Cảng cá Sa Kỳ xã Bình Châu (Bình Sơn) nhộn nhịp hẳn lên, nhiều phương tiện tàu thuyền của bà con ngư dân đang tích cực chuẩn bị ngư lưới cụ, xăng dầu, đá lạnh, lương thực thực phẩm… đưa lên tàu để kịp cho chuyến biển cuối năm.
Tất bật cùng cánh bạn thuyền đưa đá lạnh xuống khoang, nạp dầu và chuẩn bị các thiết yếu phẩm, ngư dân Đinh Văn Trung- chủ tàu cá Qng 97407 ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) hồ hởi cho biết, do những ngày qua chịu ảnh hưởng của thời tiết nên tàu phải nằm bờ. Giờ sóng yên bể lặng rồi nên tui cùng các cùng các anh em trên tàu chuẩn bị ra khơi đánh bắt.
“Chúng tôi đã chuẩn bị 5.000 lít dầu và 900 cây đá cùng các nhu yếu phẩm cần thiết để ra khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Với thời tiết thuận lợi như hiện nay, hy vọng ra ngư trường sẽ trúng đậm nhiều mẻ cá lớn để có cái Tết no đủ hơn mọi năm”- ông Trung chia sẻ.
Không chỉ riêng gì ngư dân Đinh Văn Trung mà hầu hết các ngư dân đều kỳ vọng ngày những chuyến biển cuối năm sẽ thu được nhiều “lộc biển” trở về để có tiền trang trải cuộc sống và đón một cái Tết thật tươm tất.
Video đang HOT
Nước uống, nhu yếu phẩm được vận chuyển lên tàu
Sau những ngày nằm bờ, ngư dân Huỳnh Văn Tình ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng đang cùng các anh em thuyền viên trên tàu cũng đang sửa soạn lại ngư lưới cụ và tiếp “năng lượng” để chuẩn bị vươn khơi. Đã nhiều năm làm cái nghề “hồn treo cột buồm”, nhưng với ông Tình cũng như các “bạn”, chuyến biển cuối năm luôn là chuyến mong đợi, đem lại nhiều cảm xúc đặc biệt.
Đứng bên mạn thuyền, ngư dân Huỳnh Văn Tình chia sẻ: Chuyến biển khép lại một năm sản xuất trên biển bao giờ cũng quan trọng nhất. Giá trị vật chất thu được sẽ giúp ngư dân trang trải nhiều khoản chi phí “tồn đọng” trong năm và giúp anh em sắm Tết. Hiện tại, tất cả đã sẵn sàng thẳng tiến ra ngư trường Hoàng Sa, cầu mong sao trời yên biển lặng, nguồn hải sản dồi dào. Dự kiến chuyến này chúng tôi sẽ đi khoảng 20 ngày, sau đó về để các anh em nghỉ ngơi ăn Tết.
Theo các ngư dân, tùy thuộc vào thời tiết mà chuyến biển cuối năm của ngư dân kéo dài từ 15-20 ngày. Trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tuần, tàu thuyền sẽ cập bờ để cung cấp hàng hóa cho thị trường trong mùa Tết, bởi thời điểm này giá sẽ cao hơn từ 2-3 lần so với ngày bình thường. Chính vì vậy, một chuyến đi biển cuối năm có thể bằng 6-7 lần những chuyến ở thời điểm khác, thế nên thu nhập cũng cao hơn nhiều so với ngày thường.
Những con tàu nối đuôi nhau rẽ sóng ra khơi
Càng về trưa, không khí tại cảng lại càng hối hả, gấp gáp. Hàng chục chiếc tàu nối sát nhau chờ nhận đá, bơm dầu… Phía ngoài xa, những chiếc tàu đã “nhận hàng” xong vang vang tiếng máy nổ, nối đuôi nhau vượt sóng rời cảng ra khơi với bao kỳ vọng, ước mong.
Với kinh nghiệm đúc kết được qua nhiều chuyến biển, ngư dân Quảng Ngãi đã chủ động tìm ngư trường khai thác mang lại hiệu quả. Trong năm 2016, sản lượng thủy sản ước đạt 180.402 tấn, tăng 7,6% so với năm 2015, vượt 5,3% kế hoạch. Trong đó, thủy sản khai thác ước đạt 173.950 tấn , tăng 7,6%, vượt 5,5% kế hoạch.
