Ngon như đọt bí, đọt bầu
Xen với những ngày thịt, cá ê hề, đôi khi trên bàn ăn chỉ một dĩa đọt bí hay đọt bầu xào tỏi chấm với chao ớt hoặc chén nước tương cay cay thì cũng đã đủ ngon cơm.
Chị bạn làm chung bảo: “Đó giờ chị mới biết ăn đọt bầu. Hôm bữa có người quen biếu ít đọt bầu, chị lặt xào tỏi. Không ngờ cũng ngon như đọt bí! Ơ cơm nấu nhỉnh hơn mọi ngày. Hết sạch!” Bữa cơm có sự hiện diện của đọt bí, đọt bầu bao giờ cũng ngon!
Đọt bí, đọt bầu vừa thơm, giòn lại ngọt nên giờ đây đọt bí, đọt bầu không chỉ là món ăn của người dân quê mà còn được người ở phố ưa chuộng.
Bên cạnh đó, việc chế biến đọt bí, đọt bầu cũng không hề khó. Quan trọng là phải tước hết xơ bên ngoài. Qua bàn tay khéo léo của những người nội trợ, đọt bí, đọt bầu cho ra nhiều món ngon. Nhanh thì lặt xong đem rửa, bắc nước luộc chấm với thịt, cá kho. Còn công phu hơn chút thì có đọt bí, đọt bầu xào với thịt bò, thịt heo, tôm, tép hoặc nấu canh chua, nhúng lẩu,…
Video đang HOT
Món nào cũng cũng ngon, cũng hấp dẫn nên dù đã chắc bụng nhưng người dùng vẫn cứ muốn thêm cơm. Món ăn một thời vốn quanh quẩn ở chái bếp nhà nghèo nay trở thành thứ rau thời thượng- nhất là trong những nhà hàng đặc sản quê. Một dĩa đọt bí, đọt bầu xào tỏi vừa dọn ra bốc mùi thơm phức chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi.
Nhưng không phải muốn ăn đọt bí, đọt bầu lúc nào cũng có. Có những hôm muốn ăn đọt bí, đọt bầu nhưng rảo khắp chợ mà nào có! Vậy mà nhiều khi vô tình lại mua được đọt bí, đọt bầu. Đó bao giờ cũng là lời mời chào từ những người bà, người chị lam lũ với mớ rau tập tàng, một vài bó rau lang, rau muống đỏ, đọt bí, đọt bầu…
Màu xanh mơn mởn, nõn nà của những thứ rau vườn khiến ai cũng thích mắt. Riêng tôi! Bao giờ tôi cũng dành sự chú ý nhiều hơn cho vẻ mộc mạc, bình dị, đầy khỏe khoắn của đọt bí, đọt bầu. Đối với tôi, đọt bí, đọt bầu ngon là một lẽ. Lẽ khác, từ đọt bí, đọt bầu nhắc tôi nhớ về những kỷ niệm bên gia đình những ngày còn nghèo khó. Đó là dáng mẹ lom khom chỉnh lại giàn bầu, dây bí xiêu vẹo sau trận mưa tối qua.
Đó là dáng cha lam lũ trên đồng nhưng không quên kiếm con rô, con chạch mang về kho chấm với mớ đọt bí, đọt bầu. Thế mới biết, dù mỗi một ngày đi qua dấu chân chim có hằn thêm trên khóe mắt nhưng kỷ niệm thì vẫn vẹn nguyên chỉ chực chờ đến một lúc nào đó được đánh thức bằng hiện thực xung quanh. Như dĩa đọt bầu xào tỏi hôm nay, chẳng hạn!
Ngọt bùi cháo tà lục tà lào
"Lần ni lên A Lưới để anh mời o món cháo tà lục tà lào ăn thử coi món ăn của người vùng cao có hút hồn người Kinh không nghe?". Lời mời của chồng bạn vừa thân thiện, vừa thách đố, khiến tôi thấy tò mò.
Mỗi lần lên thăm, lại được vợ chồng bạn đãi một món ăn khác nhau, nhưng thú thật đã hơn một lần tôi không thể ăn được đặc sản vùng cao nên cái tên tà lục tà lào nói theo tiếng bản địa cũng khiến tôi thấy thiếu tự tin. Biết tôi còn phân vân, bạn giải thích thêm, món cháo này cần nhiều nguyên liệu nên mới có cái tên lạ vậy, nhưng toàn những rau quả quen nên dễ ăn.