“Rẽ sóng” vươn khơi đến các ngư trường truyền thống để đánh bắt hải sản trong những phiên biển cuối năm với bà con ngư dân không chỉ hứa hẹn những chuyến tàu bội thu ăm ắp cá, tôm, mà sự hiện diện của những đội tàu công suất lớn nơi đầu sóng còn là niềm tự hào của những người bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Theo Bảo Khánh (Báo Quảng Ngãi)
Có điểm tựa, ngư dân vững tâm vươn khơi
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều ngư dân xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) mua sắm ngư cụ, vươn khơi bám biển làm giàu...
Góp lưới chia lợi tức
Vốn là ngư phủ dạn dày kinh nghiệm đánh bắt trên biển, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, đông con, nên nhiều năm qua ngư dân Hoàng Quang Thắng, xã Bảo Ninh vẫn phải đi đánh bắt thuê cho các chủ tàu khác. Vì làm thuê nên thu nhập của ông Thắng phụ thuộc vào chủ tàu và chủ tàu thì phụ thuộc vào từng chuyến biển. Từ năm 2012, ông Thắng và nhiều hộ ngư dân khác ở xã Bảo Ninh được vay ưu đãi 50 triệu đồng từ Quỹ HTND. Từ nguồn vốn đó, ông Thắng mua ngư lưới cụ góp cùng các bạn tàu và chủ tàu khác để vươn khơi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Nếu trước đây, mỗi năm đi biển ông Thắng được chủ tàu trả công chưa tới 70 triệu đồng, thì những năm sau khi góp lưới, hàng năm ông đều có nguồn thu từ 100-120 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình ông Thắng ngày càng ổn định.
Được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND, nhiều ngư dân xã Bảo Ninh đã góp vốn mua sắm ngư lưới cụ đánh bắt xa bờ. Ảnh: Phan Phương
Tổ hợp tác (THT) khai thác hải sản Quyết Thắng ở xã Hải Ninh do ngư dân Hoàng Quang Hiền làm tổ trưởng có 11 hộ tham gia với 3 tàu cá có công suất từ 500CV trở lên chuyên đánh bắt ở vùng biển xa. Trước đây, do ông thiếu vốn nên ngư lưới cụ thiếu đồng bộ, hiệu quả đánh bắt thấp. Năm 2013, THT được vay 550 triệu đồng từ Quỹ HTND để mua mới, đồng bộ ngư lưới cụ nên các chuyến biển tiếp theo đều rất hiệu quả. Từ năm 2013 - 2015, năm nào THT cũng có nguồn thu trên 3 tỷ đồng, có năm gần 4 tỷ đồng. Riêng năm 2016, ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, nguồn thu của tổ cũng giảm rất nhiều mặc dù sản lượng đánh bắt vẫn duy trì tốt.
Mong được tiếp vốn
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội ND xã Bảo Ninh cho biết, hiện nay, biển đã được đánh giá an toàn, hải sản đánh bắt về đã được tiêu thụ và có giá trở lại nên ngư dân lại tiếp tục phấn khởi ra khơi. Tuy nhiên, hiện ngư dân Bảo Ninh cũng rất cần thêm vốn, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi để đầu tư đóng tàu, đầu tư sắm mới ngư lưới cụ.
"Theo tôi được biết, hiện các nguồn vốn ưu đãi cho ngư dân vay vẫn còn rất hạn chế. Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển, xã cũng đã làm kiến nghị lên cấp trên xin được ưu tiên nguồn vốn ưu đãi cho ngư dân nhưng hiện vẫn chưa nhận được hồi âm. Riêng nguồn vốn từ Quỹ HTND, tôi đề xuất Hội ND tỉnh, T.Ư cần gia hạn thêm thời gian cho các dự án vay cũ, đồng thời có thêm nhiều dự án mới cho bà con ngư dân vay, đặc biệt là sau sự cố ô nhiễm môi trường biển" - ông Bình đề xuất.
Theo Danviet
Ngư dân thành tỷ phú nhờ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa Sinh ra từ làng chài ven biển, ngư dân Nguyễn Như (SN 1974, trú xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cứ mãi đeo đuổi giấc mơ làm giàu ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa... Với anh, niềm vui cùng những con tàu vượt sóng, vươn khơi là điều thú vị nhất trong cuộc đời. Giấc mơ có thật Lớn...