Nguyên liệu nấu cháo tà lục tà lào
Để cháo có độ sánh, ngoài gạo người bản còn dùng thêm sắn; cá suối một nắng hoặc gác bếp là nguyên liệu chính tạo đặc trưng riêng cho món ăn vùng, miền; thịt ba chỉ cần có để tăng vị ngọt; củ kiệu, măng (khô hoặc tươi đều được) để khử mùi tanh của cá; còn lại thì tùy vào sở thích, lòng mến khách người chế biến tăng giảm các loại nguyên liệu, như: nấm, môn, đọt bí, đọt bầu, quả bí đỏ, bí xanh...
Trong lúc anh Chinh đi chợ, Ngoan lấy cá dự trữ sẵn ra cùng tôi sơ chế. Bạn cho biết, thực ra thì cá gì cũng được miễn là cá suối, nhưng người dân A Lưới thường trữ cá xanh để nấu món ăn này nên hôm nào ra chợ thấy cá xanh nhiều là bạn mua về, trời nắng to mới phơi còn đa số là sấy trên giàn bếp. Không khó để tách phần xương cá, lấy phần thịt um thấm trước với những gia vị có sẵn trong nhà bếp. Vừa nấu cháo, anh Chinh giải thích, môn thì phải chọn đúng môn mùng, gạo nấu cháo phải là gạo ra dư của A Lưới thì mới tạo được đặc trưng riêng. Các loại nguyên liệu khác có càng nhiều càng đậm đà, nên khách càng quý chủ nhà càng phải tìm nhiều nguyên liệu cho nồi cháo.
Tôi hỏi nhỏ bạn: "Chồng bà là người dân tộc Tà Ôi, tôi mới được thưởng thức món này. Vậy người khác lên đây thì làm sao để được ăn món cháo tà lục tà lào?". Ngoan trả lời rất nhanh: "Muốn ăn phải đặt trước, nếu chủ nhà hàng là người Kinh thì phải mời đầu bếp người vùng bản ra chế biến!".
Câu chuyện kết thúc cũng là lúc món cháo hoàn thiện. Nói là cháo, nhưng vì nấu đặc sánh nên không dùng tô hay bát, anh Chinh vừa múc cháo vào những chiếc mẹt bên trên lót lá chuối đã hơ sẵn để có độ dai, tránh bị rách khi ăn, anh vừa giải thích: "Phong tục ngàn đời rồi, bày cháo theo cách này mới thể hiện đúng món ăn của vùng miền".
Món cháo tà lục tà lào hôm đó vợ chồng bạn đãi tôi có khá nhiều nguyên liệu. Gạo vừa sôi thì cho sắn, cá và thịt ba chỉ vào ninh kỹ nên tất cả hòa quyện, thêm bí đỏ tạo thành màu vàng nhạt rất bắt mắt. Anh Chinh lại cố ý trang trí đẹp mắt như để tạo thêm sự hấp dẫn nên cảm giác lo lắng như lần đầu ăn cà lèng không còn nữa. Thế rồi, tôi cũng không khỏi trầm trồ sau khi đã đưa vài thìa cháo vào miệng và ngậm khá lâu để cảm nhận được hương vị của món ăn.
Tất cả những nguyên liệu tôi được chứng kiến rất quen thuộc, dễ mua thế mà người đàn ông người Tà Ôi này vẫn chế biến ra được hương vị độc đáo cho món cháo tà lục tà lào. Mùi tanh được khử hoàn toàn nên mùi thơm của cá nướng vẫn tạo được nét chủ đạo; vị ngọt của cá, thịt ba chỉ thấm đậm vào các nguyên liệu khác: gạo ra dư, sắn, các loại rau thì tạo nên vị ngọt bùi hòa cùng vị đắng nhẹ của măng, kiệu khiến người thưởng thức càng ăn càng ghiền.
Trên đường về nhà hôm đó, món ăn vùng cao cứ theo tôi suốt chặng đường. Thu hút tôi không phải sự hấp dẫn của hương vị lạ mà còn là tình cảm nồng ấm thể hiện lòng mến khách của vợ chồng bạn.